Tuesday, February 8, 2022

ĐỀ XUẤT THÀNH LẬP 'QUỸ KHOA HỌC THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT và XUẤT KHẨU NÔNG SẢN' (Nguyễn Ngọc Chu)

 



Đề xuất thành lập ‘Quỹ Khoa học Thúc đẩy Phát triển Sản xuất và Xuất khẩu Nông sản’   

Nguyễn Ngọc Chu

8/2/2022  04:29   

https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/2570104023123012

 

Muốn phá vỡ phòng tuyến của đối phương thì phải đánh vào các điểm xung yếu. Tương tự như vậy, muốn đưa đất nước tiến nhanh thì phải tác động vào các điểm xung yếu. Có rất nhiều điểm xung yếu. Nhà lãnh đạo sáng trí là người biết chọn đúng các điểm xung yếu.

 

Trong số các điểm xung yếu đầu tiên cần phải tác động là NÔNG NGHIỆP. Nhân giải Vinfuture trị giá 4,5 triệu USD của Vingroup và tài trợ 155 triệu Bảng Anh của tập đoàn Sovico cho Linacre College, xin giới thiệu đề xuất dưới đây.

 

Hà Nội, ngày 19/01/2022

 

Kính gửi: Thủ tướng Phạm Minh Chính

               Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan

 

Biết Ngài Thủ tướng Chính phủ và Ngài Bộ trưởng NN&PTNT rất bận. Nên xin viết ngắn gọn đề xuất dưới đây để Ngài Thủ tướng Chính phủ và Ngài Bộ trưởng NN&PTNT xem xét.

 

ĐỀ XUẤT THÀNH LẬP ‘QUỸ KHOA HỌC THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT VÀ XUẤT KHẨU NÔNG SẢN’

 

I. MỘT SỐ ĐIỂM YẾU CẦN KHẮC PHỤC TRONG ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

 

Không nghi ngờ gì về vai trò của các doanh nghiệp FDI trong tăng trưởng GDP/đầu người và tạo công ăn việc làm ở Việt Nam. Cho nên tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng đầu tư nước ngoài là cần thiết. Nhưng đầu tư FDI ở nước ta có nhiều điểm yếu cần khắc phục, trong số đó là 3 điều dưới đây.

 

1. Sau 30 năm các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, Việt Nam vẫn chỉ giữ vai trò người lao động giản đơn, hoàn toàn không sở hữu được công nghệ, nên Việt Nam không có các doanh nghiệp nội thay thế được và không cạnh tranh được với các doanh nghiệp FDI. Trong khi mục tiêu quan trọng nhất của kêu gọi đầu tư nước ngoài là sau một thời gian người Việt Nam sẽ sở hữu công nghệ để thay thế doanh nghiệp nước ngoài, hơn thế nữa còn phát triển mới và cạnh tranh quốc tế. Ở phương diện này, Việt Nam thua xa so với Hàn Quốc. Nếu tiếp tục chiều hướng này, Việt nam không thể hùng mạnh.

 

2. Lợi nhuận lớn thuộc các doanh nghiệp FDI. Việt Nam chỉ được hưởng một phần rất nhỏ từ thuế, cùng với mức lương lao động thấp, nên thực chất không cải thiện đáng kể được mức sống của người dân. Nếu tiếp tục hướng này, Việt Nam còn lâu mới đạt được mức sống giàu có thịnh vượng.

 

3. Các doanh nghiệp FDI giữ tỷ phần áp đảo tuyệt đối trong kim ngạch xuất khẩu. Tỷ phần này mỗi năm một tăng thêm. Đây là điều không có lợi cho nền kinh tế quốc dân. Nếu tiếp tục chiều hướng này, kinh tế Việt Nam càng ngày càng phụ thuộc vào nước ngoài, khi xảy ra biến cố sẽ trở thành tai hoạ lớn.

 

Cần có quốc sách để từng bước loại bỏ 3 điểm yếu nêu trên.

 

II. NÔNG NGHIỆP LÀ KHU VỰC CÓ TÁC ĐỘNG LỚN ĐẾN MỨC SỐNG TOÀN DÂN

 

Bước tăng trưởng GDP/đầu người không đồng nhất với bước tăng trưởng mức sống người dân. Có địa phương GDP/đầu người cao, nhưng mức sống thực tế của người dân không cao. Trong khi đó thì có địa phương GDP/đầu người không cao, nhưng mức sống thực tế của người dân lại cao. Đó là bởi tuỳ thuộc vào ai là người hưởng được lợi nhiều nhất trong tăng trưởng GDP. Ở những tỉnh có doanh nghiệp GDP với doanh thu lớn, GDP/đầu người tăng, nhưng lợi nhuận chính thuộc về các chủ doanh nghiệp FDI, người dân trong tỉnh không được hưởng lợi nhuận đó, chỉ số GDP/đầu người tuy cao, nhưng mức sống thực tế của người dân thay đổi không đáng kể. Trong khi đó thì các tỉnh nông nghiệp không có doanh nghiệp FDI, nhưng có sản lượng xuất khẩu nông sản cao, tuy GDP/đầu người không cao, nhưng thu nhập thực tế của người dân lại cao hơn.

 

Hiện nay, có khoảng 70% dân số Việt Nam thuộc khu vực nông thôn. Đây là “đa số vàng” của Việt Nam. Gọi “đa số vàng” vì dựa trên 3 tiêu chí sau đây.

 

1. Là nguồn lao đông chủ chốt.

 

2. Là nguồn nhân lực quốc phòng chủ chốt.

 

Trong thời bình hay trong chiến tranh, cho đến thời điểm hiện tại và vài thập niên tới nữa, con em từ khu vực nông thôn vẫn là lực lượng chủ chốt của quân đội, của nền quốc phòng toàn dân.

 

3. Là nơi quyết định tốc độ thay đổi mức sống toàn quốc.

 

Khi GDP/trên đầu người của khu vực nông thôn chiếm 70% dân số (và tương ứng 70% lực lượng lao động) thay đổi thì sẽ kéo theo sự thay đổi lớn GDP/ đầu người trên toàn quốc.

 

Điểm thứ hai, tăng trưởng GDP/đầu người trong lĩnh vực nông nghiệp, nơi người Việt Nam làm chủ thì phần lớn lợi nhuận sẽ thuộc về người Việt Nam (khác với trường hợp các doanh nghiệp FDI), nên mức độ giàu có thực tế của người dân sẽ tăng nhanh hơn.

 

Điểm thứ ba, là khu vực mà người Việt Nam làm chủ nên có khả năng tiếp cận và sở hữu công nghệ, nên tự quyết được sự tăng trưởng GDP/đầu người mà không phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp FDI.

 

Bởi thế, phải tác động lên “đa số vàng” để có bước thay đổi lớn. “Đa số vàng” là huyệt đạo cần bấm, là ổ khoá cần mở. Nông nghiệp vì thế phải là lĩnh vực được ưu tiên phát triển hàng đầu.

 

III. ĐỀ XUẤT THÀNH LẬP ‘QUỸ KHOA HỌC THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT VÀ XUẤT KHẨU NÔNG SẢN’

 

Có nhiều biện pháp để giúp nông nghiệp Việt Nam phát triển. Xin đề xuất một biện pháp cụ thể, khả thi và sẽ dẫn đến sự phát triển đột phá và bền vững cho ngành nông nghiệp.

 

1. Thành lập Quỹ khoa học thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu nông sản

Năng suất các sản phẩm nông nghiệp hiện nay chưa cao, chất lượng chưa tốt. Nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được các thị trường đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao. Từ đó làm cho giá trị xuất khẩu thấp, khó mở rộng thị trường, việc xuất khẩu nông sản năm nào cũng khó khăn (chẳng hạn như ùn tắc xuất khẩu nông sản ở biên giới) gây ảnh hưởng xấu đến đời sống của nhiều chục triệu người dân. Cho nên, cần có Quỹ khoa học với mục đích thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp và tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Phải nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của các thị trường Âu – Mỹ, Nhật, Hàn, Trung Quốc. Tăng năng suất sản phẩm, giảm giá thành, để cạnh tranh được với sản phẩm nước ngoài và tăng năng suất lao động, tăng thu nhập. Tăng năng suất sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ đưa đến bước tiến lớn trong xuất khẩu cho các sản phẩm nông nghiệp. Quỹ không chỉ tập trung cho tăng năng suất và nâng cao chất lượng nông sản, mà còn bao gồm cả áp dụng và sở hữu công nghệ, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu.

 

2. Nguồn và quy mô Quỹ

Hiện nay Vingroup đã có quỹ nghiên cứu khoa học 50 triệu USD và giải thưởng khoa học Vinfuture hàng năm trị giá 4,5 triệu USD. Mới đây tập đoàn Sovico đã quyết định tài trợ 155 triệu Bảng (213 triệu USD) cho một trường đại học của Anh. Như vậy, các tập đoàn tư nhân Việt Nam đã sẵn sàng tài trợ cho các nghiên cứu khoa học hữu ích. Tài trợ được cho khoa học nước ngoài thì cũng tài trợ được cho khoa học trong nước, giúp cho nông nghiệp Việt Nam phát triển.

Quy mô Quỹ khoảng 200 triệu USD, huy động từ đóng góp của các tập đoàn tư nhân Việt Nam. Đây không phải là số tiền quá lớn, và có thể huy động được.

 

3. Quản lý Quỹ

Quỹ hoạt động độc lập. Quản lý Quỹ theo nguyên tắc tư nhân, tương tự như ở các nước phát triển. Đừng nghĩ rằng sẽ lặp lại vết xe đổ của các dự án chi tiền từ ngân sách nhà nước. Các tập đoàn tư nhân Việt Nam tin tưởng vào các hội đồng quản lý quỹ khoa học của nước ngoài, thì ở Việt Nam cũng lập được các hội đồng quốc tế quản lý quỹ khoa học tương tự.

 

4. Nguyên tắc hoạt động xương sống: Hoàn vốn

Mọi chi phí của Quỹ cho nghiên cứu, triển khai, hỗ trợ để tăng năng suất, nâng cao chất lượng, xuất khẩu sản phẩm đều phải được Hoàn vốn. Lấy kết quả để hoàn vốn. Mọi đề án phải được áp dụng thực tiễn. Không có đề án đút ngăn kéo. Không có nghiên cứu mạo hiểm. Không có chi phí vô ích.

 

Nguyên tắc Hoàn vốn là điều kiện đảm bảo cho Quỹ hoạt động hiệu quả, không thất thoát, không lãng phí, hoàn toàn khác biệt với các Quỹ chi tiền từ ngân sách nhà nước hiện nay. Nguyên tắc Hoàn vốn sẽ giúp bảo toàn Quỹ mà không đòi hỏi phải mở rộng quá lớn. Nguyên tắc Hoàn vốn quyết định sự thành công của Quỹ. Về tổ chức và hoạt động của Quỹ cần được thảo luận và trình bày chi tiết trong một dự án khác mà không thể đề cập ở đây.

 

Đi theo con đường FDI hiện nay không thể giúp cho Việt Nam nhanh chóng tự cường. Đi theo con đường quản lý khoa học của Việt Nam hiện nay không mang lại hiệu quả khoa học đích thực (mà vụ Việt Á vừa qua là một minh chứng cụ thể). Chỉ có sở hữu sáng chế nguồn thì Việt Nam mới có thể từng bước theo kịp với các quốc gia hùng mạnh.

 

Trong sở hữu sáng chế nguồn thì nông nghiệp là lãnh địa thuận lợi và cần được ưu tiên hàng đầu. Nông nghiệp quyết định trực tiếp mức sống của 70% dân số toàn quốc. Nông nghiệp là một trong những ngòi nổ dẫn đến sự bùng phát của kinh tế. Nông nghiệp là khu vực mà người Việt Nam tiềm tàng khả năng sở hữu sáng chế nguồn. Chỉ khoa học và công nghệ mới có thể giúp cho nông nghiệp có những bước tiến vượt bậc.

 

Đương nhiên, ngoài khoa học và công nghệ còn hai nhân tố chìa khoá khác quyết định tốc độ phát triển. Đó là luật chơi và con người.

 

Quyết định huy động 200 triệu USD từ các tập đoàn tư nhân cho ‘Quỹ khoa học thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu nông sản’ sẽ đem lại lợi nhuận nhiều tỷ USD bền vững trong nhiều năm, góp phần nâng cao và ổn định đời sống của 70% dân số Việt Nam, giúp cho khoa học nông nghiệp Việt Nam tự phát triển, giúp cho Việt Nam bớt phụ thuộc vào nước ngoài, chóng tự cường. Hơn thế nữa, đây là quyết định mang lại hiệu quả ngay, bắt đầu chỉ sau một năm thực thi.

 

“Đa số vàng” là “mặt trận” mang tính bản lề. Những quyết định bản lề luôn khó và gây tranh cãi. Nhưng những quyết định bản lề chỉ dành cho những bậc sáng trí, quyết đoán.

 

Trân trọng

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu

 

Hình :

https://www.facebook.com/photo/?fbid=2570098356456912&set=pcb.2570104023123012

https://www.facebook.com/photo/?fbid=2570098526456895&set=pcb.2570104023123012

 

.

419 BÌNH LUẬN  

 





No comments: