Tuesday, September 8, 2020

Tử Phác - MỘT SỐ PHẬN BI THẢM (Thái Kế Toại)

 


Tử Phác - MỘT SỐ PHẬN BI THẢM   

Thái Kế Toại

5/9/2020  lúc 23:58  

https://www.facebook.com/thai.k.toai/posts/10216442496767769

 

Nhạc sĩ Tử Phác là một trong những số phận bi thảm nhất trong các nhân vật chủ chốt của Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.

 

Cần phải giải thích thêm là tại sao tôi dùng chữ Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm bởi vì ngay gần đây vẫn có người muốn phân biệt rạch ròi là ông này, ông kia chỉ viết ở báo này, báo nọ không dính dáng gì đến báo Nhân Văn hoặc tạp chí Giai Phẩm cả. Đúng là như thế, có những người như thế, như ông Phan Ngọc vừa mới mất chẳng hạn. Tất nhiên ở thời kỳ đó cách dùng thuật ngữ chưa được chuẩn lắm nhưng căn cứ vào tầm vóc của sự kiện, ảnh hưởng sâu rộng toàn xã hội của nó, biện pháp đối phó xử lý các đối tượng của chính quyền, Nhân Văn Giai Phẩm không phải chỉ là một nhóm mà là cả một trào lưu dân chủ rộng lớn ở miền Bắc được sự hưởng ứng trong khắp các tầng lớp nhân dân, trí thức, văn nghệ sĩ, học sinh, giáo viên, sinh viên. Chưa có sự hình thành tổ chức cụ thể nhưng Nhân Văn và Giai Phẩm là trung tâm, là nơi phát đi những làn sóng xung động mạnh mẽ. Thế mới biết rằng trong buổi đầu của xã hội toàn trị chính quyền luôn luôn lo ngại ảnh hưởng của văn học nghệ thuật là vì thế.

 

Còn với nhạc sỹ Tử Phác, tại sao gọi ông là một trong những số phận bi thảm nhất của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Trong số các nhân vật chủ chốt của phong trào này có nhiều người rơi vào bi thảm, nhưng chỉ có một số ít là bi thảm nhất. Ngoài mức án, mức độ cắt bỏ chế độ chính sách, Tử Phác còn là người chết vì ung thư năm 1982, cho đến nay chưa được một chút gì của chính sách đổi mới, phục hồi như cho các chiến hữu bạn ông.

 

Tử Phác tức Nguyễn Anh Chấn tên thật là Nguyễn Văn Kim trong một gia đình quan lại, giàu có, là nhạc sĩ, sinh năm 1923, nhà ở phố Hàng Giấy, khu chợ Đồng Xuân, Hà Nội. Thời niên thiếu, ông thường viết nhạc cùng nhạc sĩ Lương Ngọc Châu (cháu của Lương Văn Can trong Đông Kinh Nghĩa Thục). Mẹ ông là Trương Tần Phác, hậu duệ của anh hùng Trương Định. Bút danh Tử Phác có nghĩa là con của bà Phác.

 

Vợ Tử Phác là bà Lương Thị Nghĩa. Bà Nghĩa cũng là dân phố cổ như ông là em của nhạc sĩ Lương Ngọc Châu. Ông ở Hàng Bạc, còn bà ở Hàng Ngang. Bà học piano từ nhỏ. Kháng chiến, bà tản cư về Thái Bình giảng dạy âm nhạc và tham gia công tác phụ nữ. Bà lên Việt Bắc năm 1950, công tác tại ngành điện ảnh. Ở Việt Bắc, họ đã gặp nhau và thành hôn với nhau.

 

Năm 1945, đang học dở cử nhân luật ông tham gia kháng chiến chống Pháp. Tử Phác được kết nạp vào Đảng Cộng sản và phụ trách tờ báo Thủ đô của khu II.

 

Năm 1949, được vào Ban Chấp hành Chi hội Văn nghệ Liên khu III

 

Năm 1950, Tử Phác giữ chức Trưởng phòng Văn Nghệ thuộc Tổng cục Chính trị

 

Năm 1952, ông làm Tổng Phụ trách Văn Công Quân đội

 

Trong thời gian này Tử Phác viết ca khúc nổi tiếng Tiếng hát quay tơ 1948.

 

.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha viết:

 

Riêng với “Tiếng hát quay tơ” của ông, nghệ sĩ Kim Ngọc đã thể hiện hết sức tuyệt vời. Những ngày đầu đổi mới, bà Kim Ngọc hát lại “Tiếng hát quay tơ” vẫn hay và nhuyễn như xưa. Bài hát cần rất nhiều sắc thái khác nhau và bà đã thấm nhuần điều đó khi thể hiện. Đoạn thể hiện chiến sĩ ngoài mặt trận cần mạnh mẽ, bà đã hát rất cuốn hút và bốc lửa: “Người chiến sĩ ầm gió rít sương rơi/ Đẫm mình trong khói súng/ Chiến trường áo mong manh/ Căm thù nuôi ấm thân/ Quyết lấy máu pha tô sắc cờ…”.

 

Đoạn nối tiếp là tâm sự của người vợ ở hậu phương thì lại được thể hiện rất dịu dàng, mượt mà trong bâng khuâng thương nhớ: “Chàng ra đi giữ miếng vườn này giữ mái tranh này/ Em về xa vắng thầm lo cho cánh chim bay/ Chiều nghe rơi tiếng lá xạc xào em ngỡ/ Ngỡ bóng dáng ai về…”.

 

Và thương nhớ đã quyến vào nhịp xa quay điệp khúc: “Quay quay thương nhớ luyến vào tơ/ Quay quay may áo rét dâng chàng/ Rộn ràng tơ lướt tới người chiến sĩ yêu/ Quay quay thương nhớ luyến vào tơ/ Quay quay may áo rét dâng chàng/ Mỗi một đường tơ là mỗi dây tình trong lòng/ Em dâng người hiên ngang…”.

 

Tử Phác còn là người quyết định hiện đại hóa nhạc múa sạp cho điệu múa dân gian của các dân tộc Tây Bắc. Nhạc sĩ Mai Sao kể:

 

...Ngày ấy, sau chiến dịch Hòa Bình, văn công quân đội “lượm” được một món đặc biệt Tây Bắc. Đó là điệu nhảy “sạp”. Điệu nhảy thật đơn giản. Hai cây tre thon, dài chừng bốn mét gọi là “sạp”. Một chị ở một đầu, một anh ở đầu bên kia, ngồi gõ “sạp” theo nhịp trống. Một đôi nam nữ nhảy ra. Hai cây tre mở ra khép lại. Diễn viên trong sạp hoặc ngoài sạp cứ vỗ tay đều đều theo nhịp gõ. Cũng có nhạc đệm. Có lúc na ná cò lả. Có lúc na ná trống quân. Tại bãi lửa trại cùng thưởng thức nhảy “sạp” đêm đó, có nhạc sĩ Tử Phác và nhà thơ Hoàng Cầm - Trưởng đoàn văn công Quân khu Việt Bắc cùng nhạc sĩ Mai Sao - người chủ trương dùng mấy điệu nhạc trên cho “sạp”. Sau đêm diễn, khi ngồi trao đổi. Hoàng Cầm nói với Tử Phác rằng múa thì độc đáo, nhưng phần nhạc không ổn. Nhạc như thế thì khác nào bắt các cô gái Thái đội nón thúng quai thao. Phải có đúng âm nhạc của “sạp”.

 

Tử Phác cũng cho rằng phải có một nhạc múa “sạp” đúng là nhạc của miền Tây Bắc. Và thế là Tử Phác yêu cầu Mai Sao phải tìm hiểu để viết ra một nhạc múa phù hợp. Tiếp thu chỉ thị của “thủ trưởng” Tử Phác, Mai Sao trở lại Tây Bắc. Ở đó, anh cùng Bàng Thúc Hiệp đã đi nghe nhiều điệu “khắp” (hát) dân ca Thái và sau nhiều tháng, Mai Sao đã viết ra điệu nhạc múa “sòn sòn sòn đô sòn - sòn sòn sòn đô rê...” theo ngũ cung “rề - mi - son - la - đố” về trình làng tại Tổng cục Chính trị vào mùa hè 1952.

 

Ngay lập tức, điệu nhạc múa “sạp” này được O.T.K nhiệt liệt. Nó đã được phối khí một cách nhuần nhụy, tinh vi với các nhạc cụ dân tộc: Trống cái, trống cơm, khèn, sáo mèo, nhị, đàn tranh, đàn bầu cùng với các nhạc cụ Tây phương như accordeon, guitare, violon, clarinet... Điệu nhạc được dùng cho điệu múa đã được nhạc trưởng Lê Đóa phối hợp cùng đạo diễn múa Ngọc Minh đưa lên thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo.

 

Tử Phác là một trong những người đi tiên phong trong phong trào NVGP. Tháng 4 năm 1955 ông cùng sáu bạn chiến đấu khác trong quân đội là Đỗ Nhuận, Trần Dần, Hoàng Cầm, Trần Công, Trúc Lâm, Hoàng Tích Linh đệ trình Dự thảo đề nghị cho một chính sách văn hóa lên Tổng cục chính trị yêu cầu tự do sáng tác, trả quyền lãnh đạo văn nghệ về tay văn nghệ sĩ, bãi bỏ hệ thống chính trị viên trong các đoàn văn công quân đội, sửa đổi chính sách văn nghệ trong quân đội.

 

Sau phát pháo mở màn đầu tiên các ông bị kỷ luật và chuyển ra khỏi quân đội.

 

Từ năm 1957–1958, Tử Phác là Thư ký tòa Soạn của tạp chí Âm nhạc thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ngoài công việc chính ông còn viết một số bài cho báo Nhân Văn và Giai Phẩm.

 

Năm 1959–1960, sau khi vụ Nhân văn Giai phẩm xảy ra, cùng với nhà thơ Lê Đạt ông bị đưa đi cải tạo tại Nông trường Chí Linh Hải Dương. Trong các cuộc đấu tố ông bị nhiều người đồng chí, đồng ngũ phản bội, lăng mạ, tố cáo cái quá khứ gọi là quan lại, đốn mạt, xấu xa...

 

Tử Phác cùng Đặng Đình Hưng bị khai trừ khỏi Hội Nhạc sĩ Việt Nam thời hạn 3 năm. Kèm theo cái án này cũng là quyết định cấm lưu hành tác phẩm ( treo bút ) trong thời hạn đó. Cũng như những nhà văn bên Hội Nhà Văn, cái án của Tử Phác kéo dài cho tới khi ông chết, không ai trong giới lãnh đạo văn nghệ nghĩ đến việc cởi trói cho họ.

 

Sau khi cải tạo về Tử Phác không tìm được một việc làm nào. Không được bất cứ cơ quan văn hóa nào nhận ông. Không có sinh kế, vợ con nheo nhóc, sống vất vưởng nhờ tiền trợ giúp của gia đình nội ngoại ở Pháp, đồ đạc trong nhà bán dần dần đến cả chiếc dương cầm, cái hương án...

 

Túng quẫn Tử Phác đã phải cho vợ và các con vượt biên, chỉ giữ lại người con trai cả đã lập gia đình.

 

Bế cháu trong lòng đã có lúc ông viết những câu thơ buồn bã thế này :

 

Chiếc mặt nạ treo cao rạp hát

Nửa cười nửa khóc tấn trò đời

Cũng giống mặt tôi nửa người nửa ngợm

Tôi quay đi khỏi tủi mắt cháu tôi

Thẹn thùng ý tứ với nhà thơ

Tầm Dương canh khuya người kỹ nữ

“Tay ôm đàn che nửa mặt hoa”

Tôi giữ cháu tôi trên đùi tôi nhún nhẩy

Quay đầu đi giấu nửa mặt mo

 

Ở một bài khác ông viết:

 

Tôi biết đi đâu biết về đâu

Ðất lửa khi nao là đất thánh

Cát bụi bơ vơ giữa địa cầu

Nay bạn mai thù không hiểu nổi

Chuyện đời nhân nghĩa lộn đầu đuôi

Tôi muốn hỏi trên đường vạn nẻo

Ðâu đất lành dung lũ chúng tôi

 

Nỗi lo sợ khi “ném vợ con vào chỗ chết để đi tìm đường sống” Tử Phác đã ghi lại trong một bài:

 

Xưa tiễn Kinh Kha có sá gì

Sá gì tiếng sáo Cao Tiệm Ly

Sầu thế kỷ muôn lần hơn chuyện cổ

Tìm em nơi nao trên biển đông

Thuyền con như lá rớt giữa dòng

Lòng biển tối đen lòng đời hiểm độc

Em lênh đênh theo định mệnh hãi hùng

.....

Ðất đuổi tôi ra biển

Biển quẳng tôi về đâu

Chỉ nghe trong sóng gió

Thảm thiết thiết hải âu

.....

 

Không biết trên thế giới có bao nhiêu dân tộc người ta đã phải làm cái việc cố gắng lìa nhau để sống, vui mừng vì có người đi thoát khỏi đất nước, dù chẳng còn mong có ngày gặp lại.

 

Năm 1982, Tử Phác mất trong cảnh cô đơn, nghèo đói, đau đớn vì bệnh ung thư vòm họng. Đám ma ông buồn bã, lặng lẽ. Theo sau quan tài có mấy người bạn NVGP.

 

Nhà thơ thơ Trần Dần tế ông:

 

Ngày xửa, ngày xưa... có một chàng trai...

trong ầm ầm... gió rét... mưa bay...

động tâm vì những người chiến trường áo mong manh...

liều lấy cả tuổi xanh mình... tim thật mình...

quay tơ... may áo...

ai ai đều nhớ...

mỗi một đường tơ là mỗi dây tình...

dâng người hiên ngang

Thế là khúc tâm ca thành áo ấm trữ tình

Cho hơn môt thế hệ những người áo mong

manh chiến trường

Nghe âm vang lên tiếng chiến chinh

Mơ làm diều mang sáo thanh bình

Nghe vườn cây xao xác gió may

Mơ làm chiếc lá úa rơi đầy

 

Rất tiếc nhạc sĩ Tử Phác từ giã cõi đời quá sớm khi ông vừa đầy 60 tuổi vào lúc cuộc sống miền Bắc cực kỳ khó khăn và cũng chưa thấy một chút hy vọng nào về sự cởi mở đối với văn nghệ nói chung và với Nhân Văn Giai Phẩm nói riêng.

 

Ngày hôm nay thế hệ con cháu chúng ta, các bạn trẻ có lẽ rất ít ai biết đến cái tên Tử Phác. Nhưng trong tâm trí của cha anh họ cái giai điệu tài hoa đậm chất Hà Nội của Tiếng hát quay tơ vẫ còn lưu luyến trong ký ức.

 

Trong tiến trình dân chủ hóa của đất nước tên tuổi của nhạc sĩ tử Phác không phai mờ cùng Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.

 

Tháng 9- 2020

 

https://scontent-iad3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/118669571_10216442496167754_1635757776457444421_n.jpg?_nc_cat=111&_nc_sid=730e14&_nc_ohc=dxrR9RoTtOwAX8iMAXD&_nc_ht=scontent-iad3-1.xx&oh=313d6b5dee74c20bfb690dd05fb0a6f7&oe=5F7C1FB8

Ảnh Tử Phác

 

139 BÌNH LUẬN  

 

.

NGHE :

.

Tiếng Hát Quay Tơ

Ngọc Bảo

.

Tiếng Hát Quay Tơ

Ban Bốn Phương

 

 

 

 


No comments: