Sunday, September 20, 2020

TÒA ĐẠI SỨ MỸ và TẤM BẢN ĐỒ VIỆT NAM (Trương Nhân Tuấn)

 


Tòa Đại sứ Mỹ và tấm bản đồ Việt Nam

Trương Nhân Tuấn

20/09/2020

https://baotiengdan.com/2020/09/20/toa-dai-su-my-va-tam-ban-do-viet-nam/

 

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/09/1-42-1024x576.jpg

Bản đồ Việt Nam mà Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội đăng tải trên trang Facebook chính thức có hình ảnh các đảo của Hoàng Sa và Trường Sa. Nguồn: FB US Embassy in Hanoi

 

Vụ Tòa Đại sứ Mỹ ở Hà Nội hôm 9 tháng chín đăng bài báo kỷ niệm 25 năm ngày quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt trong đó đính kèm bản đồ Việt Nam có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chưa đến tuần lễ sau thì bài viết và bản đồ vẫn còn nhưng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã bị gỡ xuống. Báo chí Việt Nam bàn luận sôi nổi chung quanh sự việc này.

 

Lúc Tòa đại sứ mới đăng bản đồ có HS và TS, học giả cuồng Trump nhiều người không ngại tốn nước miếng ca ngợi ý chí của Trump là “đánh chết mẹ thằng Tàu”. Nay bản đồ HS và TS lấy xuống, bài viết còn kia, không thấy “học giả” nào có lời giải thích thuyết phục.

 

Có người phê bình rằng “Mỹ trở mặt nhanh như trở bánh tráng”. Điều này chính xác hơn nếu ta áp dụng cho bản thân tổng thống Trump.

 

Việc đăng lên để một tuần rồi lấy xuống không hề là một sự lầm lẫn (kiểu lỗi do thằng đánh máy) của tòa Đại sứ Mỹ. Đây là một hành vi tuy kém phần tế nhị ngoại giao nhưng nó là một thủ đoạn chính trị có tính toán.

 

Nhiều người cho rằng tranh chấp chủ quyền HS và TS là một phần trong tranh chấp ở Biển Đông. Điều này không đúng lắm. Thực tế cho thấy mọi tranh chấp ở Biển Đông đều có nguồn gốc từ tranh chấp chủ quyền HS, TS (và một số bãi cạn khác thuộc về thềm lục địa Phi, Mã lai, Indonesia…).

 

Không cần nhìn lên bản đồ “lưỡi bò” của TQ người ta mới thấy điều đó. Nhìn bản đồ “bụng chửa” của VN ta cũng thấy tương tự.

 

Đối với Phi, tranh chấp đến từ sự “chồng lấn” vùng biển Kinh tế độc quyền và Thềm lục địa của hai quần đảo HS và TS thuộc chủ quyền VN đối với các đảo thuộc lãnh thổ của Phi. Đối với Mã lai (và Brunei), tranh chấp cũng đến từ một lý do như vậy.

 

Tranh chấp ở biển Đông sẽ tan biến đi (hoặc giảm bớt 90%) nếu hai quần đảo HS và TS được xác định là hai “quần thạch”, các đảo thuộc hai nhóm này là “đá”, theo điều 121 khoản 3 UNCLOS.

 

Điều 121 khoản 3 UNCLOS nói rằng những đảo nào không thích hợp cho con người sinh sống hay không có một nền kinh tế tự tại thì đảo đó không có vùng kinh tế độc quyền (200 hải lý tính từ đường cơ bản) và thềm lục địa.

 

Sự “mù mờ” trong định nghĩa này của UNCLOS khiến quốc gia nào có lãnh thổ là “đảo” cũng đưa ra yêu sách “tối đa”. Bất kể đảo lớn nhỏ bao nhiêu, con người có thể sinh sống trên đảo hay không, đảo có nền kinh tế tự tại hay không… tất cả đều có yêu sách vùng kinh tế độc quyền và thềm lục địa như là lãnh thổ trên lục địa.

 

Lãnh thổ các quốc gia như Pháp, Mỹ, Nhật… đều có các đảo cực kỳ nhỏ bé, diện tích tương tự các đảo TS, các quốc gia này vẫn xem các đảo đó là “đảo”, như định nghĩa của điều 121 khoản 1 và 2.

 

Sự việc Tòa đại sứ Mỹ ở Hà nội “tráo bài ba lá”, làm lóa mắt một số người. Chủ quyền lãnh thổ HS và TS là quan trọng, không phải vì nó cho phép con người sinh sống (hay không), mà vì lợi ích kinh tế phát sinh từ vùng Kinh tế độc quyền và thềm lục địa (200 hải lý tính từ đường cơ bản) cũng như lợi ích địa chiến lược kiểm soát hải đạo có giá trị trên 5 ngàn tỉ đô la hàng hóa thông thương.

 

                                                          ***

Trở lại “cuộc chiến công hàm” ở Ủy ban ranh giới thềm lục địa thuộc LHQ. Lập trường của các quốc gia Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Đức… đều rõ rệt qua các văn bản đã công bố là họ không ủng hộ phía nào trong tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia ở Biển Đông. Điều mà các quốc gia này “bảo vệ”, thứ nhứt “quyền tự do không lưu và hải hành” trên Biển Đông và thứ hai UNCLOS phải được áp dụng một cách “thống nhứt và phổ cập” cho tất cả các quốc gia.

 

Như tôi đã viết, ý chí của các quốc gia này là muốn bộ Luật quốc tế về biển (UNCLOS) trở thành “Erga Omnes”, một thứ luật lệ áp dụng đồng đẳng cho tất cả các quốc gia tranh chấp.

 

Điều này không hẵn sẽ “cứu” được VN và các quốc gia (như Phi, Mã lai…) thoát khỏi các yêu sách của TQ.

 

Bởi vì việc “phân định biển” không được “luật hóa – codification” trong bộ UNCLOS. Các quốc gia có thể phân định theo cách “tùy thích”, miễn sao hai bên được “thỏa mãn”.

Vì vậy không ai có thể cấm cản việc phân định ranh giới biển giữa hai quốc gia, thí dụ VN-TQ, VN-Phi… mà hiệu lực các đảo HS và TS không đặt trên tiêu chuẩn nào.

 

Ngay cả khi phán quyết của tòa PCA 14 tháng bẩy 2016 đã giải thích rằng tất cả các “đảo” thuộc TS đều là “đá”, ngay cả đảo Ba bình lớn nhứt TS. Thì không có gì cấm cản giữa VN và TQ, nếu hai bên này có “ý kiến khác” với nội dung phán quyết nói trên.

 

Cũng vì việc này tôi nhiều lần khuyến cáo VN cần vận động các quốc gia (action popularis) sao cho Phán quyết của Tòa PCA 14-7-2016 trở thành “luật” (erga omnes).

 

Vận động của VN chỉ thành công “chừng mực”. Các quốc gia Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc… chỉ ủng hộ việc áp dụng UNCLOS và không hoàn toàn ủng hộ phán quyết của PCA, ngoài việc phản bác danh nghĩa “quyền lịch sử” của TQ ở Biển Đông. Đơn giản vì quyền này không được công pháp quốc tế nhìn nhận.

 

Tức là VN vẫn “cô đơn” trong “cuộc chiến công hàm”. Đến nay VN vẫn không thể phản biện được TQ những lập luận mà TQ đã nêu ra trong công hàm 17 tháng tư 2020. TQ cho rằng VN đã bị “Estoppel” sau khi đã nhìn nhận HS và TS thuộc chủ quyền của TQ qua công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng.

 

Nếu các quốc gia nhìn nhận chủ quyền của TQ ở HS và TS, hệ quả VN sẽ phải phân định biển với TQ mà hiệu lực HS và TS (về vùng kinh tế độc quyền và thềm luc địa) là yếu tố quyết định.

 

Do đó việc Tòa đại sứ Mỹ ở Hà nội “nhá đèn” về tấm bản đồ có HS và TS là một thông điệp mạnh mẽ đến VN. Mỹ vẫn “để cửa” nhìn nhận HS và TS thuộc VN, như đã từng làm các việc này trong các cuộc đàm phán hậu chiến tranh Thế chiến thứ II.

 

Sắp tới nguyên tắc “một Trung quốc” của Mỹ sẽ chấm dứt và Đài Loan có thể được Mỹ nhìn nhận là “quốc gia độc lập”. Không có điều gì có thể ngăn cản Mỹ nhìn nhận HS và TS thuộc về VN, hay thuộc Đài Loan, hay TQ.

 

Sau Thế chiến thứ II Mỹ đứng đầu phe “Đồng minh” thắng trận. Mỹ đã hưởng nhiều “chiến lợi phẩm” lấy được từ Nhật và Đức, như về lãnh thổ là các đảo trên Thái bình dương. Mỹ có nhiều quyết định liên quan đến nền độc lập của các quốc gia như Đại Hàn và các quốc gia thuộc địa khác ở Châu Á và Châu Phi. HS và TS thuộc về quốc gia nào, lý ra cũng do Mỹ quyết định, qua hội nghị San Francisco 1951.

 

------------------------------------

 

LIÊN QUAN

 

Về việc ĐSQ Mỹ “hô biến” Hoàng Sa, Trường Sa khỏi bản đồ Việt Nam

Đỗ Hùng

16/09/2020

https://baotiengdan.com/2020/09/16/ve-viec-dsq-my-ho-bien-hoang-sa-truong-sa-khoi-ban-do-viet-nam/

 

.

Đại sứ quán Mỹ đăng bản đồ Việt Nam có Hoàng Sa và Trường Sa   

VOA Tiếng Việt

14/09/2020

https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91%E1%BA%A1i-s%E1%BB%A9-qu%C3%A1n-my-dang-ban-do-viet-nam-co-hoang-sa-va-truong-sa/5582671.html

 

 

 

 

 


No comments: