Sunday, September 20, 2020

THĂM DÒ Ý KIẾN VỀ BẦU CỬ MỸ 2020 (Manh Kim)

 


THĂM DÒ Ý KIẾN VỀ BẦU CỬ MỸ 2020

Manh Kim

16/09/2020 lúc 20:28  

https://www.facebook.com/nguyen.manhkim/posts/10159714594964796

 

Không có cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nào kể từ sau Thế chiến thứ hai lại căng thẳng như cuộc chiến giữa ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump lần này. Sự “một mất, một còn” không chỉ diễn ra giữa hai ứng cử viên mà còn với cả cử tri, trong bối cảnh nước Mỹ được đánh giá là ở giai đoạn chia rẽ chưa từng có.

 

Tính đến thời điểm này, sự ủng hộ dành cho đương kim Tổng thống Donald Trump vẫn ổn định, dù các kết quả thăm dò đều cho thấy ông Biden đang nhỉnh hơn. Cuộc thăm dò của Real Clear Politics tháng 10-2019 cho thấy tỷ lệ ủng hộ toàn quốc dành cho Biden là 50,1% trong khi với Trump là 43,4%. Kết quả thăm dò thượng tuần tháng 9-2020 cũng của Real Clear Politics cho thấy Biden được 50,5% trong khi Trump 43% - gần như không thay đổi.

 

Thăm dò của FiveThirtyEight ngày 5-3-2020 cho thấy tỷ lệ ủng hộ Biden là 49,7% trong khi Trump 45,6%; kết quả thăm dò cũng của FiveThirtyEight ngày 11-9-2020 là 49,9% cho Biden và 41,1% cho Trump. Biden có tăng một chút; Trump có giảm một chút. Chỉ “một chút”. Đối với Dân chủ, bóng ma 2016 vẫn còn in đậm và chưa có dấu hiệu thật sự rõ ràng nó sẽ không quay lại năm nay.

 

Trong thực tế, cái gọi là “bóng ma 2016” với kết cục thua được đánh giá là bất ngờ của ứng cử viên Hillary Clinton trước Donald Trump thật ra chẳng phải lần đầu. Trong chiến dịch bầu cử tổng thống 2004, trong khi Democracy Corps Poll cho biết ứng cử viên (tổng thống đương nhiệm tái tranh cử) George W. Bush chiếm 47% và ứng cử viên John Kerry 50%; tỷ lệ của Fox là 49/42; tỷ lệ ABC là 51/46; tỷ lệ Washington Post là 51/46; tỷ lệ NBC/Wall Street Journal là 48/48; tỷ lệ CNN/Gallup là 52/44; tỷ lệ Newsweek là 50/44; tỷ lệ Time là 48/47… Cuối cùng, dù tỷ lệ ủng hộ được điểm cao hơn Bush ở vài cuộc thăm dò, Kerry vẫn thất bại.

 

Trong lịch sử, có không ít cuộc thăm dò ý kiến cử tri bị “hố”. Năm 1916, tuần báo Literary Digest (một trong những tờ báo uy tín nhất lịch sử báo chí Mỹ thế kỷ 20) tổ chức cuộc thăm dò qui mô toàn quốc bằng cách gửi hàng triệu phiếu thăm dò đến cử tri rồi tổng hợp kết quả. Lần đó, Literary Digest dự báo chính xác với Woodrow Wilson thắng cử; và họ tiếp tục dự báo đúng với bốn tổng thống kế tiếp. Tuy nhiên, năm 1932, Literary Digest bắt đầu nếm mùi “hố” khi công bố (một tuần trước ngày bầu cử) kết quả thăm dò, với ứng cử viên Alf Landon vượt xa Franklin D. Roosevelt. Kết quả, như đã biết, Franklin D. Roosevelt không chỉ đắc cử tổng thống mà còn trở thành người duy nhất lịch sử Mỹ ngồi ghế tổng thống hơn hai nhiệm kỳ (từ 1933-1945).

 

Cần nhấn mạnh, việc cung cấp thông tin về ý kiến cử tri từ các cuộc thăm dò có thể ảnh hưởng tâm lý và quyết định việc bỏ phiếu của cử tri vào phút chót. Thuật từ chính trị Mỹ gọi đó là “hiệu ứng xe chở ban nhạc/gánh xiếc rong (bandwagon effect), khi cử tri dồn phiếu cho ứng cử viên có tỷ lệ thăm dò nhỉnh hơn, tương tự hiện tượng dân chúng bu đen bu đỏ mỗi khi có xe ban nhạc hoặc gánh xiếc đến địa phương mình.

 

Cụm từ “nhảy lên xe ban nhạc” lần đầu tiên được sử dụng trong văn hóa chính trị Mỹ vào năm 1848 khi Dan Rice – một anh hề xiếc chuyên nghiệp – dùng xe hát rong của mình để giúp ứng cử viên Zachary Taylor trong chiến dịch tranh cử như một trong những thủ thuật thu hút chú ý cử tri (nhờ sự náo nhộn và không khí vui vẻ). “Gánh xiếc Zachary Taylor” thành công vang dội (ông trở thành tổng thống thứ 12) đã trở thành mẫu mực của một hình thức phổ biến trong các chiến dịch vận động lôi kéo cử tri ở các kỳ bầu cử sau đó.

 

Đến chiến dịch tranh cử của William Jennings Bryan năm 1900, các xe vận động tranh cử (như mô hình xe ban nhạc) đã trở thành hình ảnh quen thuộc với cử tri Mỹ và “hiệu ứng gánh xiếc rong” cũng bắt đầu được nghiên cứu như một lý thuyết tranh cử tổng thống. Năm 1992, hai giáo sư Vicki G. Morwitz và Carol Pluzinski từng thực hiện một khảo sát cho thấy ảnh hưởng của “hiệu ứng gánh xiếc rong” không phải không đáng kể. Trong nhóm sinh viên tham gia cuộc khảo sát, một số người được cung cấp kết quả loạt thăm dò cho thấy Bill Clinton nhỉnh hơn George H. Bush (Bush bố). Cuối cùng, những người này – từng cho biết họ sẽ bầu cho Bush – lại bỏ phiếu cho Clinton sau khi liên tục xem các kết quả thăm dò trên.

 

Dù kết quả thăm dò từng nhiều lần cho thấy nó dường như vô nghĩa nhưng nó không phải hoàn toàn vô giá trị. Không ứng cử viên nào thờ ơ với thăm dò, nếu không nói bộ máy tranh cử của hai đảng luôn theo dõi sát nút các kết quả thăm dò, dù chỉ có tính tham khảo và có thể không chính xác nhưng từ đó họ cũng có thêm dữ liệu để điều chỉnh chiến lược tranh cử. Họ biết họ yếu chỗ nào và cần làm gì, đặc biệt tâm lý cử tri ở những bang chiến địa vốn nổi tiếng lung lay bất định (swing states), những nơi không luôn “đỏ” (Cộng hòa) hoặc luôn “xanh” (Dân chủ). Thăm dò là một phần của văn hóa Mỹ. Muốn đốn một cái cây trong khu phố mà còn thăm dò và lấy ý kiến thì huống hồ bầu cử một tổng thống. Một quốc gia mà người dân được quyền biểu đạt tự do và được “thỉnh cầu ý kiến” thì dù thăm dò có “loạn” cỡ nào thì nó cũng cho thấy quyền công dân đang được tôn trọng.

 

-------------------

THENEWVIET.COM

Thăm dò dư luận và hiệu ứng “gánh xiếc rong”

US Election 2020 : Không có cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nào kể từ sau Thế chiến thứ hai lại căng thẳng như cuộc chiến giữa ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump ...

 

 

65 BÌNH LUẬN  

 

 

 

 

 


No comments: