Thursday, September 10, 2020

KỸ SƯ FACEBOOK BỎ VIỆC, NÓI CÔNG TY 'ĐỨNG NHẦM BÊN TRONG LỊCH SỬ' (VOA Tiếng Việt)

 


Kỹ sư Facebook bỏ việc, nói công ty 'đứng nhầm bên trong lịch sử'

VOA Tiếng Việt

09/09/2020

https://www.voatiengviet.com/a/ky-su-facebook-bo-viec-noi-cong-ty-dung-nham-ben-trong-lich-su/5576784.html

 

Kỹ sư phần mềm của Facebook, Ashok Chandwaney, bấy lâu nay khó chịu khi thấy mạng xã hội này ngày càng trở thành mảnh đất màu mỡ cho sự thù ghét. Vào sáng thứ Ba 8/9, kỹ sư này thể hiện thái độ với một hành động dứt khoá, theo các bản tin của Washington Post và Business Insider.

 

Chandwaney viết trong một bức thư được đăng trên mạng nội bộ của Facebook: “Tôi quyết định nghỉ việc vì tôi không còn có bụng dạ nào đóng góp cho một tổ chức đang kiếm lợi từ sự thù ghét ở Mỹ và trên toàn cầu”, Washington Post và Business Insider tường thuật.

 

Người phát ngôn của Facebook, Liz Bourgeois, được Washington Post dẫn lời cho biết: “Chúng tôi không thu lợi từ sự thù ghét. Chúng tôi đầu tư hàng tỷ đô la mỗi năm để giữ cho cộng đồng chúng ta được an toàn, và hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia bên ngoài để rà soát và cập nhật các chính sách của chúng tôi. Mùa hè này, chúng tôi đã ra mắt chính sách đi tiên phong trong ngành này để truy đuổi QAnon, chúng tôi phát triển chương trình kiểm chứng và xóa hàng triệu bài đăng gắn với các tổ chức cổ súy cho sự thù ghét - hơn 96% trong phần việc đó là chúng tôi tự phát hiện ra trước khi bất kỳ ai báo cáo cho chúng tôi biết".

 

Khi từ chức hôm 8/9, Chandwaney trở thành nhân viên nghỉ việc gần đây nhất của Facebook trong bối cảnh sự bất mãn ngày càng gia tăng ở một công ty mà chỉ vài năm trước còn được coi là một chủ sử dụng lao động lý tưởng.

 

https://gdb.voanews.com/eac08a5e-88c1-45e6-ab4f-54f06c3496e1_cx0_cy7_cw0_w650_r1_s.jpg

Tổng Giám đốc Mark Zuckerberg của Facebook điều trần trước một ủy ban của Hạ viện Mỹ ở Washington, tháng 10/2019. 

 

Mức độ thất vọng của nhân viên về các chính sách của Facebook đối với phát ngôn thù ghét và phân biệt chủng tộc đã tăng lên khi các cuộc biểu tình phản đối bất công chủng tộc lan tràn khắp nước Mỹ, khi hàng nghìn nhân viên yêu cầu Zuckerberg, người kiểm soát phần lớn cổ phiếu có quyền biểu quyết của Facebook, phải thay đổi lập trường của ông ấy.

 

https://gdb.voanews.com/dc9111fc-5a32-4542-8844-d03fc3385ed1_w650_r0_s.jpg

Logo của Facebook trên điện thoại thông minh

 

Mặc dù Facebook không tiết lộ số lượng kỹ sư mà hãng này thuê, nhưng các kỹ sư thuộc diện những nhân viên được săn đón nhiều nhất và có mức lương cao nhất tại công ty, theo những người nắm thông tin về Facebook, Washington Post và Business Insider cho hay.

 

Chandwaney, 28 tuổi, nói rằng qua thời gian làm việc, kỹ sư này nhận ra rằng ban lãnh đạo của công ty tập trung vào lợi nhuận hơn là thúc đẩy lợi ích xã hội. Công ty đã làm quá ít ỏi để ngăn tình trạng phân biệt chủng tộc, thông tin sai lệch và kích động bạo lực gia tăng trên mạng xã hội này, Chandwaney nói.

 

Cụ thể, Chandwaney nêu ra vai trò của công ty trong việc đổ thêm dầu vào lửa khi có nạn diệt chủng ở Myanmar, và gần đây là vụ bạo lực ở Kenosha, bang Wisconsin, Mỹ. Facebook đã không loại bỏ thông tin về cuộc tụ họp của một nhóm dân quân khuyến khích mọi người mang theo súng tới các cuộc biểu tình trước khi xảy ra các vụ xả súng chết người vào tháng trước, bất chấp hàng trăm ý kiến đề nghị loại bỏ thông tin này. Zuckerberg đã gọi đây là một “sai lầm trong hoạt động”.

 

Bức thư của Chandwaney cũng dẫn ra việc Facebook từ chối xóa một bài đăng của Tổng thống Trump vào tháng 5 nói rằng "khi hôi của bắt đầu xảy ra, súng cũng bắt đầu nổ", và thư cũng cho rằng việc công ty ứng phó về các vấn đề dân quyền chỉ là động thái đánh bóng hình ảnh.

 

Facebook gần đây đã có lập trường mềm dẻo để đáp lại sự bức xúc của nhân viên và nhóm dân quyền. Hãng bổ sung việc gắn nhãn cho các bài đăng gây hiểu lầm của các chính trị gia và hướng người đọc đến các trang web của chính phủ với thông tin chính xác về bỏ phiếu và đại dịch virus corona - mặc dù vậy, họ không đưa ra lập trường cho dù là thông tin kia đúng hay sai. Những người chỉ trích nói rằng việc gắn các nhãn đó quá trung dung nên cũng dễ gây hiểu lầm chẳng kém.

 

Chandwaney, người gốc Nam Á và sống ở khu vực Seattle, đã viết trong thư từ chức rằng: “Tôi thấy rõ là bất chấp những nỗ lực hết mình của nhiều người trong số chúng tôi, những người làm việc ở đây, và những nhà hoạt động bên ngoài như Color Of Change, song Facebook đang chọn việc đứng nhầm bên trong lịch sử ”, Washington Post tường thuật.

 

Color of Change [Sắc màu của sự đổi thay] là nhóm dân quyền cũng thường xuyên chỉ trích Facebook.

 

https://gdb.voanews.com/276c4464-e39e-44c7-89cc-a4cb020fe633_w650_r1_s.jpg

Tên của hãng Facebook ở quảng trường Thời đại, New York, 29/3/2018

 

Theo Washington Post, tâm lý nội bộ nhân viên Facebook bắt đầu xấu đi cách đây gần 4 năm, khi mọi chuyện trở nên rõ ràng là công ty đóng vai trò quan trọng trong việc ông Trump được bầu làm tổng thổng hồi năm 2016, với việc mạng xã hội này khuếch đại các bản tin sai sự thật và thông tin sai lệch của Nga trong khi cho phép ban vận động của ông Trump đưa ra các thông điệp có chủ đích nhắm đến các cử tri dao động. Kể từ đó, tình trạng bức xúc cứ thế tăng lên trong số hơn 52.000 nhân viên của công ty.

 

Tâm trạng nội bộ đã trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh có hàng loạt thông tin bị lật tẩy về vai trò của Facebook và công ty con Instagram trong việc truyền bá thông tin sai lệch của nước ngoài, chủ nghĩa bài Do Thái và chủ nghĩa dân tộc đề cao người da trắng, đồng thời cho phép lan truyền thuyết âm mưu của QAnon và những kẻ cực đoan bạo lực như “Boogaloo Bois” trước khi ra tay dẹp các thông tin đó trong thời gian gần đây.

 

Khi Zuckerberg từ chối gỡ bài đăng của ông Trump nói về "hôi của và nổ súng", một số nhân viên, những người làm việc tại nhà, đã tổ chức đình công trên mạng. Một số ít đã nghỉ việc và hàng nghìn người khác yêu cầu công ty thay đổi chính sách về phát ngôn thù ghét và không kiểm chứng lời nói của các chính trị gia, vẫn bản tin của Washington Post cho biết.

 

Cách tiếp cận của công ty đối với quyền dân sự cũng khiến các nhà quảng cáo lớn tẩy chay. Color of Change cho biết Washington Post biết họ không nắm số lượng công ty hiện tại vẫn tham gia vào cuộc tẩy chay đã được kêu gọi từ tháng 7, nhưng một số công ty chi nhiều cho quảng cáo, bao gồm cả hãng Verizon và Merck, tiếp tục tạm dừng quảng cáo của họ.

 

 

----------------------------------

 

XEM THÊM

 

Facebook: Nơi thể hiện tính cách? (kỳ 2)

Phạm Phú Khải

10/09/2020

.

Facebook, tự do ngôn luận hay tùy tiện cấm đoán? (kỳ 1)

Phạm Phú Khải

09/09/2020

 

 

 


No comments: