Những
câu hỏi về vụ Hồ Duy Hải và Lê Đình Kình (Bài 11)
Nghiêm
Huấn Từ
12/09/2020
https://baotiengdan.com/2020/09/12/nhung-cau-hoi-ve-vu-ho-duy-hai-va-le-dinh-kinh-bai-11/
Tiếp theo: Bài 1: Nếu lâm nạn, liệu cách ứng phó nào tối
ưu? Bài 2: Chống oan sai: Khó như lên Trời! Bài 3: Vì sao Hồ Duy Hải chưa thể bị thi hành
án; Bài 4: Sai trái phiên tòa giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải; Bài 5 và bài 6: Chặng đường gian lao đi đến phiên giám đốc
thẩm; Bài 7A: Khúc khuỷu con đường tới phiên tòa tái thẩm; Bài 7B: Đồng chí Nguyễn Hòa Bình và phiên tòa tái thẩm; Bài 8: Hoán đổi vị thế giữa bên “Buộc tội” và “Gỡ tội”; Bài 9: Liệu “kiến nghị” của VKS có cứu được Hải? Bài 10: Phiên tòa tái thẩm: Hy vọng sống của Hồ Duy Hải
***
Vụ Lê Đình Kình: Xử
như một vụ án chính trị
1- Danh nghĩa là vụ án hình sự, nhưng xử như vụ
chính trị
a- Sự thể hiện bên ngoài,
dễ thấy nhất, đó là những vụ án “công khai” nhưng cực kỳ hạn chế số người tham
dự và họ bị kiểm tra tới mức xúc phạm nhân phẩm, kể cả các luật sư. Nói khác,
các biện pháp an ninh rất ngặt nghèo, khiến người không liên quan cũng thấy khó
chịu, căng thẳng. Nhưng thôi, hãy nói về cách thức xét xử và nội dung xét xử.
b- Ở VN, chỉ cần dùng lời
lẽ phê phán những sai trái của giới cầm quyền sẽ bị quy tội chính trị, như “lợi
dụng quyền tự do ngôn luận”, “chống chế độ”, “lật đổ”… và bị trừng phạt rất nặng
nề, tàn bạo. Không thiếu các dẫn chứng. Không những về ngôn luận, mà về văn
hóa, kinh tế, đất đai, luật lệ… hễ bị coi là thách thức quyền lực đều bị xử như
phạm tội chính trị. Xin nói thêm: Tội chính trị dưới một chế độ độc tài, đã
kinh. Nhưng dưới chế độ CS lại càng kinh. Và dưới chế độ CS đang sống sót, mới
thật khiếp.
Trường hợp bà Cấn Thị Thêu (và hai con trai bà là Trịnh Bá
Phương và Trịnh Bá Tư) là một trong vô số ví dụ. Ban đầu, họ rất nhút nhát, rất
sợ va chạm với quyền lực, chỉ muốn yên thân. Do vậy, họ chỉ muốn giữ được mảnh
đất của mình để sinh sống yên phận. Nhưng rồi họ mất đất, sự đền bù không thỏa
đáng (như ăn cướp), họ cố giữ tài sản, đất đai. Sự kiên nhẫn, kiên trì của họ lại
bị coi là “ngoan cố”, “chống đối”, bị quy là do sự xui giục của “thế lực thù địch”.
Và… đi tù. Và gia nhập khối tù nhân lương tâm.
c- Khái niệm tù nhân lương tâm ở nước ta được mở rộng (so với nội
hàm ban đầu của nó); do vậy, khái niệm này ở nước ta không những đúng với Cù
Huy Hà Vũ; Lê Công Định; Nguyễn Đan Quế; Nguyễn Văn Hải; Nguyễn
Văn Lý; Phan Thanh Hải; Tạ Phong Tần; Vi Đức Hồi, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn
Hữu Vinh, Trần Thị Nga, Trần Huỳnh Duy Thức v.v… mà đúng với Cấn Thị
Thêu nữa.
Bởi vì, đấu tranh cố giữ
những quyền lợi chính đáng về kinh tế sẽ dẫn tới chỗ phải sử dụng Luật để tự bảo
vệ mình và tài sản. Và đây chính là thách thức quyền lực, do vậy mà bị đàn áp.
Thủ đoạn đàn áp ở các nước CS (nói chung) đã kinh; nhưng ở các nước CS nông
nghiệp mới thật khiếp (!). Tinh vi, thủ đoạn, hèn hạ, bẩn thỉu… đủ cả.
d- Sự hình thành khái niệm
dân oan. Không những tù nhân lương tâm (đấu tranh cho quyền lợi chung) mới bị xử
oan, mà vô số người đấu tranh cho quyền lợi riêng cũng bị xử lý oan ức. Do vậy,
chỉ ở Việt Nam mới hình thành khái niệm “dân oan” – gồm đủ mọi đối tượng xã hội,
kể từ các cụ Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Thị Năm… cho tới
những dân đen đúng nghĩa, nằm ở tầng thấp nhất của xã hội. Ví dụ, một bị cáo bị
xử oan đã tự tử (nhảy từ tầng lầu của tòa án tỉnh Bình Phước xuống đất). Trước khi chết,
có lẽ chỉ dăm chục người “ở đất nước trăm triệu dân” có quen biết tới cái ông
“dân oan” này.
e- Luật Đất Đai tạo
ra khối dân oan, gồm hàng triệu người. Trước khi được mệnh danh là “dân
oan”, tất cả có chung cái tội là thách thức quyền lực của ĐCS. Đó là dám đứng
lên đòi thực thi một quyền gì đó, thiết thân, có ghi trong Hiến Pháp. Nguyên
nhân tạo ra 70% dân oan ở nước ta là một câu trong Luật Đất Đai, nay rất nhiều
người đã thuộc nó. Qua nội dung câu này, người dân bình thường hiểu “thế nào chủ
nghĩa Mác-Lê” được ĐCSVN vận dụng tài tình và sáng tạo ở nước ta.
f- Vụ án ở xã Đồng Tâm
cũng vậy. Nó được khởi tố dưới dạng một vụ án hình sự, nhưng thực chất là để trấn
áp hành động phản kháng của nông dân do sự sai trái của chính quyền trong thực
thi Luật Đất Đai. Nó sẽ được xử như một vụ án an ninh chính trị. Dễ thấy nhất
là không khí ngột ngạt ngay ở bên ngoài nơi xử, trong phạm vi tính bằng
kilomet.
Sự việc đưa đến vụ án rất
đơn giản. Tháng 4-1980 ông Đỗ Mười (đứng đầu chính phủ) quyết định lấy một diện
tích đất nông nghiệp (trong đó có 47,3 ha của nông dân xã Đồng Tâm) để Bộ Quốc
Phòng làm sân bay. Nếu không có cái câu “sặc mùi CS” trong Luật Đất Đai, ông Đỗ
Mười không có quyền làm như vậy. Thực tế, suốt 40 năm mảnh đất này vẫn không
thành sân bay, nhưng cũng không trả lại cho dân để sản xuất. Rồi, Bộ Quốc phòng
dự định xây một nhà máy (sai mục đích ban đầu), nhưng (nhân tiện) lấn thêm 59
ha đất nông nghiệp (thuộc cánh đồng Sênh) của dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm.
Lẽ thường, người dân phản
đối – đòi đối thoại để hai bên (chính quyền và người dân) đưa văn bản, bằng chứng
ra tranh luận với nhau, coi bên nào có lý. Trên thực tế, khi Bộ Quốc phòng tiến
hành xây tường rào khu sân bay, dân rất mừng, nghĩ rằng “thế là cánh đồng Sênh
vẫn là đất canh tác của dân”. Nhưng chính quyền CS vẫn quyết chiếm lấy diện
tích này, bằng cách giở cái trò “thanh tra” để đi tới kết luận “dân sai”… Cuối
cùng, như ta thấy: Cuộc bố ráp ban đêm của 3000 cảnh sát cơ động vào thôn Hoành
làm chết 4 người, mục đích vẫn chỉ là trấn áp sự chống đối quyền lực – như mọi
trấn áp khác.
2- Nguồn gốc và thực chất vụ Đồng Tâm
a- Nguồn gốc xa xưa của vụ
Đồng Tâm là từ chính sách đất đai của đảng Cộng Sản VN, thực thi từ năm 1953 bằng
cuộc Cải Cách Ruộng Đất. Trước đó, để lôi kéo nông dân (thời xưa chiếm 95% số
dân) đảng CS đề ra khẩu hiệu “Người cày có ruộng”. Cải cách ruộng đất là dùng bạo
lực tước đoạt ruộng của của địa chủ, phú nông để chia cho người nghèo. Nhưng
ngay sau chia đất, ĐCS lại tước đoạt ruộng đất của nông dân bằng cách buộc họ
phải đưa ruộng đất vào hợp tác xã. Điều này nằm trong chủ trương công hữu hóa mọi
tư liệu sản xuất, gồm cả công nghiệp (nhà máy) và nông nghiệp (đất đai).
Ngày nay, để thấy phần
nào thảm họa do Cải cách ruộng đất gây ra, những người U70 chỉ cần đọc lại vụ án Nguyễn Thị Năm là tạm đủ.
Còn chủ trương “hợp tác
hóa nông nghiệp” cũng gây thảm cảnh không nhỏ. Đó là thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ
trước. Thảm họa lập tức xảy ra: Sản xuất tập thể thất bại, gây ra sa sút nặng nề
về đời sống, dân tình cực khổ. Đây cũng là thời gian ĐCS phát động cuộc chiến
tranh, Bắc – Nam, đổi xương máu của dân lấy viện trợ vũ khí và lương thực. Để
hiểu quá khứ cách nay trên nửa thế kỷ, chỉ cần đọc để biết về một nạn
nhân: Kim Ngọc.
b- Sau Cải cách ruộng đất
và Hợp tác hóa nông nghiệp, là sự tước đoạt đất đai bằng một câu đơn giản “đất
đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước (của ĐCS) toàn quyền quản lý“.
Đảng vô sản bỗng dưng chiếm được quyền sở hữu đất đai, tạo thành một lớp tư bản
đỏ. Thảm họa (mà câu này tạo ra) là sự hình thành hàng triệu “dân oan”, chỉ vì
đấu tranh bảo vệ quyền lợi liên quan tới đất đai.
3- Vai trò cụ thể của ĐCS trong vụ Lê Đình Kình
a- Mục tiêu số 1 của vụ tập
kích là tiêu diệt Lê Đình Kình. Cái tên này xứng đáng được dùng để gọi tên vụ
án. Đây chính là nhân vật quyết giữ lại cánh đồng Sênh cho dân, mà suốt 65 năm
công tác ở địa phương nhân vật này hiểu rất rõ: Chính quyền CS chưa bao giờ có
quyết định thu hồi cánh đồng Sênh.
b- Vụ đàn áp này, có thể
nói được chuẩn bị rất sớm, rất toàn diện. Riêng việc huy động cả một trung đoàn
cảnh sát phải do một cấp rất cao quyết định. Tư liệu của nhà nước cho thấy 3000
cảnh sát được tập luyện sẵn trước đó hàng tháng trời.
Sự chỉ đạo hẳn là phải từ
cấp tối cao, vì chỉ 24 giờ sau khi hoàn tất cuộc đàn áp, đồng chí Tổng bí thư/
Chủ tịch nước (Nguyễn Phú Trọng), đồng chí Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đồng
chí Bộ trưởng Công an (Tô Lâm) đã có ngay những động thái xử lý hậu quả: Vừa
khen thưởng lực lượng đàn áp, lại vừa gán tội cho dân. Nào là lập tức công nhận
liệt sĩ, nào là thăng quân hàm đặc cách và cấp tốc, nào là lễ truy điệu và an
táng vừa khẩn trương, nhưng rất trọng thể, nào là bắt toàn ngành CA học tấm
gương… Hành động tức khắc của cấp tối cao như nói trên, hẳn là phải được dự kiến
từ trước trong một kế hoạch rất đầy đủ.
c- Sau đó, là khởi tố vụ
án cũng khẩn trương không kém. Trong đó, từ khâu điều tra, khâu lập hồ sơ, khởi
tố và khâu xét xử… đều do đảng viên CS thực hiện. Tới đây, khi tuyên án, chánh
tòa sẽ đứng dưới cái quốc huy CS và nhân danh nhà nước CS (không nhân danh công
lý).
d- Dù kết tội ra sao, đây
là một vụ án vu khống. Do vậy, sự vi phạm Luật sẽ được cố ý thực hiện ngay từ
khâu điều tra, khâu tạo ra cáo trạng để khởi tố và khi xét xử. Ngay từ khi bộ
Công An giải thích trên truyền thông đã lộ ra nhiều mâu thuẫn (giấu đầu hở
đuôi, tiền hậu bất nhất), sau này không thể cải chính được nữa.
4- Cách xét xử cụ thể và cách hóa giải
a- Phiên tòa sơ thẩm diễn
ra tháng 9-2020, tất nhiên phải áp dụng Luật tố tụng mới (2015). Nghĩa là phải
thay hẳn cách xử thẩm vấn (lạc hậu) bằng cách xử tranh tụng (tiến bộ, công bằng).
Muốn vậy, Hội Đồng xét xử (các thẩm phán) phải trung lập, đóng vai trọng tài
nghe hai bên (công tố và luật sư) tranh luận… để rút ra kết luận Đúng/Sai và phải
áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội… Nếu không như vậy, cái phiên tòa chính trị
này sẽ gây ra oan sai “cao như núi, dài như sông”… cho 29 bị cáo.
b- Hãy liên hệ với phiên
tòa giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải để thấy cách thức xét xử quen thuộc – dù luật mới
đã ra đời được 5 năm. Đây là phiên tòa lớn trong cả nước, mới cách nay 4 tháng,
do đích thân đồng chí chánh tòa tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa. Ông này
còn đương nhiệm bí thư Trung ương, do vậy ông là đại diện cao nhất của đảng CS
trong ngành Tư Pháp nước ta. Ông hành xử thế nào đều theo đường lối, chủ trương
của ĐCSVN.
Lẽ ra, chính ông phải rất
gương mẫu áp dụng luật mới, nhưng dư luận đã hoàn toàn thất vọng. Do vậy, tới
phiên tòa này (vụ Lê Đình Kình) thật khó mà tin rằng, 100% đảng viên CS điều
hành có thể áp dụng Luật mới – tuy luật này thể hiện công lý, nhưng lại có hại
cho quyền lực của ĐCS.
c- Phiên tòa xử vụ Lê
Đình Kình là phiên tòa vu cáo, bởi vì cuộc đàn áp vừa qua là không cần thiết,
thậm chí không phù hợp pháp luật. Bởi vì, muốn tước vũ khí (thô sơ) của một dúm
người tự phát và tự vệ, có rất nhiều cách mà pháp luật đã hướng dẫn và cho
phép. Do vậy, việc huy động cả một trung đoàn cảnh sát 3000 người để bắt vẻn vẹn
30 người là chuyện vô pháp, vô luân, lại hành xử bất ngờ, ban đêm… là rất không
hợp pháp. Lẽ ra, những người chủ trương phải bị lên án, phải ra tòa, phải là bị
cáo… nhưng nay thì ngược lại. Bởi vậy, đây là vụ án oan, với những “lời khai nhận
tội” (do bị bức cung) là chủ yếu, còn những “chứng cứ” được thu thập sẽ không hợp
lệ, thậm chí bịa đặt. Và cách xét xử sẽ là né tránh tối đa sự áp dụng luật mới.
d- Triển vọng. Phải có chữ
“nếu”, nếu các luật sư đòi hỏi khiến Tòa buộc phải xử theo cách tranh tụng và Hội
Đồng xét xử phải đóng vai trọng tài, công lý sẽ được thực thi. Mọi người sẽ tâm
phục, khẩu phục. Khả năng này là tiệm cận 0%. Dẫu sao vẫn phải kiên nhẫn và
kiên quyết đòi hỏi, và đòi hỏi trong suốt quá trình xét xử. Vừa qua, tập thể luật
sư đã có những kiến nghị kịp thời và xác đáng, ví dụ đòi được tiếp xúc với thân
chủ ngay tại tòa (theo luật)… và đã được đáp ứng một phần.
Triển vọng xấu là chánh
án vẫn tuyên theo một bản án bỏ túi, nhưng thấp hơn rõ rệt so với mức án do
công tố viên đề nghị. Ví dụ, công tố đề nghị 3 án tử hình (để dọa cho hãi),
nhưng khi chính thức tuyên án (bỏ túi) thì chỉ còn 1 tử hình và khi phúc thẩm
chỉ toàn là tù chung thân. Đó là âm mưu dọa giết cho sợ vãi đái, rồi “tỏ ra
khoan hồng” để nạn nhân biết ơn Trời-Biển. Không thể chấp nhận điều này, nhưng
phải có cách làm phù hợp. Đó là tố cáo liên tục trong suốt quá trình chờ đợi
phiên tòa sau (phúc thẩm). Dư luận trong nước và quốc tế sẽ làm chùn lại những
bàn tay vấy máu.
e- Chứng minh vô tội cho
các thân chủ tất nhiên là rất quan trọng, nhưng với một vụ án vu cáo tới mức đổi
vị trí thủ phạm và nạn nhân thì điều này chưa phải là quan trọng nhất. Quan trọng
nhất là chứng minh sự vi phạm Luật Tố Tụng trong suốt quá trình hình thành Hồ
sơ vụ án và Bản cáo trạng. Nghiêm trọng nhất là ở bước điều tra. Chứng minh
thành công càng nhiều, tội của bị cáo càng giảm, kể cả vô tội.
LS
Nguyễn Danh Huế cho biết: “Tôi đã từng tham dự nhiều phiên toà
liên quan đến tội danh ‘Chống người thi hành công vụ’ hay ‘Gây rối trật tự công
cộng’. Hầu hết những phiên tòa này đều có lực lượng cảnh sát dày đặc, thậm chí
phong toả toàn bộ khu vực xét xử, cấm luật sư đem điện thoại, máy tính vào
phòng xử án hoặc lắp đặt hệ thống máy phá sóng. Trong phần tranh luận, đại diện
Viện Kiểm sát cũng không chịu đối đáp đến cùng với luật sư, hội đồng xét xử thường
hỏi theo hướng buộc tội, nhân chứng quan trọng để gỡ tội thường vắng mặt và cuối
cùng, mức án rất nghiêm khắc được đưa ra”.
LS Ngô Anh Tuấn viết: Luật sư là đứa con hoang của nền Tư Pháp: “Một thực
tế là các vụ án mang màu sắc chính trị thì việc kiểm soát an ninh chặt chẽ từ
vòng ngoài là chuyện thường và tôi không tỏ thái độ khó chịu dù bị kiểm tra ít
nhất 4 vòng. Tuy nhiên, điều khiến tôi vô cùng phẫn nộ đối với việc tổ chức
phiên toà sáng nay là những vấn đề sau:
1.– Dù TAND thành phố Hà Nội mượn trụ sở của
TAND Cấp cao tại Hà Nội để xét xử, nhưng luật sư không được đi xe vào sân toà để
gửi như những phiên toà khác. Khắp dãy phố Phạm Văn Bạch từ khu vực Thanh tra
Chính phủ tới trụ sở VKSNDTC, luật sư cũng không được để xe, ngay cả các chỗ
trông xe của dân xung quanh đó cũng được công an trưng dụng, dù còn chỗ nhưng
cũng không cho luật sư gửi. Riêng việc tìm chỗ đỗ xe, tôi mất gần 30 phút loay
hoay tìm.
Một cán bộ an ninh quen với tôi khá lâu, bảo luật sư
cứ vứt ngoài đường để vào toà đi cho kịp giờ, nếu công an cẩu xe thì tôi đi
“xin” cho. Nhưng tôi không muốn phiền tới họ…
2.TAND Cấp cao Hà Nội mở cổng cho tất cả các mọi người
vào làm việc nhưng kiên quyết không cho luật sư đi vào mà bắt luật sư phải đi
vòng lại cổng TAND thành phố Hà Nội, cách đó khoảng 200m. Chưa hết, vào được cổng
TAND thành phố Hà Nội, lại phải đi 1 vòng qua sau lưng TAND Cấp cao tại Hà Nội,
vòng qua cửa chính TAND Cấp cao tại Hà Nội rồi mới đi vào bên cổng phụ để vào
toà. Nghĩa là để đi được vào phòng xử án, các cán bộ của các cơ quan khác chỉ mất
trên dưới 50m, còn luật sư phải đi vòng hết ít nhất là 350m. Trời sáng nay mưa
tầm tã, vào được đến toà bằng kiểu cực hình đó, nhiều luật sư chúng tôi bị ướt
sũng như luật sư Lê Văn Luân, Nguyễn Hà Luân, Phạm Lệ Quyên… và cả tôi, Ngô Anh
Tuấn.
Tôi không hiểu người ta nghĩ luật sư là cái giới gì,
xếp hạng gì trong hệ thống tư pháp Việt Nam nữa. Họ đang nghĩ luật sư là những
kẻ cặn bã, những kẻ cúi đầu chạy án, ngậm miệng ăn tiền…? Ai cho họ cái quyền
phân biệt đối xử với luật sư?
Không chỉ các luật sư được gia đình các bị cáo mời bị
đối xử tệ hại mà chính những luật sư chỉ định (mà nhiều người coi đó như là tay
sai của họ, bước theo chân họ và nói theo miệng họ) cũng bị đối xử như vậy. Tuy
nhiên, chỉ có kẻ “lắm mồm” như tôi mới dám nổi khùng lên và vào quát ầm ĩ mà
thôi, còn những người khác đều ngoan ngoãn chấp nhận vì chắc họ nghĩ phận mình
chỉ đáng vậy thôi, có ý kiến cũng bằng thừa.
Trong khi đó, người cấp thẻ hành nghề cho luật sư là
Bộ Tư pháp thì cũng chẳng coi giới luật sư ra gì, họ chỉ săm soi tìm các lỗi sơ
hở của luật sư để phạt hay dọa nạt tước thẻ hành nghề. Liên đoàn luật sư thì
nhiều việc, không bao quát hết các vấn đề của đồng nghiệp dù dạo này họ cũng tỏ
rõ sự quan tâm tới anh em hơn trước. Tệ nhất có thể nói là cái Đoàn luật sư
thành phố Hà Nội, ngoài việc lo đấu đá nội bộ thì họ chẳng quan tâm gì ngoài việc
nhắc nộp phí thành viên…
Lý thuyết, luật sư là một mắt xích quan trọng, là nền
tảng quan trọng cho công cuộc cải tổ nền tư pháp nước nhà để bắt kịp trình độ
quốc tế, nhưng thực tế thì khác xa. Về số lượng, lực lượng luật sư ngày một
đông hơn nhưng vị thế của luật sư đang không được xem trọng đúng mực, không chỉ
trong những phiên toà đặc biệt như phiên toà hôm nay.
Nếu mỗi một luật sư không tự ý thức, tự đấu tranh
trong từng tình huống nhỏ và nếu các cơ quan quản lý luật sư không có phương
án, chính sách tốt để bảo vệ luật sư, thì ngày càng nhiều những luật sư tâm huyết,
có tài sẽ bỏ nghề và phần lớn sẽ xuôi theo chiều gió để tồn tại – khi đó, nếu
xã hội có khinh chúng ta hơn nữa thì đó âu cũng là điều xứng đáng!”
No comments:
Post a Comment