Sunday, January 12, 2020

TẠI SAO KHÔNG CẤP "QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT" CHO BÀ CON ĐỒNG TÂM? (Pv GNsP)




Pv. GNsP
Đăng ngày 12.01.2020 - 2:50pm

Người Việt trong và ngoài nước đồng lòng thắp nén hương tỏ lòng kính phục đối với cụ Lê Đình Kình, gia đình Cụ và bà con Dân oan Đồng Tâm bị sát hại bởi nhà cầm quyền Hà Nội trong ngày 09.01.2020, khi Cụ và bà con “quyết tử giữ đất” – như lời tuyên bố của Cụ khi còn sinh thời.

Rất nhiều bài viết chia sẻ nỗi đau mất mát không chỉ đối với gia đình Cụ Kình và bà con Đồng Tâm mà là nỗi đau nhục thể của cả dân tộc VN khi các quan tham dùng chính tay Người Việt để giết hại Người Việt.

Các Luật sư, cùng nhiều chuyên gia pháp lý  đã có nhiều bài viết phân tích các cơ sở pháp lý chứng minh nguồn gốc đất của bà con Đồng Tâm rất chặt chẽ, đầy đủ, phù hợp với Hiến Pháp và Luật Đất Đai. Trong đó, có cơ sở pháp lý vững chắc được nêu là ngay từ những năm 1980, người dân Đồng Tâm đã giao hàng trăm hécta đất cho nhà cầm quyền để phục vụ các công trình công ích. Tạm chia khu đất của bà con Đồng Tâm thành hai khu đất. Khu đất thứ nhất có diện tích 47,36 ha giao cho Bộ quốc phòng làm “dự án sân bay Miếu Môn”; trên thực tế không có sân bay nào tên là Miếu Môn và đi vào hoạt động. Bộ Quốc Phòng “chưa hề thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho các hộ đang sử dụng đất”, “chưa có văn bản nào xác định ranh giới khu đất này”. Sau đó, quân đội trả lại cho bà con. Bà con tiếp tục canh tác và nộp tô lợi cho quân đội suốt hàng chục năm qua. Cho đến năm 2015, Bộ quốc phòng cướp toàn bộ và tự ý bán/giao/chuyển nhượng khu đất của bà con cho tập đoàn viễn thông quân đội Viettel. Bà con chấp nhận và sẵn sàng giao đất vì người nông dân hiền lành chất phác nghĩ đã giao diện tích đất trên cho quân đội từ năm 1980.

Sự việc không dừng lại ở đó, với lòng tham không đáy, vào năm 2017, Bộ quốc phòng “nhăm nhe” và bất chấp mọi thủ đoạn muốn “cướp trắng” khu đất nông nghiệp thứ hai của bà con Đồng Tâm có diện tích 59 ha, để thực hiện cái gọi là “quy hoạch giai đoạn 2 xây dựng sân bay Miếu Môn”, trên thực tế không hề có sân bay nào tên là Miếu Môn và đi vào hoạt động. Khu đất này được bà con gọi là đất Đồng Sênh, nơi bà con đã canh tác ổn định, lâu dài và đóng thuế liên tục suốt 39 năm qua (từ năm 1980-2020). Có vị trí địa lý khá thuận tiện, hai mặt tiền -phía Nam và phía Tây giáp tỉnh lộ DT429, nối tới đường Hồ Chí Minh. Bà con phản đối kịch liệt, kêu cứu đến các cơ quan có thẩm quyền nhưng các ông quan tham vẫn “dửng dưng” trước nỗi thống khổ của bà con. Mặt khác, chính truyền thông chính thống đã phản ánh về tình trạng các quan tham “chiếm đoạt đất” của bà con và chính Cụ Kình đã lên án nhà cầm quyền địa phương đã “biến” đất “tư” của người dân Đồng Tâm thành đất “công” bằng các hình thức mượn/bán/giao/chuyển nhượng. Cụ thể: Khu vực đất của hộ dân có tên là Trần Văn Viễn; Doanh nghiệp lấn chiếm đất xây lò gạch… mà không có quyết định giải tỏa, thu hồi đất…

Đỉnh điểm của sự việc xảy ra vào ngày 14.04.2017, khi nhà chức trách huy động “lực lượng có chức năng” như công an, CSCĐ… đến uy hiếp, cưỡng chế đất của bà con. Người dân Đồng Tâm “không tấc sắt trong tay” tìm mọi cách phòng vệ, bảo vệ tính mạng và quyền lợi chính đáng của họ. Tuy nhiên, nhà cầm quyền đã bắt giữ trái pháp luật nhiều nông dân Đồng Tâm, nhiều người dân bị thương nặng trong đó có Cụ Kình – đã ngoài 80 tuổi là cán bộ hưu trí có hơn 60 năm tuổi đảng – bị rạn nứt xương… Đáp trả lại điều đó, bà con đã giữ lại hơn 30 các cán bộ, tại nhà văn hóa thôn, với mục đích mong muốn nhà cầm quyền thực tâm lắng nghe nguyện vọng sống còn của bà con dân oan. Người dân Đồng Tâm đã đối xử, chăm sóc những người bị giữ một cách tử tế và sau đó những “con tin” này đã ra khỏi hội trường. Đổi lại với lời hứa sẽ xem xét việc sử dụng đất của bà con, cùng với bút tích của người đứng đầu TP Hà Nội là Ông Nguyễn Đức Chung sẽ không khởi tố vụ án… Thế nhưng sau đó, Cơ quan Cảnh sát Điều tra ra quyết định khởi tố một số người dân Đồng Tâm với tội danh “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 BLHS. Và việc “xem xét” quyền sử dụng đất cho bà con được công bố: đất này là đất Quốc phòng. Và Người dân Đồng Tâm đã “chiếm đất của Bộ quốc phòng để canh tác và xây dựng trái phép”, mà không trưng ra được bất kỳ chứng cứ nào chứng minh..

Đáp lại bà con có đủ chứng cứ xác định đã sử dụng liên tục, ổn định đất từ những năm 1980 đến ngày nay, và nộp đủ các loại thuế. Theo qui định Hiến pháp và Luật đất đai, đều qui định: Người đang sử dụng đất ổn định, lâu dài thì được công nhận QSD đất. Cụ thể, Hiến pháp 1980 qui định “người đang sử dụng đất đai được tiếp tục sử dụng và hưởng kết quả lao động của mình theo quy định của pháp luật” (Điều 20). “Người đang sử dụng đất đai hợp pháp được tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật này” (Điều 1 Luật Đất đai 1987). “Người sử dụng đất ổn định, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận thì được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” (Khoản 1 Điều 2 Luật đất đai 1993). Đến Luật Đất đai 2003 qui định “không có giấy tờ, nhưng đã sử dụng từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (tức ngày1/7/2004) … “ thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ Khoản 6 Điều 50).
Trong một cuộc phỏng vấn với RFA vào ngày 31.10.2019, Cụ Kình đã từng tuyên bố: “Trong tay chúng tôi bây giờ đầy đủ các văn bản để chứng minh rằng khu vực đấy (59 ha) là khu vực đất nông nghiệp của chúng tôi. Cơ quan nào mà về làm trái thẩm quyền, trái pháp luật thì người dân Đồng Tâm sẵn sàng đối đầu luôn.”

Cụ Kình và bà con nhiều lần yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội hãy chứng minh khu đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm thuộc quyền quản lý và sở hữu của nhà nước thì bà con sẽ giao đất ngay trong vòng 3 tiếng đồng hồ.

Không có “chứng cứ”, nhưng có đủ “súng đạn”. Với truyền thống “cướp chính quyền”, “khởi nghĩa”, “tổng tiến công, nổi dậy”, “thảm sát”… Nhà cầm quyền bất lương đã tiến hành “dập tắt” tiếng nói oan khuất của người dân Đồng Tâm bằng  lực lượng CSCĐ, công an, chó nghiệp vụ, côn đồ, … trang bị “tận răng”, tấn công trực diện vào người dân. Kèm theo là hàng loạt các thủ đoạn đê hèn, gây nhiễu thông tin, đổi trắng thay đen… Cuộc tấn công đã giành “thắng lợi vẻ vang”, cướp đi sinh mạng của cụ Kình, con trai Cụ và nhiều người dân Đồng Tâm, chưa kể những người bị thương tích nặng.

Nhà cầm quyền tạm thời “làm chủ tình hình”, nhưng mất đi thứ quí giá nhất là “niềm tin” của nhân dân.
Pv. GNsP 

-----------------------------------
.
Tin Mừng Cho Người Nghèo
Đăng ngày 12.01.2020 - 8:16am

Hàng nghìn cảnh sát cơ động đã tấn công thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội lúc 4h sáng ngày 9/1/2020. “Trận đánh đẹp” khiến ít nhất 5 công an bỏ mạng và nhiều người dân thương vong.

Hiện nay các cơ quan tuyên truyền chính thức lẫn đám dư luận viên đang bật hết công suất để biện minh cho hành động cướp đất Đồng Tâm. Tuy nhiên, bản chất ăn cướp của chúng là không thể giấu diếm.

- Tại sao tấn công lúc 4h sáng?
Nếu một chính quyền đàng hoàng, họ sẽ đường đường chính chính tới khu vực “đất quốc phòng bị lấn chiếm” để thực thi công vụ chứ không tấn công theo kiểu đánh úp giữa lúc dân làng đang ngủ say.

- Tại sao báo chí không được tác nghiệp?
Truyền thông trong nước đều dẫn lại bản thông báo trên website Bộ Công An, tuyệt nhiên không đến hiện trường tác nghiệp, dù là đứng ở xa. Nếu không làm việc mờ ám, không có gì phải giấu diếm, chính quyền hoàn toàn mời truyền thông, hội đoàn đến chứng kiến. Đằng này họ chặn tất cả mọi con đường vào Đồng Tâm, cô lập tất cả những nhà hoạt động đưa tin về Đồng Tâm, đánh sập tất cả Fanpage người dân Đồng Tâm lập nên.

- Tại sao phải cắt mạng internet tại Đồng Tâm trước khi tấn công?
Thông thường những kẻ làm điều xấu xa mới sợ nhiều người biết. Nếu chính quyền cho rằng làm đúng luật, thực thi công vụ thì tại sao cần phải tìm cách cản trở sự phát tán thông tin về những hành động này.

- Có thật người dân tấn công trước?
Báo lề phải mô tả dân chúng là những kẻ hiếu chiến, trong khi đó Bộ Công An nói rằng “Trong quá trình xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn, một số đối tượng có hành vi chống đối…”
Thực chất, lực lượng CSCĐ đã chủ động tấn công vào thôn Hoành – một địa điểm cách khu vực xây dựng tường rào sân bay đến 3km. Đây là khu dân cư, thậm chí còn không phải là cánh đồng Sênh – nơi đang tranh chấp đất giữa người dân và quân đội.

- Có phải dân Đồng Tâm tàng trữ vũ khí và là kẻ khủng bố?
Đám dư luận viên loan tải hình ảnh bom xăng, dao phóng và tuyên bố dân Đồng Tâm là khủng bố. Thực chất, người dân Đồng Tâm luôn nói rằng họ thượng tôn pháp luật nhưng cũng tuyên bố sẵn sàng dùng bạo lực để chống trả kẻ cướp đất. Họ còn khẳng định nếu chính quyền đưa ra quyết định thu hồi đất và chứng minh đất đồng Sênh là đất quốc phòng, họ tự nguyện bàn giao trong 3 tiếng đồng hồ. Nếu cố tình ăn cướp, họ sẽ chống trả đến cùng.
Và thực tế là nhà cầm quyền tấn công đúng kiểu ăn cướp, nên người dân phản kháng lại cũng không lạ.

- Tại sao lại ngăn cản báo chí ngoại quốc tác nghiệp?
Theo người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng thì các phóng viên nước ngoài muốn tác nghiệp tại Đồng Tâm cần phải được cơ quan có thẩm quyền “xem xét”.
Nếu việc cưỡng chế đất tại Đồng Tâm là “đúng pháp luật Việt Nam” thì sao không chủ động mời báo chí ngoại quốc vào cuộc đưa tin, như vậy có phải dễ “đập tan luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch” hơn không? Đằng này lại đòi hỏi “xem xét”, làm ngoại giao ai cũng hiểu đây là cách khước từ.

- Tại sao không nhắc đến hai khu đất 47 ha và 59 ha?
Chính quyền Hà Nội lẫn giới báo chí lề phải luôn nói dân Đồng Tâm lấn chiếm đất quốc phòng, tuy nhiên họ lờ đi việc có hai khu đất 47 ha và 59 ha.

Cụ thể, theo quyết định quy hoạch xây sân bay Miếu Môn năm 1980 thì giai đoạn 1 chính quyền đền bù, giải toả 47 ha. Số tiền đền bù thời điểm đó là 150 triệu. Nhưng sau giai đoạn 1 thì dự án bị treo và 59 ha dự tính thi công ở giai đoạn 2 chưa bao giờ được làm thủ tục giải toả hay đền bù. Từ đó đến nay người dân Đồng Tâm vẫn canh tác và đóng thuế bình thường.

Dân Đồng Tâm chỉ đòi hỏi quyền lợi ở 59 ha chưa làm thủ tục đền bù và giải tỏa, họ không tranh chấp diện tích 47 ha đã được đền bù năm 1980. Ấy vậy mà chính quyền cương quyết cướp số đất chưa đền bù nói trên.

Biết là đấu lý sẽ thua, nhà cầm quyền không tổ chức đối thoại, không giải quyết khiếu kiện của dân Đồng Tâm. Giải pháp xuyên suốt từ đầu tranh chấp đến nay là cưỡng chế, cưỡng chế và cưỡng chế.

Tóm lại, nhà cầm quyền tấn công Đồng Tâm thực chất là màn cướp tài sản. Họ muốn kiểm soát toàn bộ thông tin, phớt lờ các trình tự pháp lý, không muốn đối thoại với dân và bỏ qua những khiếu nại về bằng chứng lịch sử. Mục tiêu duy nhất họ hướng đến là đè bẹp sự phản kháng để lấy dễ bề chiếm đất, chia tiền.







No comments: