Tại
sao hoà bình giữa Israel và các nước Ả Rập sẽ bền vững?
Michael Oren - Wall
Street Journal’
Phan Nguyên dịch
25/09/2020
http://nghiencuuquocte.org/2020/09/25/tai-sao-hoa-binh-giua-israel-va-cac-nuoc-a-rap-se-ben-vung/
Hiệp định Abraham, được
ký bởi Israel, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), là một thắng
lợi lớn cho hòa bình ở Trung Đông và là một thất bại lớn cho “ngành công nghiệp
hòa bình”. Gồm các viện nghiên cứu chính sách và các tổ chức phi chính phủ theo
xu hướng tự do, hầu như toàn bộ giới học giả và truyền thông, và một nhóm các cựu
quan chức, các nhà bình luận và nhà từ thiện, ngành công nghiệp này từ lâu đã
khẳng định rằng không thể đạt được hòa bình giữa các nước Ả Rập và Israel nếu
không có nhượng bộ lãnh thổ của Israel, việc ngừng xây dựng khu định cư
và thành lập một nhà nước Palestine. “Sẽ không có tiến bộ và các hòa ước riêng
lẻ với thế giới Ả Rập nếu không có. . . hòa bình với Palestine,” Ngoại trưởng
John Kerry đã nói như vậy với Viện Brookings vào năm 2016. “Đó là một thực tế
khó khăn”.
Thực tế “khó khăn” đó đã
bị lật ngược bởi Hiệp định Abraham, được ký mà không có bất kỳ điều kiện tiên
quyết nào. Tuy nhiên, thay vì thừa nhận sai lầm của mình, ngành công nghiệp hòa
bình hiện khẳng định rằng hiệp ước mới thực tế không tạo ra hòa bình giữa
Israel và hai quốc gia vùng Vịnh có ảnh hưởng mà chỉ đơn thuần là giúp bình thường
hóa quan hệ giữa họ với nhau. Trái ngược với “phát biểu vui mừng về việc đạt được
mục tiêu ‘lấy hòa bình đổi hòa bình’” của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, tờ New
York Times viết bài xã luận cho rằng “hiện tại,‘bình thường hóa’ là đã đủ.”
Tuyên bố rằng việc bình
thường hoá quan hệ giữa Israel và các quốc gia Ả Rập là ít quan trọng hơn so với
hòa bình không chỉ là không có cơ sở mà còn hoàn toàn lạc hậu. Trong khi bình
thường hóa hàm ý sẽ có một nền hòa bình an toàn và lâu dài, thì hòa bình mà
không có bình thường hóa quan hệ sẽ viễn vông và thù địch vẫn sẽ tiếp diễn.
Đó là bài học của Hiệp định
Trại David, được ký năm 1978 giữa Ai Cập và Israel nhờ sự trung gian của Hoa Kỳ.
Hiệp ước hòa bình được ký sau đó vào năm 1979 đã chấm dứt hàng thập niên xung đột
giữa hai quốc gia và quy định việc trao đổi đại sứ. Quá trình bình thường hóa dự
kiến sẽ diễn ra dần dần, song song với việc Israel
tiếp tục nhượng bộ và giải quyết vấn đề Palestine.
Vài tháng sau, người ta
có thể thấy người Ai Cập đến các cửa hàng ở Tel Aviv, nhưng họ đã sớm ngừng đến
thăm Israel. Quân đội Ai Cập tiếp tục huấn luyện chuẩn bị chiến tranh với
Israel, và báo chí nhà nước chuyển sang giọng điệu chống Israel và bài Do Thái
mạnh mẽ. Các thuyết âm mưu về Israel trở nên phổ biến trên truyền hình Ai Cập,
và các thảm họa quốc gia thường được đổ lỗi là do Israel. Sau Mùa xuân Ả Rập
năm 2011, một đám đông người Ai Cập gần như đã tàn sát các nhân viên của Đại sứ
quán Israel, và chính phủ Đảng Huynh đệ Hồi giáo đe dọa sẽ tái lập tình trạng
chiến tranh.
Tổng thống Abdel Fattah
Al Sisi kể từ đó đã mở rộng hợp tác quốc phòng và năng lượng với Israel và thừa
nhận quá khứ Do Thái của Ai Cập. Tuy nhiên, nước này vẫn hết sức thù địch với
nhà nước Do Thái. Hiệpđịnh Trại David không dẫn đến bình thường hóa mà ngược lại,
là sự xa cách trong quan hệ giữa hai nước.
Một quá trình tương tự
cũng xảy ra với hiệp ước hòa bình giữa Israel và Jordan, được ký năm 1994, một
lần nữa dưới sự bảo trợ của Mỹ. Sau kỳ trăng mật ngắn ngủi, người Jordan ngừng
đến thăm Israel và dư luận trở nên ngày càng bài Do Thái dữ dội. Hai mươi lăm
năm sau, sau hai cuộc nổi dậy của người Palestine ở Bờ Tây và căng thẳng lặp đi
lặp lại ở Jerusalem, hòa ước gần như đã sụp đổ. Quốc vương Abdullah từ chối gia
hạn hợp đồng thuê đất tại các khu vực biên giới cho nông dân Israel canh tác,
và các nhà lãnh đạo quốc hội kêu gọi hủy bỏ hiệp ước hòa bình. Các nhà ngoại
giao Israel ở Amman chỉ rời khu nhà của họ vào các ngày thứ Sáu, khi một đoàn
xe bọc thép hộ tống họ trở về Israel.
Việc các hiệp ước của
Israel với Ai Cập và Jordan không có khả năng đem lại bình thường hóa quan hệ
là kết quả trực tiếp của việc các hiệp định này không giải quyết được vấn đề cốt
lõi của cuộc xung đột — không phải là các khu định cư hay địa vị của Jerusalem
như ngành công nghiệp hòa bình vẫn nghĩ, mà là việc từ chối công nhận một dân tộc
Do Thái bản địa sinh sống ở Trung Đông và có quyền tự quyết ở quê hương của họ.
Bộ trưởng Ngoại giao Bahrain
Khalid bin Ahmed Al Khalifa tuyên bố: “Israel là một phần di sản của toàn khu vực
này. Người Do Thái có một vị trí trong [vùng đất của] chúng ta.” Những lời như
vậy chưa bao giờ được nghe thấy từ Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat năm 1978-1979
hay Vua Hussein của Jordan năm 1994. Quyết tâm của cả Bahrain và U.A.E. để trao
đổi không chỉ các đại sứ mà còn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và tôn giáo, nhà
báo và khách du lịch với Israel là điều chưa từng có. Nó cung cấp một mô hình
cho tất cả các thỏa thuận Ả Rập-Israel khác trong tương lai.
Đáng buồn thay, thực tế
này sẽ có rất ít ảnh hưởng đến ngành công nghiệp hòa bình. Ngoài việc bác bỏ tầm
quan trọng của việc bình thường hóa, các chuyên gia trong ngành còn hạ thấp tầm
quan trọng của Hiệp định Abraham, cho rằng Israel chưa bao giờ có chiến tranh với
U.A.E. và Bahrain. Điều đó cũng sai. Chẳng hạn, khi tham gia vào lệnh cấm vận dầu
mỏ của các nước Ả Rập năm 1973-74, cả hai nước này thực tế đã tiến hành một cuộc
tấn công kinh tế và ngoại giao nhằm vào Israel, gây ra những thiệt hại khôn lường.
May mắn thay, ký ức về cuộc
đụng độ đó sẽ phai mờ dần khi việc bình thường hóa tăng tốc. Bất chấp sựnghi ngờ
của những người phản đối, Israel sẽ thiết lập các mối quan hệ chặt chẽ về tài
chính, chiến lược và cá nhân với người dân U.A.E. và Bahrain. Ngành công nghiệp
hòa bình chắc chắn sẽ tiếp tục càm ràm khi hòa bình thực sự đến với phần lớn
Trung Đông.
----------
Michael Oren từng là đại sứ của Israel tại Hoa Kỳ, nghị sĩ quốc
hội và là thứ trưởng trong Văn phòng Thủ tướng Israel.
Nguồn:
A
Triumph for Peace Is a Humiliation for the ‘Peace Industry’
By Michael Oren
Sept. 23, 2020 6:40 pm ET
No comments:
Post a Comment