Wednesday, September 16, 2020

THẾ GIỚI HÔM NAY : 16/09/2020 (The Economist)

 


 

Thế giới hôm nay: 16/09/2020

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch

16/09/2020

http://nghiencuuquocte.org/2020/09/16/the-gioi-hom-nay-16-09-2020/

 

Một hội đồng của WTO đã tuyên bố thuế quan do Mỹ áp lên Trung Quốc hồi năm 2018 là bất hợp pháp. Họ bác lập luận của Mỹ rằng thuế quan là hợp lý vì Trung Quốc có các hành động làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ, bao gồm ăn cắp tài sản trí tuệ, cho rằng không rõ các sản phẩm bị áp thuế có được hưởng lợi từ các hành động này hay không. Các khoản thuế nhắm vào hàng hóa Trung Quốc trị giá hơn 200 tỷ USD một năm.

 

Nhà Trắng công bố các hạn chế đối với hàng hóa nhập khẩu bị nghi ngờ là sử dụng lao động cưỡng bức ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc. Danh sách này bao gồm bông và quần áo; Tân Cương chiếm phần lớn sản lượng bông của đất nước. Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền, như giam giữ khoảng 1 triệu người Hồi giáo thiểu số trong các trại mà họ gọi là “trại cải tạo”.

 

Tổng thống Donald Trump phá vỡ thái độ gần như im lặng của ông về những trận cháy rừng đang hoành hành ở Mỹ trong chuyến thăm tới California. Ông Trump coi thường các nhà khoa học, nói các vụ cháy có thể được đổ lỗi cho quản lý rừng yếu kém, nhưng không phải do biến đổi khí hậu. Sau đó, ông dự đoán một đợt hạ nhiệt toàn cầu sắp đến. Hàng trăm nghìn người ở bờ biển phía tây đã phải sơ tán do các vụ cháy.

 

Cảnh sát Hy Lạp đã bắt giữ 5 người đàn ông bị cáo buộc phóng hỏa thiêu rụi trại di cư Moria trên đảo Lesbos. Sau vụ hỏa hoạn, khoảng 800 trong số 12.000 cư dân của trại đã được chuyển đến một trại mới trên một trường bắn quân sự cũ gần đó. Nhiều người ở lại vẫn không thể ngủ yên. Đức đã đồng ý tiếp nhận 1.500 người di cư phải di dời.

 

Trong một bức thư gửi khách hàng, chủ tịch toàn cầu của EY thừa nhận “lấy làm tiếc” là gian lận tại Wirecard, một tập đoàn fintech Đức mà họ là đơn vị kiểm toán, đã “không bị phát hiện sớm hơn”. Carmine Di Sibio cũng cho biết ông sẽ “đẩy mạnh nâng cao tiêu chuẩn” về công việc kiểm toán trong tương lai. Wirecard nộp đơn phá sản vào tháng 6 sau khi thừa nhận mất tích gần 2 tỷ euro (2,3 tỷ đô la) tiền mặt.

 

Ủy ban châu Âu đề xuất với chính phủ các nước thành viên rằng các ngân hàng của khối nên tiếp tục có quyền truy cập vào các trung tâm thanh toán bù trừ ở London cho đến giữa năm 2022. Việc gia hạn 18 tháng được đề xuất nhằm làm giảm nhẹ hỗn loạn thị trường nếu vẫn chưa có thỏa thuận thương mại bao quát hơn vào cuối năm, khi giai đoạn chuyển tiếp Brexit hết hạn. Khả năng ​​sẽ có quyết định về việc gia hạn vào tháng 10.

 

Các số liệu mới cho thấy thị trường lao động Anh đã mất gần 700.000 việc làm từ tháng 3, khi phong tỏa covid-19 bắt đầu, đến tháng 8. Các nhà dự báo dự đoán con số thất nghiệp có thể lên tới hơn 3 triệu khi chương trình trợ cấp tiền lương của chính phủ kết thúc vào mùa thu này. Mặc dù lĩnh vực khách sạn đã mở cửa lại vào tháng 7, gần 5 triệu nhân viên vẫn chưa quay lại làm việc.

 

TIÊU ĐIỂM

 

Khó dự đoán quỹ đạo sắp tới của kinh tế toàn cầu

Chưa bao giờ dự báo kinh tế ngắn hạn lại khó như hiện nay. Sản xuất hàng hóa toàn cầu phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn suy yếu khi các nền kinh tế đi vào phong tỏa. Nhưng vì giãn cách xã hội, các dịch vụ vẫn ế ẩm. Hiệu suất trong tương lai của nền kinh tế thế giới phụ thuộc vào việc họ hồi phục nhanh đến đâu. OECD, một tổ chức tư vấn liên chính phủ, hôm nay công bố dự đoán triển vọng kinh tế của mình, dựa trên nhận định của họ về câu hỏi trên.

 

Nó cũng sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang bận tâm. Cục sẽ công bố dự báo về nền kinh tế Mỹ khi kết thúc cuộc họp hai ngày của mình. Hồi tháng 6, hầu hết mọi người đều cho rằng tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ vẫn ở mức 9,3% hoặc cao hơn vào cuối năm; nhưng nó đã giảm xuống 8,4%. Dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao trong ngành dịch vụ có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế trong nhiều năm. Và tương lai không thể đoán định của căn bệnh này, cùng với việc trì hoãn các biện pháp kích thích tài khóa, khiến triển vọng càng trở nên u ám hơn.

 

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu đọc thông điệp hàng năm

Sau mười tháng đầu đầy thử thách, chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen sẽ cố gắng nhìn xa hơn cuộc khủng hoảng covid-19 trong bài phát biểu hôm nay. Trên mặt trận môi trường, bà von der Leyen sẽ công bố các đề xuất cắt giảm 55% lượng khí thải từ mức của năm 1990 vào năm 2030, một mục tiêu tham vọng mà các nhà hoạt động và các đảng xanh ngày càng ảnh hưởng của EU vốn yêu cầu từ lâu.

 

Nó sẽ không giúp bà có thêm bạn ở Đông Âu, nơi có các nền kinh tế phụ thuộc vào những ngành công nghiệp bẩn. Bà von der Leyen cũng sẽ nói về các đề xuất mới trong vấn đề di cư, mà hiện vẫn gây chia rẽ EU 5 năm sau cuộc khủng hoảng di cư. Chính sách đối ngoại, một ưu tiên trước khi covid-19 đến, cũng sẽ được đề cập. Bà von der Leyen sẽ cố gắng giải thích cách EU tránh bị cả Mỹ và Trung Quốc áp đảo. Bài phát biểu là một lời nhắc nhở rằng EU có rất nhiều việc phải làm ngay cả trước đại dịch.

 

Boris Johnson trả lời chất vấn trước Quốc hội

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm nay đối mặt với các câu hỏi từ các nhà lập pháp cao cấp khi ông đến trước ủy ban liên lạc của Quốc hội Anh. Các câu hỏi sẽ dò xét phản ứng kinh tế của chính phủ với đại dịch coronavirus và tình hình đàm phán thương mại với EU. Họ cũng sẽ hỏi về chính sách đối ngoại và quốc phòng của chính phủ Anh.

 

Có nhiều thứ ông Johnson phải giải trình. Nền kinh tế Anh đã phục hồi được khoảng một nửa sản lượng bị mất vì cuộc suy thoái covid-19. Nhưng tỷ lệ lây nhiễm đang tăng lên, tạo nguy cơ diễn ra đợt suy thoái thứ hai. Việc kết thúc chương trình trợ cấp tiền lương vào cuối tháng tới sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Trong khi đó, các cuộc đàm phán thương mại của Anh với EU có nguy cơ đổ vỡ sau khi ông Johnson đề xuất dự luật đơn phương phá bỏ hiệp ước Brexit đã thống nhất với khối vào năm ngoái, một động thái đã làm kinh hoàng tất cả các cựu thủ tướng Đảng Bảo thủ còn sống.

 

Thị trường nhà ở Mỹ vẫn tốt đẹp trong đại dịch

Thông thường, suy thoái khiến giá nhà lao dốc do người dân mất việc làm và thu nhập. Trong thời kỳ Đại Suy thoái 2008-2009, giá nhà ở Mỹ đã giảm 30% theo giá thực tế. Nhưng lần này thì không. Một chỉ số do Hiệp hội các Nhà Xây dựng Quốc gia công bố sáng nay được kỳ vọng cho thấy thị trường nhà ở đang trong tình trạng tốt. Một vài yếu tố giải thích kết quả mạnh mẽ bất thường này.

 

Một loạt điều khoản trong gói kích thích do Quốc hội thông qua giúp việc yêu cầu tạm dừng thanh toán tiền thế chấp trong tối đa một năm trở nên dễ dàng hơn, so với bị tịch thu tài sản. Tiền mặt trong gói cũng có ích. Một phần nhờ vào các tờ séc kích thích lên đến 1.200 USD/người, tổng thu nhập hộ gia đình Mỹ dự kiến sẽ tăng trong năm nay. Điều đó cho phép mọi người tiếp tục thanh toán các khoản thế chấp và vay các khoản thế chấp mới. Những ai kỳ vọng đại dịch khiến giá nhà ở giảm xuống có thể vỡ mộng.

 

Vụ IPO kỷ lục của Snowflake sắp diễn ra

Không gặp trục trặc vào phút cuối, Snowflake, một công ty khởi nghiệp quản lý dữ liệu được đặt cái tên độc đáo, sẽ lập kỷ lục vào hôm nay. Khi được lên sàn tại Sở giao dịch chứng khoán New York, ban đầu nó sẽ có giá trị khoảng 30 tỷ đô la và có thể còn hơn thế nữa sau ngày giao dịch đầu tiên – mức định giá cao nhất từ trước đến nay của một công ty phần mềm mới niêm yết. Những con số đáng kinh ngạc này có vẻ hợp lý. Sản phẩm của Snowflake, một cơ sở dữ liệu dựa trên đám mây, rất thu hút khách hàng.

 

Từ tháng 2 đến tháng 7, doanh thu tăng 133% lên 242 triệu đô la so với năm ngoái. Duy trì được đà này, họ sẽ có 1 tỷ đô la trong 12 tháng tới. Nhưng về lâu dài, tương lai của công ty có thể không tươi sáng như mức định giá khổng lồ. Các công ty khác, đặc biệt là các nhà cung cấp đám mây lớn như Amazon và Google, đang đẩy mạnh các sản phẩm cạnh tranh của họ. Và thị trường cơ sở dữ liệu đang bị phân mảnh, điều có thể hạn chế sự phát triển của hãng. Bông tuyết (snowflake) rất đẹp khi xuất hiện, nhưng sau đó rơi và tan ra.

 

 

 

 

 


No comments: