16/03/2019
“Chiến tranh Việt Nam đã
được lý giải chính thức từ phía Việt Nam, trong đó không có tiếng nói của người
miền Nam. Người Mỹ cũng lý giải tương tự về cuộc chiến ấy, vẫn không có câu
chuyện của người miền Nam.” Tiffany Chung chia sẻ về nỗ lực giới thiệu góc nhìn
về người tị nạn Việt, vốn ít khi được nhắc tới trong lịch sử cuộc chiến Việt
Nam.
Một bức tranh màu
nước về người tị nạn chiến tranh Việt Nam tại triển lãm "Tiffany Chung:
Vietnam, Past is Prologue" (Quá khứ là sự khởi đầu) ở bảo tàng Nghệ thuật
Mỹ Smithsonian.
Là một nghệ sỹ đương đại
Mỹ gốc Việt và bản thân là người tị nạn, Tiffany nghiên cứu trong nhiều năm về
di sản cuộc chiến cùng những hậu quả để lại, thông qua các di vật, như bản đồ,
video và các bức tranh nêu bật tiếng nói và những câu chuyện của những người từng
là tị nạn.
Tiffany Chung, nghệ
sỹ đương đại Mỹ, đang trình bày về các tác phẩm của cô tại triển lãm đầu tiên tại
bảo tàng Smithsonian.
“Một số người chọn viết sách để nói về cuộc chiến. Đối với tôi tiếng nói
của những người miền Nam Việt Nam về chiến tranh sẽ không phải là cái gì mang
tính hư cấu hay vật chất,” Tiffany nói trước cuộc triển
lãm đầu tiên của cô tại Bảo Tàng Nghệ Thuật Hoa Kỳ Smithsonian (Smithsonian
American Art Museum), Washington D.C. “Do
đó tôi chọn cách làm tư liệu trực tiếp – để họ trực tiếp kể câu chuyện của bản
thân họ.”
Nhưng đó không phải là điều dễ dàng.
“Tôi đã mất đến hơn 40 năm để có thể đối mặt với cuộc chiến tranh ở Việt
Nam và lịch sử cá nhân, bao gồm cả thân phụ tôi, và cả tôi,” Tiffany nói.
Hành trình của bố
Cách đây 16 năm, Tiffany bắt đầu về thăm Việt Nam,
tìm hiểu câu chuyện bố cô bị bắt làm tù binh chiến tranh và câu chuyện của mẹ
cô chờ đợi trong vô vọng cho sự trở về của chồng mình, nơi gần vĩ tuyến 17.
Nhưng chỉ đến khi tình cờ thấy một tấm ảnh của bố,
Chung Tử Bửu, trong trang phục phi công trước một chiếc trực thăng tại Lộc Ninh
năm 1970, cô mới quyết định quay trở lại Việt Nam để tìm hiểu những “chiến trường
trên không”, nơi thân phụ từng tham chiến. Những chiến trường này cùng các chiến
dịch mà thân phụ cô từng tham gia, trong đó có chiến dịch Lam Sơn 719, và những
sự kiện lịch sử khác của chiến tranh Việt Nam, được Tiffany đưa vào một biểu đồ
minh họa bằng hình ảnh và chú thích trưng bày tại Bảo Tàng Nghệ Thuật Hoa Kỳ
Smithsonian.
Bức tranh mà Tiffany Chung tìm thấy về bố cô, phi
công Chung Tử Bửu, được trưng bày tại triển lãm.
“Những di vật ấy khiến tôi thực sự đào sâu vào để bắt đầu những gì tôi
làm về chiến tranh Việt Nam hôm nay,” Tiffany nói. Qua
những tìm hiểu về bố mình, cô biết được nhiều điều về chiến tranh Việt Nam, về
Cuộc hành quân Hạ Lào, nơi bố cô tham chiến, và Mùa hè Đỏ lửa 1972.
Trực thăng ông Chung Tử Bửu bị bắn hạ; và ông bị
quân miền Bắc bắt ở Lào trong chiến dịch Lam Sơn 719, 1971. Ông bị giam trong
tù đến năm 1985, và 5 năm sau khi được trả tự do, cả gia đình đến Mỹ. Tiffany,
sinh ra ở Đà Nẵng khi cuộc chiến đang ở cao trào năm 1969, cho biết gia đình cô
cũng đã nhiều lần tìm cách vượt biên và bản thân cô từng bị giam trong tù trước
khi đến được Mỹ.
“Cuộc chinh phục cá nhân tôi đã mở đường đến những ký ức tổng hợp của người
miền Nam Việt Nam về cuộc chiến đã để lại ảnh hưởng lớn đến cuộc sống nhiều người.”
Trước khi dựng nên các tác phẩm nghệ thuật về chiến
tranh Việt Nam, Tiffany từng có các tác phẩm nghệ thuật về cuộc khủng hoảng tị
nạn Syria. Việc tìm hiểu những câu chuyện người tị nạn Syria đã giúp Tiffany vượt
qua được “chính bản thân để đối diện với chính mình và nói về câu chuyện của
mình.” Cô thấy có sự tương đồng của hai cuộc khủng hoảng tị nạn Việt Nam và
Syria – đều là nội chiến và có rất nhiều người tị nạn. “Đó là vì sao tôi trở lại
(để đối diện chính mình).”
Lịch sử bỏ quên
Nói về chiến tranh Việt Nam thì phải nói về người Việt
Nam ở cả hai miền Nam và Bắc, theo Tiffany, người từng có thời gian trở về Việt
Nam tham gia thành lập “Sàn Art,” một diễn đàn nghệ thuật cho nghệ sỹ trẻ trong
nước.
“Ai cũng có lý do tham gia cuộc chiến. Việt Nam đã có lý giải của họ
nhưng tôi quan tâm tới câu chuyện của những người thua cuộc. Mình thua trận,
thua cuộc chiến. Trẻ con lớn lên trong trường chỉ
được dạy về góc nhìn của chính phủ Việt Nam, còn góc nhìn của người miền Nam Việt
Nam thì bị xóa bỏ hoàn toàn.”
Theo cô, lịch sử người Việt tị nạn bị xóa sạch trong
lịch sử chính thống của Việt Nam.
Một trong 21 người tị nạn miền Nam Việt Nam đến Mỹ
được phỏng vấn trong các video trình chiếu tại triển lãm.
Để những câu chuyện của người miền Nam được biết đến,
Tiffany phỏng vấn hàng chục người tị nạn Việt tại Mỹ và chọn 21 cuộc phỏng vấn
qua video, trong đó có thân phụ cô, để trưng bày tại viện bảo tàng Smithsonian
trong triển lãm có tên “Quá khứ là sự khởi đầu” (Tiffany Chung: Vietnam, Past
is Prologue), mở cửa cho công chúng từ ngày 15/3 đến 22/9 năm nay.
Tiffany gọi đây là nỗ lực “dù chưa hoàn chỉnh để nói lên được một khía cạnh nào đó về chiến tranh
Việt Nam.”
“Bao nhiêu người tị nạn trải qua những kinh nghiệm giống nhau. Nỗ lực của
mình là nhằm nói lên một phần của (chiến tranh) Việt Nam, vốn đã không được đưa
vào lịch sử chính thống (của Việt Nam) cũng như không được người Mỹ quan tâm đến
nhiều.”
Tác phẩm trưng bày tại triển lãm này còn có những bức
tranh màu nước được vẽ dựa trên những bức ảnh mà cô tìm được trong quá trình
nghiên cứu về di dân Việt Nam sau chiến tranh tại kho lưu trữ của Cao ủy tị nạn
Liên hợp quốc (UNHCR) tại Geneva, Thụy Sĩ.
Các bức tranh màu nước được chuyển thể từ những bức ảnh
về thuyền nhân chiến tranh Việt Nam được Tiffany Chung tìm thấy tại kho dữ liệu
của UNHCR.
Những bức tranh, được một nhóm họa sỹ trẻ của Việt
Nam chuyển thể từ các bức ảnh tư liệu, cho thấy hình ảnh những nạn nhân chiến
tranh Việt Nam trên các con thuyền tìm cách vượt biển để đến một nơi nào đó
trên thế giới.
Trong số khoảng
1,6 triệu người Việt Nam tái định cư từ 1975 đến 1997, hơn 700.000 người là
thuyền nhân, theo thống kê của UNHCR. Cơ quan này ước tính khoảng
200.000-400.000 thuyền nhân đã bỏ mạng trên biển.
Một thế
giới khác
Tiffany tới UNHCR hàng năm để làm các nghiên cứu và
qua đó cô “mới biết được người Việt Nam
đã đi đến nhiều nơi trên thế giới, gồm châu Phi, Mỹ La tinh và Trung Đông,
ngoài những nơi mà mọi người đều biết là Mỹ và châu Âu.”
Những tuyến đường người tị nạn Việt Nam vượt qua để
tìm đến nơi “an toàn hơn” Việt Nam lúc đó đã được Tiffany đưa vào một tấm bản đồ
lớn bằng vải thêu cũng được trưng bày tại triển lãm này.
Tấm bản đồ thêu trên vải về các đường di chuyển của
người tị nạn rời Việt Nam tới các nơi trên thế giới sau chiến tranh.
Mặc dù được đào tạo về nhiếp ảnh và Nghệ thuật
Studio ở California, Tiffany lại từng là một người vẽ bản đồ. Chính cô đã vẽ lại
những đường di chuyển của người tị nạn chiến tranh Việt Nam trên một tấm bản đồ
giấy và sau đó được chuyển thể sang hình thêu trên vải.
“Rất nhiều những thứ này không được nói tới trong văn hóa và nghệ thuật của
(Mỹ). Nó thậm chí không được nhắc tới trong lịch sử,” Sarah Newman, phụ trách nghệ thuật đương đại của Bảo tàng Nghệ thuật Hoa
Kỳ Smithsonian, nói. “(Tiffany Chung) đã
tới trung tâm lưu trữ của UNHCR và nghiên cứu để tìm ra những người (Việt) đi
đâu sau chiến tranh, họ đi con đường nào và họ tới đâu trên thế giới này. Cô ấy
chuyển thể chúng vào hình thức tác phẩm nghệ thuật và chúng trở nên rất quan trọng
cho tư liệu lịch sử của chúng ta; đưa chúng ta tới một thế giới hoàn toàn
khác.”
Tiffany gọi sự vắng bóng những tiếng nói của người tị nạn Việt trong lịch
sử chiến tranh Việt Nam là một sự “bỏ quên lịch sử do ảnh hưởng của chính trị.”
“Người tị nạn không được nhắc tới trong truyền thông chính thức. Họ không
được bàn tới. không được nhớ tới,” Tiffany nói. “Mọi người đều có quyền được biết về lịch sử,
ký ức và sự thật.”
Theo người nghệ sỹ hiện đang sống ở Houston, Texas, “Nhớ tới nó để hiểu về nó. Để lịch sử không
lặp lại lần nữa.”
No comments:
Post a Comment