Sông
Mekong và hiểm hoạ từ các con đập thượng nguồn của Trung Quốc
14/09/2020
Dòng chảy sông Mekong đã xuống tới mức thấp kỷ lục
do lượng mưa giảm và các con đập ở thượng nguồn do Trung Quốc xây dựng, đe doạ
sự sống còn của dòng sông, nơi hàng chục triệu người dân Đông Nam Á, trong đó
có Việt Nam, đang dựa vào để kiếm kế sinh nhai
https://gdb.voanews.com/47ED81D2-58A9-4B0D-84B5-823B611CA520_cx0_cy10_cw0_w650_r1_s.png
Nuozhadu, con đập
lớn nhất trong số 11 con đập của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong. Báo cáo
mới của MRC cho thấy các con đập này góp phần làm ảnh hưởng dòng chảy của con
sông dưới hạ nguồn, trong đó có Việt Nam.
Mekong là một trong những
dòng sông quan trọng nhất ở châu Á và là nguồn sống của 60 triệu người dân, với
Trung Quốc ở thượng nguồn và Việt Nam ở cuối nguồn. Nhưng đây là năm thứ hai
liên tiếp khu vực hạ lưu sông Mekong có lưu lượng nước xuống mức thấp kỷ lục,
làm ảnh hưởng đến thuỷ lợi, sản lượng lúa và đánh bắt cá – tất cả đều trọng yếu
đối với an ninh lương thực của khu vực.
Một báo
cáo mới của Uỷ hội sông Mekong (MRC) cho biết lượng mưa giảm đã phần
nào gây ra sự thiếu hụt nước trên dòng sông chảy xuyên qua 6 quốc gia trong khu
vực. Nhưng báo cáo vừa được công bố vào tháng 8 cũng chỉ ra rằng các đập thuỷ
điện trên thượng nguồn – chủ yếu là ở Trung Quốc – đã chặn lại một lượng lớn nước
chảy xuống hạ nguồn, với các phân lưu cuối cùng chảy qua các tỉnh Nam bộ Việt
Nam trước khi đổ ra Biển Đông. Sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng của
Trung Quốc.
Hiện có 11 con đập lớn hiện
đang hoạt động trên thượng nguồn sông Mekong trước khi ra khỏi biên giới Trung
Quốc và chảy vào Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, theo thống kê của
Trung tâm nghiên cứu Stimson của Mỹ có trụ sở ở Washington, DC. Báo cáo của dự
án Mekong của Stimson ra hồi tháng 4 cho biết rằng Trung Quốc đã xây dựng các đập
trên thượng lưu sông Mekong trong 3 thập kỷ qua, làm các quốc gia ở hạ lưu lo
ngại rằng Trung Quốc một ngày nào đó sẽ “tắt nguồn nước.” Các dữ liệu của
Stimson cho thấy trong 6 tháng của năm 2019, Trung Quốc nhận được một lượng mưa
trên trung bình và các con đập của họ đã giữ lại một lượng nước lớn hơn bao giờ
hết – trong khi các quốc gia ở hạ lưu đồng thời bị hạn hán nặng chưa từng có.
Báo cáo của Stimson chỉ ra rằng Trung Quốc tích trữ lượng nước nhiều hơn bao giờ
hết và đang gây ra những thay đổi thất thường và tàn khốc đối với mực nước ở hạ
lưu sông Mekong.
https://gdb.voanews.com/58BB74D3-F985-4CCD-979E-CDF041CFACE6_w250_r0_s.png
Các con đập trên
sông Mekong, gồm 11 đập của Trung Quốc đang hoạt động trên thượng nguồn. (Ảnh của
Trung tâm Stimson)
Tháng 4 vừa qua, một báo
cáo qua chương trình Sáng kiến Hạ vùng sông Mekong (LMI) của Bộ Ngoại
giao Hoa Kỳ cũng cho rằng có sự liên quan giữa mực nước thấp kỷ lục của sông
Mekong trong một nửa thế kỷ qua vào năm ngoái, với các hoạt động của đập thuỷ
điện.
Trích dẫn báo cáo này, Trợ
lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell hôm 4/9 cáo buộc Trung Quốc “thao túng” dòng
chảy sông Mekong vì “lợi ích riêng” trong khi các nước hạ nguồn “phải trả giá đắt,”
gây nên “một thách thức cấp bách” trong khu vực. Ông Stilwell nói rằng việc
“thao túng dòng chảy dọc sông Mekong” của Trung Quốc xảy ra trong 25 năm qua,
trong đó “sự gián đoạn dòng chảy tự nhiên nghiêm trọng nhất xảy ra đồng thời với
việc xây dựng và vận hành các con đập lớn.”
Trung Quốc phủ nhận kết
quả của báo cáo này và nói rằng khu vực thượng lưu cũng ghi nhận lượng mưa thấp.
Tác động nghiêm trọng
tới Việt Nam
Sông Mekong chảy qua
Campuchia trước khi đổ vào Việt Nam và theo báo cáo mới của MRC, lưu lượng nước
thấp có thể gây ra những tác động nghiêm trọng do mất đi tiềm năng về thuỷ sản
và thuỷ lợi.
“Việt Nam có thể bị giảm
năng suất tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long,” báo cáo của MRC nhận định. Hiện
có khoảng 17 triệu người dân Việt Nam đang sinh sống tại lưu vực của hệ thống
sông Cửu Long.
Báo
cáo nghiên cứu tác động của các công trình thuỷ điện trên dòng chính
sông Mekong của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam công bố năm 2016 cũng cho
rằng các bậc thang thuỷ điện dòng chính sẽ gây nhiều tác động bất lợi ở mức lớn
nghiêm trọng tới nhiều lĩnh vực và môi trường ở Việt Nam, bao gồm nguy cơ mất
đi hoặc thậm chí tuyệt chủng của tới 10% các loài cá và thu nhập người dân có
thể giảm tới 50%. Theo đánh giá này, ở Việt Nam, tổn thất hàng năm trong thuỷ sản
và nông nghiệp do các đập thuỷ điện trên dòng chính gây ra có thể tới 15.800 tỷ
đồng (khoảng 760 triệu USD).
Những người chỉ trích việc
xây dựng đập trên sông Mekong cho rằng các đập này sẽ tiếp tục là nguồn xung đột
trừ phi Trung Quốc chuyển sang các phương pháp sản xuất điện khác và sự hợp tác
giữa các quốc gia được tăng cường.
Theo MRC, tình trạng thiếu
thông tin về những ảnh hưởng trước mắt và lâu dài của phát triển thủy điện thượng
nguồn và biến đổi khí hậu sẽ khiến người dân sống ở vùng đồng bằng sông Mekong
có thể bị tổn thương do những tác động như gia tăng xâm nhập mặn, giảm phù sa
bùn cát và dưỡng chất, ảnh hưởng nguồn cá di cư và thay đổi chế độ dòng chảy.
Một trong những khuyến
nghị nêu trong báo cáo mới của MRC là sự minh bạch về dữ liệu và chia sẻ thông
tin. Và để tăng cường sự minh bạch về các hoạt động của các con đập ở thượng
nguồn sông Mekong cũng như chứng minh sự hợp tác có tính thiện chí, MRC cho rằng
Trung Quốc cần xem xét việc cung cấp dữ liệu cho các nước ở hạ lưu sông Mekong.
Trước áp lực này, Thủ tướng
Trung Quốc Lý Khắc Cường cuối tháng trước khi phát biểu tại diễn đàn Lan
Thương-Mekong, trong đó có Việt Nam, nói rằng Bắc Kinh sẽ bắt đầu chia sẻ dữ liệu
thủy văn quanh năm của con sông này.
Bắc Kinh khởi động sáng
kiên hợp tác nguồn nước Mekong, với tên gọi Khung Hợp tác Lan Thương-Mekong,
vào năm 2016 với 5 quốc gia thành viên ở hạ lưu con sông này. Các nhà phê bình
hoan nghênh tiềm năng hợp tác nhưng cũng cho rằng Trung Quốc có thể dùng sáng
kiến này để “vũ khí hoá” nguồn nước cho các lợi ích kinh tế và địa chính trị.
Vấn đề sông Mekong được
đưa ra thảo luận tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) trong tuần qua, trong đó Thứ
trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Stephen Biegun và Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh
đồng chủ tọa Hội nghị Bộ trưởng Đối tác Mekong-Hoa Kỳ (MUSP) lần đầu tiên, với
mục tiêu nâng tầm Sáng kiến Hạ nguồn Mekong (LMI), để ứng phó với các tác động
từ thượng nguồn do Trung Quốc gây ra. Hội nghị MUSP khẳng định cam kết của
Washington đối với tương lai của LMI “như một phần của tầm nhìn chung cho một
khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn
Xuân Phúc từng lên tiếng kêu gọi các nước “cùng đoàn kết, hợp tác để sông
Mekong mãi là dòng chảy của hoà bình, là kết nối sinh tồn bền vững, thịnh vượng
đến muôn đời của các quốc gia, người dân trong khu vực.”
No comments:
Post a Comment