BIÊN GIỚI
THÁNG HAI & PHƯƠNG BẮC
https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/4718272128207931
Khác với thông lệ, Đại hội Đảng diễn ra đã hơn
một năm, chưa thấy các tân lãnh đạo Việt Nam sang thăm Trung Quốc. Trong khi, cả
Chủ tịch Nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội đều đã đã đi gần khắp Á, Âu.
Tháng Ba tới đây, Thủ tướng cũng có lịch sang thăm Mỹ.
Chuyến thăm Trung Quốc gần nhất của TBT Nguyễn
Phú Trọng diễn ra cũng đã từ tháng 1-2017. Kể từ tháng 4-2019, TBT rất ít khi
ra khỏi Thủ đô. Trong nhiệm kỳ này, ai - trong số "tam nhân" - mở đầu
chuyến thăm Trung Quốc sẽ được giới quan sát coi là một chỉ dấu chính trị mở ra
rất nhiều suy đoán.
https://www.facebook.com/photo/?fbid=4718070181561459&set=pcb.4718272128207931
Cựu Chủ tịch nước
Trương Tấn Sang tháp nhang tại nghĩa trang Vị Xuyên năm 2016. Ảnh: TTXVN
Trong khi đó, ngày 8-12-2021, Chủ tịch nước
Nguyễn Xuân Phúc đã đến dâng hương Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. Và,
trước Tết, ngày 26-1-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tại khu tưởng
niệm các liệt sĩ Pò Hèn. Nhân vật đầu tiên trong Bộ Tứ thắp hương trên mộ các
liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Trung Quốc là Chủ tịch
Nước Trương Tấn Sang. Ông lên Biên giới vào ngày 17-2-2016, gần một tháng sau Đại
hội (XII).
https://www.facebook.com/photo/?fbid=4718068844894926&set=pcb.4718272128207931
Thủ tướng VN Phạm
Minh Chính dâng hương tại khu tưởng niệm các liệt sĩ Pò Hèn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Càng nghiên cứu các tư liệu trong quan hệ Việt
- Trung kể từ năm 1949 càng buồn. Theo nhà nghiên cứu Trần Việt Phương, thư ký
cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, "Trong lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ
nước chưa có thời đại nào ngây thơ, mất cảnh giác như thời đại ngày nay".
Trên thực tế, Hà Nội thường đồng hành hăm hở với Bắc Kinh những khi họ rất sai
và rất Mao (cải cách ruộng đất, chỉnh huấn, chỉnh quân, hợp tác hóa...); và khi
Bắc Kinh đúng, Hà Nội lại chọn con đường ngược lại.
Năm 1978, khi Đặng Tiểu Bình chủ trương,
"Mèo Trắng, mèo đen miễn là bắt được chuột", Trung Quốc không còn
"mèo đen". Trong khi đó, chiến dịch "Đánh tư sản" tháng
9-1975, Việt Nam mới chỉ nhắm vào các nhà "tư sản mại bản" liên quan
tới chiến tranh. Hàng vạn các nhà tư sản sản xuất và thương nghiệp vẫn chưa bị
đánh.
Cũng năm 1978, khi Đặng sửa những cái sai của
Mao, Lê Duẩn đưa Đỗ Mười cầm quân vào Nam, bắt đầu chiến dịch "Cải tạo
công thương nghiệp tư doanh". Hàng vạn nhà tư sản bị tịch thu tài sản; bị
đưa đi kinh tế mới và bị đẩy "vượt biên" theo "Phương án
II". Hàng vạn đối tác tiềm năng cho dòng vốn từ Hồng Kông, Đài Loan... đến
Việt Nam bị "đánh" cho tan tác.
"Ngây thơ, mất cảnh giác, tin vào chủ nghĩa quốc
tế vô sản" là niềm tin dễ đổ vỡ nhất.
Thay vì hành xử trên nền tảng tư duy chiến lược với bài học lịch sử nghìn năm,
những gì chúng ta chứng kiến là phản ứng như sự dao động trả về của con lắc
(swing back).
Và, cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới, kéo
dài hơn mười năm đã cướp đi sinh mạng hoặc một phần cơ thể của hàng vạn thanh
niên thuộc thế hệ chúng tôi (sinh trong các thập niên 1950s, 1960s); đồng thời
làm khánh kiệt quốc gia và nhấn chìm vị thế của người Việt Nam xuống đáy.
Tôi đã viết đơn nhập ngũ ngay vào sáng
17-2-1979, khi hai anh tôi đang ở trong quân ngũ. Nếu Trung Quốc gây hấn, tôi
tin là các thế hệ thanh niên ngày nay cũng sẽ làm như chúng tôi. Trong lịch sử
nghìn năm của Việt Nam những anh hùng chống phương Bắc, trong dân, đều bất tử.
Thật là xấu hổ khi kể từ sau Hội nghị Thành
Đô, cuộc chiến tranh Biên giới tháng 2-1979 đã dần bị lãng quên. Bài báo đầu tiên
trên báo nhà nước, Biên Giới Tháng Hai, nhắc lại sự kiện này, đưa lên Sài Gòn
Tiếp Thị chỉ sau vài tiếng đã bị tuyên giáo bắt gỡ xuống (2-2009). Các lễ dâng
hương viếng hương hồn các liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc này
thường bị né tránh. Nhiều 17-2, chúng tôi đi trên các nẻo đường Biên giới mà mồ
liệt sĩ không có một nén hương...
Việc các nghĩa trang trên Biên giới phía Bắc
đang được trùng tu và các nhà lãnh đạo trong hàng nguyên thủ lần lượt đến dâng
hương, dù muộn, cũng an ủi phần nào cho những người đã hy sinh vì đất nước.
https://www.facebook.com/photo/?fbid=4718069468228197&set=pcb.4718272128207931
Chủ tịch nước Nguyễn
Xuân Phúc đến dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. Ảnh: TTXVN
Chưa có kẻ nào nhiều tham vọng thôn tính lãnh
thổ và nền độc lập của người Việt Nam như Trung Quốc. Nhưng, chúng ta vừa ở gần
một mối đe dọa vừa ở gần một nền kinh tế lớn.
Cách ứng xử trong mối quan hệ với Trung Quốc
trong nhiệm kỳ này có thể là đang có nhiều cân nhắc.
Dân chúng không bao giờ tha thứ cho những ai
hèn hạ. Nhưng dân chúng đã phải trả giá rất đắt với những nhà lãnh đạo chỉ muốn
làm người hùng. Dân chúng cần những bộ óc chiến lược, hiểu lòng dân mà không tạo
cơ hội cho những âm mưu đến từ phương Bắc.
.
No comments:
Post a Comment