10
trường học Công giáo chính quyền mượn, lấy nhưng không chịu trả
Thái
Thanh - Luật Khoa
02/09/2020
https://www.luatkhoa.org/2020/09/10-truong-hoc-cong-giao-chinh-quyn-muon-lay-nhung-khong-chiu-tra/
Tháng 3/1975, khi quân đội cộng sản tràn vào Huế, các sư huynh cộng
đoàn trường Trung học Tư thục Bình Linh, một ngôi trường Công giáo của Dòng La
San, buộc phải rời trường đi lánh nạn ở nơi khác. Vài tháng sau, chỉ có một người
can đảm trở về trường, người đó là ông Rodriguez Hoàng Kim Đào.
Ngày trở về, chính quyền đến xin ông Đào cho mượn ngôi trường này trong
5 năm để làm nơi học tập cho cán bộ.
5 năm trôi qua, trường Trung học Tư thục Bình Linh vẫn còn nguyên dáng
dấp một trường học Công giáo, ông Đào mang giấy tờ ký mượn đến xin Uỷ ban Nhân
dân tỉnh trả lại ngôi trường nhưng không ai trả lời ông.
Gần 40 năm sau, ông Đào qua đời ở tuổi 97 trong một căn nhà nhỏ tưởng
như có thể sập bất cứ lúc nào mà ông đã tạm trú, chờ ngày lấy lại ngôi trường.
Ông Đào qua đời, trường Tư thục Bình Linh cũng mất. Ngôi trường 116 tuổi
trở thành Học viện Âm nhạc Huế, sạch sành sanh không còn một dấu tích nào của nền
giáo dục Công giáo nức tiếng một thời.
Công trạng
thành tội trạng
Theo nhà nghiên cứu Phạm Đình Khiêm, Giáo hội Công giáo đã tham gia vào
công cuộc giáo dục ở Việt Nam từ năm 1860, sớm hơn nhà nước 22 năm. Số trường học
Công giáo vào năm 1942 là 1.779 trường. Những ngôi trường này là nơi học tập
cho hàng trăm nghìn học sinh mỗi năm, không phân biệt tôn giáo.
Khi những người cộng sản chiếm miền Nam, họ đã quy đổi di sản giáo dục
đó thành “bản án” thu giữ tất cả cơ sở giáo dục của giáo hội.
45 năm sau, chính quyền vẫn tiếp tục thi hành bản án nghiệt ngã đó, có
lẽ phải đến lúc dấu tích nền giáo dục Công giáo hoàn toàn biến mất.
Dưới đây là 10 cơ
sở giáo dục mà các tổ chức Công giáo đang đòi lại nhưng chính quyền không chịu
trả, hoặc đã đưa cho tư nhân sử dụng.
1/10
Trường Trung học Tư thục Bình Linh (Lasan Pellerin), Thừa Thiên – Huế
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/08/1.1.png
Năm thành lập: 1904
Tài sản của Dòng La San
Diện tích: 59.605 mét vuông
Năm mượn: 1975
Thời hạn mượn: 5 năm
Hiện tại: Học viện Âm nhạc Huế, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch
Địa chỉ: Số 1, đường Lê Lợi, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Trước năm 1975, đi qua khỏi Viện Đại học Huế rồi rẽ phải là sẽ gặp cổng trường
Trung học Tư thục Bình Linh. Trường nằm trên thửa đất rất rộng, nhìn ra
dòng sông Hương êm đềm. Ngoài khu trường học, trường còn có nhà nguyện, tu viện,
khu chăn nuôi, vườn cây, bếp ăn và nhà chơi.
Trường Bình Linh là một trong những trường học đầu tiên của Dòng La San
tại Việt Nam.
Dòng La San vào Việt Nam năm 1866. Đây là dòng tu chuyên về giáo dục,
đào tạo tu sĩ để dạy học (gọi là các sư huynh). Dòng có những ngôi trường to đẹp
nhất nhì ở các thành phố.
Đây cũng là dòng tu thiệt hại nặng nề nhất sau năm 1975. Trước đó, khi
Việt Minh tiếp quản Hà Nội, cả tám ngôi trường của dòng này ở miền Bắc phải
đóng cửa. Đến năm 1975, 27 trường ở miền Nam tiếp tục bị quốc hữu hóa. Các sư
huynh bị cấm dạy học, đuổi khỏi trường. Họ phải tự bươn chải, có người trở về
gia đình, có người đến ở đậu nhà học trò. Từ 300 sư huynh, sĩ số chỉ
còn lại 93 người vào năm 1983, và 90 người vào năm 2016.
Ở Sài Gòn, các trường của Dòng La San được
cho rằng đã ký giấy “hiến” cho chính quyền từ năm 1975. Trường Bình
Linh ở Huế là ngôi trường hiếm hoi mà chính quyền đã ký giấy “mượn” trong 5
năm, nhưng rốt cuộc lại bị
quốc hữu hóa thành Học viện Âm nhạc Huế. Đến năm 2017, Dòng La San vẫn
khiếu nại chính quyền về quyền sở hữu ngôi trường này.
***
2/10
Trường Trung học La San Khánh Hưng, Sóc Trăng
Ảnh: Lasan.org.
Năm thành lập: 1913
Tài sản của Dòng La San
Diện tích: 1,2 mẫu
Năm tịch biên: 1976
Hiện tại: Trường Hội nhập Quốc tế iSchool, trực thuộc tập đoàn Nguyễn Hoàng
Địa chỉ: Số 19 Tôn Đức Thắng, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Tháng 8/1975, các học sinh trường La San Khánh Hưng nhập
học trở lại sau một vài tháng xáo động vì quân đội cộng sản tiếp quản.
Lúc này, tượng thánh Gioan-Lasan trong sân trường đã bị tháo bỏ, trường đổi tên
thành trường Trung học Phổ thông Cấp 3. Một số sư huynh của dòng vẫn tiếp tục
được dạy học, nhưng đến ngày 19/3/1976 thì trường bị tịch biên, họ bị đuổi khỏi
trường ngay ngày hôm đó.
Năm 1994, trường tiếp tục đổi tên thành trường Trung học Phổ thông Lê Lợi.
Đến năm 2010, UBND tỉnh Sóc Trăng đã
giao ngôi trường này cho tập đoàn Nguyễn Hoàng để kinh doanh trường tư
thục liên cấp.
***
3/10
Trường nữ Trung học Thánh Anna, Sài Gòn
Ảnh: Facebook Thủ Thiêm.
Năm thành lập: 1963
Tài sản của Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm
Diện tích: 1.188 mét vuông
Năm bàn giao: 1975
Hiện tại: Trường Tiểu học Thủ Thiêm (cơ sở 1) bị bỏ trống vì nằm trong quy hoạch
khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm.
Địa chỉ: số 76A tổ 16, khu phố 1, phường Thủ Thiêm, quận 2, thành phố Hồ Chí
Minh.
Cuộc bách đạo của vua Minh Mạng đã khiến các nữ tu trôi dạt vào miền
Nam, và tự thân lập nên Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm tại quận 2 ngày nay vào
năm 1840.
Các nữ tu cho
biết họ đã thành lập ba ngôi trường, gồm một trường nữ và một trường
nam (thành lập năm 1875), cùng với trường nữ Trung học Thánh Anna (thành
lập năm 1963). Đây cũng là dòng tu chuyên hoạt động về giáo dục.
Sau năm 1975, nhà dòng bàn giao ba ngôi trường lại cho chế độ mới làm
trường công lập, trong đó, trường nữ Trung học Thánh Anna trở thành trường Tiểu
học Thủ Thiêm cơ sở 1. Năm 2011, cả ba trường bị dừng hoạt động do nằm trong
quy hoạch khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm. Đến nay, các nữ tu vẫn chưa đạt
được thỏa thuận với chính quyền về ba ngôi trường này.
***
Bối cảnh các trường học Công giáo năm 1975
Sau 30/4/1975, các cộng đoàn Công giáo rất bối rối về chính sách xóa bỏ
giáo dục tư thục của chế độ mới.
Hơn 100 năm làm giáo dục, các trường Công giáo bỗng dưng phải ngừng hoạt
động, trong đó có rất nhiều cơ sở giáo dục bề thế.
Tháng 10/1975, hai tòa tổng giám mục tại Sài Gòn và Huế đã quyết định để
nhà nước sử dụng các cơ sở giáo dục tại hai giáo phận làm trường học công lập.
Các giáo phận khác cũng có quyết định tương tự.
Sau quyết định trên, các cơ sở Công giáo đã bàn giao ngôi trường của
mình cho nhà nước, phần vì không thể hoạt động giáo dục được nữa, phần khác là
nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đoàn của mình. Các cộng đoàn khi ấy hiểu rằng họ
sẽ không mất đi quyền sở hữu các ngôi trường này, ngoại trừ các hội dòng hiến
cho nhà nước như các trường Dòng La San ở Sài Gòn.
Ở một số nơi khác, các cộng đoàn đã cho chính quyền mượn có thời hạn để
dùng cho các mục đích cụ thể, nhưng sau đó chính quyền đã diễn giải theo hướng
khác đi để chiếm lấy các cơ sở.
***
4/10
Trường Tiểu học Thánh Mẫu trên Đồi Thiên An, Thừa Thiên – Huế
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/08/4.1.png
Ảnh: Đan viện Thiên An.
Năm thành lập: sau 1940
Tài sản của Đan viện Thiên An
Diện tích: chưa rõ
Năm lấy: 1976
Hiện tại: Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Địa chỉ: Thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Đan viện Thiên An do các linh mục của Dòng Biển Đức tìm đất thành lập
vào năm 1940 trên đồi Thiên An ngày nay. Đây là một trong những đan viện đầu
tiên của dòng này tại Việt Nam. “Đan” có nghĩa Hán-Việt là đơn độc, các đan sĩ ở
đây tu kín và lao động để tự chu cấp cho bản thân.
Từ tháng 3/1975, các cộng đoàn Công giáo ở Huế phải di tản do quân đội
cộng sản chiếm tỉnh. Cộng đoàn Thiên An cũng di tản, nhưng lại quay về khu đất
rộng 107 hecta của mình sau đó không lâu.
Từ ngày hòa bình, chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế xé dần đất đai của
đan viện. Vào tháng 1/1976, Ty Nông Lâm Huế đã yêu cầu đan viện “nhường” ngôi
trường này để làm nhà nghỉ các công nhân vườn ươm cây.
Từ đó đến nay, đan viện nhiều lần đòi lại ngôi trường này nhưng chính
quyền khẳng định khu trường này đã thuộc về Lâm trường Tiền Phong (về sau lâm
trường được chuyển đổi thành công ty Lâm nghiệp Tiền Phong thuộc UBND tỉnh Thừa
Thiên – Huế).
Năm 1999, chính quyền trung ương đã cho phép tỉnh thu hồi 49 hecta ở đồi
Thiên An làm khu vui chơi. Sau thời gian hoạt động không hiệu quả, khu vui chơi
này bị đóng cửa và bỏ hoang từ năm 2011. Năm 2013, UBND tỉnh tiếp tục cấp quyền
sử dụng khu đất có nhiều công trình của đan viện cho công ty Lâm nghiệp Tiền
Phong, từ đó xảy ra những xung đột đất đai căng thẳng kéo dài đến tận bây giờ.
Xem thêm: 45 năm đất Đan viện Thiên An dưới tay chính quyền.
***
5/10
Trường Tư thục Phước An – Thị Nghè, Sài Gòn
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/08/5-compressed.jpg
Ảnh: Ogden Williams Collection.
Năm thành lập: 1968
Tài sản của họ Đạo Thị Nghè
Diện tích: 3.593 mét vuông
Năm mượn: 1975
Hiện tại: Trường Tiểu học Phù Đổng (cơ sở 1)
Địa chỉ: Số 22B, Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.
Câu chuyện về ngôi trường này khá đơn giản: Giáo xứ Thị Nghè cho nhà nước
mượn ngôi trường dùng trong 45 năm qua rồi mất luôn ngôi trường lúc nào không
hay.
Trước năm 1975, họ đạo Thị Nghè đã góp tiền xây
dựng trường Tư thục Phước An cho khoảng 4 nghìn học sinh theo học hàng năm. Sau
năm 1975, theo chính sách bài trừ giáo dục tư thục, giáo xứ đã cho
nhà nước mượn hai dãy nhà ba lầu và một ngôi nhà một lầu khác làm trường
học.
Năm 2019, khi giáo xứ định đo đạc đất để làm hầm gửi xe cho giáo dân
thì mới biết ngôi trường của mình đã được chính quyền cấp quyền sử dụng cho trường
Tiểu học Phù Đổng từ năm 2013, nghĩa là không còn thuộc về giáo xứ đã sáu năm,
nhưng giáo xứ không hề biết.
Sau hơn một năm khiếu nại, tháng 7/2020, chính quyền quận Bình Thạnh trả lời rằng:
hai cơ sở “trường Tiểu học Phù Đổng bao gồm cả tường rào là tài sản của nhà nước
thuộc quyền quản lý của trường Phù Đổng”.
***
6/10
Trường Thánh Giuse, Đồng Nai
Truòng Thánh Giuse hiện tại của Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp. Ảnh: Hội Dòng
Đa Minh Tam Hiệp.
Năm thành lập: 1962
Tài sản của Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp
Diện tích: 15.000 mét vuông
Năm mượn: 1976
Thời gian mượn: 5 năm
Hiện tại: Trung tâm Y tế
Địa chỉ: Số 98/487, đường Phạm Văn Thuận, phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa, tỉnh
Đồng Nai.
“Tại sao người mượn lại không chịu trả khi người
cho mượn cần đến và đòi lại?”.
Đây không chỉ là câu hỏi mà còn là nỗi
uất ức của các nữ tu Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp về ngôi trường mà chính
quyền đang mượn của họ.
Cổng trường Thánh Giuse ngày nào đã thành cổng trung tâm Y tế trong 44
năm qua. Các nữ tu có thể sẽ mất vĩnh viễn ngôi trường này khi chính quyền đã cấp
quyền sử dụng nơi này cho cơ quan khác.
Các nữ tu cho
biết trước năm 1975, mỗi năm có 1.000 học sinh đến học tại ngôi trường
này ở cấp tiểu học và cấp trung học. Năm 1976, hội dòng đã cho chính quyền mượn
ngôi trường trong 5 năm làm nơi dạy cán bộ.
5 năm trôi qua, chính quyền chẳng những không chịu trả trường mà còn mượn
thêm hai dãy nhà và một thửa đất 6.482 mét vuông. Các cơ sở này được giao cho Bệnh
viện Đa Khoa Biên Hòa rồi cấp quyền sử dụng cho bệnh viện từ năm 2004.
***
Những chính sách khiến bằng chứng đất đai của các cơ sở Công giáo thành
“giấy lộn”
Những năm 2000 là thời kỳ rất sôi động về đất đai, khi nhiều cơ sở nhà,
đất chính thức bị quốc hữu hóa. Đối với một số tổ chức tôn giáo, chính quyền đã
âm thầm chuyển đổi quyền sử dụng nhà đất của họ.
Năm 2003, Quốc hội Việt Nam đã ban hành nghị
quyết tuyên bố không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà nhà nước đang sử
dụng, và sẽ hợp thức hóa sở hữu toàn dân những nhà, đất này. Luật Đất đai năm
2003 cũng quy định tương tự.
Năm 2005, chính phủ đã hướng
dẫn thực hiện nghị quyết trên của Quốc hội, trong đó quy định rằng cơ
quan nhà nước đang sử dụng nhà đất của cơ sở tôn giáo nào thì được cấp quyền sử
dụng nhà đất đó.
Năm 2008, khi mâu thuẫn giữa chính quyền và Giáo hội Công giáo ngày một
nghiêm trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ra
chỉ thị liên quan đến nhà đất của các tổ chức tôn giáo. Chỉ thị đó cho
phép cơ quan nhà nước tiếp tục sử dụng nhà đất của các cơ sở tôn giáo, nhưng phải
đúng mục đích và hiệu quả, nếu không thì có thể giao cho cơ quan khác hoặc trả
lại các tổ chức tôn giáo. Đến nay chỉ thị này dường như đã kiềm chế ham muốn sử
dụng các nhà đất của các cơ sở tôn giáo vào mục đích phi giáo dục, hoặc giao
cho tư nhân.
Những chính sách trên đã tạo điều kiện cho chính quyền các địa phương tự
tin chuyển đổi quyền sử dụng nhà đất của các tổ chức tôn giáo mà không một lời
thông báo. Các giấy tờ bàn giao, mượn, chứng minh quyền sở hữu của các cơ sở
Công giáo, vì thế, cũng không còn giá trị.
Nói tóm lại, ngày nào chính quyền còn sử dụng các cơ sở đã được bàn
giao, mượn đúng mục đích thì ngày đó các tổ chức Công giáo không có cơ hội để
giành lại.
***
7/10
Đại Chủng Viện Vĩnh Long, Vĩnh Long
Ảnh: Tòa Giám mục Giáo phận Vĩnh Long.
Năm thành lập: 1957
Tài sản của Tòa Giám mục Giáo phận Vĩnh Long
Diện tích: 21.036 mét vuông
Năm tịch biên: 1977
Hiện tại: Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh Vĩnh Long
Địa chỉ: Số 71, đường Nguyễn Huệ, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.
Tòa thánh Vatican thành lập Giáo phận Vĩnh Long từ năm 1938, và cử
Phêrô Martinô Ngô Đình Thục làm giám mục đầu tiên khi đó cho đến năm 1960.
Đại chủng viện là trường đào tạo triết học và thần học cho các ứng viên
linh mục từ sáu đến tám năm mỗi khóa.
Đại Chủng Viện Vĩnh Long được
xây dựng vào năm 1957 trên phần đất mà giáo phận đã mua từ trước, ban
đầu là một tiểu chủng viện, sau đó được nâng lên thành đại chủng viện.
Giáo phận Vĩnh Long cho
biết vào năm 1977, chính quyền mới đã tịch biên toàn bộ cơ sở của đại
chủng viện, bắt giam một số chức sắc và trục xuất những người còn lại. Từ năm
1998, Tòa Giám mục Vĩnh Long đã đòi lại nơi này nhưng chính quyền đã dẫn những
chính sách đất đai về tôn giáo để khước từ đòi hỏi chính đáng này.
***
8/10
Trường Loan Lý, Thừa Thiên – Huế
Trường Loan Lý trong ngày chính quyền phong tỏa ngôi trường vào năm 2009.
Ảnh: VietCatholic.
Năm thành lập: Sau 1954
Tài sản của Giáo xứ Loan Lý
Diện tích: Chưa rõ
Năm tịch biên: 1975
Hiện tại: Trường Tiểu học Lăng Cô (cơ sở 2)
Địa chỉ: Thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Trường Loan Lý là một kiểu trường làng rất nhỏ, chỉ có ba phòng học.
Ban đầu, đất của ngôi trường này là nhà thờ của Giáo xứ Loan Lý được xây dựng
sau cuộc đại di cư năm 1954. Sau đó, nhà thờ dời qua đối diện bên kia đường,
khu đất này trở thành trường học. Chủ nhật trường dạy giáo lý, ngày thường thì
dạy văn hóa cho trẻ em.
Năm 1975, ngôi trường bị tịch
biên. Từ đó đến năm 2009, chính quyền sử dụng ngôi trường dạy học trong tuần,
vào cuối tuần thì giáo xứ dạy giáo lý cho trẻ em.
Mảnh đất của trường Loan Lý tuy nhỏ nhưng nằm ở một vị trí rất đẹp giữa
Vịnh Lăng Cô và bờ biển, xung quanh có nhiều khu nghỉ dưỡng sang trọng.
Theo Giáo xứ Loan Lý, vào tháng 8/2009, chính quyền thông
báo cho giáo xứ rằng họ sẽ lấy lại ngôi trường, giáo xứ không được dạy
giáo lý vào cuối tuần nữa. Sau thông báo, chính quyền đã đưa hơn 1.000 cảnh sát
cơ động đến phong tỏa trường học, sau đó đã xô xát với giáo dân. Vụ xung đột tại
Giáo xứ Loan Lý kéo dài trong nhiều tháng.
***
9/10
Trường Thánh Mẫu trên phố Nhà Chung, Hà Nội
Quang cảnh hiện tại của trường Thánh Mẫu nay là trường Tiểu học Tràng An.
Ảnh: Trường Tiểu học Tràng An
Năm thành lập: Trước 1954
Tài sản của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội
Diện tích: 6.737 mét vuông
Năm tịch biên: 1971
Hiện tại: Trường Tiểu học Tràng An
Địa chỉ: Số 29 phố Nhà Chung, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Khi giáo dân miền Bắc đổ vào miền Nam từ năm 1954, trường Tiểu học
Thánh Mẫu trên phố nhà chung là nơi dạy giáo lý cho một số giáo dân ở lại miền
Bắc, chủ yếu là để củng cố đức tin khi những người cộng sản tiếp quản Hà Nội.
Ngôi trường này cách đều Tòa Tổng Giám mục Hà Nội và Nhà Thờ Lớn chỉ
khoảng hơn 200 mét. Theo tòa tổng giám mục, vào năm 1971, chính quyền đã vứt hết
đồ đạc của trường và tịch
biên ngôi trường này.
Tháng 12/2018, chính quyền quận Hoàn Kiếm cho cải tạo lại trường Tiểu học
Tràng An, tức cơ sở trường Thánh Mẫu, mà không thông báo cho tòa tổng giám mục.
Sau đó, đại điện của tòa tổng giám mục đã đến
gặp chính quyền quận Hoàn Kiếm nhưng không có thỏa thuận nào được công
bố, công trình vẫn được thi công. Báo chí nhà nước không đưa tin về vụ việc
này.
***
10/10
Trường Dạy Trẻ (Jardin d’enfant), Sài Gòn
Mặt trước của trường Dạy Trẻ của các nữ tu Tu viện Nữ tử Bác ái Vinh Sơn
vào năm 2008. Ảnh: DanChuaUSA
Năm thành lập: 1959
Tài sản của Tu viện Nữ tử Bác ái Vinh Sơn
Diện tích: 852 mét vuông
Năm bàn giao: 1975
Hiện tại: Trường Mầm non 3
Địa chỉ: Số 32 bis, đường Nguyễn Thị Diệu, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.
Dòng Nữ tử Bác ái Vinh Sơn đến Việt Nam trong những năm 1920. Sứ mệnh của
dòng là giúp đỡ những ai có hoàn cảnh khó khăn. Dòng đã lập các nhà trẻ, nhà dưỡng
lão, trường học, trại phong trên khắp miền Nam. Sau năm 1975, hầu hết cơ sở của
dòng bị nhà nước trưng dụng nhưng các nữ tu vẫn kiên trì với công việc của
mình.
Theo trang tin Dân Chúa, vào năm 1959, Hội Hồng Thập Tự Pháp đã
tặng một cơ sở nhà đất ở số 32 bis, đường Trương Minh Ký cho tu viện.
Từ đó đến năm 1975, các nữ tu đã dùng cơ sở này làm trường dạy trẻ. Sau năm
1975, tu viện đã bàn giao cơ sở này cho Sở giáo dục làm trường mầm non Măng
Non.
Cho đến năm 2005, các nữ tu phát hiện cơ
sở này trở thành một vũ trường và đã được nhà nước xác lập quyền sở hữu theo diện
vắng chủ. Khi các nữ tu khiếu nại với chính quyền, cơ sở này được chuyển cho
Ban quản lý Đường sắt thuê.
Tiếp đến, cơ sở này bị bên thuê cho đập phá nhiều lần từ năm 2007 –
2008. Khi các nữ tu tiếp tục khiếu nại, họ được thông báo là quận sẽ xây trường
mầm non trên khu đất này. Đến tháng 10/2019, chính quyền mới khởi
công công trình trường Mầm non 3 tại đây.
No comments:
Post a Comment