Sunday, January 26, 2020

LUẬN TỘI TỔNG THỐNG : GIÁ TRỊ CỦA NỀN DÂN CHỦ MỸ (J.B Nguyễn Hữu Vinh)




J.B Nguyễn Hữu Vinh
January 25, 2020

Quá trình luận tội Tổng Thống Donald Trump đã bước sang giai đoạn mới, kết thúc quá trình điều trần luận tội tại Hạ Viện và chuyển sang Thượng Viện Hoa Kỳ để tiến hành phiên xét xử tại đây.

Trong lịch sử tư pháp Hoa Kỳ, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra việc luận tội một tổng thống đương nhiệm. Điều đó đã xảy ra ít nhất với một số tổng thống trong lịch sử như Tổng Thống Andrew Johnson vào ngày 24 Tháng Hai, 1868, Tổng Thống Bill Clinton vào ngày 19 Tháng Mười Hai, 1998.

Điều này cũng đã đưa đến việc từ chức của Tổng Thống Richard Nixon vào ngày 9 Tháng Tám, 1974, khi biết chắc chắn mình sẽ bị luận tội.

Không chỉ có tổng thống mới bị luận tội. Luận tội là một quyền lực của ngành lập pháp Hoa Kỳ, được dùng đến để chính thức truy tố một viên chức dân sự nào của chính phủ vì những hành động được cho là phạm pháp thực hiện trong khi đang tại chức.

Việc luận tội cũng không chỉ có ở cấp liên bang mà ngay ở các tiểu bang, dựa theo hiến pháp của tiểu bang, cũng có thể tiến hành luận tội viên chức của mình kể cả thống đốc tiểu bang.

Không chỉ tổng thống mới bị luận tội, trong lịch sử Hoa Kỳ đã có hàng chục người, là các thượng nghị sĩ, quan tòa, thẩm phán… đã bị đưa ra luận tội và qua đó, đã bị tước hết chức vụ.

Điều này đặt ra một vấn đề mà các hệ thống tuyên truyền Cộng Sản thường dùng đến để tuyên truyền về một nước Mỹ chia rẽ, phân hóa sâu sắc và lầm suy yếu đất nước.
Tuy nhiên, nhìn kỹ về việc luận tội, điều thấy rõ nhất là giá trị của nền dân chủ Hoa Kỳ.
Việc luận tội Tổng Thống Trump có thể đưa đến kết quả nào, phụ thuộc vào thời gian và quá trình xảy ra tại Thượng Viện. Tuy nhiên, điều đó chứng tỏ một giá trị vững chắc và quyền lực tuyệt đối của luật pháp.

Ở đó, mọi người đều bình đẳng và không ai được đứng trên luật pháp dù ở cương vị, vị trí nào hoặc có chức vụ quan trọng, tài giỏi đến đâu. Nói tóm lại, tại đất nước này, luật pháp được thượng tôn và không có ai được miễn trừ.

Phát biểu khép lại cuộc điều trần tại Hạ Viện Hoa Kỳ trong quá trình điều tra luận tội Tổng Thống Trump, Chủ Tịch Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện Adam Schiff nhấn mạnh việc tồn tại cơ chế luận tội trong Hiến Pháp Mỹ là nhằm ngăn chặn việc một người giữ vị trí lãnh đạo đất nước lợi dụng quyền lực cho lợi ích cá nhân thay vì các vấn đề quốc gia. Ông nói: “Theo quan điểm của tôi, không có gì nguy hiểm hơn một nhà lãnh đạo thiếu nguyên tắc và tự cho là họ đứng trên luật pháp.”

Điều này, khác hẳn ở các nước độc tài, Cộng Sản. Ở những đất nước đó, quyền lực của một cá nhân, một tập đoàn, đảng phái vượt lên trên hết những nguyên tắc, những quy định của luật pháp. Những cá nhân nằm ở đỉnh cao quyền lực, hoặc những tập đoàn, đảng phái chiếm vị trí cai trị, thường được miễn trừ và có quyền lực để thực thi mọi hành động mà luật pháp ngăn cấm.

Nếu như tổng thống Mỹ có thể bị đem ra luận tội trước Quốc Hội, thì ở Trung Quốc, một tổng bí thư, một chủ tịch nước đang tại chức như Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân… và bây giờ là Tập Cận Bình chỉ có thể được dùng để tung hô và ủng hộ từ phía báo chí, từ công luận cũng như tất cả các ngành, các cấp khác nhau, tuyệt đối không hề có một sự chỉ trích nào được chấp nhận. Mặc dù những nhân vật đó chà đạp lên luật pháp hoặc gây những tội ác tầy trời như cuộc thảm sát Thiên An môn hay những tội ác với cộng đồng Công Giáo hầm trú hoặc Pháp Luân Công…

Cũng tương tự, tại Việt Nam, tổng bí thư đảng Cộng Sản có quyền lực vô biên. Tổng bí thư một đảng có thể vượt qua tất cả các cơ quan lập pháp, hành pháp hoặc bất cứ một định chế nào, kể cả Hiến Pháp được đưa ra, để hành động trắng trợn nguy hại đến lợi ích quốc gia, bán đứng lãnh thổ của mình bằng những hiệp ước bí mật với nước ngoài như Nguyễn Văn Linh với bản mật ước Thành Đô, Lê Khả Phiêu với hiệp định Biên Giới năm 1999 và Nguyễn Phú Trọng hiện nay.

Tại đó, mặc dù, Quốc Hội vẫn được định nghĩa là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Tuy nhiên, nghị quyết của đảng được coi là quan trọng bậc nhất, trên cả Hiến Pháp và những luật lệ được Quốc Hội thông qua. Chính Nguyễn Phú Trọng tuyên bố: “Nghị quyết của Quốc Hội rất quan trọng, chỉ đứng sau nghị quyết của đảng.”

Nghĩa là tại Việt Nam, hệ thống luật pháp chỉ được áp dụng với người dân. Cũng có nghĩa là tại Việt Nam, có hai hệ thống công dân, một trong số đó không hoàn toàn bị luật pháp và Hiến Pháp chi phối khi họ mang thẻ đảng viên.

Điều này không chỉ có trên lý thuyết, mà trên thực tế. Phó Giám Đốc Công An Sài Gòn, Thiếu Tướng Phan Anh Minh, trong một lần phát biểu đã cho biết rằng: Chỉ thị số 15 của Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam đã quy định việc điều tra bất cứ đảng viên nào, phải được sự cho phép của cấp ủy mới được tiến hành. Do vậy hết sức khó khăn trong việc điều tra tội phạm tham nhũng và các tội phạm khác về chức vụ. Bởi tuyệt đại đa số những kẻ tham nhũng, là những người có chức vụ, và nguyên tắc của đảng là những người có chức vụ tuyệt đại đa số phải là đảng viên.

Trở lại việc luận tội Tổng Thống Donald Trump hiện nay, việc các cơ quan tư pháp Hoa Kỳ tiến hành các bước luận tội và xét xử, ảnh hưởng đến vị trí chiếc ghế tổng thống Hoa Kỳ hiện nay và việc ứng cử vào chức vụ này như thế nào trong nhiệm kỳ tới, còn phải chờ thời gian trả lời. Nhưng, điều chắc chắn rằng chẳng vì vậy mà chứng tỏ rằng sự chia rẽ, làm suy yếu nước Mỹ đến mức trầm trọng.

Bởi nước Mỹ, từ xưa đến nay chưa bao giờ có một giai đoạn nào người dân ủng hộ tổng thống đến tuyệt đối đến mức 99.79% như cách bầu cử tại Việt Nam đối với Nguyễn Phú Trọng vào chức chủ tịch nước.

Cũng chưa bao giờ, nước Mỹ có một tỷ lệ bầu tổng thống với tỷ lệ 100% số phiếu ủng hộ như Saddam Husein tại Iraq năm nào.

Hoặc như ở Cuba, chính Phiden Caxtro phát biểu: “Cách mạng không kết thúc sau một thời hạn nhất định, vì thế chúng ta không cần phải bầu cử. Tại Châu Mỹ La Tinh này, không có một chính phủ nào dân chủ hơn chính phủ cách mạng của chúng ta…”

Hay như ở Bắc Hàn, trong cuộc bầu cử Quốc Hội được tổ chức ngày 9 Tháng Ba, 2014, lãnh đạo Kim Jong Un đã được bầu làm đại biểu Quốc Hội với 100% số phiếu bầu, không có phiếu trắng hoặc bất hợp lệ.

Nhưng, điều mà ai cũng nhìn thấy rất rõ ràng là tại những đất nước có tỷ lệ bầu cử tuyệt đối, có những lời tung hô tuyệt đối dành cho lãnh tụ, thì ở những đất nước đó chỉ có thể là chế độ Cộng Sản và độc tài.

Và cùng với sự tuyệt đối ủng hộ lãnh đạo đất nước, thể hiện “sự thống nhất,” nền dân chủ giả hiệu ở mức độ càng cao, là mức độ độc tài ngày nặng nề và đất nước càng nghèo đói, khốn đốn cũng với tỷ lệ tương tự.

Tại những đất nước đó, sự tàn bạo, sự đàn áp và nhân quyền bị chà đạp nghiêm trọng cũng tương đương với tỷ lệ ủng hộ lãnh tụ đất nước.

Còn nước Mỹ, xưa nay vẫn cứ chia rẽ, vẫn là sự kiểm soát, giám sát giữa các nhà chính trị, giữa các đảng phái khác nhau và tỷ lệ bầu cử không cao. Nhưng, nước Mỹ vẫn là một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới về mọi mặt từ kinh tế, chính trị, ngoại giao và hầu hết mọi lĩnh vực về trí tuệ của thế giới này.

Và những cuộc luận tội, những phiên tòa vẫn sẵn sàng được tổ chức, được tiến hành cho bất cứ ai có hành động được coi là phạm pháp, không hề có chế độ miễn trừ.
Đó chính là giá trị của nền dân chủ Mỹ đã làm nên một nước Mỹ hùng cường. (J.B Nguyễn Hữu Vinh)






No comments: