Y Chan - Luật
Khoa
18/01/2020
Chúng ta thường chỉ nghe từ “tẩy chay” xuất hiện nhiều
trong các sự kiện xã hội, một kiểu phản kháng của các hội nhóm chống lại những
gì họ cho là bất công hoặc trái đạo đức.
Tẩy chay vì vậy đối với nhiều người nghe có vẻ rất
ghê gớm, kịch liệt, thậm chí xa vời. Đó là chuyện trên trời của “mấy
nhà hoạt động”, hay “mấy đứa rỗi việc”, không phải việc của công dân tuân
thủ pháp luật như mình – họ nghĩ vậy.
Trong thời đại các xung đột xã hội ngày càng phức tạp,
những tin tức về tẩy chay lại xuất hiện ngày một nhiều.
Gần như mỗi ngày đều có phong trào tẩy chay một sản
phẩm, một dịch vụ, một doanh nghiệp, một người nổi tiếng, một cửa hàng, một bộ
phim, một bài hát, hay một sự kiện, một tổ chức, thậm chí một quốc gia, một dân
tộc nào đó.
Như một vũng xoáy lan rộng, nó dễ khiến chúng ta có
cảm giác xã hội hiện đại đang có vấn đề. Đụng đâu cũng có người tẩy chay người!
Kỳ thực, người tẩy chay người không phải là vấn đề của
xã hội hiện đại. Nó là chuyện còn… xưa hơn trái đất.
Nó xuất hiện từ rất lâu trước khi người ta nghĩ ra
được từ để gọi nó.
Trong tiếng Anh, từ tương đương với tẩy chay là
“boycott”.
Từ này được lấy từ tên của
Charles C. Boycott, người quản lý cho một vị chúa đất vào cuối thế kỷ 19 tại Hạt
Mayo, Ireland.
Vào thời điểm trên, sau một vụ mùa bết bát, vị chúa
đất quyết định giảm 10% tô thuế cho những người đang thuê đất. Những người thuê
đất không đồng ý, yêu cầu phải giảm 25%. Vị chúa đất cự tuyệt yêu cầu này, ra lệnh
cho Boycott phải đuổi cổ những kẻ cứng đầu ra khỏi đất của ông.
Sự kiện này lẽ ra sẽ tiếp diễn theo chiều hướng như
vô số các xung đột tương tự trong hàng ngàn năm trước đó: bạo lực, đổ máu và chết
chóc.
Nhưng Charles Stewart Parnell, một người dân tại Hạt
Mayo trước đó đã nghĩ ra một sáng kiến và thuyết phục được dân làng đồng thuận
với mình: không dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn với các chúa đất cùng những
người quản lý của họ. Thay vào đó, các dân làng quyết định không hợp tác.
Khi Charles Boycott về địa phương để thực hiện lệnh
trục xuất người dân khỏi đất thuê, ông phát hiện ra mình bị cô lập hoàn toàn.
Công nhân không thèm làm việc cho ông, nông dân
không thèm thu hoạch giùm ông, những người buôn bán tại Mayo không ai muốn quan
hệ làm ăn trao đổi gì với ông.
Thậm chí đến cả bưu tá cũng không thèm phát thư cho
ông!
Boycott cuối cùng phải thuê người ở xa về thu hoạch,
đồng thời bỏ tiền ra mướn lực lượng an ninh từ địa phương khác để trông coi đất.
Tiền có được từ hoạt động thu hoạch canh tác trên mảnh
đất không đủ bù chi phí thuê mướn người từ xa tới. Boycott bị lỗ nặng.
Những người dân địa phương sau đó tiếp tục áp dụng
phương thức đấu tranh bất bạo động này, và nó lan rộng ra khắp nơi, cùng với
cái tên Boycott.
Nhân vật bị tẩy chay rốt cuộc đi vào sử sách khi cái
tên được dùng luôn cho hoạt động đấu tranh chống lại chính ông.
Nhưng như đã nói, tẩy chay xuất hiện từ rất lâu trước
khi Boycott ra đời. Nó xuất hiện từ khi con người biết tự suy nghĩ và tự
đưa ra quyết định.
Về bản chất, nó là một hình thức tương tác
phi-tương-tác. Hay nói cách khác, nó là “nghỉ chơi”.
Tất cả chúng ta, từ nhỏ đến lớn, đều đã từng dùng
qua hình thức này, và vẫn đang dùng nó mỗi ngày.
Không đồng ý tham gia một hội nhóm nào đó, ta nghỉ
chơi.
Không muốn tiếp tục một công việc nào đó, ta nghỉ
làm.
Không thích một sản phẩm dịch vụ, ta nghỉ xài.
Tất cả chúng ta đều đã, đang và vẫn luôn thực hiện
hoạt động tẩy chay một cách bản năng theo đúng nghĩa gốc của từ.
“Tẩy chay” vốn đến từ cách đọc theo tiếng Quảng Đông
của hai chữ “抵制”.
Chữ “抵” (tiếng Hán Việt đọc là “để”) mang nghĩa ngăn, chống
lại. Nó cũng chính là từ “đẩy” trong “đẩy lùi” của tiếng Việt.
“制” (tiếng Hán Việt đọc “chế”) vốn có nghĩa làm ra, chế tạo, sau được dùng
với nghĩa của luật lệ, quy định, như trong “thể chế”.
“Tẩy chay” vì vậy có nghĩa đơn giản là ngăn, chống lại,
hoặc đẩy lùi những thứ đã có (mà mình không muốn).
Nó là hình thức phản đối thô sơ nhất, và cũng là
hình thức nhân bản nhất.
Nhưng giống như mọi tư tưởng của nhân loại, nó cũng
phải trải qua một quá trình tiến hóa rất dài.
Vào thời phong kiến, “nghỉ chơi” là thứ quyền lợi xa
xỉ.
Vua đặt đâu, tôi phải ngồi đó. Tướng bảo gì, lính phải
răm rắp tuân lời. Chủ nói gì, tớ phải nghe theo. Thậm chí chồng ra lệnh, vợ
không được cãi lại.
Con người chỉ nhận thức được mình có “quyền nghỉ
chơi” khi họ nhận ra người duy nhất có quyền quyết định vận mệnh
của mình, không ai khác là chính họ.
Và khi nhiều người nhận ra rằng họ có thể cùng nhau
nghỉ chơi – tẩy chay – một đối tượng nào đó, thứ quyền lực giản dị đó trở nên
có sức mạnh vô song.
Một thằng bé to xác có thể bắt nạt hết tất cả những
đứa trẻ xung quanh, nhưng một khi tất cả đám trẻ cùng nghỉ chơi với nó, kẻ bắt
nạt lại trở thành đáng thương, phải lẽo đẽo cầu xin được “nhập bọn” trở lại.
Chúng ta đều đã từng chứng kiến, hoặc thậm chí là một phần của câu chuyện đó.
Con người dù tám tuổi hay tám mươi tuổi, đặc tính bầy
đàn cũng không thay đổi.
Chúng ta vẫn luôn là những đứa trẻ giống vậy, cần có
người xung quanh, phụ thuộc vào người xung quanh.
Trái với suy nghĩ sai lầm của nhiều người, những đối
tượng càng có địa vị, càng có quyền lực, lại càng phụ thuộc nhiều hơn vào
người xung quanh.
Đơn giản vì địa vị, quyền lực, danh tiếng và sự giàu
có của họ, tất cả đều chỉ có ý nghĩa khi có tương tác với người
khác – đó là chưa kể những thứ họ có được đó đều từ người khác mà ra.
Không ai tự làm ra địa vị, tự tạo ra quyền lực, tự
có danh tiếng, và tự giàu có.
Không có tương tác, hay không có ai chơi cùng, mọi
thứ địa vị, quyền lực, danh tiếng, của cải đều là vô nghĩa.
Tẩy chay vì vậy là một trong những công cụ đấu tranh
hiệu quả bậc nhất trong lịch sử nhân loại.
Những kẻ càng độc chiếm quyền lực càng sợ tẩy chay.
Đó là lý do họ không bao giờ muốn người dân đoàn kết
– cùng nghỉ chơi mình.
Đó cũng là lý do họ luôn cố gắng tiêm vào đầu người
dân suy nghĩ rằng ta phụ thuộc vào họ, chứ không phải chiều ngược lại.
Tẩy chay là thanh “thượng phương bảo kiếm” mà mỗi
người đều có thể tự ban cho riêng mình, và có quyền rút ra dùng bất kỳ lúc nào.
Trong các thể chế độc tài như ở Việt Nam, thanh kiếm
đó lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Những sự kiện như việc ngân hàng Vietcombank vô cớ phong tỏa tài
khoản những nhà hoạt động xã hội như của Nguyễn Thúy Hạnh vừa qua là một phép
thử đối với thanh kiếm của dân.
Bức ảnh được sử dụng để kêu gọi tẩy chay ngân hàng
Vietcombank. Trong ảnh là nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, người bị Vietcombank
phong tỏa tài khoản. Ảnh: Chưa rõ nguồn
Khi truyền thông đại chúng vẫn còn bị chính quyền
bưng bít và bóp méo sự thật, làn sóng tẩy chay mạnh mẽ có thể không lan quá rộng,
sự phản đối trên mạng có thể không quy ra sức mạnh tương ứng trên thực tế, và số
người tẩy chay có thể không chiếm bao nhiêu phần trăm đối với hoạt động của
ngân hàng số một Việt Nam, nhưng mỗi nhát kiếm chém xuống của người dân vẫn sẽ
để lại vết nhơ khó gột rửa.
Quan trọng hơn, qua những lần luyện kiếm này, người
Việt Nam sẽ càng nhận ra thứ sức mạnh mà mình có: quyền tự quyết đối với mỗi việc
làm của chính mình.
Họ có quyền chơi với ai và không chơi với ai.
Cùng nhau thực hiện thứ quyền lực đó, người dân sẽ
có sức mạnh chống lại mọi thứ bạo quyền ngang ngược và trí trá.
Rốt cuộc thì, đến trẻ con cũng biết được mình có quyền
nghỉ chơi với kẻ bắt nạt, chẳng có lý gì người lớn lại không nhận ra quyền lực
của chính mình.
--------------------------------------
XEM THÊM
Nguyễn
Thùy Dương | 18-1-2020
Trương
Nhân Tuấn - 18/01/2020
Huỳnh
Ngọc Chênh | 18-1-2020
No comments:
Post a Comment