Wednesday, September 16, 2020

ĐẰNG SAU NHỮNG PHIÊN TÒA (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh)

 


Đằng sau những phiên tòa

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

17/09/2020

https://baotiengdan.com/2020/09/17/dang-sau-nhung-phien-toa/

 

Tôi bị ám ảnh, bởi ánh mắt vô hồn của những người nông dân trong phiên tòa Đồng Tâm. Hình ảnh bà Bùi Thị Nối bị kẹp giữa hai nữ công an sau những gì bà đã làm khiến tôi cảm thấy chua chát. Đằng sau cánh cổng trại giam rồi sẽ còn bao nhiêu đòn thù nữa trút xuống?

 

Năm 2016, khi Nguyễn Hữu Quốc Duy đã bị tuyên án và gia đình không thể đi thăm gặp, chỉ có thể gửi quà. Hành trình đi cùng gia đình Duy chỉ để biết chắc rằng Duy có làm đơn kháng cáo đã dẫn tôi vào trại giam khi đòi quyền gặp mặt Duy. Trong trại giam tôi không thể tìm được Duy vì bị chuyển trại ngay sau đó. Sau này tôi mới biết, thời điểm tôi bị bắt Duy bị kỷ luật, bị xịt hơi cay lở loét khắp người và bị biệt giam. Tất cả chỉ để Duy nhận tội, đừng kháng án nữa.

 

Tháng 6/2017, kết thúc phiên sơ thẩm, bản án 10 năm tù của tôi làm cả trại giam Công an tỉnh Khánh Hòa choáng váng hơn là chính bản thân tôi. Tôi còn nhớ buổi trưa nghị án, lúc về trại giam, khi nghe tôi trả lời rằng Viện Kiểm sát nghị án từ 8-10 năm, một công an trại giam còn nói, phạm tội lần đầu, chắc 8 năm thôi.

 

Đến buổi chiều tuyên án, về tới trại giam, tất cả phẳng lặng như tờ. Gương mặt thất thần của nữ quản giáo đưa tôi đến tòa khiến tôi nhớ mãi. Không khí xung quanh như đặc quánh lại. Đêm đó công an đi tuần và hôm sau nhiều lời hỏi han tôi hơn.

 

Nhưng không phải ai cũng được “biệt đãi” để thấy “sự nhân văn” của đảng và nhà nước như vậy.

 

Tháng 10/2017, khi bị chuyển buồng giam xuống khu tạm giữ để chờ phiên phúc thẩm, trong những lần không ngủ được, tôi nghe những các bạn tù nam kể cho nhau nghe chuyện bị đánh trước và sau khi đi cung về ra sao. “Mấy ổng nói tao đừng có chối, mày chối tao đánh cho má mày nhận không ra. Ổng tát tao kiểu gì mà đến giờ cái tai mưng mủ, đau nhức, xin thuốc mấy ổng không cho..”.

 

Ở buồng tạm giữ số 1, có một nghi can liên quan đến án ma túy, bị bắt theo lời khai của người khác. Hai đêm đầu tiên người này cứ nằm rên nghe rất thảm thương. Tôi tranh thủ hỏi thăm thì biết anh chàng này đã bị bắt về công an tỉnh Khánh Hòa từ chiều thứ 6, nguyên ngày thứ 7 và Chủ Nhật bị treo lên cửa sổ, hai tay giang ra kiểu như đóng đinh trên thập tự, và người hỏi cung cứ thế thi nhau móc vào mạn sườn. Không nhận đánh cho nhận, không biết đánh cho biết, đánh chừng nào đau quá chịu không được phải khai, phải ký. Rồi cuối cùng sau 9 ngày tạm giữ, người này được thả về vì không tìm thấy mối liên hệ.

 

“Vào tù rồi là phải chịu em ơi” – không biết bao nhiêu lần tôi nghe câu này. Và cũng để thử xem ngưỡng chịu đựng của mình, tôi im lặng sau phiên tòa sơ thẩm, không đá động gì đến việc viết đơn kháng cáo. Tôi muốn xem, công an trại giam sẽ “giáo dục” tôi thế nào.

 

1, 2, 3 rồi 4 ngày trôi qua, không ai nhắc gì đến hạn kháng cáo 14 ngày, đến ngày thứ 7, tôi đề nghị quản giáo cho tôi viết đơn kháng cáo. Họ đưa tôi ra ngoài, một mình ngồi một góc và tự viết. Đến khi tôi quay trở lại buồng giam, người ở cùng với tôi hỏi rằng tôi kháng cáo hay xin giảm nhẹ hình phạt? Tôi nói tôi không có tội, sao phải xin?

 

Lúc này tôi mới được các bạn tù giải thích rằng, thường thì công an sẽ hướng dẫn viết đơn xin kháng cáo kiểu nhận tội và xin giảm nhẹ hình phạt.

 

Công an trại giam Khánh Hòa đã từng thuyết phục một chị tên Hồng, người bị kết tội gây rối trật tự công cộng trong vụ bãi rác Ninh Ích gây ô nhiễm môi trường đừng kháng cáo, án sơ thẩm đã tuyên 3 năm thì nhanh chóng cải tạo rồi về. Ngày thứ 14, hạn chót để kháng cáo, tình cờ tôi và chị được đưa ra đi gặp mặt gia đình chung một lượt. Tranh thủ công an không để ý, tôi hỏi chị sơ về vụ án và dặn rằng chị phải kháng cáo, đó là quyền của chị, đừng nghe lời công an. Trở vào buồng giam đến chiều, tôi nghe được tiếng chị xin ra ngoài viết đơn kháng cáo, và tiếng quản giáo hỏi: “Tại sao chị nói với tôi chị không kháng cáo mà? Chị nghe lời ai, ai xúi giục chị?” . Từ đó, tôi không bao giờ được đi thăm gặp chung với ai, cả nam lẫn nữ.

 

Phiên tòa tại Đồng Tâm đã kết thúc ngày 14/9, những bản án tử đã được tuyên, nhưng nó chưa dừng lại ở đó.

 

Bà Bùi Thị Nối – người đàn bà chân quê, không biết chữ – trở thành nạn nhân của đòn thù từ tòa án vì câu hỏi “Tại sao có luật pháp mà không làm theo luật?”. Bà liệu có an lành sau cánh cổng trại giam hay không? Xử án đã xong, người ta chẳng cần giữ kẻ nữa.

Tôi đang phân vân liệu không biết công an trại giam, có giải thích cho bà Nối biết bà có quyền kháng cáo hay họ cứ im lặng lờ đi, và “giáo dục” bà hãy nhận tội để sớm đi cải tạo rồi trở về làm lại cuộc đời.

 

Những người khác, liệu có được bảo đảm quyền thăm gặp gia đình hay lại trở thành nạn nhân tiếp theo của các trò bẩn. Đằng sau cánh cổng trại giam, công an có đủ cách để ”nhờ”, để “gửi” để những người không im lặng bị dằn vặt, hành hạ. Và họ gọi đó là chính sách “khoan hồng và nhân văn”.

 

Người ta rồi sẽ quên những người nông dân Đồng Tâm đứng trước vành móng ngựa trong vài ngày, vài tuần, vài tháng hay vài năm nữa giữa cơn bão thông tin. Nhưng sự thật là những người bị kết án hôm nay, họ không có cơ hội được hưởng sự công bằng như hàng trăm ngàn người tù khác, vì công an đã liệt họ vào tầm ngắm khi dám lên tiếng tố cáo việc bị bức cung, tra tấn ngay giữa phiên tòa.

 

 

 

 

 

 


No comments: