https://www.facebook.com/doankiengiang/posts/10217567214276772
TAND TP. Hà Nội đã vừa
tuyên án 29 bị cáo trong vụ Đồng Tâm. Hai bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức bị
tuyên án tử. Đó là một kết quả dễ dự báo, nhưng cũng gây thảng thốt.
Sau phiên tòa sơ thẩm,
các vấn đề về pháp lý sẽ còn được báo chí, giới luật sư và cộng đồng mổ sẻ.
Chưa biết sẽ thế nào, sẽ ra sao, nhưng có một điều chắc chắn là không ai mong
muốn người dân và lực lượng trị an phải chia ra hai đầu chiến tuyến thêm một lần
nào nữa, giữa thời bình.
Những lời nói cuối cùng của
các bị cáo từ “Biên bản phiên tòa sơ thẩm” do các luật sư chép tay, chắc nhiều
người đã đọc. Họ xót xa, hối lỗi, chia buồn, mong mỏi,… Đủ thứ cung bậc cảm
xúc, đủ sự dằn vặt thể xác, tâm hồn.
Lời cuối của bị cáo Nguyễn
Thị Dung và Bùi Thị Nối chắc nhiều người cũng đã đọc. Họ xót xa cho ông Kình và
các sĩ quan cảnh sát mất đi sinh mạng không phải do bom đạn chiến tranh. Và,
người đời lại xót xa cho họ, những nông dân ít chữ/mù chữ, ngót một đời bám đất
bám làng, nay đứng sau song sắt nhà giam.
Và họ, sau biến cố, mong
chờ sự thanh bình, tươi đẹp đến với loài người. Khát mong ấy khác xa thí sinh
hoa hậu nào đó tính “mang hòa bình cho thế giới”. Nó bình dị như cục đất đầu
làng, thốt ra từ những người quen nép mình sau lũy tre, quanh quẩn bờ ao bến nước,
mong cầu con cháu có miếng ruộng lận lưng cho cuộc đói no mai này.
Đồng Sênh sẽ không dành để
xây một đại đô thị, không có những lô nền đắt giá, những căn hộ phong cách tây
tàu. Nhưng sẽ là thiếu sót nếu không nhân đây thử đi vào căn nguyên và cách hóa
giải, ngăn chặn những mất mát còn lởn vởn.
Ai từng đi qua những dự
án có ra quân cưỡng chế, có khiếu nại tố cáo kéo dài, có thể bắt gặp phía sau
huyên náo và rực rỡ ánh đèn là những mảnh đời như bị gạt ra bên lề sự phát triển.
Cuộc tiễu trừ tham nhũng, nhóm lợi ích chưa thể chạm và xóa đi hết những màu tối
ấy, bởi nó không phải/rất khó dẹp yên từ lúc manh nha.
Nhưng, chưa nói tới quyền
sở hữu đất đai, thì những đối đầu vẫn có thể được hóa giải bằng những tờ bản đồ
quy hoạch, bản kế hoạch sử dụng đất,… được trình bày và niêm yết công khai;
minh bạch các dự án đô thị, khu công nghiệp, BT, BOT,… để dân biết, bàn, kiểm
tra, giám sát. Dân vận khéo thì dân thậm chí thuận tình hi sinh lợi ích riêng
vì cái chung…
Các chuyên gia, luật gia,
trí thức đã đề xuất góp ý nhiều. Nghị trường Quốc hội luôn nóng bỏng, Chính phủ
ra rả nhắc nhở, quán triệt về quản lý đất đai, giải tỏa đền bù… Nhưng bất động
sản vẫn là chỗ dựa của nền kinh tế, các tài phiệt phất lên từ đất quá giàu mạnh,
dù chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng nói, nó không bền vững, không tạo ra
giá trị lâu dài… Để rồi, ở nhiều địa phương, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình
Thuận, Đồng Nai, TP.HCM, Cần Thơ, Phú Quốc…, cám dỗ từ chênh lệch địa tô còn
quá lớn.
Bất chấp vì lợi ích sẽ
sinh đối đầu, sẽ có những phận người bị bỏ lại phía sau. Và, tham nhũng lại rộng
đất sống, cuộc củi lửa vì thế cháy hoài cháy mãi.
Mấy dòng, nhân một bài viết cũ.
***
Có vẻ đất đai, lô nền ở
những nơi dính tới nhóm lợi ích, bồi hoàn cho dân ngang mớ rau, tô phở đang và
sẽ gặp trục trặc về tiến độ, thuế, sổ đỏ… Các dòng họ thó đất cũng chẳng mấy
bình yên, một số đối diện với tang thương biến cố.
Tất nhiên, chẳng mái nhà
nào thành nơi an trú khi dựng trên nước mắt. Nhưng cũng chẳng nhân văn nhân ái
gì khi cầu cho kẻ khác gặp nghiệp báo, tai ương.
No comments:
Post a Comment