NỘI
DUNG :
Chiến
lược đối ngoại của Đức : Từ chậm thức tỉnh, đến thận trọng và tăng tốc
Thu Hằng - RFI
Nghi
án Navalny bị đầu độc: NATO họp, Liên Âu đe dọa trừng phạt Nga
Trọng Thành - RFI
.
===========================================
Chiến
lược đối ngoại của Đức : Từ chậm thức tỉnh, đến thận trọng và tăng tốc
Thu Hằng
- RFI
Đức có thể sử dụng
“vũ khí kinh tế và khí đốt” để trừng phạt Nga sau khi khẳng định nhà đối lập
Navalny bị đầu độc bằng chất Novitchok. Berlin cũng rắn giọng với Bắc Kinh về
những tham vọng hàng hải và yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, khi
công bố “Những đường lối chỉ đạo về vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương” ngày
02/09/2020.
Lãnh đạo Pháp Đức, Emmanuel Macron và Angela Merkel, tâm đầu ý hơp
trên các hồ sơ quốc tế. Ảnh tại tại khu nghỉ hè Brégançon, Pháp,
ngày 20/08/2020.. Christophe Simon/Pool via REUTERS
Trong văn bản 72 trang
này, Đức cho rằng quyết định của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ngày
12/07/2016 có “tầm quan trọng mang tính quyết định”, những yêu sách
chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông không dựa trên “bất kỳ cơ sở luật
pháp nào”. Đức khẳng định tầm quan
trọng sống còn của những tuyến đường biển thương mại vì “vùng Ấn Độ-Thái
Bình Dương chiếm đến 20% ngoại thương của Đức. Và khối lượng hàng hóa trao đổi
với vùng này đã tăng gần gấp đôi trong vòng 15 năm trở lại đây”. Vì vậy,
Berlin sẽ tham gia nhiều hơn, ở mọi cấp độ, vào vấn đề an ninh ở Ấn Độ-Thái
Bình Dương, nhưng vẫn đề cao đối thoại giữa các bên liên quan để giải quyết
tranh chấp lãnh thổ và xung đột.
Hai sự kiện quan trọng diễn ra chỉ trong vài ngày đầu tháng 09/2020 cho
thấy Đức, và rộng hơn là Liên Hiệp Châu Âu, đang tìm cách khẳng định vai trò
trên trường quốc tế, không còn muốn bị kìm kẹp giữa hai cường quốc Mỹ và
Trung Quốc. Thực ra, tạp chí Anh The Economist từng cảnh báo ngay từ tháng
06/2013 rằng “mối nguy hiểm hiện nay cho châu Âu không phải là do sự
lãnh đạo Đức quá mạnh, mà là do quá yếu”. “Sau khi hai lần đẩy châu
Âu vào chiến tranh”, Đức duy trì chính sách “thịnh vượng về kinh tế,
khiêm nhường về chính trị”. Điều này giải thích tại sao Đức luôn đóng vai
trò lu mờ trong những hồ sơ quốc tế quan trọng, ví dụ trong cuộc nội chiến
Syria.
Cuộc khủng hoảng di dân, chủ yếu từ cuộc nội chiến ở Syria, có lẽ đã thức
tỉnh chính quyền Berlin và nhận ra rằng “phải ổn định các khu vực phụ cận,
tại phía đông châu Âu và ở châu Phi”. Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich
vào tháng 02/2014, của tổng thống Đức Joachim Gauck, “Đức phải đóng góp
nhiều hơn và can thiệp sớm hơn (để tránh những cuộc xung đột)”, có lẽ
đã mở đường cho chính sách đối ngoại và an ninh của các nhà lãnh đạo Đức sau
này.
Sự kiện tiếp theo là nhà
tỉ phú Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ vào tháng 01/2017. Bốn năm nhiệm
kỳ của nhà tỉ phú chỉ gây sứt mẻ cho mối quan hệ ở hai bờ Đại Tây Dương, từ
kinh tế đến an ninh. “Chính sách đoạn
tuyệt của tổng thống Trump, đặc biệt là tại Trung Đông, khiến châu Âu hiểu ra rằng
tuyệt đối phải đóng vai trò năng động hơn”, theo giải thích của Constanze
Stelzenmüller, thuộc Viện Brookings. Chính quyền Berlin tự tin tham gia vào hồ
sơ Libya, một trong những “cửa ngõ” di dân vào châu Âu với một
ưu thế, “mạnh hơn cả vũ khí và tiền” mà không cường quốc liên
quan nào có được, đó là “tính chính đáng” vì Đức không tham
gia vào cuộc chiến ở Libya, theo nhận định trên Twitter ngày 16/01/2016 của ngoại
trưởng Sigmar Gabriel.
Trong cương vị chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu cho đến hết năm
2020, Đức đang xử lý một loạt hồ sơ quan trọng : căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp ở
đông Địa Trung Hải (cả hai đều là thành viên của NATO), giải quyết khủng hoảng
chính trị Belarus cùng với Nga, thông qua Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu
(OCSE), thỏa thuận thương mại với Anh Quốc hậu Brexit, tái thúc đẩy kinh tế sau
dịch Covid-19, hiệp định đầu tư công bằng với Trung Quốc...
Sự năng động trong những tuần gần đây của Đức được nhận thấy rõ hơn sau
cuộc họp giữa thủ tướng Angela Merkel với tổng thống Emmanuel Macron tại khu
nghỉ hè Brégançon của nguyên thủ Pháp. Kết quả là hai nước đầu tầu châu Âu
“tăng cường hợp tác”, theo nhận định của Samuel Faure, thuộc Trung
tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), thậm chí có thể có sự “phân
chia công việc” tại đông Địa Trung Hải : Paris lo phần quân sự, Berlin
phụ trách ngoại giao.
Lý do cuối cùng, bà Angela Merkel sẽ kết thúc nhiệm kỳ thủ tướng thứ 4
vào mùa Thu 2021 và sẽ không ra tranh cử thêm nhiệm kỳ mới. Bà không còn nhiều
thời gian để ghi lại dấu ấn đáng nhớ trong sự nghiệp chính trị. Có thể như trường
hợp tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, được chuyên gia Charles Tenenbaum, thuộc
trường Khoa học Chính trị Sciences-Po Lille, nêu làm ví dụ : “Nicolas
Sazkoy đã tận dụng chức chủ tịch của Pháp tại Liên Hiệp Châu Âu, năm 2008, để đề
xuất hòa giải giữa Gruzia và Nga”.
-----------------------------------------------
.
Nghi
án Navalny bị đầu độc: NATO họp, Liên Âu đe dọa trừng phạt Nga
Trọng Thành
- RFI
Đăng ngày: 04/09/2020 - 12:09
Áp lực phương Tây
với Nga gia tăng. Khối NATO họp hôm nay, 04/09/2020, tại Bruxelles, Bỉ. Cáo
buộc của Đức về việc nhà đối lập Nga bị đầu độc nằm trong lịch trình thảo luận.
Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi Matxcơva điều tra, và lần đầu tiên nêu khả năng sẽ có
các trừng phạt.
https://s.rfi.fr/media/display/ab210ec0-acc1-11ea-8c66-005056bf87d6/w:980/p:16x9/OTAN-1.webp
Ảnh minh họa : Trụ sở NATO tại Bruxelles. AFP - JOHN THYS
Hãng tin AFP, trong bản tin tối hôm qua, 03/09, cho biết một phát ngôn
viên của Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương NATO thông báo là hồ sơ nhà đối lập
Nga bị đầu độc sẽ được thảo luận tại hội nghị của khối. Trong cuộc trả lời báo
giới trưa ngày hôm qua, tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, vẫn chưa cho biết cụ
thể về nội dung cuộc họp cấp đại sứ này.
Hôm qua, chính quyền Đức đã thông báo với 29 thành viên NATO về
« các bằng chứng rõ ràng », là nhà đối lập 44 tuổi, đối thủ số một của
tổng thống Putin, bị đầu độc bằng chất Novitchok. Đây là một chất độc thần kinh
do giới quân sự kiểm soát, đã từng được sử dụng vào năm 2018 trên lãnh thổ Anh
quốc, trong vụ mưu sát cựu điệp viên Nga Sergei Skripal.
Hôm qua, lãnh đạo Ngoại Giao Liên Âu ra thông cáo yêu cầu chính quyền
Nga « làm mọi việc trong khả năng để tiến hành minh bạch một cuộc điều tra
đầy đủ về vụ ám sát này ». Lãnh đạo Ngoại Giao Liên Âu Joseph Stoltenberg
nhấn mạnh : « Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi một phản ứng quốc tế phối hợp,
và sẽ xem xét có các biện pháp thích ứng, kể cả các trừng phạt ».
« Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi Liên Bang Nga hợp tác đầy đủ với Tổ chức cấm
Vũ khí Hóa học (OIAC), để bảo đảm có một cuộc điều tra quốc tế không thiên vị ».
Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo châu Âu nêu ra khả năng trừng phạt Nga
trong nghi án nhà đối lập bị đầu độc. Hôm qua, Tổ chức cấm Vũ khí Hóa học cho
biết « rất quan ngại », sau tuyên bố chính thức của Berlin, về việc
nhà đối lập bị đầu độc bằng chất Novitchok, và thông báo « sẵn sàng hỗ trợ
các quốc gia thành viên làm sáng tỏ vụ việc, khi được yêu cầu ».
Riêng tại Đức, áp lực gia tăng buộc chính quyền thay đổi chính sách với
Matxcơva. Thông tín viên Nathalie Versieux tường trình từ Berlin :
« Lên án và giữ khoảng cách về chính trị, nhưng lại phụ thuộc về
năng lượng… Nước Đức vốn duy trì một chính sách đi dây với Nga. Cộng Hòa Liên
Bang Đức phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Kể từ thời thủ tướng Willy Brandt và
chính sách Hướng Đông (Ostpolitik) của ông trong những năm 1970, lập trường chủ
đạo của Berlin trong quan hệ với Matxcơva là bình thường hóa. Chính sách này tiếp
tục được tất cả những người kế nhiệm thủ tướng Brandt theo đuổi, dù là Kohl,
Schroder hay Merkel.
Tuy nhiên, lập trường
này ngày càng bị phản đối tại Đức, kể từ khi Matxcơva sáp nhập bán đảo Crimée,
cũng như liên tục xảy ra các vụ đầu độc nhắm vào những nhà đối lập với tổng thống
Nga Putin.
Giờ đây, một trong
những người đối lập tiềm năng của thủ tướng Merke, chính trị gia Nobert
Rottgen, một chuyên gia về ngoại giao, thuộc đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, đã
yêu cầu Berlin chấm dứt việc phụ thuộc vào khí đốt Nga. Chủ tịch của Diễn đàn
An ninh Munich, ông Wolfgang Ischinger, cũng đòi hỏi như vậy. Tranh luận đã bắt
đầu. Cuộc tranh luận hứa hẹn sẽ quyết liệt. Tại Đức có nhiều nhóm vận động hành
lang của Nga hoạt động, trong giới doanh nhân, cũng như trong các đảng phái
chính trị, từ đảng cực hữu cho đến đảng Xã hội Dân chủ, cũng như đảng Bảo thủ,
đặc biệt là trong phe Bảo thủ bang Bayer ».
Về phần mình, hôm qua, Matxcơva một lần nữa bác bỏ mọi khả năng Nhà nước
Nga can dự vào một vụ đầu độc như vậy, và kêu gọi phương Tây « không đưa
ra các cáo buộc vội vã ».
***
CÁC NỘI
DUNG LIÊN QUAN
Đức-Nga:
cơm không lành, canh không ngọt giữa Merkel và Putin
Nga-Đức
: Xác nhận Navalny bị đầu độc bằng Novitchok, Berlin gây áp lực với Matxcơva
Vụ
Navalny nghi bị đầu độc: Phần Lan gỡ ngòi cho căng thẳng Nga–Liên Âu
No comments:
Post a Comment