Tôi
đã từng là đảng viên đảng Cộng sản
21/09/2020
https://baotiengdan.com/2020/09/21/toi-da-tung-la-dang-vien-dang-cong-san/
VÌ SAO TÔI VÀO ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM (ĐCSVN)
Do tôi bỏ học, đi làm
công nhân một thời gian khá lâu nên khi quay lại con đường học tập, tự lượng sức
mình, tôi không thi trường đại học danh tiếng mà chấp nhận học một trường ít tiếng
và dễ đậu hơn. Tôi học Lớp Luật học K27, Khoa Luật, Trường Đại học Đà Lạt, một
trường đại học nằm trên những ngọn đồi tuyệt đẹp tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm
Đồng.
Năm cuối cùng của thời
sinh viên khoá học của tôi được ưu tiên tiến cử một người xuất sắc nhất để đứng
vào hàng ngũ của Đảng. Khoá học này cũng chỉ có duy nhất lớp tôi với hơn 150
sinh viên mà thôi. Bốn người, đều là cán bộ lớp được đưa ra bình bầu để “chốt hạ”
người cuối cùng được chọn. Tôi là lớp phó phụ trách học tập, là một trong 4 người
đó nhưng tôi là người đầu tiên đứng lên xin nhường suất ấy cho các bạn còn lại.
Sau đó, một bạn khác là lớp
phó phong trào (nay là bí thư huyện đoàn thuộc một tỉnh phía Bắc) cũng đứng lên
xin rút lui. Hai bạn còn lại được bỏ phiếu kín để chọn ra một người nhưng sau
khi một bạn được chọn thì đại diện khoa xuống thông báo với lớp là kết quả này
không hợp lệ và phải tổ chức bầu lại (có lẽ người thất bại đã khiếu nại kết quả).
Vì muốn loãng phiếu bầu để
kết quả được diễn ra đúng ý của Khoa nên thầy chủ trì đưa ra phương án là giữ
nguyên 4 người như ban đầu; cả tôi và người bạn cùng xin rút giống tôi đều được
mang ra bình xét. Tôi đã nói ngay với mọi người rằng nếu tôi ở lại trong danh
sách này, sẽ không có ai vượt qua tôi được, đó là điều gần như chắc chắn vì có
thể tôi không phải là người toàn diện nhất (xét về mặt phong trào) nhưng tôi là
người được nhiều người quý nhất, mà với sinh viên, cứ thích là họ bỏ phiếu
thôi…
Kết quả không nằm ngoài
điều tôi nói, tôi cao phiếu nhất. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa dừng lại ở đó: Thầy
chủ trì lại “xé” quy định cũ để làm lại tiếp cuộc bình chọn cuối cùng bằng cách
lấy phiếu của hai người cao nhất là tôi và bạn đã từng thua trong lượt bình chọn
chỉ có hai người lần trước (người này đúng ý của khoa), nhưng lần này, bạn ấy lại
tiếp tục về nhì với khoảng cách rất xa so với tôi.
Ấn tượng mà tôi không bao
giờ quên không phải là tôi thắng, tôi được chọn (vì tôi chưa bao giờ coi đó là
thắng lợi gì cả) mà là những giọt nước mắt của bạn nữ đã được chọn ở lần đầu
tiên. Bạn ấy cống hiến để mong muốn có được điều đó và xứng đáng có được điều
đó, còn tôi, không phải tôi không xứng đáng nhưng tôi không có lý tưởng như bạn
ấy. Tuy nhiên, kết quả vậy rồi, tôi không thể nói ra rằng, tôi nhường bạn được,
vì đó có thể trở thành sự sỉ nhục đối với bạn ấy. Chắc chắn rằng, cũng giống
như tôi, bạn ấy chắc khó quên được ngày hôm ấy…
.
DẤU ẤN NGÀY KẾT NẠP VÀO ĐCSVN
Vào một ngày đầu tháng
8/2007 (hình như là vậy, tôi không nhớ rõ lắm), Đảng bộ trường đại học tổ chức
kết nạp Đảng cho tôi theo kế hoạch đã ghi trong Quyết định kết nạp Đảng. Tôi
còn nhớ như in, trong thủ tục kết nạp Đảng, phải có khâu đọc lời thề gia nhập Đảng.
Tôi không nhớ nội dung trong đó là những gì nhưng một bạn sinh viên khác là Đảng
viên từ trong quân ngũ, là người theo dõi tôi đã gửi cho tôi để tôi đọc. Mọi việc
diễn ra êm xuôi cho tới phần cuối cùng là đọc 3 câu: Xin thề! Xin thề! Xin thề!
Tôi đứng như trời trồng, không sao nhấc hàm trên lên khỏi hàm dưới.
Chưa bao giờ tôi thấy cảm
giác run như lúc ấy. Tôi vẫn nghe phía dưới có tiếng nói, cứ nói một câu cho
xong mà tôi vẫn không nói được. Thực sự, chưa bao giờ tôi hết kính trọng cụ Hồ
và tôi nghĩ, nếu tôi nói sai với điều mình nghĩ, nhất là với lý tưởng của cụ
(dù là đúng hay sai), tôi thật sự tội lỗi. Thực sự, cho tới ngày hôm nay, tôi
cũng không tưởng tượng được là tôi đã hoàn thành xong phần thủ tục ấy như thế
nào nữa. Chỉ biết rằng, kể từ đó, kể từ ngày tôi được kết nạp vào hàng ngũ của
Đảng cũng là ngày tôi trở thành cái gai trong mắt của một số người trong Đảng bộ,
đặc biệt là ông Bí thư Đảng uỷ nhà trường.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/09/H1-3.jpg
Quyết định kết nạp
đảng viên của LS Ngô Anh Tuấn. Nguồn: FB đương sự
NGÀY TÔI RA KHỎI ĐCSVN
Sau khi được kết nạp vào
ĐCSVN, tôi ra Hà Nội thi cao học và lớp Kinh tế 13C thuộc Khoa Luật, Đại học Quốc
gia Hà Nội với ý nghĩ là “rửa bằng” và tìm một công việc thật tốt. Người ta thường
học ở Miền Bắc còn đi làm ở Miền Nam nhưng tôi thì làm điều ngược lại.
Điểm thi đầu vào của tôi
cũng đứng tốp đầu khoá đó. Tôi có liên hệ nhà trường để làm thủ tục chuyển hồ
sơ về sinh hoạt tại nơi tôi học tập nhưng nhận được câu trả lời là do người phụ
trách bận nên chưa thể hoàn tất thủ tục chuyển hồ sơ cho tôi được.
Khoảng một thời gian sau
đó, nhân chuyến công tác phía Nam, tôi quay lại trường để xin rút hồ sơ nhưng vẫn
nhận được câu trả lời là bí thư Đảng ủy, sau này được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng
nhà trường (xin phép không nêu tên) đi vắng nên chưa hoàn tất hồ sơ chuyển sinh
hoạt Đảng cho tôi được. Tới lúc này, tôi nổi nóng và tranh luận kịch liệt với
người phụ trách hồ sơ của tôi. Kết quả của cuộc tranh luận ấy, tôi vẫn về tay
không.
Tôi đã không vào Đảng thì
thôi chứ tôi đã vào rồi thì dù chỉ một ngày tôi cũng phải sống có trách nhiệm với
cái danh tôi khoác trên người. Do vậy, sau lần đó, tôi viết đơn lên Đảng ủy Nhà
trường và Tỉnh ủy Lâm Đồng về hành vi gây khó dễ của một số cá nhân đối với yêu
cầu chính đáng của tôi. Tôi khiếu nại không vì tôi muốn giữ cái danh hão mà vì
căm ghét cái xấu xa vẫn tồn tại trong chính môi trường giáo dục, nơi đào tạo
con người.
Kết quả của nhiều lần khiếu
nại của tôi là một cuộc họp để kỷ luật tôi! Nghe thông tin là họ mời tôi họp để
kỷ luật tôi vì tôi đã phát ngôn bừa bãi. Có lẽ, với họ, dám tranh luận mạnh mẽ
với cái xấu của kẻ xấu là “phát ngôn bừa bãi”. Một lần nữa tôi quay lại trường
cũ, lần này, công ty nơi tôi làm, họ mua vé cho tôi, vì nghe tới họp hành, Đảng
phái họ cũng rất quý, tôi nói với họ là người ta đang họp để kỷ luật nhân viên
của các ông đấy nhưng mấy ông ấy chỉ cười trừ. Ông giám đốc người Hàn Quốc còn
mua tặng tôi cái áo khoác mặc để vào đó đỡ lạnh.
Trong buổi họp này, dù
người chủ trì mạnh miệng lên tiếng chỉ trích tôi thế này, thế nọ và kêu gọi người
khác “đấu tố” tôi nhưng cuối cùng không một ai chứng minh được những câu nói của
tôi là “bừa bãi”. Cuối cùng, khi không tìm ra được lỗi sai của tôi như kế hoạch,
người chủ trì đưa ra lý do, tôi bị kỷ luật vì không nộp Đảng phí! Điều này rõ
ràng là đúng rồi vì sau bao lần xin chuyển hồ sơ nhưng không được chấp nhận,
tôi cũng quên luôn việc rằng mình có nghĩa vụ nộp loại phí này. Hơn thế nữa,
cũng chưa từng có một ai gọi hay thông báo tôi nên tôi không biết để nộp.
Người chủ trì hỏi tôi rằng
tôi tự nhận hình thức kỷ luật nào, tôi bảo hình thức nào cao nhất thì tôi chọn.
Cuối cùng, trong cuộc họp này, họ kết luận là tôi bị khiển trách (nhưng nghe
đâu, trong hồ sơ sau này ghi cảnh cáo thì phải nhưng vì chưa bao giờ sờ tới cái
hồ sơ ấy nên tôi không biết họ “xử lý” tôi ra sao nữa). Tuy nhiên, sau cuộc họp
đó, tôi cũng chưa được nhận hồ sơ chuyển sinh hoạt về nơi học tập mới.
Khoảng vài tháng sau, tôi
nhận được thông báo của Đảng bộ địa phương (huyện) nơi tôi đăng ký hộ khẩu thường
trú là mời tôi về nhận hồ sơ Đảng. Tôi về theo giấy mời, hồ sơ của tôi người
làm việc với tôi cầm trên tay rồi nhưng người đó bảo, theo quy định, Đảng viên
phải vào tận nơi để nhận hồ sơ chứ việc chuyển hồ sơ như thế này là chưa đúng
quy định nên họ phải chuyển trả lại nơi gửi và đề nghị tôi quay lại trường để
nhận lại hồ sơ. Dù vô cùng tức giận nhưng tôi giữ bình tình để hỏi lại: Nếu gọi
tôi về đây chỉ để báo rằng các anh sẽ chuyển trả lại nơi gửi thì gọi tôi về làm
gì? Họ im lặng. Việc này, một người anh cùng làng tôi, học trên tôi mấy khoá,
ngày đó làm việc tại cơ quan này, giờ là một quan chức địa phương cũng chứng kiến
nhưng giữ quyền im lặng để được yên thân.
Một thời gian sau, tôi nhận
được cuộc gọi từ một thầy trong nhà trường báo tôi vào nhận hồ sơ để chuyển
sinh hoạt Đảng, tôi trả lời rằng tôi mệt mỏi lắm rồi và đề nghị giữ hồ sơ đó lại
làm kỷ niệm, đồng thời đừng bao giờ gọi lại cho tôi nữa nếu không muốn nghe tôi
gào lên, sau đó tôi tắt máy. Kể từ thời điểm đó tới nay đã hơn 10 năm, tôi có
quay lại thăm trường cũ một số lần nhưng tuyệt nhiên, không bao giờ tôi bước
chân tới cái gọi là văn phòng Đảng ủy hay nhắc tới mấy chữ hồ sơ Đảng viên nữa.
Có lẽ hồ sơ của tôi vẫn nằm lặng lẽ ở đâu đó trong một góc xó mà chỉ khi tôi ứng
cử ĐBQH cách đây mấy năm, người ta mới lần mò vào đó xem coi có gì xấu để “bóc
phốt” hay không nhưng hình như là không tìm được gì…
.
LỜI CUỐI
Tôi vào ĐCSVN là một sự
tình cờ. Tôi vào là do họ “ủn” tôi vào chứ tôi không cố để vào. Khi tôi đi khiếu
nại để chứng minh rằng họ đã đối xử không đàng hoàng với tôi cũng là lúc tôi đã
từ chối nhận công việc ở toà án tại một tỉnh miền Trung, nghĩa là tôi không
theo con đường công chức nhà nước, không giữ Đảng để tiến thân. Tôi vào Đảng
trong danh dự thì khi tôi ra cũng vậy, tôi ra là do tôi tự ra chứ họ không có
quyền đuổi tôi dưới bất kỳ hình thức nào.
Xuyên suốt trong quá trình ngắn ngủi mà tôi có “dính dáng” tới ĐCSVN,
tôi thấy toàn những sự xấu xa, từ những sự sắp xếp, ganh đua, tranh giành tới sự
cố chấp, thủ đoạn… Tôi không nhìn thấy hay
không may mắn để nhìn thấy người tốt, thiện tâm trong những người mà tôi tiếp
xúc. Người bạn không được xếp trên tôi sau này cũng làm công việc giống tôi, bạn
ấy đã tốt lên rất nhiều và chắc hẳn bạn ấy cũng cảm thấy may mắn khi chọn con
đường tự do, tự tại, nếu không, sau những cuộc tranh giành, ganh đua trong môi
trường không tốt, giờ đây, tôi đã mất hẳn đi một người bạn.
Không thể là Đảng viên
vào thời khắc ấy, có thể đã là bước ngoặt để trở thành một con người tốt của bạn
ấy. Hiện chúng tôi vẫn là bạn của nhau, không biết trong lòng bạn ấy có còn
trách tôi vì làm mất cơ hội của bạn ấy hay không nhưng chắc có lúc bạn ấy phải
thầm cảm ơn tôi vì “sự cố” ấy mà bạn ấy thay đổi được bản thân mình. Sự bồng bột,
hiếu thắng của tuổi trẻ của chúng tôi có lẽ đã lui dần vào dĩ vãng…
Qua câu chuyện riêng của
mình, tôi muốn gửi thông điệp tới mọi người rằng chuyện niềm tin, lý tưởng
không có gì là xấu và cái gì tồn tại trong một giai đoạn lịch sử nó cũng có
nguyên nhân, có sứ mệnh của nó; chuyện đảng phái cũng vậy. Tuy nhiên, khi hoàn
thành sứ mệnh rồi thì người ta nên chuyển giao quyền lực hoặc phải thay đổi để
phù hợp với tình hình, hoàn cảnh mới chứ không thể giữ khư khư cái cũ trong khi
mọi thứ xung quanh vẫn luôn vận động, như vậy thì sớm hay muộn thì cũng sẽ bị
đào thải, đó là điều không thể khác!
No comments:
Post a Comment