Thursday, September 17, 2020

MỘT TỘI PHẠM GỐC VIỆT SẮP BỊ TRỤC XUẤT DÙ ĐƯỢC XÓA ÁN (Người Việt)

 


Một tội phạm gốc Việt sắp bị trục xuất dù được xóa án

Người Việt

September 17, 2020

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/cong-dong/mot-toi-pham-goc-viet-sap-bi-truc-xuat-du-duoc-xoa-an/

 

SANTA ANA, California (NV) – Ông Tín Nguyễn từ Việt Nam đến Mỹ khi còn nhỏ vào năm 1979, hy vọng sẽ có tương lai tốt đẹp hơn ở đất nước mới. Tuy nhiên, niềm hy vọng đó không trở thành hiện thực, theo nhật báo The Orange County Register hôm Thứ Năm, 17 Tháng Chín.

 

Là học sinh gốc Việt duy nhất ở trường, ông thường xuyên bị bắt nạt. Đến tuổi thiếu niên, ông gia nhập băng đảng, và khi trưởng thành, ông phạm tội ác. Cuối cùng, ông phải ngồi tù 20 năm vì tội cướp của và giết người.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/09/DP-toi-pham-goc-viet-truc-xuat-1.jpg

Ông Tín và mẹ là bà Lê Thị Cúc tại lễ tốt nghiệp chương trình huấn luyện chó làm liệu pháp chữa bệnh năm 2018. (Hình: VietRise)

 

Tuy nhiên, ở trong tù, ông Tín quyết tâm thay đổi cuộc đời. Và năm ngoái, sau khi được giảm án, ông được cho cơ hội tự do.

 

Nhưng đó cũng là lúc ông bị bắt giam để chờ trục xuất về lại Việt Nam, quê hương mà ông chưa về thăm nhiều chục năm qua.

 

Hôm Thứ Tư, 16 Tháng Chín, một ngày sau khi luật sư nộp đơn lên tòa án liên bang kêu gọi trả tự do cho ông Tín, gia đình và người ủng hộ ông, trong đó có hai dân biểu California, biểu tình bên ngoài văn phòng của Cảnh Sát Di Trú (ICE) ở Santa Ana để gây chú ý cho hoàn cảnh ông Tín. Họ cho rằng việc ông Tín bị giam giữ vừa vi hiến vừa vi phạm thỏa thuận giữa Việt Nam với Hoa Kỳ.

 

“Chúng tôi kêu gọi các giới chức dân cử, người dân nói chung và người Mỹ gốc Việt ở Orange County hãy hành động để một người tị nạn gốc Việt không bị trục xuất,” bà Allison Võ, đại diện VietRise, tổ chức đấu tranh vì công bằng xã hội ở Orange County, cho hay.

 

Quá khứ tội lỗi

 

Ông Tín năm nay 47 tuổi. Ông sang Mỹ năm sáu tuổi.

 

Khi còn học lớp hai ở Pomona, ông là học sinh gốc Việt duy nhất trong lớp, và thường xuyên bị ăn hiếp. Đến tuổi thiếu niên, ông chơi ma túy, nhậu nhẹt, và gia nhập hai băng đảng gốc Việt, một băng ở Pomona, và sau đó một băng ở Los Angeles.

 

Năm 1996, ông sát hại một nhà buôn nữ trang ở San Jose. Ba năm sau, ông bị kết tội cướp của và giết người, và lãnh án tù chung thân mà không có cơ hội ân xá.

 

Trong khoảng 20 năm, ông cảm thấy ân hận và cố gắng thay đổi cuộc đời, theo lời kể của gia đình và người ủng hộ ông.

 

Trong cuộc phỏng vấn với báo online Boom California năm 2018, ông Tín nói: “Làm sao tôi bày tỏ được ân hận và xin lỗi người mà tôi đã giết chết, gia đình mà tôi làm đau khổ, hoặc cộng đồng mà tôi phá hoại? Xin lỗi không thì chưa đủ. Tôi nhận thấy tôi phải hành động…”

 

Ông học đại học thông qua chương trình Cal State ở nhà tù Lancaster. Dù rất sợ chó, ông cố gắng vượt qua nỗi sợ để làm việc cho một chương trình huấn luyện chó làm liệu pháp chữa bệnh.

 

“Hai mươi năm tù giúp thay đổi đời người,” cô Cheri Li, em ông Tín, nói. “Hiện nay, anh Tín là người có bằng đại học, biết kỷ luật, rất thương người và ham muốn giúp đỡ xã hội.”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/09/DP-toi-pham-goc-viet-truc-xuat-2-1.jpg

Gia đình và người ủng hộ biểu tình trước văn phòng ICE ở Santa Ana hôm Thứ Tư kêu gọi trả tự do cho ông Tín. (Hình: VietRise)

 

Từ nhà tù này sang nhà tù khác

 

Đêm Giáng Sinh năm 2018, ông Jerry Brown, thống đốc California thời đó, giảm án cho ông Tín. Một năm sau, ông Tín được thả ra khỏi nhà tù ở Lancaster sau khi hứa danh dự sẽ sống đàng hoàng (parolee).

 

Tuy nhiên, ngay lúc đó, ông “được” ICE đón rồi chở thẳng đến trại tạm giam ở San Bernardino.

 

“Ông chưa bao giờ được tự do. Ông chưa bao giờ được gặp mẹ. Ông chưa bao giờ được gặp gia đình,” ông Ben Seelig, luật sư của ông Tín, nói.

 

Ông Tín hiện vẫn ở Adelanto ICE Processing Center, chờ ngày trục xuất.

 

“Thay vì cứ quan tâm đến kẻ phạm tội, các nhóm ủng hộ nên quan tâm đến nạn nhân những tội ác như giết người. Rất tiếc, nạn nhân của những tội ác thường bị lãng quên,” ông David Marin, giới chức ICE ở Los Angeles, ra thông báo cho hay hôm Thứ Năm.

Nếu bị trục xuất về Việt Nam, tương lai của ông Tín có thể sẽ rất khó khăn. Ông không có gia đình ở đó, còn tiếng Việt thì không rành.

 

“Chẳng ai biết ông ấy mà về Việt Nam thì sẽ như thế nào,” luật sư Seelig nói. “Gia đình ông ấy từng bỏ trốn… Ông ấy sợ sẽ bị bắt.”

 

Trong số những người ủng hộ ông có hai dân biểu California là  ông Alan Lowenthal (Dân Chủ – Long Beach) và ông Lou Correa (Dân Chủ – Santa Ana). Cả hai vị này đều gửi đại diện đến cuộc biểu tình hôm Thứ Tư để kêu gọi trả tự do cho ông Tín. Họ nói, nhiều năm qua, ông Tín tự thay đổi bản thân nên xứng đáng có cơ hội khác.

 

Họ cũng lưu ý rằng trục xuất ông Tín sẽ vi phạm thỏa thuận hồi hương năm 2008 giữa Hoa Kỳ với Việt Nam, theo đó, người tị nạn gốc Việt đến Hoa Kỳ trước năm 1995 sẽ không bị trục xuất.

 

Ông Vincente Sarmiento, nghị viên Santa Ana, cũng ủng hộ ông Tín. Ông Sarmiento đề nghị nên cho phép ông Tín hòa nhập xã hội trở lại.

 

“Nhưng họ làm gì? Họ chờ bên ngoài rồi bắt giam ông vì tội khác,” ông Sarmiento nói.

Trong số những người ủng hộ ông Tín còn có hai giáo sư Cal State Los Angeles, trường mà ông Tín theo học lúc ở tù.

 

“Ông Tín không những là một trong những sinh viên mạnh mẽ nhất lớp Cal State L.A. BA của chúng tôi ở Lancaster, mà còn là một trong những thủ lĩnh của lớp: Một người luôn giúp đỡ bạn bè, tổ chức nhóm học tập, kèm sinh viên yếu hơn và là nguồn động viên lớn cho tất cả ai gặp gỡ ông ấy,” Giáo Sư Bidhan Chandra Roy thay mặt ông Tín viết trong lá thư năm 2019.

 

Một giáo sư khác là Taffany Lim giúp tìm luật sư cho ông Tín: đó là luật sư Seelig ở San Francisco. Ông Seelig nộp đơn lên tòa án liên bang hôm Thứ Ba xin trả tự do cho ông Tín.

 

Ông Seelig cho hay, tháng trước, chính phủ Hoa Kỳ trục xuất 30 người Mỹ gốc Việt, trong đó có 12 người đến Hoa Kỳ trước năm 1995, bất chấp thỏa thuận năm 2008 giữa hai nước. Một đơn kiện nộp năm 2018, phản đối việc giam giữ vô thời hạn một số người gốc Việt, vẫn đang chờ xem xét. (Th.Long)

 

 

 

 

 

 


No comments: