Thursday, January 2, 2020

NORD STREAM 2 : MỸ VẤT VẢ CHEN CHÂN VÀO THỊ TRƯỜNG KHÍ ĐỐT CHÂU ÂU (Minh Anh - RFI)




Minh Anh - RFI
Đăng ngày: 02/01/2020 - 09:30

Cuộc chiến kinh tế và địa chính trị giữa Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu và Nga xung quanh dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 tăng thêm một nấc. Ngày 20/12/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh trừng phạt những công ty châu Âu nào tham gia dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, nối liền Nga với châu Âu. Liên Hiệp Châu Âu, đứng đầu là Đức cùng với Nga cùng lên tiếng phản đối quyết định này của Mỹ.

Liên Hiệp Châu Âu : « Tù nhân » khí đốt của Nga ?
Nord Stream 2 là một dự án xây dựng đường ống xuất khẩu khí ga tự nhiên, đi từ Nga sang Đức, chạy ngầm dưới biển Baltic. Tổng chi phí cho công trình là khoảng 10 tỷ euro mà tập đoàn Gazprom của Nga là chủ đầu tư chính. Ngoài ra còn có sự tham gia của năm tập đoàn châu Âu, trong đó có hai hãng của Đức và một hãng của Pháp là Engie.

Thế nhưng, từ vài năm nay, Nord Stream 2 là tâm điểm chỉ trích của Mỹ. Với sắc lệnh ngày 20/12/2019, tổng thống Mỹ biến « lời dọa » mà Thượng Viện Mỹ thông qua cách nay hơn hai năm, ngày 15/06/2017, thành hiện thực. Theo đó, Hoa Kỳ có thể trừng phạt, nghiêm cấm các ngân hàng và cấm dự đấu thầu các dự án tại Mỹ những doanh nghiệp châu Âu nào có tham gia vào việc xây dựng đường ống dẫn Nord Stream II.

Tại thượng đỉnh NATO ở Bruxelles cách nay một năm rưỡi, ngày 11-12/07/2018, nguyên thủ Mỹ không kiệm lời chỉ trích nước Đức là « tù nhân của Nga ». Chuyên gia Angélique Palle*, trong một chương trình phát thanh của France Culture ngày 14/02/2019 có giải thích rõ vì sao Hoa Kỳ can thiệp sâu vào dự án đường ống dẫn khí này.

« Trong vụ việc này, Mỹ có một lợi ích kép. Trước tiên, họ không muốn nhìn thấy các đối tác châu Âu ngày càng phụ thuộc vào Nga. Thứ đến, bản thân Mỹ còn là quốc gia xuất khẩu khí đốt. Khí đá phiến nổi tiếng của Mỹ bắt đầu xuất hiện tại các cảng biển châu Âu dưới dạng khí ga tự nhiên hóa lỏng (GNL).
Hiện tại, mức tiêu thụ khí này tại châu Âu còn quá thấp, chưa tới 3%. Dù vậy, mức nhập khẩu bắt đầu tăng dần vào cuối năm 2018. Người Mỹ bắt đầu đánh tiếng muốn bán loại khí đốt này nhiều hơn cho châu Âu. Nói một cách khác, muốn trở thành một nhà cung cấp khác thay thế Nga. »

Về điểm này, Francis Perrin, chuyên gia Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược IRIS với đài truyền hình TV 5 ngày 21/12/2019 có lưu ý thêm thị phần của Gazprom tại châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ là đã khá cao (35% thị trường năng lượng).

« Nếu như Nord Stream 2 được đưa vào hoạt động trong những tháng sắp tới và nếu như Nga hoàn thành một đường ống dẫn khác – Turk Stream, đi từ Nga, xuyên qua Hắc Hải, đến Thổ Nhĩ Kỳ, qua Hy Lạp rồi dừng lại ở châu Âu, điều này sẽ cho phép Nga bán được nhiều khí ga hơn cho châu Âu, tăng thêm thị phần tại thị trường khí ga châu Âu. Đây cũng chính là điểm khiến Washington e sợ. Những dự án này sẽ cho phép Nga gia tăng khả năng gây ảnh hưởng đối với Liên Hiệp Châu Âu bằng cách sử dụng khí đốt như là một vũ khí địa chính trị. »

Nord Stream 2 : Đường ống dẫn khí của mọi sự bất đồng
Quan điểm này của chính quyền Donald Trump cũng được một số nước châu Âu tán đồng. Bản thân dự án Nord Stream 2 ngay từ đầu đã gây chia rẽ Liên Hiệp Châu Âu. Mười ba nước thành viên trong khối phản đối mạnh mẽ công trình xây dựng Nord Stream 2. Bruxelles phải mất đến 14 tháng để thuyết phục các nước trong khối chấp nhận dự án, chính thức được thông qua vào ngày 12/02/2019. Nhà nghiên cứu Angélique Palle cho biết rõ những điểm bất đồng trong dự án này.

« Quả thật có một sự bất đồng sâu sắc xung quanh đường ống dẫn khí này vì hai lý do. Thứ nhất là về mặt kinh tế. Vấn đề ở đây là muốn biết xem nước nào là điểm tập trung khí đốt để phân phối lại. Ba Lan cũng ngấp nghé và phản đối Đức về điểm này. Đó là vấn đề kinh tế, chuyện nội bộ trong khối Liên Hiệp Châu Âu.
Rồi còn có khía cạnh ngoài Liên Hiệp nữa, tức là vấn đề đa dạng hóa nguồn cung. Liên Hiệp Châu Âu vốn dĩ đã lệ thuộc rất nhiều vào Nga, chiếm đến 35% thị phần và những nước phản đối dự án, trong đó có Ba Lan, nhấn mạnh đến yếu tố là sự lệ thuộc vào Nga đã tăng dần trước khi có dự án và sự lệ thuộc này sẽ gây hại cho việc trung chuyển khí đốt qua ngả Ukraina, tức là làm suy yếu vị thế của Ukraina đối với Nga. »

Quả thật, một khi hoàn thành và được đưa vào hoạt động, Nord Stream 2 có thể làm biến đổi sâu sắc thế cân bằng địa chính trị tại châu Âu.

« Việc trung chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu ban đầu do Ukraina đảm trách. Trong những năm 2000, đã có khoảng 140 tỷ m3 khí đốt đi qua ngả Ukraina để đến châu Âu. Đầu những năm 2000, chính các cuộc tranh chấp về khí đốt giữa Nga và Ukraina đã có những tác động đến Liên Hiệp Châu Âu dẫn đến việc ngưng cung cấp khí đốt vào mùa đông.
Thế là Nga đưa ra một chiến lược đường vòng mới với việc xây dựng một số đường ống dẫn khí đốt. Ống dẫn Yamal đi qua Ba Lan vận chuyển 33 tỷ m3. Ống dẫn Nord Stream 1 đi xuyên biển Baltic trung chuyển 55 tỷ m3 và giờ đây là Nord Stream 2, cũng có cùng dung lượng 55 tỷ.
Với ba đường ống này, về mặt kỹ thuật, chúng ta có một chọn lựa thay thế Ukraina. Đối với Nga, mục đích có lẽ là nhằm giảm dần phần trung chuyển qua ngả Ukraina trong việc cung cấp khí đốt cho Liên Hiệp Châu Âu và nhất là có thể thương lượng trực tiếp với châu Âu mà không cần đến Ukraina. »

Trừng phạt : Đòn phạt hiệu quả của Mỹ ?
Giờ đây, việc nước Pháp của ông Emmanuel Macron có nhiều dấu hiệu xích lại gần Nga hơn còn làm cho chính quyền Donald Trump thêm cảm thấy bất an. Paris cho rằng Matxcơva là một tác nhân không thể thiếu trong việc xử lý các cuộc xung đột quốc tế lớn như tại Trung Đông, Syria, và cả ở Ukraina… Trong chiều hướng này, nguyên thủ Pháp đã tìm cách đưa Nga trở lại với cuộc chơi quốc tế lớn, nhưng với một số điều kiện. Ngoài ra, tổng thống Pháp còn cho rằng trừng phạt Nga quá tay sẽ bị phản tác dụng. Nước Nga của ông Putin có thể sẽ có những thái độ khắt khe hơn, tiêu cực hơn.

Thế nhưng, theo ông Francis Perrin, Hoa Kỳ, đặc biệt là chính quyền Donald Trump và bộ Ngoại Giao dưới thời Mike Pompeo lại không có cùng cách nhìn, chủ trương có những đường lối cứng rắn trong quan hệ với Nga. « Mỹ cho rằng trước tiên, Matxcơva phải chứng tỏ đáng tin cậy để có thể tái gia nhập trong một số hồ sơ. Trong khi chờ đợi, Hoa Kỳ đáp trả bằng sức mạnh, bằng vũ lực. Nước Mỹ trừng phạt thái độ của Nga trong một số hồ sơ, dưới hình thức các đòn phạt kinh tế ».

Câu hỏi đặt ra : Với sắc lệnh trừng phạt mới này, liệu Hoa Kỳ có thể cản trở việc hoàn tất công trình ống dẫn khí Nord Stream 2 hay không ? Ông Francis Perrin cho rằng đây có thể sẽ là một « vố đau » cho Nga và nhiều doanh nghiệp châu Âu chuyên về xây dựng ống dẫn khí đốt xuyên biển.

« Nhiều doanh nghiệp châu Âu có trụ sở tại Thụy Sĩ và Ý rất có thể sẽ bị trừng phạt theo điều luật này của Mỹ, vừa được thông qua và được tổng thống Mỹ ký. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp đó rất có thể sẽ thấy tài sản của họ ở Mỹ bị phong tỏa. Những hãng này cũng có thể gặp khó khăn trong việc thâm nhập vào lãnh thổ Mỹ vì các lãnh đạo của những tập đoàn này sẽ không được cấp visa thị thực nhập cảnh. Trước một siêu cường hàng đầu, những biện pháp trừng phạt này vốn có khả năng cản trở việc ký kết các hợp đồng có thể trở thành vũ khí răn đe ».

Vẫn theo quan điểm của ông Francis Perrin, bất chấp các áp lực từ Mỹ, Nga vẫn sẽ là quốc gia cung cấp khí đốt hàng đầu cho châu Âu.

« Nhiều nước Trung và Đông Âu hầu như chỉ có Nga là nhà cung cấp khí đốt chính. Nhìn chung, đối với Liên Hiệp Châu Âu, gồm 28 nước và sắp tới chỉ còn có 27 thành viên, Nga là nhà cung cấp hàng đầu, trước cả Na Uy – quốc gia không là thành viên nhưng rất gần về mặt địa lý với Liên Hiệp Châu Âu và tiếp đến là Algeri. Do vậy, trong những năm sắp tới, Nga vẫn sẽ là nhà cung cấp khí đốt số một cho thị trường châu Âu ».

Quan hệ Nga – Mỹ theo dòng Nord Stream 2
Dẫu sao, quyết định này của Mỹ còn phản ảnh rõ mối quan hệ giữa Washington và Matxcơva hiện nay và trong tương lai. Tuy không hẳn như trong thời « chiến tranh lạnh » xưa kia và đã nguội lạnh dưới thời tổng thống Obama, mối quan hệ này nay thêm phần băng giá. Sức ép từ ngoại trưởng Mike Pompeo, vốn dĩ có thái độ thù địch với Nga và Lầu Năm Góc đang đè nặng lên chính quyền Donald Trump, vốn dĩ có một thái độ nước đôi đối với Nga.

Những nhân vật thân cận trong chính quyền cũng như các định chế chính trị của Hoa Kỳ, kể cả Quốc Hội Mỹ, đều thúc đẩy tổng thống Trump giữ một thái độ cứng rắn với Nga, nhất là trong lĩnh vực năng lượng, địa chính trị và địa chiến lược. Do vậy, chủ nhân Nhà Trắng hiện nay không còn chọn lựa nào khác đành phải ký sắc lệnh và áp dụng điều luật này.

Chỉ có châu Âu là kẹt giữa đôi đàng, giữa một bên là siêu cường kinh tế - quân sự, một đồng minh an ninh chiến lược và bên kia, là láng giềng gần, to lớn về địa lý, chính trị và quân sự, nhưng lại là đối tác năng lượng quan trọng.

*
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
.
.
.






No comments: