NỘI DUNG :
Thanh Phương - RFI
Minh Anh - RFI
Minh Anh - RFI
Tú Anh - RFI
=============================================
Thanh Phương - RFI
Đăng ngày: 06/01/2020 - 10:50
Ngày
06/01/2020, Iran chính thức tổ chức lễ tang tướng Qassem Soleimani, thiệt mạng
trong một vụ oanh kích của Mỹ tại Irak vào tuần trước.
Giáo chủ Iran, Ali Khamenei, chủ trì tang lễ tướng
Soleimani tại thủ đô Teheran ngày 06/01/2020. Reuters
Theo
hãng tin AFP, ngay từ sáng sớm, trong khí trời lạnh giá, cả một biển người đã
tràn ngập trung tâm thủ đô Teheran, nhất là tại khu vực chung quanh Đại học
Teheran, nơi tiến hành lễ tang tướng Soleimani, viên tướng được người dân mến mộ
nhất ở Iran.
Đám đông mang trên tay bức chân dung tướng
Soleimani, hoặc giương rất nhiều lá cờ đỏ (màu máu của những người tử vì đạo),
quốc kỳ Iran, cũng như cờ Liban và Irak. Họ cũng mang các biểu ngữ kêu gọi trả
thù cho tướng Soleimani hoặc hô các khẩu hiệu : « Tiêu diệt nước Mỹ »,
« Tiêu diệt Israel ».
Tại Đại học Teheran, trước linh cữu tướng Soleimani,
lãnh đạo tối cao, giáo chủ Ali Khamenei, bao quanh là các lãnh đạo khác của chế
độ Teheran, đã chủ trì một lễ cầu kinh ngắn bằng tiếng Ả Rập. Được phủ quốc kỳ
Iran, linh cữu của tướng Soleimani cũng như của Abou Mehdi al-Mouhandis, một
lãnh đạo của lực lượng dân quân Irak Hachd al-Chaabi thân Iran và của 4 người
khác chết trong vụ oanh kích của Mỹ, đã được đưa ra khỏi Đại học Teheran để người
dân Teheran tiễn đưa.
Khẳng định hôm nay có nhiều triệu người Iran tập hợp
trên đường phố, đài truyền hình Nhà nước Iran mô tả đây là một « sự phục
sinh chưa từng có của thủ đô Iran ».
Tướng Soleimani là chỉ huy lực lượng Al Qods, đơn vị
tinh nhuệ của Vệ binh Cách mạng Iran, đặc trách các chiến dịch ở nước ngoài. Với
tư cách này, ông được xem là người kiến tạo chiến lược của nước Cộng Hòa Hồi
Giáo Iran ở vùng Trung Đông. Đáp lại vụ oanh kích của Mỹ giết chết tướng
Soleimani, Teheran hôm 04/01/2020 đã tuyên bố sẽ « trả đũa quân sự », «
trả thù đích đáng », sẽ đánh vào « đúng nơi và đúng lúc ».
*
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
----------------------------------
Minh Anh - RFI
Đăng ngày: 06/01/2020 - 13:52
Ngày
05/01/2020, tổng thống Mỹ dọa đánh vào 52 điểm của Iran nếu chế độ Teheran có ý
định trả đũa vụ Hoa Kỳ hạ sát tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng Al-Qods
của Vệ Binh Cách Mạng. Phát ngôn viên giáo chủ Ali Khameini đáp lại « câu trả lời
chắc chắn sẽ bằng quân sự ». Vậy đâu là những nguy cơ mà Iran có thể tiến hành
trả đũa nước Mỹ ?
Dầu hỏa đi qua eo
biển Ormuz liệu có là mục tiêu Teheran nhắm tới để trả thù cho cái chết của tưởng
Soleimani ? REUTERS/Raheb Homavandi/File Photo/File Photo
Do tương quan lực lượng bất cân xứng giữa Iran và
Hoa Kỳ, giới chuyên gia tại Pháp nhận định, khủng bố, dầu hỏa và hạt nhân có thể
là ba mối họa chính đối với Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực.
Hậu
quả nhãn tiền thứ nhất là sự xóa bỏ thỏa thuận hạt
nhân mà Iran đã ký kết năm 2015 với sáu cường quốc (Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Đức và
Trung Quốc).
Ngày 05/01/2020, chính quyền Iran quyết định sẽ
không tôn trọng bất cứ giới hạn nào trong lãnh vực tinh lọc Uranium. Cụ thể là
không hạn chế khả năng tinh lọc, mức độ Uranium tách ly và số lượng máy ly tâm
trang bị. Thông báo này xem như đã « khai tử » hoàn toàn thỏa
thuận hạt nhân Iran. Cơ may cho các nhà thương thuyết Iran áp đặt giải pháp ngoại
giao đối với phe cứng rắn trong chế độ Teheran xem như là tan vỡ. Hơn bao giờ hết,
nguy cơ phổ biến hạt nhân ngày càng hiện rõ. Nếu Iran quyết định sở hữu bom
nguyên tử, các nước trong khu vực như Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ai Cập cũng
lao vào cuộc chạy đua hạt nhân.
Mối
họa thứ hai mà Hoa Kỳ và cả các đồng minh của Mỹ phải đối mặt là sự trỗi dậy và đoàn kết mạnh mẽ của các lực lượng thân Iran, mà Hoa Kỳ
liệt vào danh sách khủng bố. Nếu
như tổng thống Donald Trump cho rằng việc tiêu diệt tướng chỉ huy Al-Qods có thể
buộc Iran phải quy hàng trong hồ sơ hạt nhân, thì đây có lẽ là một sai lầm chiến
lược. Theo quan điểm của ông Emmanuel Dupuy, chủ tịch Viện Dự phóng và
An ninh châu Âu (IPSE) với đài Franceinfo, « lằn ranh đỏ đã bị vượt qua »
và vụ tấn công hoàn toàn bất cân xứng này của Washington tạo ra hậu quả là thúc
đẩy sự đoàn kết, tập hợp tại Iran.
Ở bên ngoài, dưới sự chỉ huy của tướng Soleimani,
chính quyền Iran từ nhiều thập niên qua đã mở rộng các mạng lưới ảnh hưởng
trong toàn khu vực Trung Đông và lân cận như Liban, Irak, Yemen hay Syria… Vẫn
theo chuyên gia Dupuy, « kể từ giờ các nhóm lực lượng có xu hướng chính
trị khác nhau tạo thành một mặt trận chung chống lại kẻ thù Hoa Kỳ ».
Chỉ có điều, do tương quan lực lượng, chính quyền
Iran sẽ không bao giờ chọn đối đầu vũ trang trực diện, mà đó sẽ là một cuộc chiến
ủy thác. Hoa Kỳ triệt hạ
một biểu tượng của Iran. Lời đáp trả cũng phải tương xứng : Đó sẽ là những nơi
nào « mang tính biểu tượng của Mỹ (đại sứ quán, căn cứ quân sự, văn
phòng đại diện…) hay các đồng minh của Mỹ trong khu vực »
như lưu ý của bà Amélie Chelly, chuyên gia về Iran thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu
Khoa Học Quốc Gia Pháp (CNRS).
Cuối
cùng, vũ khí trả thù thứ ba mà Iran dường như đã sử dụng
và nay sẽ gia tăng : đó là ngăn chặn tuyến vận chuyển dầu khí tại eo biển
Ormuz. Đây chính là điểm khiến thế giới lo ngại nhiều nhất. Liệu Teheran có thể
cho đóng cửa eo biển chiến lược này không, nơi trung chuyển của khoản 30% lượng
dầu hỏa tiêu thụ của thế giới ?
Về điểm này, bà Amélie Chelly cho rằng Iran là một
Nhà nước cực kỳ thực dụng : « Nếu như họ muốn đóng eo biển, họ sẽ làm
ngay. Nhưng nếu như họ không làm, chính vì họ biết là chẳng có lợi gì ».
Chỉ có điều an ninh cho eo biển có thể sẽ bị xáo trộn.
Năm 2019, để trả đũa các lệnh trừng phạt của chính quyền Donald Trump, nhiều
chiếc tầu chở dầu tuy không mang cờ hiệu Mỹ nhưng đã bị tấn công ngoài khơi vị
Ba Tư và Iran bị nghi ngờ đứng sau các hành vi gây hấn này.
*
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
.
------------------------------------------------
Minh Anh - RFI
Đăng ngày: 06/01/2020 - 11:26
Chính
trường Mỹ bị xáo trộn vì vụ hạ sát tướng Iran Soleimani. Ngày 05/01/2020, một
cuộc đấu khẩu gián tiếp giữa chủ nhân Nhà Trắng và Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện đã
diễn ra liên quan đến quyền hạn khởi động chiến tranh của tổng thống. Tranh cãi
xảy ra trong bối cảnh, Donald Trump liên tiếp đe dọa « đánh mạnh » Iran nếu
Teheran trả đũa.
Từ
New York, thông tín viên RFI Loubna Anaki tường thuật :
« Đây là một cuộc đọ sức gián tiếp giữa tổng
thống Mỹ và Ủy Ban Đối Ngọai Hạ Viện. Đầu tiên, trên Twitter, Donald Trump đánh
tiếng là những thông điệp mà ông gởi đi trên mạng xã hội đủ để báo trước cho Quốc
Hội về những biện pháp sắp tới đối với Iran.
Một cách rõ ràng, ông hàm ý không cần xin phép Quốc
Hội để hành động. Ngay lập tức Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện đáp trả, cũng trên
Twitter : Tin nhắn này là một lời nhắc nhở rằng quyền khởi động chiến tranh nằm
trong tay Quốc Hội; và kết thúc bằng: Chúng tôi xin nhắc ngài rằng ngài không
phải là một nhà độc tài !
Phải nói là kể từ hôm 03/01/2020 và vụ oanh kích cướp
đi sinh mạng của chỉ huy Vệ Binh Cách Mạng Iran, ông Donald Trump liên tiếp đưa
ra các lời đe dọa nhắm vào Iran.
Tổng thống Mỹ khẳng định khoảng 52 mục tiêu đã được
xác định, chủ yếu là các địa điểm văn hóa của Iran. Chi tiết này làm dấy lên
các lời chỉ trích nhắm vào bộ máy chính quyền của ông và giới chức quân sự Mỹ.
Nhưng điều đó không ngăn cản nguyên thủ Mỹ nhắc lại lập trường của mình trước
giới báo chí tối ngày 05/01 đi cùng chuyên cơ đưa ông về Washington.
Donald Trump tuyên bố : Họ có quyền giết hại và tra
tấn công dân của chúng ta, chẳng lẽ chúng ta không được quyền đụng chạm đến các
điểm văn hóa của họ à ? Chỉ có điều, theo luật quốc tế, một biện pháp như thế sẽ
bị xem như là tội ác chiến tranh. »
-------------------------------
Tú Anh - RFI
Đăng ngày: 06/01/2020 - 14:31
Sau
vụ không quân Mỹ hạ sát tướng Iran Qassem Soleimani theo lệnh của tổng thống
Donald Trump, Anh và Pháp chọn thái độ ủng hộ Hoa Kỳ và kêu gọi Iran tránh hành
động leo thang quân sự. NATO triệu tập hội nghị bất thường tại Bruxelles.
Lập trường của Anh, Pháp được thể hiện rõ qua tuyên
bố của thủ tướng Boris Johnson và tổng thống Emmanuel Macron.
Trở về Luân Đôn chiều Chủ Nhật, sau nhiều ngày nghỉ
cuối năm ở Caribê, thủ tướng Anh tuyên bố « không thương tiếc cái chết
của tướng Iran » mà ông coi là « thủ phạm sát hại hàng ngàn
thường dân vô tội…. là mối đe dọa cho quyền lợi của Tây phương ». Trước
đó vài giờ, ngoại trưởng Anh Dominic Raab còn đi xa hơn khi tuyên bố ủng hộ «
quyền tự vệ chính đáng » của Hoa Kỳ và của tổng thống Donald Trump.
Paris, qua tuyên bố của tổng thống Emmanuel Macron,
cam kết với đồng nhiệm Donald Trump sẽ luôn « sát cánh với đồng minh » và
kêu gọi « Iran tránh mọi hành động leo thang quân sự có thể làm tình
hình đã bất ổn trong khu vực suy thoái thêm ».
Thông cáo của điện Elysée thẩm định: « Tình
hình bất ổn hiện nay tại Irak và trong khu vực là do hành động khuynh đảo của lực
lượng Al Qods dưới quyền chỉ huy của tướng Qassem Soleimani. Iran cần phải chấm
dứt hành động này ».
Trong một bản thông cáo chung, Paris, Luân Đôn và
Berlin cam kết hành động chung và đặc biệt thúc giục Iran chứng tỏ thái độ «
chừng mực ».
Cả ba thủ đô châu Âu đã thay đổi lập trường hai ngày
sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo than phiền đồng minh Đức, Anh, Pháp « thiếu
tình liên đới ».
Trong chiều hướng này, một cuộc họp khẩn cấp ở cấp
ngoại trưởng của Liên Minh NATO được triệu tập vào hôm nay tại Bruxelles.
Ngay sau vụ oanh kích, chỉ có Israel là nhanh chóng
tỏ thái độ đồng tình và ủng hộ tổng thống Donald Trump.
Trong khi đó, Hassan Nasrallah, thủ lĩnh tổ chức
Hezbollah-Liban do Iran viện trợ tài chính và vũ khí, trong bài diễn văn bốc lửa
chiều Chủ Nhật, đe dọa « tấn công vào lực lượng quân sự của Mỹ ».
Phản ứng ở châu Á :
Theo Yonhap, Bắc Triều Tiên chưa có phản ứng chính
thức nhưng KCNA đưa tin Mỹ « vi phạm Hiến Chương Liên Hiệp Quốc » oanh
kích giết tướng Iran cũng như phản ứng lên án của Nga và Trung Quốc.
Nhật Bản « cực kỳ lo ngại » vì tình
hình căng thẳng. Thủ tướng Shinzo Abe kêu gọi các bên tránh « leo thang ».
Philippines, với hàng ngàn lao động tại Trung Đông,
lo ngại chiến tranh. Tổng thống Duterte ra lệnh cho quân đội, hải quân và không
quân chuẩn bị di tản công dân ở Iran và Irak về nước.
*
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
No comments:
Post a Comment