Saturday, September 12, 2020

MỘT PHÊ PHÁN NHẢM NHÍ và THẤP KÉM (Nguyễn Đình Cống)

 


Một phê phán nhảm nhí và thấp kém

Nguyễn Đình Cống

12/09/2020

http://www.viet-studies.net/kinhte/NguyenDinhCong_PhePhanLeHuuNghia.html

 

Tạp chí Cộng sản tháng 9/2020 đăng bài “Phê phán một số quan điểm xuyên tạc, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin” . Bài viết của GS TS Lê Hữu Nghĩa (sinh năm 1947), được trang Viet-studies đăng lại ngày 8 /9. Bài viết gồm 2 phần.

 

PHẦN I- CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN LÀ CHÂN LÝ

 

Đầu tiên Lê Hữu Nghĩa đưa ra một số khẳng định về sự đúng đắn của Chủ nghĩa Mác-Lênin, đại khái như những câu sau, (trình bày bằng chữ nghiêng, với dấu + đầu dòng), Tiếp theo là lời Phản Biện của người viết bài này (Nguyễn Đình Cống).

 

+ Chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn là thế giới quan và phương pháp luận khoa học của hàng triệu  người trên trái đất.

 

PHẢN BIỆN: Đúng là còn có hàng triệu người như Lê Hữu Nghĩa còn tin Chủ nghĩa Mác-Lênin, còn xem Chủ nghĩa Mác-Lênin là thế giới quan, nhưng đã có hàng tỷ người chưa bao giờ công nhận hoặc đã vứt bỏ nó. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã lừa dối được nhiều người nhờ vào sự ngụy biện rất tinh vi, Những người vì quá tin hoặc trình độ bình thường rất khó nhận ra những ngụy biện như vậy. Có thể Lê Hữu Nghĩa là một trong số đó hoặc Lê Hữu Nghĩa có nhận ra nhưng lại ngụy biện tiếp.

 

+ Chủ nghĩa Mác-Lênin  vẫn tồn tại, phát triển mà chưa có một học thuyết nào có thể thay thế được.

 

 PHẢN BIỆN: Nó vẫn tồn tại vì có nhiều kẻ còn bám víu vào nó, thực hành chuyên chính vô sản để bảo vệ đặc quyền đặc lợi. Còn để mang lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân chỉ cần chống lại độc tài, thực thi dân chủ như nhiều nước đang theo đuổi, chẳng cần gì phải có học thuyết để theo, chẳng cần học thuyết gì mới để thay thế Chủ nghĩa Mác-Lênin. Lập luận cần có học thuyết mới là ấu trỉ và giáo điều. Chủ nghĩa Mác-Lênin sai lầm, nhưng ai muốn theo, muốn tôn thờ thì cứ tự do theo, tự do tôn thờ, chỉ đừng bắt ép người khác. Ai thấy cái sai của Chủ nghĩa Mác-Lênin mà muốn vạch ra cho mọi người biết thì đó là quyền của người ta.

 

+ Hồ Chí Minh đã nhận định: “Bây giờ, chủ nghĩa nhiều, học thuyết nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin”.

 

PHẢN BIỆN: Hồ Chí Minh tự nhận là học trò của Lênin. Ai chứ học trò khen chủ nghĩa của thầy thì có gì lạ. Hơn nữa những người Việt ngu trung, cuồng tín hoặc nhẹ dạ mới tin vào câu nói của Hồ Chí Minh. Những trí thức phản biện không tin vào câu đó.

 

+ Cương lĩnh …của Đảng ta, Hiến pháp của Nhà nước ta đều khẳng định chủ nghĩa Mác - Lê-nin … là nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam cho hành động. Sự khẳng định đó nói lên ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền của chủ nghĩa Mác - Lê-nin...đối với cách mạng nước ta.

 

PHẢN BIỆN: Sự khẳng định đó là có thật, nhưng không nói lên ý nghĩa to lớn của Chủ nghĩa Mác-Lênin mà là nói lên sự kém trí tuệ, sự bảo thủ , sự lừa dối của lãnh đao. Chủ nghĩa Mác-Lênin có 2 nội dung chính, quan trọng. Về chính trị là nền chuyên chính vô sản, về kinh tế là quan hệ sản xuất XHCN. Cộng sản Trung quốc cũng như cộng sản Việt Nam đã từ bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin về kinh tế, chấp nhận kinh tế thị trường, họ giữ lại chuyên chính vô sản để độc quyền thống tri. Mà nền chuyên chính vô sản là nơi sinh ra nạn tham nhũng, mua quan bán tước, làm hủy hoại tầng lớp tinh hoa và làm ngu dân để dễ thống trị, làm xuống cấp đạo đức và văn hóa. Trong chứng minh cần dựa vào những luận cứ khoa học. Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp không phải là những luận cứ như vậy. Đem trưng chúng ra chỉ nhằm hù dọa những người yếu bóng vía và kém nhận thức.

 

+ C.  Mác, Ph.  Ăng-ghen và sau này là V.I. Lê-nin đã phải thường xuyên đấu tranh chống các quan điểm sai trái….. đã từng khẳng định rằng, học thuyết của các ông có tính phê phán và cách mạng,

 

PHẢN BIỆN: Các ông khẳng định rằng, học thuyết của họ là hay, là đúng thì có chuyện gì quan trọng. Không phải là mẹ hát con khen mà tự hát tự khen. Nó hay dở như thế nào phải do phản biện vạch ra và các ông bác bỏ được, đứng vững được. Khi các ông đã chết thì học  trò các ông phải đảm đương. Các ông đã phải thường xuyên đấu tranh chống các quan điểm (mà các ông cho là) sai trái. Điều này nói lên vần đề gì ?. Nó nói lên là người chống lại các ông rất nhiều và liên tục. Nếu các ông tốt đẹp, đúng đắn thì tuy cũng có người chống lại nhưng không nhiều và liên tục như thế

 

+ Từ khi ra đời cho đến nay, …, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng đi sâu nhận thức chủ nghĩa Mác - Lê-nin, ….đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

 

PHẢN BIỆN: Có thật thế không hay là bịa đặt một cách sống sượng. Đảng ta nói là lãnh đạo nhưng thực chất như cây tầm gửi, sống bám vào Lòng yêu nước, sự ngây thơ cả tin của dân tộc. Đảng thắng được trong chiến tranh cơ bản nhờ lòng yêu nước của dân chứ chủ yếu không nhờ gì vào Chủ nghĩa Mác-Lênin Mà rồi cứ  mỗi lần cố vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin như cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp, hợp tác hóa nông nghiệp,  tạo các quả đấm thép của kinh tế quốc doanh v.v… là một lần thất bại thảm hại. Thế thì Chủ nghĩa Mác-Lênin đưa VN đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác ở chỗ nào?.

 

PHẦN 2- PHÊ PHÁN

 

Về một số sai trái, thù địch xuyên tạc, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin hiện nay Lê Hữu Nghĩa đưa ra 5 quan điểm tóm tắt như sau:

 

Một là vin vào yếu tố thời đại để phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, cho rằng nó chỉ phù hợp với thế kỷ XIX,  còn bây giờ nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI – Chủ nghĩa Mác-Lênin đã bị lỗi thời (!).

 

Hai là, cho rằng Chủ nghĩa Mác-Lênin không phải là sản phẩm của Việt Nam, nó là “ngoại lai”, “ngoại nhập” Du nhập nó vào Việt Nam là một sai lầm lịch sử.

 

Ba là, đem đối lập chủ nghĩa Mác với chủ nghĩa Lê-nin, đối lập C. Mác với V.I. Lê-nin để phủ nhận cả chủ nghĩa Mác lẫn chủ nghĩa Lê-nin, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung.

 

Bốn là, đem đối lập Chủ nghĩa Mác-Lêninvới tư tưởng Hồ Chí Minh để phủ nhận cả chủ nghĩa Mác - Lê-nin lẫn tư tưởng Hồ Chí Minh.

 

Năm là, đem quy sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu là do sai lầm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, “sai lầm từ gốc, từ bản chất của học thuyết”.

 

Tác giả Lê Hữu Nghĩa  nêu ra 5 luận điểm của thế lực thù địch rồi ra sức phê phàn bằng những lập luận hùng hồn, bằng những luận cứ xác đáng, tưởng rằng như thế thì bọn phản biện hết đường cựa quậy. Nhưng đọc xong toàn bộ tôi lại thấy buồn cười.

 

Buồn cười vì nếu trình độ thấp và chỉ đọc lướt qua thì thấy lập luận hùng hồn, nhưng chỉ cần để ý một chút là phát hiện ra những nhận thức non kém. Điều đó chứng tỏ Lê Hữu Nghĩa không tự biết mình và không biết người.

 

Lê Hữu Nghĩa có chức danh GS TS, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, giám độc Học viện chính trị quốc gia, UV Hội đồng lý luận trung ương, nhưng có lẽ chỉ là hữu danh vô thực. Căn cứ vào đâu?  Chỉ cần căn cứ vào bài viết đã nêu là đủ. Tạm bỏ qua việc không tự biết mình, chỉ nói về không biết người, đó là những người từ mức không tán thành đến phê phán Chủ nghĩa Mác-Lênin.  Họ có ba mức.

 

Mức một là quảng đại quần chúng. Ban đầu được nghe tuyên truyền Chủ nghĩa Mác-Lênin, họ tin theo. Nhưng thực tế phủ phàng làm họ mất tin. Nhưng rồi họ lại được nghe giải thích rằng Chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn đúng, chỉ có một số rất đông cán bộ thoái hóa, tham những, mua quan bán chức, độc đoán, làm sai. Họ lại tin và rồi lại mất lòng tin vì thấy bọn thoái hóa ngày càng nhiều.

 

Mức hai là những người có suy nghĩ, tìm nguyên nhân, nhưng vì trình độ có hạn, họ chỉ mới thấy được, nói ra được một số nguyên nhân gần mà Lê Hữu Nghĩa đã kể ra .

 

Mức ba là những người phản biện, có hiểu biết sâu vè triết học, có phẩm chất cao thượng, họ vạch ra những sai lầm, những độc hại của Chủ nghĩa Mác-Lênin từ gốc rễ.

 

Xem ra Lê Hữu Nghĩa mới chỉ lừa được những người mức một, đối phó với mức hai mà chưa tỏ ra có được trình độ để đối thoại với mức ba. Mà thực ra không thể có ai bảo vệ được Chủ nghĩa Mác-Lênin một cách công khai trong môi trường tự do ngôn luận vì chủ yếu họ chỉ có thể dùng lối ngụy biện trong môi trường độc quyền thông tin. Không ai có thể làm sống lại một thây ma đang bị thối rửa, đang bị đào thải

 

Tôi sẽ lần lượt vach ra những ngụy biện của Lê Hữu Nghĩa trong 5 phê phán đã nêu trên.

 

Một là Lê Hữu Nghĩa cho rằng tuy Thế Kỷ 21 có nhiều tiến bộ về khoa học kỹ thuật, nhưng những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn rất đúng đắn, như là: quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, quy luật cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, kinh tế xét đến cùng quyết định chính trị, quy luật đấu tranh giai cấp trong xã hội có giai cấp, quy luật giá trị thặng dư, những nguyên lý khoa học về nhà nước, cách mạng xã hội, về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.

 

Những điều vừa nêu do Mác suy ra dựa tên học thuyết duy vật, vai trò của kinh tế, vai trò của giai cấp công nhân. Nhiều học giả đã viết bài phê phán các luận điểm trên đây, chứng minh rằng Mác đã nhầm lẫn. Riêng tôi cũng đã viết một số bài  như Một số nhầm lẫn của Mác; Sự ngụy biện của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Chất đất sét trong Chủ nghĩa Mác, Phê phán duy vật lịch sử của Mác; Có hay không giai cấp lãnh đao. Để tránh dài dòng xin không thuật lại nội dung các bài (*).

 

Như vậy Mác đã nhầm, đã sai từ gốc chứ không phải trước đây Mác đúng, bây giờ một số điều không còn thích hợp và Lê Hữu Nghĩa ra sức bênh vực cho những luận đề của Mác. Riêng Nguyên lý khoa học về nhà nước do Lê nin đưa ra, rằng nhà nước là của giai cấp này nhằm thống trị giai cấp đối địch,  Đó là một nhận thức bệnh hoạn, thù địch, khác xa vai trò của nhà nước dân chủ thông thường.

 

Hai là Chủ nghĩa Mác-Lênin không phải của Việt Nam. Đây chỉ là một vài ý kiến của một số ít người có nhận thức tầm thường.  Những người phản biện mức ba không ai nói như vậy. Thế mà Lê Hữu Nghĩa đã cao đàm khoát luận, dùng gần một ngàn từ để luận giải, để chứng minh. Nó giống như cảnh dùng súng đại liên để bắn một con sâu bò trên đường.

 

Ba là đối lập Mác với Lê nin . Trong những người phản biện ở mức hai có một số vì yêu quý Mác, bênh vực Mác và quy một số sai lầm cho Lê nin. Thực ra chủ trương chuyên chính vô sản với sự  độc tài và tàn bạo của Lê nin đã gây ra thảm hoai cho nhân dân Liên xô và sự sụp đổ của nó là một minh chứng. Những người phản biện ở mức ba không quá quan tâm đến sự đối lập giữa Mác và Lê nin. Lê Hữu Nghĩa cố chứng minh rằng hai ông vẫn thống nhất. Đây cũng chỉ là một kiểu “đấm vào bị bông”.

 

Bốn là đối lập Chủ nghĩa Mác-Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh. Lê Hữu Nghĩa cho rằng “Quan điểm trên đây là sai lầm cả về lịch sử và lô-gic”.Thực ra lúc sinh thời Hồ Chí Minh không nhận mình có tư tưởng gì to lớn. Ông thường nói, về chủ nghĩa đã có Mác Lê nin, về tư tưởng đã có Sitalin và Mao Trạch Đông. Tư tưởng Hồ Chí Minh được thế hệ sau cố gạn đục khơi trong để tìm và thực chất chỉ xoay quanh câu nói “Không gì quý hơn độc lập tự do”. Nhưng rồi độc lập đã có mà tự do, đặc biệt và quan trọng nhất là tự do tư tưởng thì chưa có. Quả thật nhiều người phản biện ở mức hai và một số ít mức ba vì muốn dựa vào một cái gì đó để đánh đổ Chủ nghĩa Mác-Lênin và trong lúc uy tín của Hồ Chí Minh trong dân chúng vẫn còn thì họ dựa vào ông. Số đông những người phản biện  ở mức ba không quan tâm đến vấn đề này.

 

Năm là sự sụp đổ của Liên xô và nhiều nước theo chủ nghĩa xã hội. Sự sụp đổ này  do nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân cơ bản nhất là những độc hại của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Để bênh vực cho nó Lê Hữu Nghĩa đã trổ tài ngụy biện, đổ vấy cho một số cá nhân lãnh đạo và sự phá hoại của thế lực thù địch. Thử hỏi, Chủ nghĩa Mác-Lênin là hoàn toàn đúng đắn, những người lãnh đạo các đảng Cộng sản là ưu tú, là vô cùng sáng suốt, được bầu lên từ các đại hội thì ở đâu ra hàng ngàn, hang vạn, thậm chí hàng chục vạn kẻ thoái hóa làm lãnh đạo. Một cây to lớn, nếu bị bệnh ở vài cành nhỏ thì đó là cục bộ, nhưng toàn cây bị bệnh thì chỉ là bệnh từ gốc rễ. Gốc rễ là gì nếu không phải là Chủ nghĩa Mác-Lênin.

 

Tóm lai, khi xem ba mức những người phê phán Mác Lê như ba lực lượng là nhân dân, quân địa phương trang bị thô sơ và quân chính quy, tinh nhuệ, trang bị hiện đại thì sự phê phán của Lê Hữu Nghĩa chỉ là lừa dối nhân dân và gây sự với quân địa phương mà tránh giáp mặt với quân chính quy.

 

Bài đã quá dài, chỉ xin chốt lại rằng những lời mà Lê Hữu Nghia bênh vực Chủ nghĩa Mác-Lênin, phê phán những người phản biện chỉ là những lời nhảm nhí, thấp kém. không xừng tầm với danh vị của ông, một trí thức cao cấp của đảng.

 

Ghi chú (*). Vị nào quan tâm đến những bài viết vừa kể mà không tìm thấy trên mạng xin gửi yêu cầu vào Email ndcong37@gmail.com, tôi sẽ chuyển.

 

 

 

 

 

 


No comments: