Monday, January 6, 2020

THỎA THUẬN HẠT NHÂN IRAN BỊ KHÔNG KÍCH CỦA MỸ Ở IRAQ PHÁ TAN (RFI)




NỘI DUNG :
Trọng Nghĩa – RFI / ĐIỂM BÁO
.
Thanh Hà - RFI

=======================================
Trọng Nghĩa – RFI / ĐIỂM BÁO
Đăng ngày: 06/01/2020 - 15:58
Cuộc đối đầu giữa các công đoàn và chính phủ Pháp trên vấn đề cải tổ hưu bổng cùng với nguy cơ thùng thuốc súng Trung Đông bùng nổ sau vụ tên lửa Mỹ tiêu diệt một viên tướng Iran tại Irak là hai đề tài thời sự chia nhau trang nhất các tờ báo Pháp ra ngày 06/01/2020.

Trong lúc các tờ Le Figaro, La Croix, Libération và Les Echos dành tựa lớn cho chủ đề Pháp, thì Le Monde nhấn mạnh đến việc “Iran cam đoan sẽ trả đũa Hoa Kỳ”.

Không hẹn mà gặp, cả Le Monde lẫn Le Figaro đều thấy rằng một trong những nạn nhân của cuộc không kích của Mỹ đã hạ sát tướng Iran Soleimani, chính là Hiệp Định Hạt Nhân Iran JCPOA.

Vụ Soleimani : Phát súng ân huệ cho JCPOA

Trong bài xã luận mang tựa đề “Hiệp định hạt nhân Iran, nạn nhân bị vạ lây của các chiến dịch không kích Mỹ”, Le Monde nhận định : “Khi ám sát tướng Iran Qassem Soleimani, Hoa Kỳ có lẽ đã bắn phát súng ân huệ vào thỏa thuận hạt nhân năm 2015, mà chính tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ khước vào năm 2018, nhưng vẫn đóng vai trò là khuôn khổ đối thoại giữa Iran với châu Âu”.

Theo tờ báo uy tín hàng đầu tại Pháp này, hệ quả của vụ Mỹ tiến hành cuộc không kích để tiêu diệt viên tướng quan trọng nhất của Iran hôm 03/01 vừa qua gần Bagdad, sẽ rất nhiều và sâu rộng. Điểm  đáng nói là dù không liên can gì đến chiến dịch của Mỹ, nhưng các nước châu Âu lại bị tác hại nặng nề vì lẽ các nỗ lực nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân đa phương năm 2015 với Iran giờ đây đã tan thành mây khói.

Le Monde nhắc lại vào năm 2018, sau khi Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận với Iran, ba nước châu Âu là Pháp, Anh và Đức đã cố lôi kéo các thành phần sẵn sàng đối thoại trong chính quyền Teheran với hy vọng duy trì được thỏa thuận này ít ra là cho đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm 2020.

Thế nhưng với vụ Mỹ không kích tiêu diệt tướng Soleimani, rõ ràng là các đối tác ôn hòa của châu Âu tại Iran khó có thể thuyết phục được các thành phần cứng rắn của chế độ Hồi Giáo đồng ý đối thoại.

Theo Le Monde, dù không hoàn hảo, thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 cũng đã tồn tại và tạo ra một không gian để đàm phán tiếp tục. Không gian đó đã đóng lại hôm thứ Sáu 03/01 vừa qua trên xác bốc khói của chiếc xe chở viên tướng Iran đến Bagdad. Điều còn lại, đối với Le Monde, sẽ không phải là ngoại giao kiểu châu Âu, hay chiến lược “áp lực tối đa” hoặc trừng phạt, mà chỉ có tình trạng đối đầu.

Cái chết được loan báo của ngoại giao hạt nhân
Cũng một suy nghĩ như Le Monde, tờ Le Figaro cũng thấy rằng chiến dịch tiêu diệt tướng Soleimani là : “Sự cáo chung được loan báo của nền ngoại giao hạt nhân”.
Theo Le Figaro, số phận của các nỗ lực ngoại giao hạt nhân mà châu Âu cố gắng đeo đuổi trong thời gian qua như một sợi chỉ mành treo chuông. Vụ ám sát tướng Soleimani vừa qua đã cắt đứt sợi chỉ này, phá tan những cơ may còn sót lại về khả năng cứu vãn được thỏa thuận năm 2015 gọi theo tên tắt tiếng Anh là JCPOA.

Đối với Le Figaro, phải công nhận rằng các nỗ lực ngoại giao tiến hành từ sau khi Mỹ xé bỏ thỏa thuận JCPOA đều không có nhiều kết quả, và cái chết của tướng Soleimani chỉ làm cho tiến trình tan biến của thỏa thuận nhanh thêm mà thôi.

Hậu quả kèm theo là khả năng Iran tiến gần hơn đến giai đoạn sở hữu bom hạt nhân. Nếu một cộng hòa Hồi Giáo Shia là Iran có được bom nguyên tử, điều đó chắc chắn sẽ kích động cuộc đuổi bắt để có vũ khi hạt nhân từ phía các cường quốc Hồi Giáo khác, nhưng theo hệ phái Sunni, như Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ, hay Ai Cập.

Trump đã châm ngòi cho thùng thuốc súng Trung Đông?
Ngoài các phân tích liên quan đến thỏa thuận hạt nhân 2015, các báo dĩ nhiên đều bày tỏ mối quan ngại trước nguy cơ thùng thuốc súng Trung Đông bùng nổ do căng thẳng Mỹ-Iran.
Tờ báo cảnh báo về nguy hiểm cận kề là nhật báo kinh tế Les Ẹchos, đã không ngần ngại cho rằng : “Trong lịch sử, chiến tranh thường là kết quả của những sự cố hoặc của những quyết định phi lý. Không có gì chắc chắn rằng tổng thống Mỹ Trump sẽ tránh không tạo ra những điều này.”

Mối lo ngại về khả năng ông Trump biến thành người châm ngòi nổ cũng được các báo khác nêu lên.

Le Figaro chẳng hạn ghi nhận : “Theo một số nguồn tin nặc danh được hai tờ báo Mỹ New York Times và Washington Post trích dẫn, tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã một mình, hay gần như là một mình, ra lệnh tiêu diệt tướng Soleimani vào tối thứ Năm (02/01) khi ông còn ở trong tư dinh Mar-a-Lago tại Florida”.

Các cộng tác viên đã đề xuất với tổng thống Mỹ một loạt phương án nhằm đáp trả các hành động hiếu chiến của Iran, và ông đã chọn “phương án cực đoan nhất, nguy hiểm nhất đối với thế cân bằng khu vực, và không cân xứng nhất so với các hành vi thù địch mà Iran thực hiện ngay trước đó : một cuộc pháo kích đã giết chết một nhân viên dân sự Mỹ ngày 27/12/2019 gần Kirkuk, miền bắc Irak, và sau đó là cuộc tấn công dữ dội nhưng không thành của dân quân Shia thân Iran vào đại sứ quán Mỹ ở Baghdad ngày 31/12.”

Riêng Libération phân tích : “Bị vụ luận tội tại Mỹ làm mất ổn định, ông Trump muốn xóa tan những mối nghi ngờ về thẩm quyền của mình, hoặc về sự uy lực của nước Mỹ”. Tuy nhiên, tờ báo lưu ý: “Đảng Cộng Hòa có thể từ chối đi theo Trump trên con đường chiến tranh. Chỉ có 18% dân chúng, theo một cuộc thăm dò của viện Gallup vào tháng 7 năm ngoái là ủng hộ một cuộc tấn công quân sự chống Iran. Lần này, quyết định bốc đồng, sự thiếu nhất quán về chiến lược của tổng thống Mỹ có thể gây nên phản đối trong chính phe của ông.”

Đối với Libération : “Cuộc khủng hoảng mà ông Trump vừa gây ra khiến cho nhu cầu về một người trưởng thành hơn trong Nhà Trắng càng trở nên rõ ràng hơn.”

*
Khủng hoảng hưu tại Pháp: Ánh sáng cuối đường hầm?

Cũng trên trang nhất báo Pháp hôm nay là cuộc đấu về hưu bổng giữa chính quyền và các công đoàn tại Pháp, với một tuần lễ được cho là then chốt bắt đầu được mở ra.
Trang nhất Libération chạy tựa lớn “Trận đánh cuối cùng”, ghi nhận rằng trong cuộc đọ sức giữa chính phủ và giới đình công tại Pháp, tuần lễ đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Dương Lịch mở ra vào hôm nay được dự báo là sẽ mang tính quyết định.
Libération lưu ý : “Sau 33 ngày huy động lực lượng, tuần lễ đang mở ra sẽ có ý nghĩa quyết định đối với cả các công đoàn lẫn chính phủ, với các cuộc họp vào ngày mai thứ Ba, các cuộc biểu tình vào thứ Năm và thứ Bảy... Bên nào cũng tuyên bố quyết tâm, nhưng chính phủ có thể sẽ nhượng bộ trên vấn đề tuổi bản lề.”
Theo báo Le Figaro : “Chủ đề gây tức giận, tuổi bản lề, sẽ không được chính thức đưa lên bàn thảo luận vào ngày mai thứ Ba”. Nhưng phía công đoàn CFDT khẳng định rằng đề tài đó “sẽ được thảo luận một cách không chính thức”.
Theo Le Figaro, chính phủ muốn duy trì nguyên tắc về tuổi bản lề - đây là vấn đề giữ thể diện - nhưng sẽ sẵn sàng rút ruột khái niệm này bằng cách chấp nhận nhiều khoản miễn trừ…
Tuy nhiên, đối với chính phủ, vấn đề sẽ là làm sao giải thích cho công chúng về tính chất dễ hiểu và công bằng hơn của công cuộc cải tổ mà chính quyền từng phô trương!

*
Nữ sinh gốc Á học giỏi nhất nước Pháp
Xin kết thúc bài điểm báo hôm nay bằng một thông tin lý thú trên nhật báo Le Figaro: “Nữ sinh gốc châu Á ở Pháp thuộc diện học giỏi nhất, vượt xa các học sinh thuộc các thành phần khác, kể cả học sinh Pháp”.

Theo một công trình nghiên cứu của viện CNAM nơi 30.000 học sinh từ năm 2007 đến 2016, thì các nữ sinh gốc Á đã có kết quả học tập rất tốt, vượt qua các học sinh Pháp và từ bậc tiểu học đến đại học.

Một cách cụ thể, thiếu niên có nguồn gốc châu Á, và đặc biệt là phái nữ, đều hết sức thành công trong học tập: rất ít bị ở lại lớp trong bậc tiểu học, có học lực tốt ở lớp 6 và lớp 9, tỷ lệ đậu tú tài phổ thông kỷ lục, đặc biệt trong các chuyên ngành khoa học.

Các kết quả trên đây được ghi nhận trong công trình nghiên cứu của nhà xã hội họcYaël Brinbaum, thuộc viện CNAM, được công bố tháng 12/2019 trên tạp chí Giáo Dục và Đào Tạo của bộ Quốc Gia Giáo Dục Pháp. Đây là một công trình về quá trình học tập của các trẻ em nhập cư từ đầu cho đến bậc Tú Tài, trong sự đối chiếu với con em các gia đình mà cha mẹ sinh trưởng tại Pháp.

-----------------------------
.
Thanh Hà - RFI
Đăng ngày: 06/01/2020 - 13:38

Việc tư lệnh lực lượng viễn chinh Iran, tướng Qassem Soleimani bị hạ sát gần thủ đô Bagdad là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy Irak đang trong vòng kềm tỏa của Teheran. Iran từng bước củng cố ảnh hưởng với nước láng giềng sát cạnh và cũng là một nước cựu thù trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị đến quân sự hay kinh tế.

Trong bài viết mang tựa đề "Người Irak vùng lên chống lại ảnh hưởng của Iran", đăng trên nguyệt san Le Monde Diplomatique tháng Giêng 2020, nhà báo Feurat Alani phân tích : Ngoài những đòi hỏi về kinh tế và đời sống được cải thiện, khủng hoảng chính trị và xã hội tại Irak hiện nay bắt nguồn từ tinh thần bài Iran của một phần lớn công luận trên quê hương của Saddam Hussein.

Tính từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 12/2019, gần 450 người thiệt mạng, hơn 20.000 người bị thương trong các cuộc nổi dậy rải rác bùng lên khắp nơi. Từ quảng trường Tahrir, ngay giữa lòng thủ đô Bagdad, đến tận các thành phố ở miền nam, hàng ngàn người biểu tình đương đầu với chính quyền hay với các nhóm dân quân vũ trang. Phong trào phản kháng đòi thay đổi chế độ đã điều hành đất nước từ năm 2003 khi Hoa Kỳ và đồng minh can thiệp vào Irak lật đổ Saddam Hussein.

Phe Shia lên tuyến đầu

Tại Irak, cộng đồng Hồi Giáo theo hệ phái Shia chiếm đa số tương tự như Iran và chính quyền của thủ tướng từ nhiệm Adel Abdel Mahdi cũng thuộc hệ phái Shia. Trong đợt nổi dậy lần này do cộng đồng người Irak theo hệ phái Shia chủ xướng trong lúc thiểu số theo hệ phái Sunni rất thận trọng. Cho dù cùng một hệ phái Shia, nhưng đối thoại giữa đường phố và chính quyền trung ương ở Bagdad đã bị cắt đứt. Thêm một điều đáng chú ý khác là phe nổi dậy tại Irak đã trực tiếp tấn công vào các cơ sở của Iran trên lãnh thổ Irak.

Theo tác giả bài báo, Irak đang mở ra một trang sử mới và tất cả bắt đầu vào ngày 27/09/2019. Đó là thời điểm hai sự kiện quan trọng cùng xảy ra một lúc. Trước hết, cảnh sát đã đàn áp thô bạo một nhóm sinh viên mới tốt nghiệp, có nhiều bằng cấp nhưng không tìm được việc làm, tập hợp trước văn phòng của thủ tướng. Cùng ngày, Bagdad cách chức một nhân vật có uy tín và được xem là công thần tiêu diệt tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech. Trung tướng Abdel Wahab al Saadi, còn là người đứng đầu cơ quan chống khủng bố CTS và ông được xem là một nhân vật có lập trường thân Mỹ. Đối với lực lượng dân quân vũ trang Hachd Al Chaabi, thân Iran, tướng Abdel Wahab al Saadi là một "trở ngại".

Với công luận Irak, hai sự kiện nói trên là giọt nước làm tràn ly vì theo họ, Iran đã can thiệp ở hậu trường trong cả hai sự kiện vừa nêu.

Can thiệp về chính trị và quân sự của Iran

Trong bài viết, Feurat Alani nêu bật những khó khăn triền miên khiến công luận Irak bất mãn, nào là nạn tham nhũng, đến tình trạng 50 % dân số không có việc làm, hệ thống giáo dục không ngừng xuống cấp, đời sống đắt đỏ ... Tuy nhiên "ảnh hưởng của Iran" tại Irak là "củi lửa" hun đúc cuộc nổi dậy lần này.

Từ cuộc can thiệp quân sự của Mỹ năm 2003, Irak lâm vào thế trên đe dưới búa : sự hiện diện của các lực lượng quân sự nước ngoài, guồng máy Nhà nước bị suy yếu đã mở đường cho cả Mỹ lẫn Iran cùng biến đất nước của Saddam Hussein thành đấu trường.

Từ năm 2011 khi chính quyền Obama quyết định rút quân khỏi Irak, Teheran lại càng rộng đường hành động. Trung tuần tháng 11/2019 báo Mỹ New York Times và trang mạng The Intercept tiết lộ nhiều tài liệu mật cho thấy mức độ Teheran trực tiếp can thiệp vào Irak, từ nam chí bắc, từ đông sang tây. Thủ tướng Irak từ nhiệm, Adel Abdel Mahdi có một mối "quan hệ đặc biệt" với Teheran. Vẫn theo điều tra này, chính vì Hoa Kỳ rút lui, mật vụ Iran đã tuyển dụng không ít những người từng cộng tác với tình báo Mỹ CIA tại Irak.

Về ảnh hưởng của tư lệnh lực lượng viễn chinh Iran Al Qods tại Irak, trong một cuộc trả lời đài BBC năm 2013 cựu đại sứ Anh tại Irak và Afghanistan, Ryan Croker, từng xác nhận rằng, tướng Soleimani luôn là người có tiếng nói sau cùng trên hồ sơ Irak.

Chẳng vậy mà viên tướng đầy thế lực này của Iran thường xuyên hiện diện trên lãnh thổ Irak. Trong những tuần lễ gần đây, ông đã chủ trì các cuộc họp khi thì tại Bagdad lúc thì tại thành phố Najaf ở miền nam để thuyết phục các đảng phái chính trị Irak ủng hộ thủ tướng Adel Abdel Mahdi, có lập trường thân Teheran, trong lúc đường phố đòi ông này từ chức. Một khi thủ tướng Irak thông báo từ nhiệm, thì cũng tư lệnh lực lượng viễn chinh Iran là người ở hậu trường thu xếp tìm kiếm người sẽ ngồi vào chiếc ghế thủ tướng thay thế ông Mahdi.

Khi hay tin tướng Soleimani thiệt mạng trên lãnh thổ Irak, tướng Mỹ, David Petraeus, cựu lãnh đạo tình báo Mỹ CIA và cũng là người từng đứng đầu lực lượng Hoa Kỳ tại Bagdad kể lại, đầu năm 2008 ông từng nhận được bức điện với nội dung như sau : "Tướng Petraeus, ông cần biết rằng, chính sách của Iran về Irak, Liban, Gaza và Afghanistan đều trong tay tôi, Qassem Soleimani".

Về quân sự, Iran là đồng minh then chốt giúp Irak giành lại quyền kiểm soát các thành phố như Mossoul hay Falluhja, Tikrit ... từ tay quân thánh chiến Daech (IS)

Ở hậu trường, sứ giả của Iran là tướng Soleimani vận động để Bagdad đuổi quân Mỹ ra khỏi bờ cõi. Feurat Alani trên báo Le Monde Diplomatique nhắc lại tháng 4/2019, nhóm dân biểu Quốc Hội thân Iran tại Bagdad đã đệ trình một dự luật đòi lính Mỹ nhanh chóng rời khỏi Irak. Đó cũng là thời điểm, thủ tướng Irak vừa công du Teheran, được tổng thống Iran và giáo chủ Khamenei tiếp đón còn tại Washington chính quyền Trump xếp Vệ Binh Cách Mạng Iran vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Trong đợt oanh kích đêm mồng 2 rạng sáng mồng 3 tháng Giêng 2020 khiến tướng Soleimani thiệt mạng, nhân vật số hai của tổ chức vũ trang mang tên Hachd Al Chaabi cũng đã bỏ mình. Tổ chức này được thành lập từ năm 2014 với mục đích đánh đuổi tổ chức tự nhận là Nhà Nước Hồi Giáo tập hợp nhiều lực lượng dân quân vũ trang, với đa số theo hệ phái Hồi Giáo Shia. Hachd Al Chaabi được Iran hỗ trợ về mặt tài chính và được chính Vệ Binh Cách Mạng Iran đào tạo.

Đối tác giữa Iran và Irak còn bao gồm luôn cả vế kinh tế và thương mại. Mỹ gia tăng sức ép, trừng phạt kinh tế Iran, giúp trao đổi mậu dịch hai nước cựu thù là Iran và Irak tăng hơn 50 % trong vòng một năm. Tính đến tháng 4/2019, Iran xuất khẩu 9 tỷ đô la hàng hóa sang nước láng giềng sát cạnh và Teheran có tham vọng tăng tổng kim ngạch xuất khẩu với Irak lên thành 20 tỷ trước năm 2022.

Một nguồn tin trong chính quyền Bagdad cho hãng thông tấn Pháp, AFP biết, "Iran đã cử đại diện đến Bagdad để điều đình về việc chọn lựa người thay thế thủ tướng Mahdi nhằm vào bệ quyền lợi của Teheran tại Irak".

Iran và Irak, hai nước cựu thù

Ảnh hưởng gần như trên mọi mặt của Iran tại Irak khiến một phần công luận Irak phẫn nộ. Nhà quan sát và đấu tranh vì nhân quyền cho Irak Moubtadhar Nasser được Le Monde Diplomatique trích dẫn lưu ý rằng "trong suốt dòng lịch sử, người dân Irak luôn vùng lên chống quân ngoại xâm".

Không phải ngẫu nhiên mà làn sóng nổi dậy tại Irak từ mùa thu vừa qua đã tấn công vào một số cơ sở của Iran : ngày 04/11/2019 tòa lãnh sự Iran tại Kerbala bị đốt phá, hai tuần sau đó đến lượt văn phòng đại diện Iran tại Nadjaf, thánh địa của cộng đồng người Hồi Giáo Shia tại Irak trở thành mục tiêu tấn công. Trên toàn lãnh thổ Irak, người biểu tình hô to khẩu hiệu đuổi Iran ra khỏi đất nước. Moubtadhar Nasser phân tích : "Đây là thời khắc mà tất cả người dân Irak cùng mong đợi. Đất nước bị chia rẽ từ năm 2003. Bản sắc Irak bị chà đạp (...) Giờ đây giới trẻ Irak muốn trông thấy một Nhà nước Irak thực thụ được hình thành, và được công nhận là những công dân Irak, bất luận đó là người theo hệ phái Shia hay Sunni". Có điều, như ghi nhận của tác giả bài báo, cộng đồng người Sunni, vốn chiếm thiểu số tại Irak tới nay vẫn im lặng và không dám bước lên tuyến đầu trong cuộc đấu tranh lần này, bởi số này rất sợ các tổ chức dân quân thân Iran, như Hachd Al Chaabi và vẫn ý thức được rằng, chính quyền Bagdad xem họ như kẻ thù.

Trả lời tuần báo L'Express hồi tháng 10/2019, nhà nghiên cứu Pháp về Trung Đông bà Myriam Benraad, cho rằng "dù theo hệ phái Shia hay Sunni, phần đông người Irak đấu tranh vì chủ quyền của đất nước, ngăn chận ảnh hưởng của Iran. Đừng quên rằng Iran và Irak là hai nước cựu thù, chiến tranh giữa hai nước đã nổ ra trong suốt thời gian từ 1980 đến 1988". Do vậy theo chuyên gia này, "Iran không có lợi ích gì để cho Irak ngóc đầu vươn lên. Teheran muốn giữ Bagdad trong thế yếu để không bao giờ Irak có thể trở thành một đối thủ trong khu vực".






No comments: