Wednesday, September 16, 2020

LÀM THẾ QUÁI NÀO MÀ TỐI CAO PHÁP VIỆN LẠI CHO PHÉP DÙNG THUẾ KHOÁN ĐỂ TƯỚC QUYỀN BẦU CỬ Ở FLORIDA? (John Nichols Twitter - The Nation Article)

 


Làm thế quái nào mà Tối Cao Pháp Viện lại cho phép dùng thuế khoán để tước quyền bầu cử ở Florida?

John Nichols Twitter   -   The Nation Article

Người dịch: Giang To   (Người Thông Dịch) 

14/09/2020

https://www.the-interpreter.org/post/lam-the-quai-nao-ma-toa-an-toi-cao-lai

 

Hiến pháp Hoa Kỳ không cho phép những phân cách giàu nghèo tước đi quyền được bầu của cử tri. Vậy mà tòa án này lại đang để đảng Cộng Hòa giữ nguyên bức tường phí với cử tri.

 

Translated from The Nation Article Why the Hell Is the Supreme Court Allowing a New Poll Tax to Disenfranchise Florida Voters?

 

Tác giả : John Nichols Twitter, ngày 17 tháng Bảy, 2020

 

                                                       ***

 

https://static.wixstatic.com/media/3b4a8d_4a2f22b35e5842678dab2c0ba08b7ff3~mv2.jpg/v1/fill/w_740,h_466,al_c,q_90,usm_0.66_1.00_0.01/3b4a8d_4a2f22b35e5842678dab2c0ba08b7ff3~mv2.webp

Tòa án Tối cao Hoa Kỳ (chụp bởi Liu Jie/Xinhua từ Getty Images)

 

Các thành viên của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ cần học lại cho rành rẽ nội dung của Hiến pháp Hoa Kỳ. Tu chính án hai mươi bốn của văn bản này, vốn đã được phê chuẩn bởi các tiểu bang vào năm 1964, đã loại trừ những rào cản kinh tế trong việc bỏ phiếu bằng cách bãi bỏ những khoản thuế khoán (poll tax) đã từng được dùng để tước quyền bầu cử của những người dân Mỹ da Màu. Lúc có mặt để chứng nhận Tu chính án thứ hai mươi bốn vào ngày 4, tháng Hai, năm 1964, Tổng thống Lyndon Johnson tuyên bố, “Từ bây giờ sẽ không còn ai bị tước quyền đi bầu vì nghèo. Sẽ không còn một loại thuế nào ngăn được những quyền lợi ấy nữa. Giờ đây, kẻ thù duy nhất của bầu cử mà ta đối diện chính là sự thờ ơ.”

 

Vậy mà vào ngày 16 tháng bảy 2020, Tối cao Pháp viện lại thất bại trong việc đảo ngược phán quyết ngăn những công dân dù đủ điều kiện bỏ phiếu nhưng có tiền án, không cho họ đăng ký bầu cử nếu họ không thể trả nổi những khoản phí hầu tòa và tiền phạt cũ của một tòa án cấp thấp hơn. Sự lạnh lùng của Tối cao Pháp viện đối với quyền bỏ phiếu và với Hiến pháp có khả năng gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử vào năm bầu cử tổng thống, khi tiểu bang Florida lại đang là “bang chiến địa”, vì theo như tờ Tampa Bay Times nhận định, quyết định này có thể “làm hàng trăm ngàn phạm nhân nghèo không được có tên trong bảng danh sách cử tri trước các cuộc bầu cử diễn ra năm nay.”

 

Chánh án Sonia Sotomayor đã phản đối gay gắt rằng việc Tối cao Pháp viện không quyết liệt ngăn chặn thống đốc và cơ quan lập pháp của đảng Cộng hòa ở bang Florida tước quyền bầu cử của những người không thể trả nổi các khoản phí, “có nguy cơ sẽ cổ xuý sự tước đoạt quyền công dân trắng trợn” bằng cách “khiến gần cả triệu công dân lẽ ra đủ điều kiện lại không được bỏ phiếu trừ khi họ trả đủ tiền.” Với sự ủng hộ từ hai chánh án khác, bà Ruth Bader Ginburg và bà Elena Kagan, Chánh án Sotomayor diễn tả điều luật mà Tối cao Pháp viện cho phép được áp dụng là “bức tường phí của những cử tri Florida.”

Tường phí này sẽ được dựng vững trong suốt đợt bầu cử sơ bộ của Florida từ ngày 18 tháng Tám và có khả năng sẽ tước quyền bầu cử của cử tri vào đợt bầu cử tổng thống ngày 3 tháng Mười Một, nếu Tòa phúc hẩm Hoa Kỳ của Mạch 11 (11th Circuit) thất bại trong việc ra phán quyết ủng hộ quyền bầu cử sau khi họ xét lại vụ án này vào cuối tháng Tám.

 

Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (American Civil Liberties Union - ACLU) gọi điều luật này là “thuế khoán mới”. Và nếu đạo luật này được Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ tạo hiệu lực - cho dù tạm thời - thì đã có những hệ quả vượt hẳn ra khỏi phạm vi của Tiểu bang Mặt Trời.

 

Có nhiều tiểu bang phía Nam đã cho ban hành thuế khoán sau khi Liên Minh (Confederacy) bị đánh bại sau cuộc Nội chiến Mỹ. Điều này từng có nghĩa rằng, cho dù Tu chính án 15 đã đặc biệt khẳng định rằng những người từng là nô lệ có quyền được bầu cử, họ đã vẫn bị cản trở bởi phân cách giàu nghèo. Cả những người da Trắng nghèo khó ở phía Nam, cũng như công dân của một vài tiểu bang phía Bắc và phía Tây, đã bị những khoản thuế khoán khiến họ chùn chân ở buồng phiếu. Tu chính án Hai mươi bốn đã đặt dấu chấm hết cho các khoản thuế khoán chính thức. Nhưng văn bản này không dẹp sạch hết những dạng tước quyền công dân khác - bao gồm những điều luật ngăn người có tiền án được bỏ phiếu bầu. Đó là một vấn đề lớn ở tiểu bang Florida, nơi tầm khoảng 10 phần trăm số người trên 18 tuổi bị tước quyền.

 

Tiểu bang Florida, từ lâu đã cấm những người có tiền án bỏ phiếu, cuối cũng đã hội nhập với thế kỷ 21 khi vào năm 2018, 65 phần trăm toàn bộ cử tri thông qua một Tu chính án trong Hiến pháp của tiểu bang để khôi phục quyền bầu cử của những cư dân Florida khi họ đã hoàn tất việc thụ án. Sự ủng hộ áp đảo này đối với Phong trào Khởi xướng Khôi phục Quyền bỏ phiếu cho Phạm nhân (Tu chính án thứ Tư) đã mở đường cho thêm khoảng 1.4 triệu cư dân Florida - bao gồm hơn 20 phần trăm người Mỹ gốc Phi châu trên 18 tuổi hội đủ điều kiện - được bỏ phiếu vào năm 2020.

 

“Qua việc thông qua Tu chính án thứ Tư, cư dân của tiểu bang Florida đã đem tới sự bành trướng lớn nhất của toàn bộ cử tri cả nước trong gần 50 năm,” ACLU nhận xét. “Những chính trị gia của Florida đã thất bại, và chính cư dân Florida đã tự làm được điều đó, bằng cách khởi xướng bỏ phiếu lập hiến để đạt được thay đổi.”

 

Điều này khiến các đảng viên tiềm năng của đảng Cộng hòa thuộc cánh hữu trong tiểu bang cảm thấy bất ổn, và họ đã nhanh chóng dựng lên thêm những rào cản bỏ phiếu. Công cụ của họ là pháp chế, được thông qua bởi các nhà lập pháp Cộng Hòa và được ký kết thành luật bởi Thống đốc Cộng hòa ông Ron DeSantis. Luật này yêu cầu cư dân của bang Florida phải trả hết tất cả chi phí và tiền phạt liên quan đến các án phạt trong quá khứ trước khi quyền bầu cử của họ được phục hồi. Khi biện pháp mới được chấp hành, ACLU xác định rằng:

 

Điều luật mới này tạo ra hai loại công dân hoàn lương mới: một nhóm đủ giàu để mua được quyền bầu cử và một nhóm khác không có đủ tiền để bỏ phiếu. Nhưng quyền bầu cử đáng ra không được có thêm nhãn giá đi kèm. Điều luật mới của tiểu bang Florida phản lại tinh thần Mỹ và trái với Hiến pháp.

 

Điều luật này, theo một cách phản Hiến pháp, đã ra điều kiện cho việc bầu cử bằng việc một người có khả năng chi trả nổi những xử phạt hành chính liên quan đến án phạt của họ hay không. Rào cản bỏ phiếu này đặc biệt rất bất công bởi vì tiểu bang Florida, như các tiểu bang khác trên cả nước, hiện đã tăng mức phạt hành chính lên một cách đáng kể trong hệ thống luật hình sự của họ nhằm trang trải kinh phí cho các hoạt động căn bản của hệ thống chính trị của họ. Những người bước ra từ hệ thống trên không những mang theo mình một tội danh mà còn mang theo những đống nợ mà có mơ họ cũng không thể trả. Những chi phí có thể bao gồm, ví dụ như, một khoản nợ bị đeo vào người vì được bổ nhiệm một luật sư bào chữa công - một quyết định được đưa ra, chính xác vì người này không có đủ tiền để thuê luật sư. Ảnh hưởng của việc này là đặc biệt ngặt nghèo cho những người dân da Màu vì những chênh lệch chủng tộc giữa giàu với nghèo. Guồng “máy tính tiền mang tên công lý” này đặt gánh nặng lớn nhất của việc chi trả kinh phí cho hệ thống luật hình sự lên vai của những kẻ ít có khả năng gánh chịu nhất. Và hiện tại những chính trị gia của tiểu bang Florida lại muốn dùng những án phạt hành chính nghiệt ngã này để ngăn cản việc những công dân hoàn lương được bầu cho sự đổi mới của chính hệ thống này.

 

Thẩm phán của Tòa án Quận Hoa Kỳ tại phía bắc của tiểu bang Florida, ông Robert Hinkle, đồng ý rằng điều khoản trong bộ luật từ chối quyền bầu cử của những người có tiền án tiền sự mà không thể trả án phạt và chi phí, là vi hiến. Ông kết luận vào cuối tháng Năm năm nay rằng khoản thuế khoán mới của bang Florida tạo phân biệt giàu nghèo, nó trái với Điều khoản Bảo vệ Công bằng của Tu chính án thứ Mười bốn của Hiến Pháp, Thẩm phán Hinkle đã ban hành một lệnh huấn thị vĩnh viễn đề phòng sự tước quyền bầu cử trên diện rộng. Các viên chức bang Florida sau đó đã kháng nghị lên Tòa án Phúc Thẩm Hoa Kỳ cho Vòng thứ mười một. “Vào ngày 1 tháng Bảy, 2020 - hơn một tháng sau phán quyết của Tòa án Quận và 19 ngày trước kỳ hạn được đăng ký bỏ phiếu - Vòng thứ mười một đã ra lệnh duy trì kháng nghị chưa được quyết định về lệnh huấn thị vĩnh viễn,” Chánh án Sotomayor nhận định. “Tòa án Phúc Thẩm không đưa ra lý do nào cho lệnh của họ.”

 

Mạch 11 ra lệnh duy trì với những kháng nghị trong cuộc bầu cử sơ bộ của Florida vào ngày 18 tháng Tám, và khả năng cao là nó cũng sẽ được áp dụng vào những cuộc bầu cử sắp tới. Và Tối cao Pháp viện để họ muốn gì được nấy. “Lệnh từ Tòa án này ngăn cản cả ngàn cử tri đáng lẽ hội đủ kiều kiện được bầu trong cuộc bầu cử sơ bộ của Florida đơn giản chỉ vì họ nghèo,” Chánh án Sotomayor tranh luận.

 

Vào những thời khắc đáng tranh cãi này, việc Tối cao Pháp viện từ chối can thiệp bảo vệ quyền đi bầu phát ra một tín hiệu cực kỳ đáng báo động mà nhưng người quan tâm đến nền dân chủ không thể nhắm mắt làm ngơ.

 

Những người đề xuất thuộc phe Cộng hoà ở tiểu bang Florida, như Dân biểu James Grant, có thể tuyên bố rằng việc ví von nó như một loại thuế khoán là một ví dụ của “sự kết bè kết đảng nhảm nhí làm lụn bại đất nước này.” Nhưng hãy tin lời Mục sư ngài Wiliam J. Baber đệ nhị, người đã dựng nên phong trào Moral Mondays (tạm dịch: Ngày Thứ Hai Đức Hạnh) và người đồng sáng lập Chiến dịch Vì Người Nghèo, khi ông ấy nói về đề án của bang Florida, “Thuế khoán dưới cái tên khác vẫn là thuế khoán.”

 

Người dịch: Giang To

Biên tập: anon

 

 

 

 

 

 


No comments: