14/09/2020
https://www.voatiengviet.com/a/dong-tam-phien-toa-o-nhuc/5581927.html
Phiên xử 29 người dân Đồng
Tâm trong vụ chính quyền vô cớ xông vào tư gia của người cha, ông hay thủ lĩnh
tinh thần của họ giữa đêm khuya dẫn tới cái chết của bốn người Việt chẳng có thể
dùng từ gì khác là nát như tương để mô tả. Trong thời đại mà các quan Việt Nam
luôn hô hào là thời 4.0, chẳng hề có hình ảnh hay video nào về các diễn biến của
đêm định mệnh 9/1 mà quyết định tấn công 419A của công an như mấy con số tóm tắt
hậu quả bốn người chết vào tháng Một, ngày Chín.
Và 45 năm sau khi kết
thúc cuộc chiến giữa người Việt Nam để ngư ông Trung Quốc đắc lợi ở Hoàng Sa,
anh em trong nhà lại giết nhau vì mảnh đất ngoài đồng trong khi cướp biển vẫn
rình rập.
Chết bốn mạng người chưa
xong, người ta còn muốn trả thù để ba mạng con dân phải đổi cho bằng được ba mạng
dân. Đất nước văn hoá bốn ngàn năm và khát khao muốn sánh vai với các cường quốc
năm châu mà sao chỉ thi đua xuống đáy thế này?
Nhân vụ xử quái gở vừa diễn
ra, một số người nhắc lại vụ luật sư người Anh Loseby từng cứu Nguyễn Ái Quốc,
tức Hồ Chí Minh về sau này, khỏi vòng lao lý hồi năm 1931 để thấy công lý xã
nghĩa tới năm 2031 có lẽ cũng khó theo kịp luật Anh của trước đó cả 100
năm. Chính
Viện kiểm sát tối cao đã lược lại diễn biến vụ việc mà theo đó ông Hồ
Chí Minh, khi đó lấy tên là Tống Văn Sơ, bị bắt ở Hong Kong hồi tháng 6/1931 vì
là “gián điệp cộng sản” và có “mưu đồ lật đổ”. Trước đó hai năm ông Nguyễn Ái
Quốc đã bị toà ở Vinh kết án tử hình vắng mặt và mật vụ Anh định trao người bị
bắt cho Pháp. Trang web của Viện kiểm sát đăng lời ông Loseby kể lại:
“Theo luật pháp của Anh hồi bấy giờ, khi bắt một người
chỉ được hỏi người đó bảy câu mà thôi. Bảy câu đó đại để là tên, tuổi, quê
quán, nghề nghiệp, thời gian cư trú, quan hệ xã hội, những người và vật làm chứng…
Không được hỏi sang câu thứ tám dù câu đó là câu gì.
“Nhưng khi bắt Tống Văn Sơ, nhà cầm quyền Hồng Kông lại
hỏi câu thứ tám là: “Anh sang Nga với mục đích gì?”. Nhà cầm quyền hỏi câu thứ
tám đó là trái pháp luật nên cuối cùng tòa án phải tuyên bố phóng thích Tống
Văn Sơ”.
Trang web cũng dẫn lời
ông Loseby rằng sau khi được trả tự do, ông Nguyễn Ái Quốc lại bị bắt một lần nữa
và vị luật sư người Anh đã phải kháng án lên tận London để giải cứu cho thân chủ
của mình.
Thượng tôn pháp luật có
nghĩa là chỉ cần làm bất cứ điều gì trái luật là phiên toà sẽ bị huỷ vì toà phải
đảm bảo cho công lý và luật pháp được thực thi. Không những việc điều tra vụ Đồng
Tâm không tuân thủ luật pháp mà cả diễn biến phiên toà cũng cho thấy họ ngồi xổm
lên pháp luật. Bảo sao người Việt Nam nói giờ chẳng có đúng hay sai mà chỉ có
thắng hay thua.
Điều nực cười trong việc
điều tra là chính những người làm ẩu lại tự điều tra chính mình. Khác gì giao
cho ông Nguyễn Đức Chung đi điều tra vụ ông làm trái luật. Chính công an đã thừa
nhận họ không có lệnh khám nhà ông Lê Đình Kình mà chỉ “truy bắt tội phạm” nên
chạy vào nhà ông. Trước khi lực lượng cảnh sát tập trung về Đồng Tâm không hề
có bất cứ thông báo nào về chuyện truy bắt tội phạm vậy tội phạm ở đâu ra mà phải
có tới cả ngàn công an đổ tới.
Cho tới giờ quyết định tấn
công 419 vẫn được coi là mật. Nếu nó chỉ đơn thuần là quyết định bảo vệ an ninh
thì có điều gì phải giấu. Chỉ có điều khi đó tường rào bảo vệ phần đất quốc
phòng đã xây xong thì cần bảo vệ an ninh cho ai? Những điều này cho thấy chuyện
thi hành công vụ lúc tờ mờ sáng là vô cùng mờ ám và là lý do lúc đầu họ vòng vo
và vẽ ra chuyện bị tấn công ở đồng Sênh. Phải chăng ông Nguyễn Đức Chung thấy
có biến nên tìm cách đánh lạc sự chú ý? Phải chăng phe công an muốn ghi điểm
trước đại hội nhưng rồi hố to? Phải chăng có sự đồng thuận trong đảng là cần dẹp
bằng được Tổ Đồng Thuận của dân Đồng Tâm? Những câu hỏi này đòi hỏi phải có một
cuộc điều tra độc lập mà hiển nhiên là nó sẽ không công khai diễn ra. Nếu không
chứng minh được đó là công vụ thì người dân hoàn toàn có quyền chống lại kẻ cướp
đêm vô cớ vào nhà họ xả đạn như mưa. Nhất là khi cha ông họ đã một lần bị công
an đánh gãy chân giữa thanh thiên bạch nhật.
Sau khi ông Kình bị giết
không thương tiếc ở cự ly một mét và xác bị chó nghiệp vụ kéo đi, theo lời ông
Bùi Viết Hiểu trước toà, người ta đã nghĩ cách để giải thích vụ giết người sao
cho khéo. Và cách vụng về đó là chụp ảnh một quả lựu đạn tự chế kèm theo chú
thích “trên tay Lê Đình Kình”. Cánh công an đi đâu cũng chĩa máy quay vào người
khác sao trong trận đánh ngàn quân đấy lại không quay nổi một thước phim mà phải
chú thích như vậy. Và có tội phạm nào chạy lên gác nơi ông già ngoài 80 đang nằm
ngủ không mà phải vừa vác súng vừa nhả đạn chạy vào đó? Hay đó chính là mục
tiêu cuối cùng mà họ nhắm tới?
Tới phiên xử, vở kịch
công lý được diễn thật hài hước. Đáng ra khi đa số người liên quan nói rằng họ
bị đánh đập và bức cung thì các video thu trước đó phải được tuyên là vô giá trị.
Nhưng người ta sợ lúc ra trước công luận không kiểm soát được những gì người
dân khai nên phải cố thu trước video trong điều kiện họ có thể dùng dùi cui
đánh cho phải nói theo ý họ như ông Lê Đình Công khai tại toà. Đó có lẽ là lý
do tại sao họ không cho các luật sư tiếp xúc với thân chủ trong thời gian dài.
Nếu cảnh sát Hong Kong năm xưa cũng không cho Tống Văn Sơ tiếp xúc với luật sư
cho tới khi đánh nhân vật đến mức phải nhận tội lật đổ thì khó hình dung diễn
biến tiếp theo sẽ ra sao.
Phiên toà ô nhục xử dân Đồng
Tâm chắc chắn sẽ đi vào lịch sử như một trong những vụ xử án kỳ quái và trơ trẽn
nhất nếu những người bảo vệ cha ông họ khỏi bị giết bất thành lại bị những kẻ
giết người kết án tử hình. Các luật sư nói nếu có thực chuyện họ gây ra cái chết
của ba người hôm 9/1 thì đó chỉ là chuyện tự vệ quá mức hay giết người trong trạng
thái bị kích động mạnh. Từ trước tới nay toà án vẫn được dùng làm công cụ trả
thù những ai thách thức quyền lực của các đồng chí cộng sản. Nhưng vụ xử Đồng
Tâm có thể là đòn thù hiểm ác nhất mà chế độ xã nghĩa tung ra đối với người dân
trong nhiều năm qua.
No comments:
Post a Comment