Tú Anh - RFI
/ ĐIỂM TẬP CHÍ
Đăng ngày: 11/01/2020 - 10:11
Chiến
thắng của phe dân chủ tại Đài Loan là thảm kịch đối với Trung Quốc. Mỹ-Iran sẽ
quyết chiến bằng mọi giá ? Libya, sân chơi mới của Putin và Erdogan, Nước Úc
trong cơn bão lửa, Mùa Xuân sẽ đến với nước Nga … là những chủ đề nóng bỏng
trên các tạp chí Pháp cuối tuần.
Thế hệ bất khuất
Mục điểm tuần báo được phát thanh trên RFI cũng đúng
vào ngày bầu cử tại Đài Loan. Căng thẳng Mỹ - Trung và phong trào phản kháng tại
Hồng Kông là những ngọn gió đưa Đài Loan lên tuyến đầu thời sự thế giới.
Courrier International đặt câu hỏi : Liệu cuộc tranh luận triền miên giữa thế hệ
già và thế hệ trẻ lần này có tác động gì lên kết quả bầu tổng thống và Nghị viện
? Trong khi đó, L’Express khẳng định : Thế hệ « hoa hướng dương » tham
gia chính trị bảo vệ nền dân chủ mong manh của Đài Loan.
Trước hết, theo Courrier International, mỗi lần bầu
cử là mỗi lần khái niệm « Tổ quốc lâm nguy » được đặt ra tại
Đài Loan. Vấn đề là đối với một bộ phận cử tri, Trung Hoa Dân Quốc, với các định
chế được Tôn Dật Tiên thành lập từ năm 1912 , phải di tản sang Đài Loan vào năm
1949, đang bị lâm nguy vì phe đòi độc lập. Còn phe chủ trương độc lập thì nghĩ
rằng chính Hoa lục mới là mối đe dọa của Đài Loan. Tác động của cuộc tranh cãi
lên kết quả bầu cử ngày 11/01 sẽ rất lý thú đối với giới quan sát.
Dưới bức ảnh đoàn biểu tình ở Cao Hùng ủng hộ Hồng
Kông, đặc phái viên Sébastien Le Benzic của L’Express đưa độc giả tiếp cận với
một số khuôn mặt trẻ tiêu biểu của thế hệ « hoa hướng dương ». Hàng
chục ngàn sinh viên từng bao vây Nghị viện năm 2014, chống dự luận thương mại với
Hoa lục vốn bất lợi cho lao động hải đảo. Những sinh viên đó, sau năm 2014, có
người đi Mỹ, có người qua Thượng Hải học hỏi và làm việc, nay trở về dấn thân
vào các tổ chức chính trị khác nhau, kể cả trong Quốc Dân Đảng.
Cách nay một năm, thế hệ trẻ này đã thổ lộ với
L’Express là họ rất chán đảng Dân Tiến vì đảng này thiếu năng động. Tương lai ở
Thượng Hải có vẻ tươi sáng hơn ở Đài Bắc. Nhưng tình hình Hồng Kông trong một
năm qua đã làm cho thế hệ hoa hướng dương, nay là những thanh niên ở tuổi gần
30, ý thức được việc không thể chấp nhận thống nhất với Hoa lục. Bởi vì Đài
Loan và Trung Quốc là hai chế độ trái ngược : Ở Đài Loan là nền dân chủ mở rộng,
chính phủ phải minh bạch. Còn ở Trung Quốc, chính quyền độc tài bí mật nhưng bắt
dân không được che giấu gì, kể cả đời sống riêng tư.
Trước hiểm họa Trung Quốc, « loài rùa biển
», biệt danh của cộng đồng kiều dân Đài Loan ở hải ngoại, quyết định hồi
hương giúp nước. Brian Hiao, 28 tuổi, chủ nhiệm tạp chí New Bloom (Đóa hoa mới),
cơ quan báo chí độc lập lớn nhất tại hải đảo khẳng định : Câu hỏi chính trị
then chốt ở đây là “Chống hay ủng hộ độc lập ?”. Giữa
Washington và Bắc Kinh, họ phải chọn một trong hai.
Phe Dân Tiến chiến thắng sẽ là kịch bản xấu đối với
Trung Quốc. Người Hoa lục sẽ bị hạn chế đến Đài Loan, các công ty Đài Loan sẽ
rút về quê nhà vì sợ nhân viên bị công an Trung Quốc truy bức, bỏ tù theo lệnh
đảng Cộng Sản.
Đài Loan không sợ cô đơn. Theo chuyên gia Jean
Pierre Cabestan, giáo sư Đại Học Tin Lành ở Hồng Kông, Washington không xem nhẹ
an ninh Đài Loan. Từ tháng 07/2019, Mỹ đã bán cho Đài Loan 10 tỷ đô la vũ khí.
Mỗi năm, hơn 3.000 cố vấn quân sự Hoa Kỳ tới Đài Bắc.
Donald Trump bị báo Mỹ chỉ trích nặng nề …
Vụ ám sát tướng Iran Qassem Soleimani ngày
03/01/2020 tại Bagdad mở ra một tương lai bất trắc. Donald Trump có lường hết
các hệ quả hay không ? Le Courrier International trích dẫn phân tích của các
nhà báo Mỹ phê phán gay gắt chủ nhân Nhà Trắng.
Phe chủ chiến tại Teheran cám ơn Donald Trump. Những
cam go lớn nhất đang chờ trước mắt. Đó là một số phản ứng công kích tổng thống
Mỹ trên báo chí Mỹ. George Packer của The Atlantic cho rằng « Quyết định
ám sát của Qassem Soleihani cho dù có thể biện minh được thì việc này sẽ đưa đến
một cuộc leo thang xung đột với những hậu quả khó lường ». Viên tướng này tuy là một
thành viên cột trụ của chế độ nhưng không phải là thủ lĩnh khủng bố. Bàn tay
ông ta đẫm máu hàng ngàn người, nhưng đó là máu của người Hồi giáo không cùng hệ
phái. Giết ông ta không giải quyết được gì cả.
Vậy thì tại sao Donald Trump ra tay giết Qassem
Soleimani ? Theo nhà báo George Packer, lý do
duy nhất của Trump là mở ra một cuộc chiến mà Mỹ thừa sức thắng. Điều
đáng trách là trong giới
thân cận của tổng thống và bản thân chủ nhân Nhà Trắng, không ai nghĩ đến hậu
quả, và trả lời ít nhất các câu hỏi này : Mục đích chiến tranh của chúng ta
là gì ? Thế nào là chiến thắng ? Làm cách nào để không bị sa lầy ? Nếu
Jerusalem bị oanh kích và Israel nhập trận thì chuyện gì sẽ xảy ra ?...
… nhưng chủ nhân Nhà Trắng được sự ủng hộ trên
báo Pháp
Khác với các đồng nghiệp Mỹ, tuần báo Pháp Le Point
giới thiệu hai bài phân tích nhìn từ góc cạnh chiến thuật. Chính Teheran, chứ
không phải Donald Trump, làm căng thẳng leo thang. Iran nay đã biết Trump ra
tay bất ngờ.
Nhìn từ Teheran, hoàng hôn đã đến với phe ôn hoà.
Theo tuyên bố của một nhà ngoại giao Iran ẩn danh, mũi tên của Donald Trump giết
hai con chim : vừa đóng hẳn khả năng thương lượng một hiệp định hạt nhân mới với
Mỹ, vừa củng cố phe bảo thủ từ trước đến nay vẫn chống hiệp định 2015.
Tuy nhiên, đối với nhà phân tích Luc de Barochez,
không nên xem Mỹ là thủ phạm còn Iran là nạn nhân, theo phản xạ bài Mỹ của phe
tả Châu Âu.
Trong những tháng gần đây, chính Iran đã bắn máy bay
tự hành của Mỹ, uy hiếp thương thuyền quốc tế ở Vịnh Ba Tư, oanh kích các trung
tâm dầu khí của Ả Rập Xê Út mà Washington không có phản ứng gì, đến nỗi Mỹ bị
lên án là co cụm.
Chế độ Hồi giáo có dám đánh lớn hay không ? Theo Luc
de Barochez, thái độ diễu võ dương oai của Iran không có nghĩa là Teheran muốn
chiến tranh. Chế độ này phải lo sống còn trước đã. Bản thân Donald Trump cũng
lo tái tranh cử hơn là chiến tranh.
Đây cũng là ý kiến của Gérard Araud, cựu đại sứ Pháp
tại Washington. Trong bài « Chúng ta không đi đến chiến tranh », tác
giả lý giải : Iran sẽ dẹp hiệp định 2015. Hệ quả là trong những tháng tới sẽ xảy
ra nhiều vụ xung đột có thể làm cho vùng Vịnh rơi vào hỗn loạn nhưng điều chắc
chắn là chính quyền Hồi giáo đã chứng minh họ không phải là một kẻ liều mạng. Từ
nay, họ biết rằng Trump sẵn sàng ra tay một cách bất ngờ.
Libya, sân chơi mới của Putin và Erdogan
L’Express của Ý giải thích vì sao tương lai một lãnh
thổ quan trọng của châu Phi bị bàn tay của Ankara và Matxcơva định đoạt.
Từ khi tướng Haftar, được Nga ủng hộ, tung quân tiến
về Tripoli, lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc bị vi phạm đến 45 lần.
Haftar được hàng ngàn quân đánh thuê của Nga, Wagner, với những tay súng thiện
xạ và chiến binh tinh nhuệ giúp sức đe dọa chính quyền Tripoli, chế độ được
Liên Hiệp Quốc công nhận, đến mức nguy ngập. Trong lúc đó, châu Âu, Ý và Pháp mải
lo chia rẽ nhau. Pháp ủng hộ Haftar vì muốn chặn di dân, còn Ý, vì là mẫu quốc
cũ của Lybia, nên muốn giúp chính quyền trung ương ổn định.
Lợi dụng Châu Âu không có một chiến lược chung, Nga
và Thổ Nhĩ Kỳ mặc sức thao túng. Tháng 01/2020, Ankara đưa quân sang Libya giúp
Tripoli. Theo chuyên gia quốc tế, Erdogan và Putin không phải là bạn nhưng cũng
không phải là thù. Bản thân Putin cũng không tin Haftar đủ sức đánh thắng, cho
nên, hai bên Thổ và Nga sẽ « đồng tình » với nhau chia chác
quyền lợi địa chiến lược và tài nguyên của Libya.
Cuộc tự sát khí hậu : Nước Úc trong mùa hè hỏa
ngục.
Với bức ảnh một con Kangourou trốn lửa và bức hí họa
thủ tướng Morrison chữa cháy bằng than đá, Courrier International minh họa tình
hình nghiêm trọng tại Úc với tựa ngắn : Cuộc tự sát khí hậu.
Các bài xã luận báo chí quốc tế và Úc có cùng một kết
luận : Với một nền kinh tế đặt trọng tâm lên tài nguyên quặng mỏ, nước Úc không
dứt khoát tiến hành các biện pháp chống khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Từ năm 1996, (từ thời nghị định thư Kyoto), các
chính phủ khác nhau tại Úc đã kháng cự lại mọi thỏa thuận về môi trường. Hậu quả
là Úc trở thành nạn nhân đầu tiên của chính sách này.
Nga : Mùa Xuân sẽ đến
Về thời sự nước Nga, trong khi dân chúng than phiền
ngày đầu năm 2020 Matxcơva không có tuyết, Kommersant tiên liệu : không bao lâu
nữa mùa xuân sẽ đến.
Nhật báo còn tương đối độc lập tại Nga dành một bài
với tựa « Xã hội công dân Nga giữa hưng phấn và trầm cảm » để
phân tích diễn tiến, đúng hơn là từng thành quả nhỏ nhưng cụ thể trong cuộc đọ
sức với chế độ Putin trong năm qua.
Đó là những cuộc đấu tranh chống chính sách đưa rác
thủ đô về tỉnh lẻ, chống các bản án bỏ túi, chống những bản cáo trạng vu khống
nạn nhân chống người thi hành công vụ trong khi nghi can, thật ra là một kẻ qua
đường, vô tình đi ngang một cuộc mít-tinh.
Thái độ đồng lòng của giới nghệ sĩ, tinh thần đoàn kết
của giới phóng viên, kể cả những người làm việc cho cơ quan tuyên truyền đã
giúp cho ít nhất bốn tù nhân hay nghi can thoát nạn. Theo báo Kommersant, phong
trào tranh đấu này làm sáng tỏ những nhược điểm, những sai trái trong bộ máy tư
pháp. Ý thức công dân, do các nhà tranh đấu dấn thân đánh động, cuối cùng đã
lan ra đến những người dân vẫn có truyền thống trung thành với chế độ và công
chức cao cấp.
Đích thân tổng thống Putin phải « quyết định
» điều chỉnh một vài vụ án oan sai, cách chức tướng cảnh sát ngụy tạo
chứng cớ. Tuy nhiên, con đường dân chủ hóa và tự do cho dân Nga thật sự còn xa.
Mượn hình ảnh hiếm hoi trong mùa tết dương lịch năm
nay Matxcơva không có tuyết, Kommersant triết lý : Tuyết sẽ có thời giờ để đến,
nhưng điều quan trọng nhất là mùa xuân. Mùa Xuân không còn xa lắm!
*
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
.
.
No comments:
Post a Comment