Sunday, January 12, 2020

MỰC & MÁU (Đặng Xương Hùng) - XÔ VIẾT ĐỒNG TÂM (Trương Nhân Tuấn)




12/01/2020

Nhân sự kiện Đồng Tâm, tôi lại nhắc lại câu chuyện mực và máu.

Khi tiếp ông Trương Quang Được, lúc đó là phó chủ tịch quốc hội, ông chủ tịch Hạ viện Bỉ có nói: “Nước Bỉ của chúng tôi cũng rất phức tạp, chúng tôi tốn rất nhiều mực, nhưng không tốn máu”. Rõ ràng ông chủ tịch đã hàm ý Việt Nam tốn quá nhiều máu để giải quyết câu chuyện của mình. Và cho đến tận bây giờ, khi chính quyền đã nắm chắc trong tay, lãnh đạo Việt Nam vẫn lựa chọn bạo lực và máu để giải quyết mâu thuẫn với chính nhân dân của mình.

Chế độ này đã dã man không chỉ với cụ Kình, gia đình cụ Kình mà cả với những tay chiến sĩ công an đã bị giết (nếu có). Máu của cụ Kình và máu của họ cũng là máu đồng bào, máu của người da vàng, con của Mẹ Việt Nam.

Hãy dừng ngay những kích động dư luận phân rẽ cụ Kình và Đồng Tâm với công an và bộ đội. Giữa họ không có hận thù gì cả. Chỉ có chính quyền là muốn gây ra hận thù giữa họ mà thôi.

Tôi biết đề nghị dưới đây của tôi là hoang tưởng trong lúc này, nhưng tôi đã nghĩ tới và tôi nên nói ra, đó là: Các vị hãy hủy bỏ những huân chương, đứng ra tổ chức truy điệu cho cụ Kình và 3 người lính kia trong cùng một nơi, một lúc. Rồi thừa nhận lỗi lầm, đền bù và xin lỗi đồng bào Đồng Tâm. Tôi dám chắc đồng bào Đồng Tâm sẽ tha thứ.

Đó là cách nghĩ giải quyết bằng mực. Bằng không, hận thù chất chứa, hận thù chồng chất và người lật chế độ này không ai khác đó chính là nhân dân.

Nhân đây, tôi cũng muốn viết xuống những suy nghĩ của tôi đã từ lâu:

1. Những vụ như Đồng Tâm tất yếu sẽ xảy ra. Âm mưu cướp đất nông nghiệp đã có từ thời họ mở rộng Hà Nội, Sài Gòn một cách vô tội vạ. Mở rộng, vừa biến đất nông nghiệp thành đất thành thị, dễ dàng thu hồi theo tinh thần “Nhà nước thống nhất quản lý”, lại vừa tăng “giá trị gia tăng” cho đất dễ bán cho doanh nghiệp, thu hời lớn.

2. Đồng Tâm là tất yếu xảy ra, vì chế độ này không phải chế độ do dân, vì dân. Người dân Việt Nam hiện nay không có ai bảo vệ họ cả. Toàn dân phải nghĩ cách tự bảo vệ mình, tìm cách đối phó. Vậy nên, giữa một bên là một chính quyền không bao giờ chịu nhường dân, chỉ dùng các biện pháp bạo lực, khủng bố: Canh giữ, bắt bớ, bỏ tù, đàn áp và thủ tiêu, với một bên là nhân dân đã dày dạn trong đối phó, khi đến bước đường cùng họ sẽ quằn lên đáp trả. Đồng Tâm là tất yếu.

3. Tôi muốn có vài lời nhắn gửi đến các bạn tôi ở Bộ Ngoại giao. Các bạn là những người “văn minh” nhất trong chế độ hiện nay. Các bạn không có súng, vũ khí của các bạn là đàm phán. Vậy hãy lái chế độ này sang việc sử dụng vũ khí của các bạn đi. Đừng đi theo ông Tô Lâm để củng cố chế độ công an trị nữa. Tôi có cảm tưởng có nhiều vụ các bạn không muốn như vậy, nhưng dường như các bạn đang bị ông Tô Lâm dẫn dắt (vụ Trịnh Xuân Thanh chẳng hạn).

Ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là thành viên trong đoàn ông Trương Quang Được năm đó thăm Bỉ, lúc đó ông Phúc là phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam. Ông Phúc có được nghe câu nói máu và mực của vị chủ tịch Hạ viện Bỉ nói trên. Nhờ các bạn chuyển bài viết này cho ông Phúc hằng mong ông Phúc và các nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam thấm hiểu câu nói máu và mực của quan chức cấp cao Bỉ ngày nào.


-------------------------------------


Vậy ông Trọng mới là người chỉ huy tối cao đứng sau vụ đàn áp đẫm máu Đồng Tâm. Ba người công an, cảnh sát cơ động bị thiệt mạng trong biến cố được ông Trọng ban huy chương “chiến công hạng nhất”.

Thì ra vụ “quân đội nhân dân” và “công an nhân dân” đánh úp “nhân dân” Đồng Tâm lúc 4 giờ sáng là một “cuộc chiến tranh”. Bởi vì, theo qui định của hiến pháp, chỉ có những chiến sĩ hy sinh trong một cuộc chiến vệ quốc mới được vinh danh, được truy tặng “huân chương chiến công hạng nhất”.

Công an, quân đội từ nhân dân mà ra, từ nhân dân mà có. Vụ Đồng Tâm, quân đội và công an theo lời của ai mà mở cuộc hành quân “đánh” (cho chết mẹ) nhân dân?

Hôm qua tôi có viết ý kiến phản đối thủ tướng Phúc về việc vinh danh những người tử nạn trong vụ đàn áp Đồng Tâm. Tôi tưởng rằng đây là chủ trương của ông Phúc. Tôi cho rằng những người tử nạn này có thể chết vì phục vụ cho tài phiệt đỏ hay chết do thiếu chuyên nghiệp. Họ có thể chết vì cấp lãnh đạo đã đánh tráo mục tiêu. Thay vì bảo vệ và thi hành luật họ trở thành những người “ngồi xổm” lên luật. Những người này không hề có công lao gì trong công cuộc “bảo vệ đất nước”. Vinh danh họ như vậy là phỉ báng vong linh của hàng triệu anh hùng liệt sĩ vì nước quên thân.

Thực tế thì tôi viết chưa đủ. Chủ trương vụ này là ông Trọng. Ông Phúc và ông Tô Lâm, là người “đồng lõa”, thừa hành.

Ông Trọng là một người cộng sản hiếm hoi có bộ mã nho nhã thư sinh, có tác phong giản dị bình dân, như một kiểu mẫu “thiên tả” của giới trí thức Tây phương thập niên 60-70. Nhìn rồi phê phán theo bề ngoài là “lầm chết”!

Ông Trọng mới là người có đầu óc cực đoan khuynh tả, chủ trương sử dụng bạo lực để giải quyết những tranh chấp thuộc phạm vi dân sự.

Theo tôi ông Trọng đã phạm sai lầm. Tranh chấp đất đi Đồng Tâm lưu cữu từ nhiều năm. Dân chúng ở đây đã mỏi mệt với lối giải quyết “cù nhây”, lập lờ cả vú lấp miệng em của Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND Hà nội, đại diện cho lợi ích của “nhà nước”.

Bên “nhà nước” nói đất tranh chấp là đất “quốc phòng”. Vấn đề là “nhà nước” không đưa ra được bằng chứng nào. Không có văn bản, cũng không có bản đồ. Chính ông Chung đã ký cam kết với dân Đồng Tâm, nhìn nhận rõ “đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp”. Dân Đồng Tâm không ngờ là sau đó ông Chung “lật lọng”.

Đại biểu QH Dương Trung Quốc, người có ký tên vào giấy cam kết, nhìn nhận là điểm yếu của nhà nước là không đưa ra được văn bản, bản đồ hợp lệ chứng minh đất tranh chấp là “đất quốc phòng”. “Nhà nước” không đưa ra được giấy tờ thuyết phục, vậy giấy tờ của phía ông Lê Đình Kình là hợp lệ.

“Nhà nước” trở mặt, “đánh” với dân không lại trên mặt giấy tờ, “nhà nước” đánh dân bằng “luật rừng”. Nhà nước của ông Trọng, ông Phúc, ông Tô Lâm, ông Chung… là nhà nước phản bội và lật lọng.

Hiện tượng dân Đồng Tâm không tin vào nhà nước trung ương, tự đứng ra tổ chức “chính quyền địa phương” để chống lại áp bức, bất công rõ ràng là mô hình “Xô viết”.

Ta có thể gọi là Xô viết Đồng Tâm. Thập niên 30 thế kỷ trước, dân Nghệ An và Hà Tĩnh sau những cuộc biểu tình chống áp bức của thực dân, tự động tụ hợp lại thành lập chính quyền. Lịch sử gọi đó là “phong trào xô viết Nghệ Tĩnh”.

Đảng cộng sản sống, và lớn lên nhờ bú mớn ở những bầu sữa “Xô viết”. Đảng này lấy sức mạnh từ nơi người dân nổi dậy chống áp bức.

Qua vụ “Xô viết Đồng Tâm”, đảng cộng sản bây giờ đã trở thành một lực lượng “nội xâm”. Lực lượng này đã phản bội lại nguồn gốc của chính họ.







No comments: