Friday, January 10, 2020

VỤ ĐỒNG TÂM : CỤ LÊ ĐÌNH KÌNH & CON TRAI THIỆT MẠNG (VOA Tiếng Việt)




NỘI DUNG :

VOA Tiếng Việt
.
BTV Tiếng Dân
.

==================================================

VOA Tiếng Việt
10/01/2020

Cụ Lê Đình Kình, “lãnh tụ tinh thần” của người dân Đồng Tâm, và con trai là Lê Đình Chức, đã thiệt mạng trong vụ đụng độ với lực lượng chức năng hôm 9/1, hai nguồn tin thân cận với gia đình ông Kình cho VOA biết chiều ngày 10/1.

Một phụ nữ sống gần gia đình ông Kình ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, nói với VOA:

“Người dân thiệt mạng mới vừa nhận được, đang ở ngoài kia và trên đường về là bác Lê Đình Kình và con trai thứ hai của bác là Lê Đình Chức.”

Ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, là người đứng đầu “Tổ đồng thuận” ký các đơn thư khiếu kiện về khu đất liên quan đến sân bay Miếu Môn.

Người phụ nữ thứ hai, vừa từ nhà con gái cụ Kình trở về, cho VOA biết:

“Tôi mới từ nhà con gái nhà ông Kình quay về. Tôi có nhìn thấy giấy báo của chính quyền xã, mời lên xã, ký vào giấy để nhận xác ông Kình về mai táng. Ông Kình đã chết từ lúc 12 giờ”.
“Một người cháu của ông ấy nói rằng đêm nay người ta đưa cả [xác] ông Kình và ông Chức về”.
“Hồi nãy ở ngoài đó thì chỉ thấy rất đông lực lượng công an, không ai vào nhà cụ Kình được vì bị công an bao vây kín”.

Chính quyền địa phương cũng đã xác nhận thông tin ông Kình chết. Ông Trịnh Xuân Viết, Chánh Văn phòng UBND huyện Mỹ Đức cho biết, “người chống đối tử vong là ông Lê Đình Kình (ngoài 80 tuổi)”.

“Ông Kình bị ngạt khói, sau đó được đưa đi viện và 7h sáng nay, thi thể ông được bàn giao cho gia đình”, VNExpress hôm 10/1 trích lời ông Viết nói.


Vào thời điểm 8h tối 10/1, nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai Trịnh Bá Phương viết trên Facebook cá nhân rằng thi hài cụ Kình “vẫn đang ở nhà xác chưa đưa trả về cho gia đình”.

Từ Dương Nội, một nơi có tranh chấp đất đai khác giữa chính quyền và người dân, ông Phương dẫn lời hai nhân chứng vừa gặp người nhà của cụ Kình cho biết nguyên nhân gia đình cụ nhất quyết không ký biên bản nhận xác là vì trong văn bản đó có câu “công nhận đất ở Đồng Sênh là đất quốc phòng và cụ Kình bị chết tại khu đất đó”.

Ông Phương gọi đó là “thủ đoạn quá tinh vi và thâm độc của nhà cầm quyền cộng sản”.

Trong khi đó, một số báo Việt Nam gồm Thanh Niên, Tiền Phong, VietnamNet, VTC, v.v... đưa tin việc “cơ quan chức năng” bàn giao thi thể cụ Kình cho đại diện gia đình cụ đã hoàn tất.

Trả lời VOA về số người bị thương, người phụ nữ cùng thôn ông Kình nói:

“Số bị thương có bác Bùi Viết Hiểu, bị thương nặng đang mổ cấp cứu ở bệnh viện 103, hai người nữa bị thương nặng là Lê Đình Quang, Nguyễn Văn Tuyển”.
“Các ông Lê Đình Quân, Lê Đình Công, Lê Đình Huy… cũng bị thương”.

Trước đó, Bộ Công An loan tin: “Sáng ngày 9/1/2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng...tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 03 cán bộ chiến sĩ Công an hy sinh, 01 đối tượng chống đối chết, 01 đối tượng bị thương…”.

Đài VTV hôm 10/1, đăng tin ông Nguyễn Văn Tuyển, một trong những người được cho tham gia vào nhóm chống đối lực lượng chức năng bị bắt, khai kế hoạch tấn công và hung khí được chuẩn bị từ trước.

“Chính người này thừa nhận hành vi có tổ chức, manh động, được chỉ đạo để sử dụng các loại vũ khí nóng như quả nổ, bom xăng, lựu đạn chống trả lực lượng chức năng”, vẫn theo VTV.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ 8 quả lựu đạn, hàng chục dao phóng, 20 chai bom xăng chưa sử dụng và nhiều pháo nổ, trang VietnamNet cho biết hôm 10/1.

VNExpress dẫn lời Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết trong gần 30 người bị tạm giữ, cơ quan điều tra sẽ phân loại và khởi tố bị can về ba tội: “Giết người, Tàng trữ sử dụng vũ khí trái phép và Chống người thi hành công vụ.”

Cũng hôm 10/1, các văn sĩ trí thức Việt Nam đã ra Tuyên bố Đồng Tâm gửi đến giới lãnh đạo Hà Nội, kêu gọi chấm dứt “các hành động bạo lực” nhằm vào người dân mất đất.

--------------------------------------------
.
BTV Tiếng Dân
10/01/2020

Hơn một ngày sau vụ cưỡng chế tàn bạo nhắm vào gia đình cụ Lê Đình Kình nói riêng và người Đồng Tâm nói chung, chính quyền đã đẩy mâu thuẫn vụ việc lên cao hơn nữa, khi khởi tố vụ án khiến 3 cảnh sát hy sinh ở Đồng Tâm, Zing đưa tin.

Chiều nay, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án “Giết người, Tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép và Chống người thi hành công vụ” để “điều tra việc một số người chống đối làm 3 cảnh sát hy sinh tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức”. Công an còn tuyên bố đã “khống chế và bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.

Về phía người dân Đồng Tâm, lại thêm tin dữ: Nhân chứng nói ông Lê Đình Kình ‘chết sau khi công an vào Đồng Tâm’. Một nhân chứng ở xã Đồng Tâm kể rằng, không chỉ cụ Kình mà con trai thứ hai của cụ là ông Lê Đình Chức cũng đã thiệt mạng ngay lúc công an tấn công nhà của gia đình cụ.

Nhân chứng ở Đồng Tâm cho biết: “Chiều hôm 9/1, công an mở cửa vào nhà bác Kình sau khi đã bao vây, niêm phong nhà. Một lúc, thấy họ quấn cái gì, khuân xuống. Mình cũng ngửi thấy mùi hương. Ông hàng xóm bên cạnh bảo là bác Kình bị chết ngạt trên tầng hai. Con trai thứ hai của bác, Lê Đình Chức, trong lúc bị tấn công, chắc là bị đánh”.
Nhân chứng này kể thêm: “Họ trấn áp, không cho dân ra, trong khi đấy, họ trang bị đầy đủ vũ khí, quần áo, súng, đầy đủ. Người dân chống trả, nhưng ai mà ra, là họ đánh, kể cả đàn bà. Có người bị họ bắn đạn cao su vào đùi, giờ vẫn còn tím”.

Theo nhân chứng này, phía công an đàn áp dân rất khốc liệt nhưng mục tiêu chính của họ vẫn là gia đình cụ Kình, có lẽ họ nghĩ rằng nếu trấn áp thẳng tay người nhà cụ thì người dân Đồng Tâm sẽ mất ý chí đấu tranh: “Họ nghĩ bác xúi giục dân, nhưng theo tôi không phải. Bác đấu tranh bao năm, người dân thấy đúng thì tham gia, chứ chả ai xúi giục, thấy bác đấu tranh rất đúng”.

Còn theo VOA, cả cụ Lê Đình Kình và con trai Lê Đình Chức đều thiệt mạng. Một người phụ nữ từ nhà con gái cụ Kình trở về, nói với VOA: “Tôi mới từ nhà con gái nhà ông Kình quay về. Tôi có nhìn thấy giấy báo của chính quyền xã, mời lên xã, ký vào giấy để nhận xác ông Kình về mai táng. Ông Kình đã chết từ lúc 12 giờMột người cháu của ông ấy nói rằng đêm nay người ta đưa cả [xác] ông Kình và ông Chức về. Hồi nãy ở ngoài đó thì chỉ thấy rất đông lực lượng công an, không ai vào nhà cụ Kình được vì bị công an bao vây kín”.

RFA đặt câu hỏi về vụ Đồng Tâm đổ máu: Chính quyền Việt Nam có còn là ‘của dân, do dân, vì dân’? Bài báo dẫn lời nhà báo Võ Văn Tạo: “Chuyện ở Đồng Tâm mà đem lực lượng vũ trang nhân dân, không chắc chắn có quân đội mà chỉ có cảnh sát cơ động thôi. Nhưng dù sao lực lượng đó dùng súng bắn đạn hơi cay, ném lựu đạn khói… vào người dân như thế thì đó là một việc làm rất tàn bạo, phản lại bản chất của lực lượng vũ trang nhân dân và cũng phản lại mục tiêu và khẩu hiệu ban đầu của cách mạng ‘ruộng đất cho người cày-chiến đấu vì nhân dân’ rồi để cuối cùng đàn áp dân”.

Theo bài báo, đa số dân oan ở Dương Nội, Thủ Thiêm hay Lộc Hưng đều khẳng định rằng, tâm lý sợ hãi sẽ bị lấn át khi người dân quyết tâm đòi công lý, khiến những nạn nhân mạnh mẽ hơn để đương đầu, chống lại cường quyền, thậm chí sẵn sàng “hy sinh cả tính mạng” như tuyên bố của người dân Đồng Tâm.


Nhận định về “trận đánh đẹp” ở Đồng Tâm:

Đến nay, sau biến cố Đồng Tâm hơn một ngày, có thể thấy hai vấn đề quan trọng:
1. Chính quyền Hà Nội đã thua hoàn toàn khi xua quân cưỡng chế Đồng Tâm;
2. Mâu thuẫn Đồng Tâm nói riêng và mâu thuẫn dân oan với chính quyền ở VN nói chung, đã tới mức không thể giải quyết được nữa.

Thứ nhất, lãnh đạo Hà Nội đã thua toàn cục, dù vụ cưỡng chế bước đầu cho thấy họ “thành công” khi họ đã trấn áp, giết được thủ lĩnh của phong trào phản kháng, nhưng điều mà họ cần thắng đã không thắng nổi, đó là lòng dân. Chẳng những không thắng được dân trong vụ này, mà qua đó còn cho thấy mâu thuẫn giữa người dân và chính quyền càng bị khoét sâu hơn.

Thứ hai, mâu thuẫn ở Đồng Tâm chắc chắn không thể đối thoại được nữa, trừ khi chính quyền trung ương chịu đứng ra xin lỗi dân, quyết tâm trừng trị bọn quan tham, bọn cướp đất và những kẻ đã gây ra cảnh tang thương cho người dân Đồng Tâm. Nhưng có lẽ điều đó sẽ không bao giờ xảy ra, bởi đảng CSVN không bao giờ chịu thua dân và rằng ai có thể sai, chứ đảng không bao giờ sai.
_____


------------------------------------
.
10/01/2020

Hàng nghìn cảnh sát cơ động đã tấn công thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội lúc 4h sáng ngày 9/1/2020. “Trận đánh đẹp” khiến ít nhất 5 công an bỏ mạng (chưa kiểm chứng) và nhiều người dân thương vong.

Hiện nay các cơ quan tuyên truyền chính thức lẫn đám dư luận viên đang bật hết công suất để biện minh cho hành động cướp đất Đồng Tâm. Tuy nhiên, bản chất ăn cướp của chúng là không thể giấu diếm.

🔴 Tại sao tấn công lúc 4h sáng?
Nếu một chính quyền đàng hoàng, họ sẽ đường đường chính chính tới khu vực “đất quốc phòng bị lấn chiếm” để thực thi công vụ chứ không tấn công theo kiểu đánh úp giữa lúc dân làng đang ngủ say.

🔴 Tại sao báo chí không được tác nghiệp?
Truyền thông trong nước đều dẫn lại bản thông báo trên website Bộ Công An, tuyệt nhiên không đến hiện trường tác nghiệp, dù là đứng ở xa. Nếu không làm việc mờ ám, không có gì phải giấu diếm, chính quyền hoàn toàn mời truyền thông, hội đoàn đến chứng kiến. Đằng này họ chặn tất cả mọi con đường vào Đồng Tâm, cô lập tất cả những nhà hoạt động đưa tin về Đồng Tâm, đánh sập tất cả Fanpage người dân Đồng Tâm lập nên.

🔴 Tại sao phải cắt mạng internet tại Đồng Tâm trước khi tấn công?
Thông thường những kẻ làm điều xấu xa mới sợ nhiều người biết. Nếu chính quyền cho rằng làm đúng luật, thực thi công vụ thì tại sao cần phải tìm cách cản trở sự phát tán thông tin về những hành động này.

🔴 Có thật người dân tấn công trước?
Báo “lề phải” mô tả, dân chúng là những kẻ hiếu chiến, trong khi đó Bộ Công An nói rằng “Trong quá trình xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn, một số đối tượng có hành vi chống đối…”

Thực chất, lực lượng CSCĐ đã chủ động tấn công vào thôn Hoành – một địa điểm cách khu vực xây dựng tường rào sân bay đến 3km. Đây là khu dân cư, thậm chí còn không phải là cánh đồng Sênh – nơi đang tranh chấp đất giữa người dân và quân đội.

🔴 Có phải dân Đồng Tâm tàng trữ vũ khí và là kẻ khủng bố?
Đám dư luận viên loan tải hình ảnh bom xăng, dao phóng và tuyên bố dân Đồng Tâm là khủng bố. Thực chất, người dân Đồng Tâm luôn nói rằng họ thượng tôn pháp luật nhưng cũng tuyên bố sẵn sàng dùng bạo lực để chống trả kẻ cướp đất. Họ còn khẳng định nếu chính quyền đưa ra quyết định thu hồi đất và chứng minh đất đồng Sênh là đất quốc phòng, họ tự nguyện bàn giao trong 3 tiếng đồng hồ. Nếu cố tình ăn cướp, họ sẽ chống trả đến cùng.

Và thực tế là nhà cầm quyền tấn công đúng kiểu ăn cướp, nên người dân phản kháng lại cũng không lạ.

🔴 Tại sao lại ngăn cản báo chí ngoại quốc tác nghiệp?
Theo người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng thì các phóng viên nước ngoài muốn tác nghiệp tại Đồng Tâm cần phải được cơ quan có thẩm quyền “xem xét”.
Nếu việc cưỡng chế đất tại Đồng Tâm là “đúng pháp luật Việt Nam” thì sao không chủ động mời báo chí ngoại quốc vào cuộc đưa tin, như vậy có phải dễ “đập tan luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch” hơn không? Đằng này lại đòi hỏi “xem xét”, làm ngoại giao ai cũng hiểu đây là cách khước từ.

🔴 Tại sao không nhắc đến hai khu đất 47 ha và 59 ha?
Chính quyền Hà Nội lẫn giới báo chí lề phải luôn nói dân Đồng Tâm lấn chiếm đất quốc phòng, tuy nhiên họ lờ đi việc có hai khu đất 47 ha và 59 ha.

Cụ thể, theo quyết định quy hoạch xây sân bay Miếu Môn năm 1980 thì giai đoạn 1 chính quyền đền bù, giải toả 47 ha. Số tiền đền bù thời điểm đó là 150 triệu. Nhưng sau giai đoạn 1 thì dự án bị treo và 59 ha dự tính thi công ở giai đoạn 2 chưa bao giờ được làm thủ tục giải toả hay đền bù. Từ đó đến nay người dân Đồng Tâm vẫn canh tác và đóng thuế bình thường.

Dân Đồng Tâm chỉ đòi hỏi quyền lợi ở 59 ha chưa làm thủ tục đền bù và giải tỏa, họ không tranh chấp diện tích 47 ha đã được đền bù năm 1980. Ấy vậy mà chính quyền cương quyết cướp số đất chưa đền bù nói trên.

Biết là đấu lý sẽ thua, nhà cầm quyền không tổ chức đối thoại, không giải quyết khiếu kiện của dân Đồng Tâm. Giải pháp xuyên suốt từ đầu tranh chấp đến nay là cưỡng chế, cưỡng chế và cưỡng chế.

Tóm lại, nhà cầm quyền tấn công Đồng Tâm thực chất là màn cướp tài sản. Họ muốn kiểm soát toàn bộ thông tin, phớt lờ các trình tự pháp lý, không muốn đối thoại với dân và bỏ qua những khiếu nại về bằng chứng lịch sử. Mục tiêu duy nhất họ hướng đến là đè bẹp sự phản kháng để lấy dễ bề chiếm đất, chia tiền.

Ghi chú: Tựa đề do Tiếng Dân đặt





No comments: