Biểu tình ở Hồng Kông đã ‘truyền lửa’ cho giới trẻ Thái Lan như thế nào?
“Thailand
protests: how Hong Kong and the Hunger Games inspired revolution of Thais”, South
China Morning Post, 25/07/2020.
Người dịch: Nguyễn
Thanh Hải
17/09/2020
http://nghiencuuquocte.org/2020/09/18/bieu-tinh-hong-kong-truyen-lua-cho-gioi-tre-thai-lan/
Tại tổ chức có tên gọi “Bad Student Union – Nhóm sinh viên xấu”, sinh viên 18 tuổi Min
đang thu thập những lời phàn nàn của các học sinh trên khắp Thái Lan qua
Twitter và Instagram tố cáo giáo viên tại các trường công lập đã có những hành
động làm tổn thương họ từ các hình phạt trên thân thể học sinh đến việc buộc cắt
tóc để làm dấu cho những sai phạm nhỏ tại trường học.
Nhưng hầu hết các phàn nàn cần giải quyết mà
Min đăng trên tài khoản @BadStudent_ Twitter chủ yếu là về nỗi sợ của học sinh
đối với kiểu tóc bắt buộc tại trường học, thể hiện qua bài hát nak rien bằng
tiếng Thái. Học sinh nam sẽ để tóc theo kiểu quân đội, phía sau đầu và hai bên
thái dương cắt sát, phần tóc ở trên để dài hơn một chút. Học sinh nữ để tóc ngắn
ngang tai không mấy cuốn hút.
Nó đã trở thành một hình ảnh ẩn dụ cho hệ thống
thứ bậc nghiêm ngặt trong xã hội Thái Lan nơi một vị vua ngự trên đỉnh của kim
tự tháp quyền lực, quân đội điều hành chính trị và văn hóa Poo Yai coi
trọng tuổi tác và địa vị hơn là sự chủ động, sáng tạo tại trường học và công sở.
Trong tuần qua, giới trẻ Thái Lan đã bất chấp
mệnh lệnh của chính quyền, kết nối với nhau qua mạng xã hội để tiến hành các cuộc
biểu tình phản đối chính phủ ở ít nhất tại sáu tỉnh và thủ đô của Thái Lan.
Họ nói rằng đã đến lúc để phát động phong
trào chống lại chế độ chuyên chế, với các hashtag bằng tiếng Thái lan truyền mạnh
mẽ trên Twitter như #removetheyoke
(cởi bỏ ách độc tài) và #thismustendinourgeneration (thế hệ chúng ta phải chấm
dứt nó), ngay cả khi Thái Lan vẫn đang phải vật lộn để phục hồi nền kinh
tế phụ thuộc vào du lịch vốn chịu tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19.
Tatthep
“Ford” Ruangprapaiserikit đến từ phong trào Thanh niên Tự do
(Free Youth movement) cho biết: “Chúng
tôi làm điều này bây giờ vì chúng tôi không nhìn thấy tương lai và chúng tôi không
muốn thế hệ tiếp theo phải chiến đấu thêm nữa. Điều này nên chấm dứt ở thế hệ
chúng tôi”.
Mục tiêu đầu tiên được nhắm đến là chính phủ
của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha. Ông vốn là một cựu chỉ huy quân đội với tính
tình nóng nảy và xa cách. Sáu năm sau khi lên nắm quyền, dù đối mặt với sự chỉ
trích mạnh mẽ từ công chúng, ông vẫn không từ bỏ quyền lực của mình.
Nhóm Thanh
niên Tự do (Free Youth) đã đưa ra ba yêu cầu cốt lõi: hủy bỏ bản hiến pháp
hiện tại đã giúp Prayuth giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm ngoái, giải
tán quốc hội với 250 thượng nghị sĩ thân quân đội và ngừng sách nhiễu những người
bất đồng chính kiến.
Các cuộc biểu tình ôn hòa thu hút hàng trăm
người đã áp dụng kiểu chào ba ngón lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “The Hunger
Games – Đấu trường sinh tử” để phản ánh ba yêu cầu.
Họ cũng coi nó như là một biểu tượng của
phong trào phản kháng có thể sẵn sàng tấn công vào tất cả các trụ cột quyền lực
ở Thái Lan bao gồm giới tỷ phú, quân đội và phe bảo hoàng.
Ford nói thêm rằng: “Nền dân chủ đúng nghĩa
không có lợi đối với những người thuộc tầng lớp tinh hoa, vậy 99% số người còn
lại của đất nước này sẽ tiếp tục phải chịu đựng điều này trong bao lâu?”
Nhóm Thanh niên Tự do và những người đồng
hành với họ chịu ảnh hưởng lớn từ phong trào chống chính phủ tại Hồng Kông, vốn
đã làm chao đảo thành phố và đặt ra thách thức chưa từng có đối với Bắc Kinh.
Giống như những người bạn của họ ở Hồng Kông, phong trào phản kháng tại Thái
Lan rất trẻ trung, sáng tạo với đường lối rõ ràng và cũng phải chống lại đối thủ
là một chính quyền độc tài mạnh hơn họ gấp nhiều lần. Nguồn cảm hứng cho nhiều
người trẻ Thái Lan là bộ phim tài liệu của Netflix “Teenager vs. Superpower”
(Cuộc chiến đấu giữa những người trẻ và một siêu cường) kể về nghị lực của nhà
hoạt động người Hồng Kông Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) kiên quyết đấu tranh bất
chấp bị đàn áp và tù tội.
Ford nói: “Một phong trào chính trị cần phải
có biểu tượng. Biểu tưởng của họ là chiếc dù… của chúng tôi là ngọn đuốc. Chúng
tôi tin rằng đất nước mình đang bị một thế lực đen tối chi phối, vì vậy chúng
tôi cần những ngọn đuốc để dẫn dắt chúng tôi thoát khỏi bóng tối.”
Những người biểu tình Thái cũng học hỏi ý tưởng
về việc sử dụng sức mạnh của mạng xã hội để giải trí, giáo dục và đoàn kết nhau
cũng như về nghệ thuật tổ chức các cuộc biểu tình mà không cần người lãnh đạo,
mặc dù không rõ phong trào có thực sự là không có người lãnh đạo cũng như liệu
có những cá nhân đứng sau hậu thuẫn nó hay không.
Với áo thun đen và khẩu trang, những đám đông
tụ họp và giải tán chớp nhoáng được kết nối thông qua mạng xã hội, các biểu tượng,
những cách chơi chữ thông minh và những tư tưởng lan truyền nhanh trên internet
đã xuất hiện ngày càng nhiều.
Hàng trăm người trên khắp Thái Lan đổ ra đường
mỗi ngày, thắp sáng đường phố với chiếc điện thoại bật đèn flash trên tay, nhặt
rác trên các bãi biển và tổ chức những cuộc biểu tình phản đối chính phủ và lực
lượng ủng hộ trong quân đội.
Chiến thuật đấu tranh liên tục được cải tiến
trong các nhóm kín trên ứng dụng Line và các cuộc gọi qua Zoom, với một mạng lưới
những người trẻ “nổi loạn” có cùng chí hướng thực hiện việc phát tán tư tưởng
phản kháng trên khắp đất nước.
Một cuộc biểu tình lớn, ồn ào tại Đài tưởng
niệm Dân chủ ở Bangkok vào thứ Bảy tuần trước đã tiếp thêm động lực cho các
sinh viên.
Dù chưa xác định rõ ngày tháng nhưng những
người biểu tình thông báo sẽ tổ chức một cuộc biểu dương lực lượng lớn trên
toàn quốc vào tuần đầu tiên của tháng 8 nếu ba yêu cầu của họ không được đáp ứng.
Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) đã ủng hộ phong
trào qua một Tweet ngày 19 tháng 7 nhắc nhở người Hồng Kông “đừng bao giờ quên
những người bạn tại Thái Lan đã sát cánh cùng chúng ta chống lại những kẻ theo
chủ nghĩa dân tộc Đại Hán như thế nào”, dòng Tweet đề cập đến một cuộc tranh
cãi trên mạng xã hội trong đó người Thái, người Đài Loan và người Hồng Kông
chung tay chống lại đội quân trên không gian mạng của Trung Quốc. Liên minh giữa
người dân ba nơi được gọi là #MilkTeaAlliance (Liên minh trà sữa).
.
Xét lại những điều cấm kỵ
Không giống như các phong trào ủng hộ dân chủ
ở Thái Lan trước đây vốn bị lực lượng an ninh và các cơ quan trực thuộc đàn áp
đẫm máu, thế hệ mới không bị vướng mắc bởi lòng trung thành chính trị đã lỗi thời.
Các nhà quan sát nói rằng không thể xoa dịu sự phẫn nộ của giới trẻ bằng quyền
lực và chức vụ.
Chaturon Chaisang, đã từng là một nhà lãnh đạo
sinh viên trong thập niên 1970 tại Đại học có tư tưởng cấp tiến Thammasat ở
Bangkok và là bộ trưởng giáo dục trước cuộc đảo chính năm 2014, nói rằng: “Họ
không dính líu đến các đảng phái chính trị và những người có quyền lực”.
“Họ là một lực lượng độc lập và nhận thức được
rằng bản thân họ sẽ không có tương lai nếu tình trạng hiện tại tiếp diễn”, ông
nói thêm.
Nhưng, với kinh nghiệm chính trị còn non nớt
và không được trang bị gì ngoài những chiếc điện thoại thông minh, những hành động
của sinh viên sẽ rất khó đoán và có cả sự liều lĩnh.
Nổi bật trong nhiều cuộc biểu tình là những tấm
biển đả kích chế độ quân chủ và các điều luật bảo vệ hoàng gia khỏi sự chỉ
trích của người dân. Điều 112 của Bộ luật hình sự Thái Lan quy định rằng bất cứ
ai xúc phạm nhà vua, hoàng hậu, thái tử hoặc nhiếp chính có thể phải đối mặt với
hình phạt lên đến 15 năm tù. Điều luật này cùng với một bộ máy rộng lớn bên dưới
do Vua Maha Vajiralongkorn trực tiếp chỉ huy đã khiến chế độ quân chủ trở nên bất
khả xâm phạm trong xã hội Thái Lan.
Do đó, các hành động thách thức của sinh viên
đã khiến những người từng tham gia kiểu “chính trị đường phố” đầy rủi ro của
Thái Lan lo lắng.
Jatuporn Prompan, thủ lĩnh của phong trào “Áo
đỏ” ủng hộ dân chủ, cho biết gần đây rằng: “Tôi rất vui khi thấy phong trào nổi
dậy này. Nhưng có một giới hạn – đừng đả động đến vấn đề thể chế. Một khi bạn
vượt qua ranh giới đó, nó sẽ trở thành điểm yếu chí mạng và số phận của bạn
cũng không có gì khác biệt [bị đàn áp và đảo chính].”
Một số sinh viên đã phải sàng lọc lại trang
cá nhân trên mạng xã hội của hình, lo sợ rằng bản thân có thể vượt quá giới hạn,
trong khi đó nhiều nhóm sinh viên biểu tình đã bị cảnh sát thẩm vấn, trong đó
có cả một nhóm kịch sinh viên ở Chiang Mai đã đọc bài “Spew Out Poem” (Bài thơ
nôn mửa) trước cổng chào của thành phố.
Đáp lại, Nhà hát Lanyim đã tuyên bố sẽ tổ chức
các buổi biểu diễn miễn phí vào mỗi Chủ nhật hàng tuần trong suốt tháng Tám
trên toàn thành phố như một sự phản kháng đối với nỗ lực của chính quyền nhằm
kiểm soát hoạt động của họ.
Chính phủ Thái Lan cho đến nay vẫn chưa lên
tiếng về vấn đề này.
Trong những bình luận hiếm hoi về các cuộc biểu
tình vào tuần trước, ông Prayuth đã né tránh các câu hỏi về chế độ quân chủ và
các cuộc biểu tình.
Nhưng ông cũng đã đề cập những thứ mà nhiều
người cho là một lời cảnh báo. Ông nói rằng ông hiểu giới trẻ. “Nhưng đồng thời
tôi cũng lo lắng cho cha mẹ của chúng,” ông Prayuth nói.
Lời của ông rất có sức nặng ở một đất nước
nơi những người bất đồng chính kiến phải đối mặt với các án tù nặng nề cùng sự
đàn áp đẫm máu, nhanh chóng và bất ngờ của quân đội.
Một cuộc biểu tình nhỏ của phe bảo hoàng đã
được tổ chức vào chiều thứ Sáu tại trụ sở quân đội ở Bangkok. Vài chục người mặc
trang phục màu vàng của hoàng gia cầm những tấm biển có dòng chữ “Chúng tôi yêu
thể chế của mình”. Cuộc biểu tình được đăng trên trang Facebook Live có tên “We
Cheer Prayuth” (Chúng tôi ủng hộ Prayuth) với 137.000 người theo dõi.
Trước đó, Tổng tư lệnh quân đội Apirat
Kongsompong đã được giới truyền thông săn đón. Ông là người có xu hướng hòa giải
nhưng cũng nói rằng “những thứ trên mạng xã hội có chứa các từ ngữ xúc phạm,
không phù hợp… Tôi nghĩ nó khiến cho nhiều người khó chịu”.
“Tất cả chúng ta đều là thần dân của nhà Vua,
không chỉ có quân đội”.
“Mặc dù tôi là chỉ huy quân đội, nhưng với tư
cách là một công dân Thái Lan, tôi phải nói rằng dù bạn làm bất cứ điều gì, bạn
có thể sẽ hối hận khi nhìn lại”.
.
Thế hệ mới nhưng kết cục không mới?
Phong trào sinh viên non trẻ hiện nay là
chương mới nhất trong câu chuyện chính trị kéo dài gần 90 năm tại Thái Lan.
Trước đây Thái Lan là một quốc gia quân chủ
chuyên chế. Cuộc cách mạng không đổ máu năm 1932 đã thiết lập nên hiến pháp và
thành lập chính phủ dân sự do nhà vua đứng đầu. Tuy vậy Thái Lan cho đến nay vẫn
chưa tìm được một giải pháp chính trị lâu dài.
Kể từ cuộc cách mạng, quân đội bảo hoàng vẫn
không ngừng can thiệp vào chính trường Thái Lan, liên tiếp lật đổ chính phủ dân
sự qua các cuộc đảo chính, thậm chí còn tự tay lật đổ các tướng lĩnh sau khi đảo
chính đã thành công. Trong khi đó, Hiến pháp và cách thức tổ chức của Quốc hội
không ngừng được viết lại.
Giới tài phiệt tham gia vào những trò chơi
tranh giành quyền lực đến rồi lại đi, trong khi đó bên trong các phiên tòa và
những cuộc biểu tình đẫm máu trên đường phố là những mâu thuẫn xoay quanh việc ủng
hộ hay phản đối giới tướng lĩnh bảo thủ và thiết lập các giá trị mà người biểu
tình hướng đến, tất cả cho thấy rằng niềm hy vọng về những cải tổ lâu dài đang
bị thay thế dần bởi nỗi sợ sự bất ổn.
Kể từ năm 2005, sự phân cực ngày càng trở nên
nghiêm trọng, phần lớn xoay quanh ông trùm ngành viễn thông kiêm thủ tướng
Thaksin Shinawatra và gia đình ông, người đã làm rung chuyển chính trường Thái
Lan khi giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử với chính sách vì người nghèo.
Năm 2006, Thaksin đã bị tước quyền trong một
cuộc đảo chính và sống lưu vong sau khi bị kết án tham nhũng vắng mặt.
Tòa án sau đó đã giải thể chính phủ có liên hệ
với ông trong bối cảnh Thái Lan ngập chìm trong các cuộc biểu tình đẫm máu trên
đường phố giữa phe “Áo đỏ” ủng hộ Shinawatra và phe bảo hoàng “Áo vàng” ủng hộ
quân đội và và tầng lớp cầm quyền truyền thống.
Năm 2014, một cuộc can thiệp quân sự khác do
Tư lệnh quân đội khi đó là Prayuth lãnh đạo đã lật đổ chính phủ của bà Yingluck
Shinawatra, em gái của ông Thaksin.
Prayuth lên nắm quyền sau cuộc đảo chính. Năm
2019, Prayuth từ lãnh đạo của cuộc đảo chính đã trở thành thủ tướng dân sự sau
cuộc bầu cử được tổ chức theo hiến pháp mới do chính những người được ông bổ
nhiệm viết ra. Kể từ đó, những người chỉ trích nói rằng giáo dục mang tính dân
tộc chủ nghĩa đang ngày càng gia tăng trong các trường học.
Ngay sau cuộc đảo chính năm 2014, Prayuth đã
đưa “12 giá trị” vào chương trình giảng dạy của các trường học, bao gồm cả việc
yêu cầu học sinh tuyên thệ giữ gìn truyền thống và chế độ quân chủ của Thái
Lan. Những người ủng hộ ông nói rằng ông Prayuth đã mang lại sự ổn định sau nhiều
năm bất ổn vì các cuộc biểu tình cũng như khuyến khích đầu tư nước ngoài vào
các dự án lớn.
Nhưng hầu hết sinh viên trong các cuộc biểu
tình đều không bị thuyết phục bởi những lập luận đó, họ tiếp tục giơ cao các biểu
ngữ và mặc áo thun với nội dung chế nhạo ông Prayuth mặc dù họ không biết một
nhà lãnh đạo thay thế nào. Hôm thứ Sáu, những người biểu tình đốt ảnh của
Prayuth và cấp phó của ông, Prawit Wongsuwan.
Panumas Singprom, 21 tuổi, người đồng sáng lập
nhóm Thanh niên Tự do (Free Youth), cho biết: “Nền chính trị của chúng ta giống
như một trò chơi kéo co, bạn kéo sợi dây về phía trước ở một đầu và nó bị kéo
lùi lại ở đầu kia”.
“Rốt cuộc chúng ta chẳng đến được đâu.”
Sự giận dữ của giới trẻ được khơi dậy một phần
bởi sự rời khỏi chính trường của Thanathorn Juangroongruangkit – một nhà phê
bình quân đội ngoan cường. Ông đã bị cắt tư cách nghị sĩ quốc hội vào
tháng Hai và bị cấm hoạt động chính trị trong 10 năm vì số cổ phần ông nắm giữ
trong một công ty truyền thông mà theo ông là một sự vu khống mang động cơ
chính trị.
Việc ông yêu cầu quân đội từ bỏ can thiệp vào
chính trị Thái Lan, chấm dứt chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc cũng như tiến
hành những cải cách kinh tế và xã hội sâu rộng như tăng thuế đối với thành phần
giàu có nhất, đã giúp Đảng Tương lai mới (Future Forward Party) của ông
giành được sáu triệu phiếu bầu trong cuộc bầu cử tháng 3 năm 2019. Sau cuộc bầu
cử, Đảng Tương lai mới trở thành lực lượng chính trị lớn thứ ba ở Thái Lan khi
có được 81 trên 500 ghế trong quốc hội.
Điều đó đã gây khó cho quân đội và đảng của nó
trong chính phủ vốn đầy những chính trị gia kỳ cựu không quen với việc chịu
trách nhiệm giải trình trước công chúng.
Tòa án Hiến pháp theo đường lối can thiệp của
Thái Lan đã ra bản án giải thể Đảng Tương lai mới với cáo buộc vi phạm luật về
tài trợ tranh cử sau khi Thanathorn, vốn là một tỷ phú thừa kế, cho đảng này
vay 6 triệu USD.
Đảng Tương lai mới đã đổi tên nhưng thiệt hại
vẫn còn đó, nó làm giảm tiếng nói chính trị của hàng triệu thanh niên thuộc “thế
hệ thiên niên kỷ”, nhiều người trong số họ theo các cuộc thăm dò là những cử
tri lần đầu tiên đi bỏ phiếu.
Đã có những nghi vấn được đặt ra về việc liệu
Thanathorn hay Thaksin có liên hệ gì đến các cuộc biểu tình hay không. Tuy
nhiên, Thaksin đã sống lưu vong trong nhiều năm và trong khi ông vẫn nắm giữ ảnh
hưởng trong hậu trường chính trị, đảng Pheu Thai (Đảng Vì nước Thái) của ông,
phe đối lập mạnh nhất trong quốc hội, lại đang bị chia rẽ trong cuộc chiến pháp
lý kéo dài nhiều năm với giới cầm quyền hiện nay.
Các cuộc biểu tình ở Thái Lan thường xây dựng
lực lượng qua từng bước và được tài trợ bởi những nhóm lợi ích chính trị lớn.
Thế hệ trẻ không làm như vậy, họ chuyển sang sử dụng mạng xã hội và đường phố.
Sự quyết liệt trong đấu tranh cũng như khả năng tập hợp nhanh chóng của những
người trẻ là một luồng gió mới đối với xã hội Thái Lan.
Sustarum Thammaboosadee đến từ trường Cao đẳng
Nghiên cứu Liên ngành tại Đại học Thammasat cho biết: “Điều mà thế hệ cũ phải mất
cả thập kỷ mới làm được, thế hệ trẻ ngày này đang làm điều tương tự trong thời
gian ngắn hơn nhiều. Văn hóa và truyền thống của Thái Lan đã kìm hãm giới trẻ từ
lâu. Nhưng công nghệ và những động lực chính trị đang cho phép những người trẻ
tự do bày tỏ ý kiến của mình.”
.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Sự uy hiếp từ quân đội Thái Lan luôn hiện hữu
trong từng khoảnh khắc đối với những người biểu tình. Kể từ năm 1932, các cuộc
đàn áp của quân đội đã gây ra cái chết cho hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người.
Họ là những người đã thách thức quyền lực chính trị của quân đội hoặc bị cáo buộc
tội danh chống lại chế độ quân chủ.
Apirat, chỉ huy quân đội hiện tại, là một người
thuộc phe bảo hoàng có quan điểm cứng rắn, ông đã tham gia đàn áp phong trào
“Áo đỏ” (Red Shirts) ở Bangkok vào năm 2010 khiến nhiều người chết ở trung tâm
thương mại cũng như nhiều khu vực của thành phố bị lửa thiêu rụi. Prayuth, chỉ
huy quân đội vào thời điểm đó, là người đã ra lệnh đàn áp.
Các nhà phân tích cho rằng chính phủ Thái Lan
sẽ duy trì cách tiếp cận chờ đợi và quan sát tình hình, hy vọng các cuộc biểu
tình sẽ dần chấm dứt, đồng thời bắt giam những nhà lãnh đạo chủ chốt của phong
trào.
Nhưng họ cảnh báo rằng cách tiếp cận này có
thể không dập tắt được những tiếng nói bất mãn. Đại dịch Covid-19 đã thay đổi
cuộc chơi, phá hủy nền kinh tế từng là ngôi sao của khu vực Đông Nam Á. Với
hàng triệu người có khả năng rơi vào cảnh thất nghiệp vào cuối năm nay, sự bất
mãn có thể nhanh chóng bùng nổ trên các con phố.
Wutthipol Wutthiworapong, một giảng viên khoa
học chính trị tại Đại học Ramkhamheng ở Bangkok, cho biết: “Nông dân, công nhân
thất nghiệp và tầng lớp trung lưu đang phải gánh chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng
kinh tế có thể trở thành những mối đe dọa chính trị nghiêm trọng đối với chính
phủ”. Ông cũng cảnh báo rằng một phong trào quần chúng cần có sự ủng hộ từ nhiều
thành phần trong xã hội để có thể đứng vững.
Vào thứ Năm, Quốc hội Thái Lan đã bác bỏ một
đề nghị kêu gọi Prayuth mở các cuộc đàm phán với các sinh viên với tỷ lệ 261
trên 177, một dấu hiệu cho thấy sự thỏa hiệp vẫn còn rất xa vời.
Lịch sử Thái Lan cũng cho thấy dấu hiệu nghiệt
ngã về những gì sẽ xảy ra khi các cuộc biểu tình dẫn đến bế tắc chính trị.
Chaturon, một chính trị gia ủng hộ dân chủ kỳ
cựu, nói: “Những người trẻ không được chứng kiến tận mắt các vụ đàn áp đẫm máu
trong quá khứ, nhưng họ đã trải qua sự áp bức dưới chế độ hiện nay cùng với nền
kinh tế yếu kém. Điều này khiến họ không sợ hãi”. Ông cũng nói thêm “Tất cả phụ
thuộc vào việc những người cầm quyền quyết định sẽ phản ứng, thay đổi hay viện
dẫn một số điều luật ra sao.”
Người Thái đang theo dõi sát sao tình hình
trong vài ngày và vài tuần tới qua Facebook Live trong bối cảnh các cuộc biểu
tình nổ ra hằng ngày trên khắp Thái Lan. Các cuộc trò chuyện của chúng tôi và
các bài đăng trên mạng xã hội cho thấy nhiều người lớn tuổi ở Bangkok ngầm ủng
hộ phong trào sinh viên và đang chờ thời điểm thích hợp để bày tỏ.
Headache Stencil, một họa sĩ đường phố nổi tiếng
ở Thái Lan và là cái gai lâu năm trong mắt quân đội, cho biết: “Ở Thái Lan,
chúng tôi lớn lên trong một cái hộp được gọi là ‘truyền thống’ và‘phong tục’.
Cái hộp này kìm hãm tư duy độc lập cũng như sự sáng tạo của chúng tôi. Thế hệ
trẻ của Thái Lan đang tìm ra lối thoát mặc dù nó trái ngược hoàn toàn với những
thứ chúng được dạy bảo. Tôi nghĩ rằng nhiều người lớn chúng ta thích đứng bên ngoài
quan sát phong trào đấu tranh của bọn trẻ. Cuộc chiến của chúng đơn sơ và tinh
khiết, không ai được làm vấy bẩn nó.”
Trong lúc này, trang Twitter của nhóm Bad
Student (Học sinh xấu) vẫn tiếp tục đấu tranh cho lý tưởng của mình. Trang do
Min khởi xướng để chống lại nền giáo dục mà cậu cho là khuyến khích việc học vẹt
hơn là tư duy sáng tạo, tạo cho học sinh ‘tâm lý bầy đàn’ cùng những quy định
yêu cầu tuyệt đối tôn trọng giáo viên. Min không muốn tiết lộ tên đầy đủ để
tránh những rắc rối có thể xảy đến.
Cậu cũng nói rằng nền giáo dục này đã góp phần
khiến cho sinh viên Thái Lan có trình độ học vấn kém nhất khu vực.
Sanitsuda Ekachai, nhà báo kỳ cựu và nhà bình
luận xã hội cho biết trường học là cánh cổng dẫn đến “chủ nghĩa chuyên chế ở
Thái Lan. Họ dạy những tâm hồn non trẻ phải biết phục tùng trước quyền lực.”
Lời phàn nàn mới nhất trên trang Bad Student
theo sau một bức ảnh chụp các học sinh đang đứng xếp hàng ngay ngắn dưới cơn
bão lớn, đội mũ lưỡi trai màu xanh lam. Có vẻ như đây là buổi diễn tập của các
hướng đạo sinh cho lễ kỷ niệm sinh nhật của nhà vua vào ngày 28 tháng 7.
Bình luận của một người dùng Twitter có đoạn:
“Giá như họ dành một nửa sức lực này cho các hoạt động giáo dục thực tiễn, thì
Thái Lan đã không phải là một quốc gia lạc hậu.”
No comments:
Post a Comment