Saturday, September 12, 2020

NGHỆ THUẬT MÙA COVID (Gia Hiền)

 


Nghệ thuật mùa Covid  

Gia Hiền

Thứ bảy, 12/9/2020, 13:41 (GMT+7)

https://vnexpress.net/nghe-thuat-mua-covid-4160820.html

 

Ông Liêm cầm cái đục, vớ lấy một con rối đang chế tác dở rồi làm động tác đẽo. Nhưng lưỡi đục cứ chuội đi. Ông tạo dáng chỉ để chúng tôi có bức ảnh đẹp. May là chụp ảnh chứ quay phim thì hỏng, trông rất diễn.

 

"Cái này nó bằng gỗ sung, để khô thì cứng lắm, không đục được", ông Liêm quay sang cười ngượng, giải thích.

 

Tôi đến phỏng vấn ông Phan Thanh Liêm, nghệ nhân đã 7 đời theo nghề chế tác và biểu diễn rối nước. Ông là người đã sáng tạo ra mô hình thuỷ đình mini, có thể lắp ráp và biểu diễn trong không gian rất nhỏ (ứng dụng luôn vào ngôi nhà ông đang sống giữa Thủ đô Hà Nội, ông dựng thuỷ đình với khán phòng chừng 20 chỗ ngồi ngay trên tầng thượng để biểu diễn phục vụ du khách), ngoài ra cũng có thể mang đi biểu diễn lưu động trong và ngoài nước. Thân phụ của ông, nghệ nhân Phan Văn Ngãi, đã tìm ra một giải pháp cực kỳ quan trọng để chế tác rối nước, đó là dùng gỗ sung.

 

Gỗ sung khi còn tươi rất mềm, đẽo gọt dễ dàng, lại đẹp. Sau khi tạc con rối xong, đem ngâm nước kỹ rồi phơi khô nhiều lần, gỗ xoắn lại, vô cùng bền chắc. Ưu điểm nổi bật nhất là gỗ sung nhẹ, các nghệ sĩ biểu diễn không vất vả như các loại rối tạc bằng gỗ xoan, gỗ mít, nên động tác uyển chuyển hơn, các trò rối sinh động phong phú hơn nhiều.

 

Thế nhưng, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thuỷ đình mini của ông Liêm đã buộc phải ngừng hoạt động. Con rối đang tạc dở dang rồi khô đét đến mức không thể đục được nữa, là chi tiết rõ nhất cho sự đứt mạch cảm xúc của người nghệ nhân kiêm nghệ sĩ biểu diễn rối nước này. Sự đứt mạch áo cơm.

 

Covid-19, ngành nghệ thuật biểu diễn trên toàn thế giới đông cứng lại. Ban nhạc rock Bon Jovi ghi hình bài hát từ nhà riêng, mà danh ca opera Andrea Bocelli thì cũng biểu diễn qua livestream tới 2 triệu khán giả trên khắp thế giới. Toàn bộ 41 sân khấu tại khu Broadway đã đóng cửa từ 12/3 (dự kiến mở lại sớm nhất vào tháng 3/2021), còn nhà hát Bolshoi thì công chiếu trọn vẹn vở ballet "Hồ thiên nga" trên Youtube.

 

Việt Nam cũng không ngoại lệ. Sau đợt giãn cách toàn xã hội, khi các đoàn nghệ thuật và các nghệ sĩ còn đang loay hoay kéo khán giả lại với một đời sống bình thường mới, thì làn sóng Covid-19 thứ 2 loang ra từ Đà Nẵng. Mọi thứ lại đóng băng.



"Một số bạn nữ diễn viên của Nhà hát thì nấu đồ ăn bán online, còn một số bạn nam thì làm shipper. Nhưng đa phần là anh chị em mua ủng hộ nhau...", NSƯT Cao Ngọc Ánh, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cười buồn.

 

Là một đơn vị rất mạnh về biểu diễn lẫn tổ chức biểu diễn, hàng năm Nhà hát Tuổi Trẻ luôn bận rộn với 2 nhiệm vụ song song, vừa biểu diễn tại cơ sở chính tại Hà Nội, vừa đi tổ chức các chương trình kỷ niệm, lễ hội cho khắp các tỉnh thành. Dịch Covid khiến cả 2 hoạt động này đều đình trệ. Chỉ tính riêng 3 tháng hè cao điểm phục vụ đối tượng khán giả thiếu nhi, đã có 3 vở diễn dày công tập luyện đến đầu tư phục trang bối cảnh... phải gác lại. Lịch diễn trở lại của nhà hát là giữa tháng 9, nhưng cũng rất quan ngại về lượng khán giả đến rạp.

 

Còn Nhà hát chèo Việt Nam, một đơn vị nghệ thuật cực kỳ dày dặn về thành tích, với gần 200 nghệ sĩ của 5 thế hệ đang cùng biểu diễn trên sân khấu, thì nguồn sống của họ bây giờ là những show hát văn trong các buổi hầu đồng Tứ phủ. Nghệ sĩ nhân dân Thanh Ngoan – giám đốc Nhà hát - chấp nhận việc "xé" lịch tập vở ra làm nhiều ca, du di tối đa theo lịch chạy show của nghệ sĩ. Vì anh chị em cần sống đã. Những "đào thương", "đào lệch", "đào pha"... mặn mà duyên dáng, giọng nảy hạt cực kỳ kỹ thuật, không sống bằng những vai diễn Thị Mầu, Xuý Vân, mà bằng những buổi hát hầu đồng mà khán giả dành phần thiết tha hơn cho những lời cầu khấn.

 

Nếu nhìn sang những môn kén công chúng hơn nữa như tuồng, thì còn không biết ra sao. Lãnh đạo Nhà hát tuồng Việt Nam đã từ chối gặp khi chủ đề câu chuyện xoay quanh đời sống của nghệ sĩ.

 

Nhưng Covid-19 và sự vắng khách của các sân khấu, sự khó khăn của các nghệ sĩ biểu diễn - đặc biệt là nghệ thuật truyền thống, nhắc chúng ta rằng bấy lâu nay không phải công chúng Việt Nam nuôi họ. Mặc dù mọi khẩu hiệu luôn là "giữ gìn vốn quý văn hoá dân tộc", mặc dù mong muốn của đa số phụ huynh là con cái mình hiểu và yêu văn hoá của cha ông, mặc dù chợ đồ chơi Trung Thu vẫn còn bán trống cơm, trống bỏi và đèn ông sao, thì thực tế là số người bỏ tiền ra mua vé đến xem rối nước, chèo, tuồng, cải lương hay kịch nói là khá ít ỏi.

 

Những nghệ sĩ vẫn phải sống, dù rằng cái gánh trách nhiệm mà họ đã khoác lên vai từ khi chọn cái nghiệp sân khấu truyền thống gần như là nặng quá khả năng. Họ tìm đủ cách để mưu sinh như bất kỳ ai, để vẫn được khoác lên mình xiêm y lấp lánh, hát những câu da diết mà ông cha chúng ta bao đời cố gắng lưu truyền. Ông cha của tất cả chúng ta.

 

Có du khách hỏi nghệ nhân Phan Thanh Liêm rằng ông có được nhận hỗ trợ gì từ Nhà nước không, và rất ngạc nhiên khi câu trả lời là không. Ở nhiều quốc gia, những nghệ nhân được chính phủ hỗ trợ nếu họ đang gìn giữ một vốn quý văn hoá truyền thống nào đó của dân tộc.

 

Nhưng ông Liêm không thở dài vì điều đó, mà ông buồn vì công chúng Việt Nam ngày càng lạnh nhạt với nghệ thuật rối nước. Những cuộc biểu diễn tại các trường học từ nhiều năm qua vốn rất hoạ hoằn, giờ thì hết hẳn. Những con rối ông làm ra để bán như quà tặng, cũng tiêu thụ hắt hiu, ngay cả với du khách nước ngoài. Một nghệ nhân 7 đời theo đuổi nghề rối nước truyền thống, mà bây giờ ngồi thở dài nhớ những chuyến... lưu diễn nước ngoài. Ai mới nên buồn đây?

 

Dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài, và các chuyên gia đã nói rất nhiều về chuyện con người phải thay đổi tư duy về cuộc sống theo cách cũ (thông điệp ở Việt Nam gọi là "trạng thái bình thường mới"). Chúng ta đã hoang phí, đã coi thường, đã lãng quên những điều rất cơ bản và bình dị, như là những bữa cơm gia đình, những khoảng thời gian chơi với con, hay thói quen bỏ ống heo tiết kiệm những đồng tiền lẻ. 8 tháng qua, chúng ta đã tập nhìn lại mình. Nhưng có những cái nhìn lại còn phải xa hơn thế nữa, chẳng hạn như nhìn về sự trân trọng những giá trị văn hoá và các nghệ sĩ bằng cách nuôi sống họ, chứ không phải phó mặc cho cái gọi là "cung cầu của thị trường".

 

Những nghệ sĩ và các sân khấu thì không có nhiều thời gian để đợi đến lúc công chúng biết giật mình nhìn lại. Các trưởng đoàn nghệ thuật đều cho biết, nhiều nghệ sĩ đã bỏ nghề trong những tháng qua - họ thậm chí không có tiền tiết kiệm để mà cố trụ lại. Còn những sân khấu, như chúng ta đều biết, hầu hết đều đã cho thuê mặt bằng để làm quán cà phê hoặc nhà hàng từ lâu rồi.

 

Gia Hiền

 

 

 

 

 

 


No comments: