Thursday, September 17, 2020

CUỘC KHỦNG HOẢNG VỀ TÍNH CHÍNH ĐÁNG ĐANG ĐẾN GẦN (Yascha Mounk - The Atlantic)

 


Cuộc khủng hoảng về tính chính đáng đang đến gần

Yascha Mounk  -  The Atlantic  

Người dịch: Tom Nguyen  (Người Thông Dich)

16/09/2020

https://www.the-interpreter.org/post/cuoc-khung-hoang-ve-tinh-chinh-dang-dang-den-gan

 

Cho dù Biden hay Trump thắng cử, sẽ có hàng triệu người dân Mỹ cho rằng ứng viên của họ không đáng chịu thất bại.

 

Translated from The Atlantic article The Coming Crisis of Legitimacy

 

Yascha Mounk, ngày 14 tháng 09, 2020

 

                                                         ***

 

Thông thường, sẽ là kỳ cục nếu có ai đó lo lắng về việc một tổng thống Mỹ không chịu chấp nhận kết quả thất bại trong kỳ tái tranh cử. Năm nay là một ngoại lệ. Mặc dù đắc cử năm 2016, Donald Trump vẫn phát ngôn sai lệch rằng ông là nạn nhân của gian lận cử tri. Trong buổi phỏng vấn với phóng viên Chris Wallace cho Fox News hồi tháng Bảy, ông phát biểu: “Tôi cho rằng gửi phiếu bầu bằng thư sẽ tiếp tay cho việc dàn xếp kết quả bầu cử. Tôi thật sự tin là vậy.”

 

Tỏ rõ sự kinh ngạc, Wallace hỏi liệu Trump có chấp nhận kết quả bầu cử nếu ông thua cuộc.

 

“Tôi sẽ không nói có. Tôi sẽ chẳng bảo không. Lần trước cũng vậy,” Trump đáp.

 

Viễn cảnh Trump thất bại nhưng vẫn tìm cách giữ ghế đã làm giới phân tích lo ngại. Câu hỏi họ đặt ra là sẽ có bao nhiêu người Mỹ thuận theo sự công kích trắng trợn đến vậy nhắm vào những nền tảng dân chủ.

 

Một cuộc khảo sát bởi Trung tâm Pháp lý Tranh cử và Bảo vệ Dân chủ đưa ra câu trả lời bước đầu. Đại đa số người Mỹ, trong đó có sáu trên mười đảng viên Cộng hoà, cho biết họ tin rằng “phiếu bầu cử tổng thống tháng Mười Một sẽ được kiểm đếm công bằng, chính xác và đảm bảo.” Tuy nhiên, điều quan trọng là mức độ tin tưởng vào cuộc bầu cử còn phụ thuộc rất nhiều vào kết quả thực tế. Chỉ một phần ba người Mỹ có ý định bầu cho Trump nói nếu Biden được tuyên bố thắng cử thì thì kết quả đó là “vì ông nhận được nhiều phiếu bầu hơn Donald Trump.” Hơn hai phần năm cho rằng vì “hệ thống bầu cử bị dàn xếp và gian lận cử tri đã diễn ra.”

 

Tuy nhiên, điều gây bất ngờ nhất với tôi về cuộc khảo sát này là việc nhiều người ủng hộ Biden cũng cho biết họ sẽ nghi ngờ sự công minh của cuộc bầu cử nếu kết quả không như mong muốn. Chỉ một trong năm người ủng hộ Biden cho rằng Trump nếu thắng cử sẽ vì nhận được nhiều phiếu bầu hơn Biden; gần hai phần ba tin rằng đó là do “sự đàn áp cử tri và can thiệp từ ngoại bang.”

 

Cơ sở cho sự nghi ngờ này của hai bên không giống nhau. Nhiều bằng chứng cho thấy sự đàn áp cử tri gây ảnh hưởng đến khả năng đi bầu của công dân Mỹ hơn là sự gian lận cử tri trên diện rộng. Và nhìn vào đại cục sẽ thấy Trump nhiều khả năng thắng cử cho dù có nhận được ít phiếu bầu hơn bởi lẽ, dựa theo các mô hình dự báo, Đại Cử tri Đoàn phần đông ủng hộ ông.

 

Tuy nhiên, không cần nhìn vào những so sánh khập khiễng để thấy được rằng kết quả khảo sát trên là tín hiệu xấu về những gì đang chờ đợi chúng ta vào tháng Mười Một. Cho dù Biden hay Trump thắng cử, sẽ có hàng triệu người dân Mỹ cho rằng ứng viên của họ không đáng chịu thất bại.

 

Ẩn sâu dưới sự nghi ngờ nói trên là thực tế rằng hệ thống bầu cử ở Mỹ đầy rẫy những rào cản đối với cử tri, từ việc phải xếp hàng dài (đặc biệt tại khu dân cư của các nhóm thiểu số) đến sự vô lý của việc tổ chức Ngày Bầu cử vào một ngày làm việc. Đại dịch gần đây lại chồng thêm một tầng thách thức khi cử tri lo ngại về việc đích thân đi bỏ phiếu. Hàng triệu người sẽ bỏ phiếu qua thư lần đầu tiên; một số lá phiếu sẽ thất lạc trong quá trình vận chuyển, hoặc đến nơi quá muộn nên không được tính, hoặc bị loại bỏ do không đạt các yêu cầu chính thống. Khả năng về sự can thiệp của ngoại bang cũng là yếu tố gây lo ngại.

 

Với thực tế này, làm sao người dân Mỹ biết được liệu kết quả có dân chủ và công bằng? Và làm sao họ phân biệt đâu là một cuộc bầu cử được tổ chức chưa hoàn hảo, đâu là một cuộc bầu cử bị dàn xếp để cho ra kết quả thiếu khách quan? Tôi đặt câu hỏi này với các chuyên gia hàng đầu cả nước về bầu cử và khoa học chính trị. Họ không đưa ra được một kiểm mục đơn giản cho vấn đề này, nhưng lại có một số lời khuyên.

 

Trên tất cả, các chuyên gia khuyến cáo cử tri nên để ý cách mà nhiều chính trị gia cố tình gây hoang mang. Theo Trevor Potter, chủ tịch Trung tâm Pháp lý Tranh cử và cựu giám đốc Cơ quan Bầu cử Liên bang, đảng viên Dân chủ có khả năng sẽ bỏ phiếu qua thư và bỏ phiếu vắng mặt nhiều hơn đáng kể so với đảng viên Cộng hòa. Kết quả là lượng phiếu được kiểm đếm vào Đêm Bầu cử có thể sẽ thiên về hướng có lợi cho Trump, ngay cả khi ông này đang có xu hướng thất bại. Với trường hợp trên, Potter cảnh báo, “Trump có thể sẽ tranh cãi rằng phiếu bầu vắng mặt là gian trá và cuộc bầu cử bị dàn xếp.” Hãy mặc kệ ông ta.

 

Các chuyên gia cũng khuyên cử tri nên phân biệt giữa những trục trặc thông thường trong quy trình bầu cử với một sự tấn công bất thường. Trong hầu hết các cuộc bầu cử của Hoa Kỳ từ trước đến nay, sự đàn áp cử tri đã diễn ra ở những dạng khác nhau. Điều này là bất công thấy rõ. Tuy nhiên, Potter cảnh báo, “trừ trường hợp cuộc bầu cử đang đến sát nút, đàn áp cử tri không nên bị coi là ảnh hưởng đến tính khách quan của kết quả bầu cử.” Nếu máy bỏ phiếu bị tấn công trên diện rộng, hoặc chẳng hạn chính quyền liên bang ban bố lệnh yêu cầu ở nhà mà chỉ áp dụng với các thành phố lớn, đó mới là điều bất thường.

 

Daniel Ziblatt, giáo sư thuộc chính phủ tại Harvard và là đồng tác giả cuốn How Democracies Die (tạm dịch: Những nền dân chủ sụp đổ như thế nào), nhấn mạnh rằng cử tri nên dựa vào các dữ liệu và bình luận khách quan thay vì những mẩu chuyện truyền miệng hay các nhà hoạt động theo đảng phái: “Ta có thể sẽ nghe về một chuyện gì đó khả nghi đang xảy ra ở đâu đó. Hãy để tâm, nhưng đừng bị lôi kéo bởi nó. Nếu chuyện xấu thực sự đang diễn ra, ta dựa vào dữ liệu đáng tin cậy để chứng minh.”

 

Jess Marsden, cố vấn tại tổ chức Bảo vệ Dân chủ với chuyên ngành luật bầu cử, đồng tình với quan điểm trên. “Tính trung bình, một chuyên viên bầu cử đã làm công việc này suốt bảy kỳ bầu cử trước đó. Đây không phải những người được đảng phái nào cài cắm; họ là những người có chuyên môn nghiêm túc, công tác ở cấp tiểu bang và các địa phương. Nếu họ nói cuộc bầu cử là khách quan thì điều đó rất có ý nghĩa.”

 

Lời khuyên cuối cùng sau đây có lẽ là quan trọng nhất: Hãy nhìn vào tổng thể những bằng chứng thay vì tập trung vào các vấn đề cụ thể. David Shimer, tác giả cuốn Rigged: America, Russia, and One Hundred Years of Covert Electoral Interference (tạm dịch: Gian lận: Hoa Kỳ, Nga, và một thế kỷ can thiệp bầu cử trắng trợn”), cho hay. “Thật ra chỉ cần dựa vào tư duy thông thường. Liệu lá phiếu của tôi có được kiểm đếm kịp thời? Giới lãnh đạo chính trị đang nỗ lực làm cho cuộc bầu cử ổn định hơn hay bất ổn đi? Liệu họ có ý định tuyên bố thắng cử khi còn chưa biết tổng số phiếu bầu?... Tổng hợp lại, những điều này sẽ trở nên tương đối sáng tỏ.”

 

Shimer nhấn mạnh rằng bất cứ động thái có tổ chức nào nhắm đến việc dàn xếp cuộc bầu cử sẽ dễ để lại dấu vết. “Khi một cuộc bầu cử bị dàn xếp trắng trợn,” ông nói, “ta có thể phát hiện được. Sẽ có bất thường trong số phiếu được kiểm đếm. Sẽ có những hình ảnh được phát tát rộng rãi trên mạng về sự mua chuộc lộ liễu trong quy trình bầu cử. Những việc này thường khó mà giấu giếm.”

 

Bất kể ai trúng cử, hàng triệu người Mỹ sẽ nghi ngờ tính công bằng của cuộc bầu cử lần này. Chưa đầy hai tháng nữa, nền dân chủ Hoa Kỳ có thể sẽ đối mặt với một trong những bài kiểm tra lớn nhất vài thập kỷ gần đây về tính chính đáng.

 

Tuy nhiên, mặc dù lời khuyên của các chuyên gia không giúp tôi thật sự bớt lo lắng, thông điệp chung của họ giúp tôi yên tâm phần nào: “Bản năng của người Mỹ nên là tin tưởng vào kết quả bầu cử,” Marsden nói. “Nếu soi xét cách cuộc bầu cử được tổ chức - an ninh, công tác kiểm tra, các biện pháp bảo đảm minh bạch, hàng rào pháp lý - ta thấy có rất nhiều chốt chặn an toàn.”

 

Làm suy yếu niềm tin vào hệ thống bầu cử của Hoa Kỳ thì dễ. Dàn xếp để thiên vị một ứng viên cụ thể thì khó hơn nhiều.

 

Người dịch: Tom Nguyen

Biên tập: Diễm

 

 

 

 


No comments: