Monday, September 14, 2020

THẾ GIỚI HÔM NAY : 14/09/2020 (The Economist)

 


Thế giới hôm nay: 14/09/2020

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch

14/09/2020

http://nghiencuuquocte.org/2020/09/14/the-gioi-hom-nay-14-09-2020/


Cháy rừng tiếp tục bùng lên khắp các bang California, Oregon và Washington, với hơn 30 người được ghi nhận đã chết và hàng chục nghìn người phải sơ tán. Khói bụi do cháy khiến Portland trở thành nơi có chất lượng không khí tệ nhất thế giới. Kể từ đầu năm 2020, các đám cháy ở California đã thiêu rụi diện tích gấp 26 lần so với cùng kỳ năm ngoái, bao trùm một khu vực rộng gần bằng New Jersey.

 

Người Nga đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử địa phương vào Chủ nhật. 9.000 vị trí thống đốc khu vực và hội đồng địa phương thường là những vấn đề không quan trọng, nhưng các cuộc bầu cử năm nay được coi là một bài thử thách khó nhằn dành cho đảng Nước Nga Thống nhất của Vladimir Putin, trước khi đảng này đối mặt với các cuộc bầu cử cơ quan lập pháp toàn quốc năm tới. Vụ đầu độc nhân vật đối lập hàng đầu Alexei Navalny hồi tháng 8 đã phủ bóng đen lên thùng phiếu.

 

Tony Blair và John Major, hai cựu thủ tướng Anh, đã cùng nhau kiện chính phủ hiện tại vì “làm xấu mặt Vương quốc Anh” vì đề xuất luật Brexit mới để  thay thế một số phần của hiệp ước rút khỏi EU đã được hai bên đồng ý vào năm ngoái. Tranh luận về dự luật thị trường nội bộ của thủ tướng đương nhiệm Boris Johnson sẽ bắt đầu tại Quốc hội vào thứ Hai.

 

Tập đoàn Nhật Bản SoftBank được cho là đã hoàn tất thỏa thuận bán Arm Holdings, hãng thiết kế chip của Anh có bộ vi xử lý được dùng trong hầu hết các điện thoại thông minh, cho công ty chip Nvidia của Mỹ. Thương vụ mua lại bằng tiền và cổ phiếu được cho là định giá Arm ở mức hơn 40 tỷ đô la. SoftBank đã mua Arm với giá 32 tỷ đô la bốn năm trước. Thỏa thuận này được Wall Street Journal đưa tin đầu tiên.

 

Các thử nghiệm lâm sàng của một loại vắc-xin covid-19 tiềm năng đã được nối lại sau khi bị tạm dừng hồi tuần trước khi một bệnh nhân bị ốm. Cho đến nay, loại vắc-xin được phát triển bởi Đại học Oxford và tập đoàn dược phẩm khổng lồ AstraZeneca đã được thử nghiệm trên 18.000 tình nguyện viên; một số sẽ tự nhiên đổ bệnh vì những lý do không liên quan đến mũi tiêm.

 

Ít nhất 10.000 người đã xuống đường ở Belarus hôm Chủ nhật để phản đối Alexander Lukashenko, người đã nắm quyền 26 năm. Biểu tình quần chúng, và cả sự tàn bạo của cảnh sát, lan rộng sau cuộc bầu cử tổng thống gian lận trắng trợn hồi tháng 8. Nhà chức trách cho biết họ đã bắt giữ khoảng 250 người trước các cuộc biểu tình hôm qua.

 

Một nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi 12 người từ Hồng Kông bị bắt hồi tháng trước trên một chiếc thuyền đi Đài Loan là “phần tử ly khai”. Bình luận của bà được đưa ra sau khi một đại diện từ Bộ Ngoại giao Mỹ gọi vụ bắt giữ là một ví dụ cho thấy suy thoái nhân quyền ở Hồng Kông, nơi Trung Quốc gần đây đã áp đặt luật an ninh quốc gia hà khắc.

 

TIÊU ĐIỂM

 

Đảng LDP bầu lãnh đạo mới

Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP) của Nhật Bản hôm nay sẽ bầu lãnh đạo mới, dọn đường cho người chiến thắng kế nhiệm Abe Shinzo, người đã từ chức thủ tướng vì lý do sức khỏe vào tháng trước. Chánh văn phòng nội các của ông Abe, Suga Yoshihide, sẵn sàng giành chiến thắng nhờ có được sự hậu thuẫn của các phe phái chính trong đảng. Là con trai của một nông dân từ vùng nông thôn phía bắc Nhật Bản, ông Suga khác với các chính trị gia xuất thân từ giới tinh hoa, như ông Abe – con trai ngoại trưởng và cháu thủ tướng –  những người có xu hướng thống trị LDP.

 

Được biết đến với khả năng làm chủ bộ máy hành chính, ông Suga có xu hướng hành động âm thầm đằng sau hậu trường. Với tư cách một ứng viên, ông cam kết tiếp nối các chính sách của chính quyền Abe; kết quả là sự ủng hộ dành cho ông trong các cuộc thăm dò dư luận đã tăng vọt. Quyết định quan trọng đầu tiên của ông với tư cách lãnh đạo đảng là liệu có nên kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử để tận dụng tỉ lệ ủng hộ này hay không.

 

EU-Trung Quốc họp thượng đỉnh trực tuyến

Nếu không có covid-19, các nhà lãnh đạo của 27 nước EU hôm nay sẽ tề tựu tại Leipzig để dự hội nghị thượng đỉnh với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sự kiện phải điều chỉnh thành cuộc gọi video giữa ông Tập và những người đứng đầu các thiết chế EU cùng thủ tướng Đức Angela Merkel, và phần nào cho thấy mối quan hệ EU-Trung Quốc đang xấu đi nhanh chóng. Các hành động của Trung Quốc ở Tân Cương và Hồng Kông, bên cạnh chính sách ngoại giao “chiến lang” hiếu chiến của một số phái viên châu Âu của họ, là một phần nguyên nhân.

 

EU hiện chính thức coi Trung Quốc là “đối thủ hệ thống”. Nhưng nỗi thất vọng ngày càng tăng của người châu Âu trước những hạn chế mà các công ty của họ phải đối mặt ở Trung Quốc sẽ là trọng tâm của cuộc họp hôm nay. Trung Quốc khẳng định các khác biệt có thể được xóa bỏ và các cuộc đàm phán về một hiệp ước đầu tư song phương đang đình trệ sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay. Người châu Âu, vốn đang cân nhắc động thái chống lại các công ty Trung Quốc được nhà nước hậu thuẫn đang hoạt động ở EU, tỏ ra kém lạc quan hơn.

 

Hạ viện Mỹ họp phiên cuối cùng trước bầu cử

Hạ viện trở lại Washington, DC hôm nay cho phiên họp ba tuần cuối cùng trước cuộc bầu cử tháng 11. Mục đầu tiên trong chương trình nghị sự của Nancy Pelosi, lãnh đạo đảng Dân chủ và Chủ tịch Hạ viện, là thông qua một gói cứu trợ khác để bù đắp thiệt hại kinh tế của covid-19. Các điều khoản lớn của gói trước — bao gồm khoản tiền liên bang 600 đô la một tuần cho trợ cấp thất nghiệp — đã hết hạn vào 31 tháng 7.

 

Cho đến nay, các đảng viên Dân chủ luôn muốn thông qua một dự luật cứu trợ rất lớn tiếp theo, bao gồm các gói viện trợ hào phóng cho các bang; Đảng Cộng hòa dè xẻn hơn và muốn chia các phần viện trợ thành các dự luật nhỏ. Một “dự luật mỏng” do đảng Cộng hòa đề xuất tuần trước đã không thể thông qua Thượng viện. Các nghị sĩ Dân chủ dễ bị tổn thương ở các khu vực bầu cử chiến trường lo ngại việc trì hoãn một gói kích thích mới đang đe dọa khả năng tái đắc cử của họ. Nhưng có lẽ bế tắc sẽ vẫn tiếp diễn.

 

BP dần rời bỏ dầu khí, tập trung vào năng lượng sạch

BP hôm nay bắt đầu ba ngày thuyết trình để mô tả chiến lược mới của mình. Vào tháng 8, công ty dầu khí khổng lồ này tuyên bố sẽ bắt đầu từ bỏ dầu khí. BP cho biết sản lượng hydrocarbon của họ sẽ giảm 40% vào năm 2030 và các khoản đầu tư carbon thấp sẽ tăng 10 lần. Các công ty dầu mỏ khổng lồ khác cũng đã đặt mục tiêu hạn chế khí thải, nhưng sự thay đổi của BP cho đến nay là kế hoạch ấn tượng nhất.

 

Như một chỉ dấu cho tương lai, vào ngày 10 tháng 9 công ty thông báo họ sẽ hợp tác với Equinor, hãng dầu khí quốc doanh Na Uy, để phát triển điện gió ngoài khơi ở Mỹ. Nhưng BP phải đối mặt với những đối thủ mới. Khi các nhà đầu tư bỏ chạy khỏi các công ty dầu khí, họ đổ tiền vào các công ty tiện ích châu Âu như Enel, Iberdrola và Orsted, những cái tên dẫn đầu trong việc phát triển năng lượng gió và mặt trời ở châu Âu và hơn thế nữa. Trong tuần này BP sẽ cố gắng thuyết phục các nhà đầu tư rằng họ đủ khả năng cạnh tranh.

 

Trường học Ý đón học sinh trở lại

Hầu hết các trường học ở Ý sáng nay đã mở cửa lại sau sáu tháng đóng cửa vì covid-19. Cũng như những nơi khác, quá trình đưa học sinh trở lại lớp của họ đầy nỗi bối rối và lo lắng. Cha mẹ sẽ phải kiểm tra thân nhiệt của con mình trước khi chúng ra khỏi nhà để ngăn virus lây lan trên xe buýt của trường. Khoảng 2,5 triệu bàn một chỗ ngồi đã được sản xuất để đảm bảo giãn cách xã hội.

 

Và chính phủ cam kết có đủ 11 triệu khẩu trang phẫu thuật miễn phí mỗi ngày cho nhân viên và học sinh. Tổng liên đoàn lao động CISL hồi tuần trước cho biết một phần tư trường học vẫn chưa sẵn sàng mở cửa. Mối lo ngại lớn nhất là trẻ em sẽ mang covid-19 về nhà. Sau khi đạt đỉnh hơn 6.500 ca mỗi ngày vào tháng 3, số ca nhiễm hàng ngày ở Ý đã giảm xuống còn khoảng 200 vào tháng 7. Nhưng kể từ giữa tháng 8, con số này đã tăng đều đặn lên hơn 1.500, vẫn thấp hơn nhiều nơi khác ở châu Âu, nhưng đáng ngại.

 

 

 

 

 

 

 

 


No comments: