Lễ
Tịch điền với “trâu hóa hổ”: Giả dối và hình thức!
RFA
2022.02.08
Screen shot: Báo Dân Trí
Sáng mùng 7 Tết Nhâm Dần, Chủ tịch Việt Nam,
ông Nguyễn Xuân Phúc mặc áo nâu sòng, lội ruộng dắt trâu đi cày trong Lễ hội Tịch
điền trên cánh đồng xã Tiên Sơn, tỉnh Hà Nam được báo chí Nhà nước đăng tải.
Ngay lập tức, mạng xã hội xuất hiện nhiều dòng trạng thái chế giễu, cười cợt
như “Lãnh đạo Việt Nam nên có cái đầu cao hơn con trâu”; “Chỉ cần nhìn con trâu
thôi, nó được vẽ thành...cọp, chứng tỏ sự giả dối, lừa đảo đã thành nếp nghĩ và
hành động của xã hội, từ trên xuống dưới, chuộng hình thức bên ngoài và thừa nhận
sự lạc hậu muôn thuở…”
Theo tiến sĩ tâm lý Phạm Quỳnh Hương, sở dĩ người dân phản ứng như vậy là vì họ có nhiều điều không hài lòng
về lãnh đạo nhưng họ không thể nói ra, họ mượn chuyện này để nói về điều khác.
Bà nói thêm:
“Nói chung trong xã hội thì lúc nào người ta cũng có
những bức xúc này nọ và khi có cái cớ nào đấy thì người ta sẽ dồn bức xúc vào để
người nói. Người ta nói chuyện đó nhưng thực chất không phải là chuyện đó mà
người ta mượn cớ để nói ra điều mà họ không biết diễn tả vào đâu. Còn chuyện
sơn lên con trâu hình nọ hình kia thì những năm gần đây người ta vẫn sơn chứ
không nhất thiết để con trâu màu đen”.
Lễ Tịch điền ở Việt Nam thời xưa do nhà vua
đích thân khai mạc, cùng con trâu cày ruộng nhằm khuyến khích dân chúng chăm lo
việc cày cấy, phát triển nông nghiệp.
Theo “Việt sử lược”, vào mùa Xuân năm Đinh Hợi
987, lần đầu tiên vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan cày ruộng ở vùng Đọi Sơn
và bắt được chum vàng; năm 988 cày ở Bàn Hải bắt được chum bạc. Từ đó, hàng năm
vào đầu xuân, nhà vua đã về Đọi Sơn mở Lễ Tịch điền, cầu mưa thuận gió hòa, cầu
được mùa, cầu quốc thái dân an, mở ra một lễ hội khuyến nông đầy ý nghĩa.
Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước Việt
Nam đã có chủ trương cơ giới hóa nông nghiệp, nên con trâu chỉ còn xuất hiện ở
vùng nông thôn miền núi phía Bắc chứ không thông dụng trên cánh đồng như trước
nữa. Do đó, hình ảnh Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc dắt trâu đi cày, mà lại là ‘trâu
lai cọp’ gây phản ứng trong dân chúng.
Người nông dân và
con trầu đi cầy ở ngoại thành Hà Nội hôm 16/2/2017. AFP
Anh Quang ở Quảng Nam nêu quan điểm của mình với RFA vào sáng mùng 8 Tết:
“Nó mang tính chất vừa giả dối, vừa hình thức. Người
ta cứ nhân danh truyền thống ngày xưa Vua xuống cày ruộng trong lễ tịch điền để
làm gương cho nông dân, giờ mấy ông nhà mình cũng bắt chước nhưng trông nó lố bịch.
Thà trâu ra trâu, ai lại vẽ vắn vện như con cọp? Sang năm con mèo, con rồng,
con rắn thì sao? Nó không ra làm sao hết!
Thời đại ngày nay tại sao không dùng chiếc máy trong
khi đang kêu gọi công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn mà lại làm hình thức như
thế thì không ra gì hết!”
Đầu năm 2020, ông Nguyễn Xuân Phúc lúc đó là
Thủ tướng đã ban hành nhiệm vụ trọng tâm là phải thúc đẩy quá trình công nghiệp
hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp,
xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Đồng
thời, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, phát triển công nghiệp, ngành nghề dịch
vụ ở nông thôn nhằm nâng cao hiệu quả lao động, tăng thu nhập, chất lượng đời sống
người dân khu vực nông thôn.
Hình ảnh ông Phúc dắt trâu ra đồng bị cho là lạc
hậu, ngược dòng bởi năm 2017, cũng tại Lễ Tịch điền ở tỉnh Hà Nam vào mùng 7 Tết,
Chủ tịch Việt Nam lúc đó là ông Trần Đại Quang đã lái máy cày hưởng ứng phong
trào “công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn” thay vì dắt con
trâu ra đồng.
Giáo sư Võ Tòng Xuân nhận xét:
“Điền là ruộng mà ruộng thì phải có con trâu. Mình
đâu có nói tịch điền bằng con cọp bao giờ. Cọp sao mà đi cày được, cọp thì ở
trong rừng. Hơn nữa, tôi cũng không ủng hộ việc lấy những tục lệ xa xưa quá như
vậy. Bây giờ người ta đã hiện đại hóa hết rồi còn diễn cái tục lệ như vậy làm
cái gì không biết? Nó vừa tốn tiền, vừa tốn thời gian mà thực sự không có ý
nghĩa vì nó không thực tế.
Ngồi lên cái máy cày thì hay hơn. Xứ mình bây giờ mà
muốn tìm ra con trâu thì phải lên vùng núi phía Bắc, người dân tộc thiểu số may
ra còn giữ lại cho trâu cày vì ruộng bậc thang máy làm không được. Xuống tới
vùng đồng bằng thì còn con trâu đỏ thôi (tức máy cày - PV).”
Đảng cộng sản Việt Nam từ lâu bị cho là dối
trá, luôn tuyên truyền sai sự thật nên vô hình chung, hình ảnh con trâu vẽ vằn
vện như con cọp khiến dư luận liên tưởng đến những câu chuyện như thiếu nhi Lê
Văn Tám tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng của Pháp; Phan Đình Giót
lấy thân mình lấp lỗ châu mai; Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo; Võ Thị Sáu ngắt
hoa cài lên mái tóc trên đường ra pháp trường dù hai tay bị trói chặt…
Những câu chuyện như thế từng nằm trong sách
giáo khoa được chính thức giảng dạy trong nhà trường nhiều chục năm.
Nhà văn Nguyên Ngọc từng nói về căn bệnh giả dối trong xã hội: “Tôi cho rằng căn bệnh nặng nhất, chí tử nhất,
toàn diện nhất của xã hội ta hiện nay là bệnh giả dối. Chính cái giả dối
tràn lan khiến người ta không còn thật sự tin vào bất cứ điều gì nữa. Câu hỏi
thường trực bây giờ: Tốt để làm gì? Sạch để làm gì? Quên mình để làm gì? Xả
thân chống lại cái xấu, cái giả để làm gì? Liệu rồi có ai, có cơ chế nào bảo vệ
những nỗ lực đạo đức đó không? Hay thậm chí bị cả cơ chế quật đánh lại như vẫn
thấy không hề ít?”
-----------------------
XEM THÊM
Câu
chuyện lễ hội Tịch Điền và ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
7 tháng 2, 2022
No comments:
Post a Comment