Monday, September 7, 2020

NHÌN LẠI THÀNH TÍCH BỐN NĂM TẠI NHIỆM CỦA TT MỸ DONALD TRUMP (Vũ Ngọc Yên)

 


 

Nhìn lại thành tích bốn năm tại nhiệm của TT Mỹ Donald Trump

Vũ Ngọc Yên

07/09/2020

https://baotiengdan.com/2020/09/07/nhin-lai-thanh-tich-bon-nam-tai-nhiem-cua-tt-my-donald-trump/

 

Làn sóng dân túy chống toàn cầu hóa và di dân tị nạn đã tạo cơ hội cho Donald Trump thắng cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Sự khởi đầu nhiệm kỳ của vị Tổng thống Cộng Hoà thứ 45 đánh dấu một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước Mỹ mà nhân dân Mỹ và thế giới cảm nhận được những hậu quả của những năm cầm quyền của một doanh nhân điạ ốc thiếu kinh nghiệm chính trị, lãnh đạo một siêu cường mạnh nhất thế giới.

 

Trump hứa hẹn rất nhiều trong cuộc tranh cử và đến nay Trump còn giữ lời được bao nhiêu? Gần bốn năm qua, những gì đã làm thay đổi xã hội Mỹ? Trump có cơ hội tái thắng trong cụộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra vào ngày 3.11.2020 không?

 

Bức tường biên giới và di dân

Trong cuộc tranh cử, Trump hứa sẽ xây một bức tường dọc theo biên giới Mỹ – Mexico dài 3200 cây số để giảm lượng di dân bất hợp pháp và ông nhiều lần quả quyết, Mexico sẽ thanh toán tiền xây tường. Bộ Nội an Mỹ cho biết đến thời điểm hiện tại, đã xây được 480 cây số, tương đương 15% chiều dài tường và chính quyền Mexico đã bác bỏ yêu cầu đảm nhận chi phí. Tổng thống Trump hứa tới năm 2021 sẽ hòan thành 800 cây số.

 

Trump không phân biệt các vấn đề di dân, phạm pháp và khủng bố. Đối với Trump di dân là “mẹ đẻ của mọi vấn đề”. Chính sách di dân được thực thi không nhân nhượng bằng các biện pháp trục xuất và giới hạn nhập cảnh. Cách hành xử thô bạo chống di dân và miệt thị người nhập cư đã gặp sự chống đối của các chính quyền tiểu bang, toà án và dân chúng… Trong diễn văn nhậm chức, Trump hứa sẽ tu sửa hạ tầng cơ sở (đường xá, cầu cống và phi trường) để tạo thêm việc làm. Nhưng đến nay, kế hoạch hạ tầng cơ sở dự kiến tổn phí 1500 tỉ vẫn chưa khởi động.

 

Phát triển kinh tế và việc làm

 

Về kinh tế, chính quyền Trump đã thông qua một loạt biện pháp chính như: Giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%; giảm thuế thu nhập cá nhân; Gây áp lực bằng hình thức thuế quan để ép các công ty Mỹ và công ty nước ngoài chuyển dây chuyền sản xuất, công nghệ hoặc mở nhà máy trên đất Mỹ.

 

Donald Trump rất hãnh diện về những thành tích kinh tế đạt được hơn ba năm cầm quyền. Ông từng hứa sẽ đưa mức tăng trưởng kinh tế mỗi năm lên 6%. Nhưng thực tế, mức phát triển chưa đạt được 3%. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 4,8% vào cuối năm 2016 lúc Tổng thống Obam từ nhiệm xuống còn 3,5%.

 

Lời kêu gọi các đại công ty đang kinh doanh ở ngoại quốc trở về nước không thực tế, không được ủng hộ. Thậm chí có những công ty như Harley-Davidson sản xuất xe motor đã phải quyết định di chuyển các xưởng sản xuất ra khỏi Mỹ vì lương nhân công và thuế nhập cảng ở Mỹ quá cao.

 

Kể từ thời George W. Bush (Cộng hòa), nợ công của Mỹ đã tăng lên nhanh chóng. Nhưng dưới chính quyền Trump (Cộng hòa), nợ còn tăng nhanh hơn trước. Chương trình giảm thuế nhằm kích họat kinh tế đã đưa tổng số nợ công lên 23.2000 tỷ USD (số liệu ngày 1.1.2020) và sẽ tiếp tục tăng trên 25.000 tỷ USD vào cuối năm 2020.

 

Tính đến năm 2020, ngân sách nhà nước bội chi 3700 tỷ USD, tăng gần 4 lần so với năm ngoái. Trong khi cắt giảm ngân sách ở các lãnh vực giáo dục, xã hội, y tế và môi sinh, thì chi tiêu quốc phòng gia tăng khủng khiếp. Theo ước tính chính thức là 738 tỷ USD cho năm 2020.

 

Từ tháng 2.2020, đại dịch corona bộc phát, làm thay đổi toàn bộ tình hình chính trị và kinh tế nước Mỹ.

 

Tỷ lệ thất nghiệp tháng 2.2020 ở mức 3,5%, nhưng đến tháng 7 đã tăng lên trên 10% và tính đến tháng 8 vẫn còn 27 triệu người nhận trợ cấp thất nghiệp.

 

Tổng sản lượng nội điạ (GDP), theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tới cuối năm nay sẽ giảm 5,9%.

 

Năng lực xử lý đại dịch corona

Ngay khi dịch corona lan rộng trên toàn nước, Tổng thống Trump đã phát biểu “cơn dịch này là HOAX“, tin thất thiệt do Đảng Dân chủ tung ra để hại cá nhân ông. Nhưng sau đó Trump lại quả quyết: “Nạn dịch sẽ biến mất vào một ngày nào đó như một phép lạ và virus sẽ bị ngăn chặn, trễ nhất vào tháng 4 vì nhiệt độ gia tăng sẽ giết virus và chấm dứt nạn dịch Covid-19“.

 

Những phát ngôn của Trump đã làm nhân dân thế giới kinh ngạc về kiến thức của vị Tổng thống, lãnh đạo một quốc gia đứng đầu toàn cầu trong lãnh vực khoa học. Để che đậy những sai lầm trong việc xử lý cuộc khủng hoảng, Trump và đảng Cộng hòa đã đổ trách nhiệm cho Đảng Dân chủ, Liên minh Âu châu, Tổ chức Y tế Thế giới và giới chuyên khoa y học.

 

Kể từ tháng 4, Trump phát động chiến dịch đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch COVID-19 tại Mỹ. Trump gán SARS-CoV-2 những cái tên như “virus Trung Quốc” hay “kung flu”. Nhưng những thủ thuật tuyên truyền đã không làm công chúng Mỹ giảm mất sự quan tâm vào cách chính quyền Trump xử lý đại dịch, thay vì đòi hỏi Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm.

 

Mỹ hiện tại là quốc gia có số người bị nhiễm và tử vong vì virus corona nhiều nhất thế giới. Theo thống kê của WorldOmeters, tính đến hôm nay, nước Mỹ có gần 6,5 triệu người bị nhiễm và hơn 193.000 người tử vong.

 

Thành quả an ninh, đối ngoại

Tư tưởng chủ đạo Nước Mỹ trước hết (America First) đặt quyền lợi đất nước trước nhất. Trump nhận xét việc can dự quân sự ở nước ngoài vì nhân đạo, tự do dân chủ hay lật đổ độc tài là chuyện xa vời so với quyền lợi và nỗi lo trong cuộc sống của dân Mỹ, nên các quyết định trong chính sách an ninh đối ngoại chỉ dựa vào những tính toán kinh tế, tài chính và chiến thuật.

 

Trump xem chính sách an ninh, đối ngoại của Obama và Clinton là một “thảm họa” và đã xét lại (reset) mọi thỏa thuận quốc tế mà chính quyền Obama ký kết, bất chấp hậu quả: Hủy bỏ thỏa ước nguyên tử với Iran, rút khỏi Hiệp uớc Vũ khí Nguyên tử Tầm trung đã ký kết với Nga (INF), bãi bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), thay thế Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ với Mexico và Canada (NAFTA) bằng một hiệp định mới (USMCA), rút khỏi thỏa ước bảo vệ khí hậu Paris…

 

Về mặt an ninh chiến lược, Trump hòa hoãn với Bắc Hàn và Nga Xô, chuyển Toà Đại sứ Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem, tăng cường quan hệ mọi mặt với Ấn Độ, một đầu tàu phát triển mới ở Á châu, giúp Ấn trở thành lực lượng đối trọng chống Trung Cộng ở Ấn Độ Dương.

 

Trump chủ trương giới hạn sự tham gia quân sự của Mỹ ở nước ngoài và đòi hỏi đồng minh phải phải có “nghĩa vụ“ đóng góp nhiều hơn. Trump chỉ trích NATO, một liên minh quân sự bắc Đại Tây Dương được thành lập vào năm 1949 và đã hoạt động hữu hiệu chống cộng sản trong thời chiến tranh lạnh, là một cơ cấu “lỗi thời”. Nhưng sau những phản đối của Âu châu, Trump đã rút lại lời chỉ trích và ca ngợi NATO là “Thành trì hòa bình và an ninh quốc tế”.

 

Trump hãnh diện cho biết, các thành viên NATO đã đáp ứng yêu sách của Mỹ trả thêm mỗi năm 130 tỷ USD. Công bố của Trump không đúng sự thật vì tổng số tiền này do các quốc gia thành viên đã thoả thuận thanh toán từ năm 2016 đến cuối năm 2020, chứ không phài tiền trả mỗi năm.

 

Tại Á châu, Tổng thống Trump yêu cầu Nam Hàn tăng mức đóng góp quân sự từ 890 triệu USD lên 4,7 tỷ USD – một mức tăng gần 500%. Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in dĩ nhiên từ chối yêu cầu này, bất chấp Mỹ đe dọa rút 28.500 binh sĩ đang trấn đóng ở Nam Hàn. Tại Nhật, Mỹ kêu gọi Tokyo tăng gấp bốn lần chi phí hàng năm cho lực lượng Mỹ đóng tại nước này, từ 2 tỷ USD lên 8 tỷ USD. Một yêu cầu mà giới chức Nhật Bản cho rằng “không thực tế”.

 

Theo quan điểm của chính quyền Trump, các thiết chế do chính Mỹ lập ra trước kia như Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nay không còn phù hợp với “lợi ích“ của Mỹ, nên Mỹ đòi hỏi phải cải cách cơ cấu, nếu không Mỹ sẽ rút lui. Đến nay Mỹ đã rời khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc và Tổ chức Y tế Thế giới.

 

Cuộc chiến thương mại chống Trung Cộng

Trump chỉ trích Trung Cộng là một cường quốc tồi bại ở Á châu đã ăn cắp việc làm, công nghệ kỹ thuật của người Mỹ và bịp bợm tỷ giả tiền tệ. Trump khởi động cuộc chiến thương mại vì tin rằng đây là lĩnh vực Trung Cộng dễ tổn thương nhất do cán cân thương mại hai bên quá chênh lệch. Trump muốn thu hẹp thâm hụt thương mại với nước ngoài thông qua thuế trừng phạt đối với hàng nhập khẩu, đặc biệt hàng Trung Cộng. Mặc dù các biện pháp áp thuế ở nhiều mức độ trừng phạt đối với hàng nhập khẩu, nhưng thâm hụt hàng năm vẫn gia tăng. Điều này đi ngược lại mục tiêu của Trump là thúc đẩy nền kinh tế trong nước trở nên độc lập hơn với Trung Cộng.

 

Mỹ nhập cảng hàng của Trung Cộng, từ 462.4 tỷ USD vào 2016, lên đến 505.2 tỷ vào 2017 và 539.7 tỷ vào 2018 và số nhập siêu của Mỹ tăng từ 346.8 tỷ lên đến 375.4 tỷ và 419.5 tỷ trong ba năm.

 

Theo một nghiên cứu mới được Fed New York công bố, cuộc chiến thương mại với Trung Cộng đã thổi bay 1.700 tỷ USD giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp Mỹ, khiến tốc độ tăng trưởng đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ suy giảm gần 2% tính đến cuối năm nay. Các doanh nghiệp Mỹ phải gánh chịu phần lớn chi phí tăng lên do thuế nhập khẩu tăng, và những công ty xuất khẩu sang Trung Quốc cũng bị sụt giảm lợi nhuận vì thuế trả đũa từ phía Trung Cộng.

 

Mỹ và Trung Cộng hồi tháng Giêng đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 để hạ nhiệt cuộc chiến thương mại. Cụ thể, Mỹ ngừng kế hoạch đánh thuế lên 155 tỉ USD hàng hóa Trung Cộng và giảm thuế suất đối với 120 tỉ USD hàng hóa Trung Cộng từ 15% xuống còn 7,5%. Bên cạnh đó, Mỹ vẫn giữ nguyên mức thuế 25% đối với 370 tỉ USD hàng hóa khác của Trung Cộng. Đổi lại, Trung Cộng cam kết mua thêm ít nhất 200 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong 2 năm. Trong số này có khoảng 40 tỉ USD nông sản.

 

Vấn nạn bang giao Hoa-Mỹ sẽ không dễ gì giải quyết, khi Trung Cộng vẫn còn đạt mức độ xuất siêu qua Mỹ mỗi năm hàng trăm tỷ USD, cũng như tiếp tục theo đuổi mộng bá quyền ngự trị thế giới.

 

Tình hình Biển Đông căng thẳng trong nhiệm kỳ của Trump. Mỹ đã gửi Hàng không Mẫu hạm và tuần dương hạm tới tuần tra ở Biển Đông nhằm bảo đảm sự tự do hàng hải, cũng như phản ứng trước các hành động bành trướng của Trung Cộng trong khu vực tranh chấp.

 

Các phát biểu cường đìệu chống Trung Cộng của các quan chức cấp cao của chính quyền Trump trong những tháng cuối nhiệm kỳ của Trump đã không được các quốc gia đồng minh ờ Âu châu và Á châu nhiệt thành hỗ trợ. Các thành viên trong Hiệp hội ASEAN không quên Trump vào ngày đầu nhậm chức Tổng thống đã dẹp bỏ Hiệp định TPP và chiến lược chuyển trục về Á châu của Tổng thống tiền nhiệm Obama, mà không hề đưa ra một chiến lược thay thế.

 

Bất ổn xả hội vì phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát

Dưới thời Bill Clinton, số lượng tội phạm bạo lực đã giảm mạnh ở Mỹ. Trong hai năm đầu của chính quyền Trump, các tội ác bạo lực nghiêm trọng đã tăng trở lại, đặc biệt là các vụ phạm pháp và cưỡng hiếp. Chỉ trong năm 2018, đã có 700.000 vụ cưỡng hiếp, 600.000 vụ cướp bóc và gây thương tích 1,1 triệu người. Đây là mức cao nhất kể từ năm 1993.

 

Việc phụ nữ ngày càng trở thành nạn nhân của các vụ tấn công tình dục xảy ra trong nhiệm kỳ của một Tổng thống có nhiều tai tiếng về lạm dụng và phát ngôn khiếm nhã đối với phụ nữ, đã làm dư luận chú ý tới nhiều tài liệu và hình ảnh cũ về Trump tái xuất hiện trong chiến dịch bầu cử.

 

Năm 2018 Trump đã thay đổi các quy định xét xử về bạo lực trong gia đình. Kiện tụng bây giờ trở nên khó khăn hơn cho những nạn nhân muốn được bảo vệ và công nhận tại tòa án. Trump ủng hộ việc xét nghiêm ngặt quyền phá thai.

 

Quyền sở hữu vũ khí được Trump và đảng Cộng hòa hỗ trợ chính trị nhiều hơn quyền của phụ nữ. Súng vẫn tương đối dễ kiếm. Sát nhân bằng súng xảy ra hết lần này đến lần khác ở Mỹ, kể cả trong trường học.

 

Kể từ khi Donald Trump nhậm chức, số lượng “xả súng hàng loạt” với vũ khí mua hợp pháp, thường là với súng ngắn bán tự động đã tăng lên. Vào năm 2017, 58 người đã thiệt mạng và 546 người bị thương trong vụ thảm sát ở Las Vegas. Sau các vụ thảm sát ở El Paso (Texas), Dayton (Ohio) vào năm 2019, Trump hứa sẽ áp dụng luật vũ khí mới.

 

Cái chết của George Floyd, một người đàn ông Mỹ gốc Phi vào ngày 25.5.2020 tại thành phố Minneapolis (Minnesota) thật kinh hoàng. Các cuộc biểu tình chống bạo lực cảnh sát và phân biệt chủng tộc đã bùng nổ khắp Mỹ và là lần đầu tiên trong lịch sử Hợp Chúng quốc, nhân dân Mỹ thuộc nhiều màu da khác nhau đã đoàn kết lại để biểu lộ sự bất bình về nạn phân biệt chủng tộc. Không chỉ Mỹ, các cuộc biểu tình cũng lan rộng đến nhiều nước, từ Nam Mỹ đến châu Phi, từ châu Âu đến Đông Nam Á và từ Mexico đến Canada. Các cuộc phản kháng ủng hộ phong trào Black Lives Matter (Mạng sống người da đen cũng đáng giá), phần lớn diễn ra ôn hòa dù có xảy ra bạo động ở một vài thành phố.

 

Thay vì kêu gọi hòa giải, Trump lại có những phát ngôn như “thêm dầu vào lửa“. Trump vu khống những người phản kháng là quân bạo loạn, biện hộ bạo lực cảnh sát và đe doạ dùng quân đội trấn áp biểu tình. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng lên tiếng phản đối việc Trump điều động quân đội nhằm dập tắt tình trạng bất ổn xã hội. Hàng loạt cựu lãnh đạo quân đội và cựu bộ trưởng quốc phòng cũng lên tiếng ủng hộ quan điểm của Ngũ Giác Đài.

 

Ngày 23.8, Jacob Blake, một thanh niên da đen, 29 tuổi bị cảnh sát bắn sau lưng trọng thương tại Kenosha (Wisconsin). Trump không hề nhắc đến những nạn nhân da đen bị gíết, nhưng lại vinh danh Aaron Jay Danielson, 39 tuổi, một thành viên da trắng vũ trang của tổ chức “Patriot Prayer” hỗ trợ Trump bị chết trong vụ xô sát ngày 31.8 tại Portland (Oregon) là “liệt sĩ“.

 

Bất bình đẳng chủng tộc luôn là thách thức lớn nhất đối với nước Mỹ. Giáo sư xã hội học của đại học Harvard, Orlando Patterson đã nhận xét trong một tiểu luận “The Long Reach of Racism in the U.S.“ trên báo Wall Street Journal ngày 5.6.2020 “dù đã có nhiều tiến bộ trong hai thế kỷ qua, khai trừ và bất công đối với nhiều người da đen vẫn còn là một thực tại“.

 

Một Tổng thống có nhiều cá tính kỳ lạ

Theo báo Washington Post, từ tháng 1.2017 tới nay, Tổng thống Trump đã nói dối hoặc cố tình công bố nhiều sự kiện không đúng sự thật. Trump thường vu khống báo chí, truyền thông là “kẻ thù nhân dân“. Những thông tin, tin tức mà ông không muốn nghe hoặc đọc, bị ông kết án là tin giả “Fake News“.

 

Trump sở hữu 16 sân golf ở Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Đông. Trong chiến dịch tranh cử, Trump đã chỉ trích Obama thường xuyên đi đánh golf thay vì ngồi làm việc trong Toà Bạch Ốc, rằng bản thân ông, nếu trở thành Tổng thống, ông sẽ “không có thời gian để chơi golf”. Nhưng thực tế chứng minh ngược lại. Tính đến ngày 10.1.2020 sau 155 tuần kể từ ngày nhậm chức, Trump đã đến sân golf 242 lần, còn Obama chỉ có 92 lần. Giới truyền thông nhiều lần tường thuật, Trump đã phủ nhận, chối cãi không biết hoặc chưa được đọc các báo cáo quan trọng của các cơ quan tình báo và cố vấn an ninh vì Trump dùng quá nhiều thời giờ cho thú viết tin trên mạng Twitter và đi chơi golf.

 

Mức độ tín nhiệm Trump

Trong cuộc bầu cử năm 2016, đa số cử tri đã không bỏ phiếu cho ứng viên Cộng hòa Donald Trump. Ứng viên Dân chủ Hillary Clinton nhận được trên ba triệu phiếu nhiều hơn. Nhưng Trump đã giành chiến thắng nhờ hệ thống bầu thông qua Hội đồng đại cử tri (Electoral College).

 

Theo các dữ liệu của viện thăm dò dư luận Gallup, Tổng thống Trump không được đa số dân chúng tín nhiệm so với hai người tiền nhiệm là Bush và Obama.

 

Bush nhận dược mức tín nhiệm 57% (ngày 9.2.2001) sau 20 ngày khởi đầu nhiệm kỳ và 49% (ngày 3.1.2005) sau 1444 ngày tại chức.

 

Obama có mức độ được lòng dân 66% (ngày 26.1.2009) sau 6 ngày tại chức và 50% (ngày 14.1.2013) sau 1445 ngày cầm quyển.

 

Trump bắt đầu nhậm chức với 45% (ngày 20.1.2017) rồi giảm xuống 43% (ngày 5.1.2020) sau 1049 ngày tại chức. Nay chỉ còn ở mức dưới 40%.

 

Kể từ khi làm Tổng Thống, Trump chưa bao giờ nhận được mức ủng hộ vượt quá 50%. Ngay ở thời điểm ngày 1.2.2020, khi nền kinh tế khởi sắc, thị trường chứng khoán tăng mạnh và tỷ lệ thất nghiệp thấp, Trump vẫn không được đa số dân chúng hậu thuẫn.

 

Tham dự cuộc bầu cử Tổng thống ngày 3.11.2020, cử tri Mỹ sẽ có liên danh Cộng hòa Donald Trump – Mike Pence và Liên danh Dân Chủ Joe Biden – Kamala Harris. Nhiều cuộc thăm dò dư luận của các cơ quan truyền thông đều tiên đoán, Liên danh Dân chủ Biden – Harris sẽ thắng cử.

 

– NYT Upshot/ Siena College poll, ngày 22.6: Donald Trump 36% – Joe Biden 50%

 

– ABC News/Washington Post poll, ngày 19.7: Donald Trump 40% – Joe Biden 55%

 

– CNN poll, ngày 17.8: Donald Trump 42% – Joe Biden 51%

 

– Báo quân đội “Military Times“ cũng công bố kết quả thăm dò ý kiến. Theo đó 37% binh sĩ sẽ bầu Trump, nhưng 41% muốn Biden là vị tân Tổng tư lệnh của quân đội.

 

Trump sẽ chấp nhận phán quyết của cử tri?

 

Nếu dựa vào hiện trạng kinh tế, chính trị và xã hội, cũng như kết quả của các cuộc thăm dò ý dân, đả̉ng Dân Chủ sẽ thắng trong cuộc bầu cử (Tổng thống, Lưỡng viện và thống đốc tiểu bang…) vào tháng 11.2020.

 

Tuy nhiên chiến thắng của Biden và Harris có thể gặp trở ngại vì hai lý do:

 

– Ứng cử viên tổng thống nhận được nhiều phiếu phổ thông của cử tri, chưa hẳn đã thắng cử vì Tổng thống không được nhân dân bầu trực tiếp mà do Hội đồng đại cử tri (Electoral College) bầu. Trong cuộc bầu cử năm 2016, ứng viên Dân chủ Hillary Clinton không nhân được đa số phiếu trong Electoral College dù đã chiếm nhiều phiếu cử tri hơn ứng viên Cộng hòa Donald Trump.

 

– Quyết định thắng thua có thể bị thay đổi qua các thủ thuật chính trị. Hai thí dụ trong quá khứ:

 

– Ứng viên thắng cử nhờ quyết định của Uỷ ban bầu cử. Ứng viên Cộng hòa Rutherford B. Hayes và Ứng viên dân chủ Samuel J.Tilden đã đổ lỗi gian lận bầu cử cho nhau trong cuộc bầu cử năm 1876 và cả hai đều cho rằng mình có bằng chứng thắng cử. Vì kết quả không rõ ràng, một Ủy ban bầu cử gồm 15 thành viên Thượng nghị sĩ, Hạ nghị sĩ và Thẩm phán Tối cao pháp viện được lập ra mà đa số thuộc đảng Cộng Hoà. Ủy ban sau đó đã quyết định Ứng viên cộng hòa Hayes thắng.

 

– Ứng viên thắng cử nhờ đa số phiếu trong Tối cao Pháp viện. Ứng viên Cộng hòa George W. Bush đã thắng nhờ phán quyết của Tối cao Pháp viện trong cuộc bầu năm 2000.

 

Hai sự kiện này đang tạo ra nỗi lo trong dư luận, Trump luôn quả quyết sẽ có bầu cử gian lận nếu ông thua. Đây là cớ để Trump kiện cáo lên Tối cao Pháp viện. Hiện tại, Tối cao Pháp viện có 9 thành viên, phe Cộng hòa có 5 thẩm phán trong khi dân Chủ chỉ có 4.

 

Cuộc bầu cử cuối cùng sẽ diễn tiến tốt đẹp trong trường hợp Đảng Dân chủ đại thắng với tỷ lệ cao không phủ nhận đươc. Nếu không, công luận sẽ chứng kiến kịch bản do Trump làm đạo diễn.

 

Thay lời kết

 

Trong một bức thư ngỏ gửi cử tri Mỹ, được tổ chức Defending Democracy Together (Cùng Nhau Bảo Vệ Nền Dân Chủ), một tổ chức bảo thủ của những người thuộc đảng Cộng Hòa, công bố ngày 20.8.2020, hơn 70 cựu quan chức an ninh quốc gia, từng phục vụ trong chính quyền của các Tổng thống Ronald Reagan, George H.W. Bush, George W. Bush, và Donald Trump, hoặc với tư cách là thành viên Đảng Cộng hòa trong Quốc hội, đã đưa ra những nhận xét phê phán đường lối chính trị của Donald Trump trong gần bốn năm qua.

 

Theo họ, Trump không đủ tư cách và năng lực để lãnh đạo quốc gia. Các nhân sĩ này kết án Donald Trump đã làm đất nước thất bại và làm tổn hại nghiêm trọng đến vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ, đồng thời kêu gọi cử tri Mỹ nên bầu cho cựu Phó Tổng thống Joe Biden làm Tổng thống kế tiếp.

 

Tình trạng phân hoá chính trị, cách biệt giàu nghèo, chủng tộc, nông thôn – thành thị trong những năm cầm quyền của Trump đã trở nên nghiêm trọng. Nước Mỹ ngày nay cần phải cải cách với một tân tổng thống có phẩm chất lãnh đạo để canh tân quốc gia và đoàn kết nhân dân thuộc mọi thành phần, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo và giai cấp.

 

 

 

 

 

 

 


No comments: