Wednesday, September 9, 2020

Ý NGHĨA CHIẾN LƯỢC CỦA HỢP TÁC DẦU KHÍ VIỆT - MỸ (Lê Hồng Hiệp)

 


Ý nghĩa chiến lược của hợp tác dầu khí Việt – Mỹ

Lê Hồng Hiệp

10/09/2020

http://nghiencuuquocte.org/2020/09/10/y-nghia-chien-luoc-cua-hop-tac-dau-khi-viet-my/

 

Hình : http://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2020/09/bluewhale.jpg

 

Là một nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh, nhu cầu năng lượng của Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng từ 8,5 đến 9,5% mỗi năm trong vòng 5 năm tới. Cùng với nhu cầu giảm phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than, điều này đã khiến Việt Nam phải tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế. Ngoài đầu tư vào năng lượng tái tạo, Việt Nam cũng đang tìm cách hợp tác với các đối tác có trụ sở tại Hoa Kỳ để phát triển nguồn cung dầu khí và các nhà máy điện khí – một nỗ lực được thúc đẩy bởi các tính toán chiến lược lẫn kinh tế của Việt Nam.

 

Việt Nam hiện đang làm việc với ExxonMobil để phát triển mỏ khí Cá Voi Xanh ngoài khơi bờ biển miền Trung với trữ lượng ước tính khoảng 150 tỷ mét khối. Khí từ mỏ này sẽ được sử dụng để chạy 3 nhà máy điện khí dự kiến ​​được xây dựng tại Khu Kinh tế Dung Quất gần đó. Vào tháng 11 năm 2019, công ty AES Corp của Mỹ cũng đã nhận được giấy phép xây dựng khu liên hợp điện khí Sơn Mỹ 2 có công suất 2,25 GW tại tỉnh Bình Thuận. Nhà máy sẽ chạy bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Mỹ.

 

Ngoài Sơn Mỹ 2, Việt Nam hiện đang phát triển 4 dự án điện khí khác sử dụng LNG nhập khẩu là Cà Ná 1 (1,5 GW), Sơn Mỹ 1 (2,25GW), Bạc Liêu (3,2 GW) và Long Sơn 1 (1,2 GW). Theo Bộ Công Thương Việt Nam, những dự án mới này sẽ đưa tổng công suất lắp đặt của các nhà máy điện khí Việt Nam tăng từ 9 GW hiện tại lên 19 GW vào năm 2029, có nghĩa là Việt Nam sẽ phải tăng nhập khẩu LNG.

 

Đồng thời, Hoa Kỳ đã nổi lên trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn thứ ba trên thế giới. Trong năm 2019, Hoa Kỳ chiếm hơn một nửa công suất các nhà máy hóa lỏng khí mới của toàn cầu. Ngành công nghiệp LNG đang mở rộng nhanh chóng của Mỹ và nhu cầu nhập khẩu LNG ngày càng tăng của Việt Nam đã mở ra một biên giới mới khả thi cho hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ. Ví dụ, khi đi vào hoạt động, tổ hợp điện khí Sơn Mỹ 2 sẽ tạo ra nhu cầu nhập khẩu LNG từ Mỹ hàng năm trị giá 2 tỷ đô la. Đây là một con số đáng kể khi mà năm 2019, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Hoa Kỳ chỉ ở mức 14,4 tỷ đô la.

 

Mặc dù có thể nhập khẩu LNG từ một số quốc gia khác nhau nhưng Hà Nội đặc biệt quan tâm đến việc hợptác với các nhà cung cấp Mỹ do điều này sẽ giúp cải thiện cán cân thương mại song phương.

 

Theo Hải quan Việt Nam, Việt Nam đạt thặng dư thương mại 47 tỷ USD với Mỹ trong năm 2019. Chênh lệch cán cân thương mại ngày càng lớn này từ lâu đã gây ra bất bình cho chính quyền của Tổng thống Donald Trump, người hồi giữa năm 2019 đã gọi Việt Nam là một bên “lạm dụng” thương mại và đe dọa áp thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đáp lại, Việt Nam cam kết sẽ cải thiện cán cân thương mại, đặc biệt là bằng cách tăng nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Mua LNG của Mỹ để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện khí đang rất cần thiết cho an ninh năng lượng của mình vì vậy là một mũi tên trúng nhiều đích của Hà Nội.

 

Giải quyết những khúc mắc với chính quyền Trump là điều quan trọng vì Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và bất kỳ mức thuế trừng phạt nào do Washington áp đặt sẽ gây tổn hại đáng kể lên xuất khẩu và đe dọa tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Về mặt chiến lược, Hoa Kỳ hiện đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của Việt Nam nhằm chống lại các hành động cưỡng bức của Trung Quốc ở Biển Đông. Ví dụ, trong các cuộc đối đầu song phương đáng kể ở Biển Đông vào năm 2014 và 2019, sự hỗ trợ ngoại giao của Hoa Kỳ rất quan trọng đối với nỗ lực của Hà Nội nhằm huy động sự ủng hộ của quốc tế chống lại hành vi bắt nạt của Trung Quốc.

 

Trong bối cảnh đó, việc Trung Quốc liên tục quấy rối các hoạt động dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông cũngmang lại cho Việt Nam một lý do chính đáng khác để hợp tác với các công ty Mỹ như ExxonMobil nhằmthực hiện các dự án dầu khí của mình, đặc biệt là khi các đối tác nước ngoài khác tỏ ra không thể chống lại sức ép từ Trung Quốc. Sau khi công ty dầu mỏ Tây Ban Nha Repsol quyết định hủy hợp đồng chia sẻ sản lượng với PetroVietnam (PVN) đối với ba lô gần Bãi Tư Chính ở Biển Đông, đối tác Nga lâu năm của PVN là Rosneft dường như cũng đang khuất phục trước các áp lực từ chính phủ Trung Quốc.

 

Gần đây, lập trường của Hoa Kỳ đối với các tuyên bố chủ quyền thái quá của Trung Quốc ở Biển Đông đãtrở nên cứng rắn hơn, đồng thời Mỹ đã lên án việc Bắc Kinh cản trở các hoạt động dầu khí hợp pháp của các quốc gia tranh chấp khác trong vùng biển của họ. Trong bối cảnh đó, hợp tác với các công ty Mỹ để phát triển dầu khí có thể là một chiến lược khả thi đối với Hà Nội vì Washington sẽ sẵn sàng hơn hầu hết các quốc gia khác trong việc hỗ trợ các công ty của mình chống lại sự quấy rối của Trung Quốc.

 

Quan điểm lâu nay của Việt Nam là tránh đối đầu với Trung Quốc và duy trì sự cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ. Một mặt, do sự cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng giữa hai cường quốc, hợp tác với các công ty Mỹ để thực hiện các dự án dầu khí ở Biển Đông và tăng cường quan hệ với Washington có thể sẽ khiến Trung Quốc tức giận.

 

Nhưng mặt khác, Hà Nội cũng không thể tiếp tục cúi đầu trước sức ép của Trung Quốc. Bất chấp thiện chí và nỗ lực của Việt Nam nhằm tiết chế mối quan hệ với Washington để không làm mất lòng Bắc Kinh, Trung Quốc vẫn ngày càng gia tăng áp lực lên chính phủ Việt Nam bằng cách liên tục quấy phá các hoạt động dầu khí ngoài khơi của Hà Nội. Do đó, Việt Nam cần phải biến hợp tác dầu khí với Hoa Kỳ trở thành một đòn bẩy chiến lược nhằm chống lại sự cưỡng ép trên biển của Trung Quốc.

 

Rốt cuộc, nếu Hà Nội quyết định xích lại gần Washington thì Bắc Kinh chỉ có thể tự trách mình. Chính chủ nghĩa bành trướng trên biển và các hành động bắt nạt của Trung Quốc đang buộc Việt Nam phải hànhđộng. Quả thật, nếu không đứng lên chống lại sự đe dọa của Trung Quốc,  không chỉ chủ quyền ở Biển Đông mà cả an ninh năng lượng và sự thịnh vượng kinh tế về lâu dài của Việt Nam cũng sẽ bị đe doạ.

 

----------------------

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên The Diplomat. Hình: ExxonMobil.

 

 

 

 

 

 


No comments: