Thursday, March 28, 2019

BẢN TIN NGÀY 28/3/2019 (Báo Tiếng Dân)




28/03/2019

Tin Biển Đông

AMTI thuộc Trung Tâm CSIS ở Mỹ nhận định: Bắc Kinh có ý định mở rộng đòi hỏi chủ quyền bên ngoài đường lưỡi bò ở Biển Đông, RFA đưa tin. Theo đó, “Trung Quốc không hề che giấu ý định cuối cùng sẽ tuyên bố đường cơ sở thẳng quanh phần còn lại của những thực thể tại Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Trường Sa”. AMTI lưu ý, đó là chiến lược nhất quán đã được TQ khởi sự từ cuộc xâm lược Hoàng Sa năm 1974.

Bài viết cảnh báo: “Dù với khả năng nào thì với đường cơ sở thẳng, đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông cũng sẽ vượt ra ngoài khuôn khổ đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này đã vẽ ra trên biển trước đó”.

Báo Công Lý bàn về vấn đề Biển Đông: Canada ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN. Trong hội nghị Đối thoại ASEAN-Canada lần thứ 16 tại thủ đô Ottawa, Canada, hai phía đã “chia sẻ lo ngại về những diễn biến trên thực địa tại Biển Đông, nhất là các hoạt động quân sự hoá ngày càng gia tăng, dẫn đến leo thang căng thẳng và mất ổn định tại khu vực”. Canada ủng hộ “lập trường nguyên tắc của ASEAN về tầm quan trọng” của chuyện duy trì hoà bình và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông.


Kỷ luật quan chức liên quan tới Cty Tân Thuận

UBKT Thành ủy TP.HCM kỷ luật nhiều cán bộ liên quan tới công ty Tân Thuận, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Cơ quan này đã tiến hành khai trừ Đảng đối với ông Trần Công Thiện, cựu Bí thư Chi bộ Công ty Tân Thuận; cách chức Đảng ủy viên Cơ quan VP Thành ủy đối với ông Huỳnh Phước Long, cựu Trưởng phòng Quản lý – Đầu tư kinh doanh vốn; khiển trách ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐTV công ty.

Nhóm cán bộ này đã “vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý đất đai, kinh doanh bất động sản, quản lý doanh nghiệp” khi đề xuất chấp thuận chủ trương cho Công ty Tân Thuận “chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại Dự án Khu Dân cư Phước Kiển” và “chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Dự án Khu dân cư ven sông”.


Sai phạm đất đai

Báo Dân Việt đặt câu hỏi: Mở rộng Tân Sơn Nhất trái quyết định Thủ tướng và trách nhiệm của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể? Theo đó, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành đã thống nhất phương án điều chỉnh quy hoạch mở rộng Tân Sơn Nhất, nhưng Bộ GTVT “vẫn chậm trễ thực hiện. Có ý kiến cho rằng Bộ GTVT đang vi phạm chủ trương của cấp trên, có dấu hiệu chống đối, coi thường chỉ thị của Thủ tướng”.

Bài viết đặt ra một số câu hỏi khá nhạy cảm với Bộ GTVT: “Làm trái kết luận của Thủ tướng thì phải giải trình, báo cáo Thủ tướng lý do tại sao lại chậm trễ? Việc Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký các quyết định về quy hoạch Tân Sơn Nhất có báo cáo Bộ trưởng hay không? Việc không thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ mà lại giao cho tư vấn trong ngành GTVT thì ai chịu trách nhiệm việc này, Bộ trưởng hay Thứ trưởng ký văn bản?”


“Một người làm quan, cả họ được nhờ”

VietNamNet có bài: Rất nhiều trường hợp bố là giám đốc sở, con làm trưởng phòng. Thông tin này được xác nhận bởi Phó chánh Thanh tra tỉnh Hòa Bình Phạm Tiến Dũng. Ông Dũng dẫn chứng trường hợp “bố là Giám đốc sở Tài chính, con làm Trưởng phòng Ngân sách” rồi khẳng định “đấy chính là xung đột lợi ích”.

Theo ông Dũng, “đã phòng chống tham nhũng thì nên chăng quy định bố làm giám đốc sở thì con đi làm chỗ khác. Như vậy thì việc xung đột lợi ích mới hết được”. Phải đợi đến khi các đường dây con ông – cháu cha đã bắt rễ chằng chịt trong hệ thống của chế độ thì một số quan chức CSVN mới nhận ra mối nguy của vấn nạn này.

Báo Giao Thông đặt câu hỏi: Bổ nhiệm em trai Bộ trưởng Bộ TN-MT làm Tổng cục trưởng có đúng quy trình? Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TN-MT chiều 27/3, khi được hỏi chuyện bổ nhiệm ông Trần Hồng Thái, em trai Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn có đúng quy trình, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Phạm Tân Tuyến khẳng định: “Việc bổ nhiệm cán bộ được tiến hành từ nguồn tại chỗ và được thực hiện theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước”.

Bên cạnh đó, Bộ TN-MT nói về “mối quan hệ” giữa Phó Tổng cục trưởng với nữ Viện trưởng, VOV đưa tin. Vụ vợ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai tố cáo chồng có  “quan hệ tình cảm” với một nữ Viện trưởng Viện nghiên cứu thuộc cơ quan này, Thứ trưởng TN-MT Lê Công Thành chỉ trả lời: “Hiện tại chúng tôi đang trong quá trình kiểm tra, làm rõ thông tin trên”.

Trước đó, Văn phòng Đảng uỷ Bộ TN-MT xác nhận, Ban Thường vụ Đảng uỷ Bộ đang giải quyết đơn tố cáo vụ này. Đơn tố cáo còn đề nghị làm rõ chuyện thăng tiến nhanh của nữ viện trưởng và chuyện ông Phó Tổng cục trưởng đã “sắp đặt” cho “nhiều con cháu, người thân vào làm việc” tại Tổng cục QLĐĐ và các đơn vị thuộc Bộ TN-MT.


Tin nhân quyền

RFA đưa tin: Công an Việt Nam thẩm vấn nhà hoạt động Nguyễn Quang Hồng Nhân vừa bị Đức trục xuất. Cô Nguyễn Quang Hồng Ân, con gái ông Nhân, chia sẻ với RFA: “Bỗng dưng ngày hôm qua 26/3, một tốp cảnh sát chừng 6 hay 7 người ập vô, sau đó lên đến hơn 10 cảnh sát, họ đến chẳng nói gì cả, chỉ nói là phải rời khỏi đây. Em phải cố gắng hết sức để hỏi họ thì họ nói là có lệnh tống xuất Ba em về Việt Nam”.

Cô Ân cho biết: “Em đã liên lạc được với Ba ở Việt Nam, Ba cho biết công an đã thẩm vấn Ba, hiện Ba rất xuống tinh thần. Sau đó họ đưa Ba đi đâu thì em không rõ”. Phía Cơ quan Di trú Liên bang Đức từ chối trả lời RFA về trường hợp của vợ chồng ông Nhân, “lấy lý do để bảo vệ thông tin cá nhân trong thủ tục xin tị nạn”.

Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Quang Hồng Nhân cùng vợ và con gái. Nguồn: RFA

Chức sắc Cao Đài độc lập lại bị công an mời làm việc, theo RFA. Chánh trị sự Hứa Phi, Trưởng khối Nhơn sanh GHCĐ Tây Ninh Chơn truyền, cho biết: “Tôi đã nhận được 3 giấy mời ngày 7, ngày 8 và ngày 10 tháng 3 với cùng một nội dung là ‘có tên trong Liên minh Việt Nam Độc lập Dân chủ’. Tôi không đi nên sáng 14/3 họ áp giải tôi xuống công an huyện Đức Trọng làm việc”.

Ông Phi nói thêm: “Họ muốn moi tin tức nên hôm 26/3 họ gởi tôi một giấy mới yêu cầu 4 giờ chiều 27/3 phải có mặt tại công an huyện Đức Trọng. Giờ tôi còn nằm trên giường bệnh nên tôi không đi đâu hết, nhưng tôi cũng khẳng định là tôi khỏe tôi cũng không đi”.


“Lực lượng nòng cốt” của đảng

Chuyện ở Công ty Great Global International, huyện Gia Viễn, Ninh Bình: Gần 1.000 công nhân bỏ ăn trưa vì nghi thực phẩm bẩn, VTV đưa tin. Một số công nhân kể, trưa 26/3/2019, “khi công nhân ở các xưởng nghỉ để xuống nhà bếp ăn cơm trưa phát hiện thức ăn có mùi lạ. Ngay sau đó, nhiều công nhân dừng ăn, vào bếp kiểm tra thì phát hiện nhà bếp sử dụng dầu ăn, mì chính không chính hãng”.

Bài báo cho biết: “Khi gần 1.000 công nhân dừng ăn để phản đối thì phát hiện phía nhân viên nhà bếp chở một xe gà đông lạnh đựng trong 6 bao tải có lẫn cả thịt lợn đã bốc mùi hôi, thối tuồn ra ngoài để tẩu tán”.

Báo Kiến Thức đặt câu hỏi: Nghi vấn thức ăn của Công ty Great Global International có mùi hôi thối? Chiều 27/3, ông Lê Hữu Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Ninh Bình cho biết, cơ quan này đã “kiểm tra giấy tờ liên quan của Công ty TNHH Việt Nam EOC – đơn vị cung cấp các suất ăn tại Công ty TNHH Great Global International. Đồng thời, lấy mẫu thức ăn, mẫu dầu ăn, mì chính để xét nghiệm để làm rõ. Dự kiến sau một vài ngày nữa mới có kết luận xác minh về thực phẩm trên”.

Công nhân phát hiện nhân viên nhà bếp chở gà đông lạnh đi tẩu tán. Ảnh: LĐ


“Cát tặc”, “đất tặc” lộng hành

Báo Thế Giới Tiếp Thị bàn về cuộc chiến giành đất của dân bên sông Hương trước nạn trộm cát. Một số người dân TP Huế kể, đêm 26/3, họ “nghe động cơ của bọn khai thác cát trên sông Hương gầm rú. Dân hò nhau ra xua đuổi để bảo vệ những mảnh vườn trước nguy cơ sạt lở xuống sông. Nhưng nhóm trộm chống cự, đuổi đánh và chém trọng thương một người”. Người dân ở đây đã túc trực để xua đuổi “cát tặc” từ nhiều đêm trước.

Một người dân kể: “Trước kia bờ cách vườn cả mét, nhưng giờ sạt lở vô đến tận mép cây rồi. Nếu không xử lý nạn trộm cát ni thì sẽ còn sạt lở nhiều nữa”. Lãnh đạo phường Thủy Biều, TP Huế, hứa sẽ báo cấp trên và các cơ quan chức năng, nhưng không có gì thay đổi, “cát tặc” vẫn lộng hành.

VTC đưa tin: Đuổi ‘cát tặc’, hai nông dân bị đánh hỏng mắt, rách đầu. Theo đó, ông Hoàng Trọng Niệm là người bị “cát tặc” dùng dao rựa tấn công đến bị thương nặng ở vùng đầu, trong vụ người dân phường Thủy Biều đuổi “cát tặc” đêm 26/3. Trước đó, đêm 21/3, một người dân khác là ông Võ Văn Lẹ cũng tham gia truy bắt và bị “cát tặc” dùng gậy đánh, có nguy cơ hỏng mắt.

Ông Lẹ có nguy cơ hỏng mắt vì bị những kẻ khai thác cát trộm trên sông Bồ hành hung. Nguồn: VTC

Cũng như các vụ “cát tặc” lộng hành trước đó, quan chức hứa sẽ “xử lý nghiêm”, nhưng nhiều khả năng, “xử lý nghiêm” của họ có nghĩa là để “cát tặc” lộng hành và bỏ mặc người dân tự mình tìm cách bảo vệ bờ sông.

Báo Lao Động có bài: Doanh nghiệp mặc sức khai thác đất trái phép, dân khốn khổ vì bụi. Bài báo cho biết: “Nhiều ngày gần đây, trên địa bàn xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An), hàng chục xe trọng tải lớn nối đuôi nhau chở đất ra khỏi địa bàn xã”. Tuy nhiên, mỏ đất này hoạt động giữa “thanh thiên bạch nhật” mà không có giấy phép hoạt động khai thác, cũng không bị cơ quan chức năng nào xử lý.

Một người dân địa phương phản ánh: “Họ lấy đất chạy rầm rộ, bụi bay mù mịt vậy đã hơn một tuần nay. Mấy lần dân phản ánh, thấy có cán bộ vào xử lý và hoạt động này dừng được một hôm, không hiểu sao hôm sau lại được làm tiếp”.


Cán bộ bắt tay lâm tặc phá rừng

Hậu vụ phá rừng tại Quảng Bình: Cách chức trạm trưởng trạm bảo vệ rừng, báo Lao Động đưa tin. Công ty Lâm Công nghiệp Long Đại xác nhận đã kỷ luật và cách chức ông Hoàng Văn Toản, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Trường Sơn “vì để xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng đang gây xôn xao dư luận”.

Bài viết lưu ý: “Khu vực rừng gỗ lim quý bị chặt phá nằm trong rừng sản xuất trồng cây keo lai. Rừng lim có khoảng cách rất gần với Trạm quản lý và bảo vệ rừng. Vụ phá rừng trên xảy ra vào thời điểm cuối năm 2018 nhưng đến giữa tháng 3/2019, cơ quan chức năng mới phát


Ô nhiễm môi trường
Báo Tuổi Trẻ có bài: Trời mù mịt, không khí ô nhiễm bao phủ Hà Nội. Theo đó, “Hà Nội đang trở lại những ngày không khí ở ngưỡng kém và xấu kèm theo hiện tượng nghịch nhiệt, toàn bộ các chất ô nhiễm bị lưu giữ ở tầng thấp khiến bầu không khí thủ đô mù mịt và khó thở”. Người dân “cảm nhận rõ bầu không khí ở Hà Nội đặc quánh, khó thở, trời mù mịt”.

Còn ở thủ phủ miền Nam, đường đầy bụi; NO2, tiếng ồn vượt chuẩn: Người Sài Gòn cần đeo khẩu trang bảo vệ mình, theo báo Thanh Niên. Bài viết cảnh báo: “Chỉ số quan trắc trong 10 năm qua cho thấy các chỉ số luôn vượt mức quy chuẩn”. Ở Cát Lái, chỉ số bụi “đã không nằm ngoài dự đoán, năm 2016 là 777μ/m3 và 2019 là 904μ/m3, trong khi quy chuẩn là 100μ/m3. Chỉ số này được Trung tâm quan trắc giải thích là vì mật độ giao thông tại khu vực này quá dày đặc”.


Tin giáo dục

Báo Thanh Niên bàn về vụ xâm hại tình dục tập thể một nữ sinh: Một bộ phận người trẻ nhận thức pháp luật quá kém. ThS. Lưu Đức Quang phân tích: “Nhìn ở góc độ tuyên truyền pháp luật, có thể thấy nhận thức pháp luật của một bộ phận người trẻ đang rất kém. Họ chưa nhận thức đúng được quyền của mình và quyền của người khác. Đôi khi họ thực hiện hành vi nhưng không biết mình đang xâm hại vào quyền của người khác”.

Zing có bài: Hiệu trưởng chịu trách nhiệm nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường. Sau nhiều vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học, Sở GD&ĐT TPHCM mới “khuyến khích các cơ sở giáo dục phối hợp ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia giám sát các bếp ăn tập thể và suất ăn công nghiệp, căng tin tại các trường học”.

VTC đưa tin: Phụ huynh ở Quảng Nam tố giáo viên đánh vào đầu khiến con trai bị chấn động não. Bà Trần Thị Thu Thủy, ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, cho biết, chiều 18/3, khi tắm cho con bà là Nguyễn Sư Quang Triều, (học tại Trường mầm non Đại Đồng), thì Đồng kêu đau và khóc. Sau đó, Triều liên tục nôn mửa và mệt mỏi.

Bà Thủy kể: “Khi tôi hỏi ở trường có ai đánh con không thì Triều bảo bị cô Y tát vào đầu. Lớp nhỏ của cháu có 2 cô, ngoài cô Yến còn có cô M”. BS khoa Ngoại thần kinh, BV Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, chẩn đoán “Triều bị chấn động não”.

Kết quả chẩn đoán cháu Triều bị chấn động não. Nguồn: VTC

Zing dẫn lời Thiếu tướng Lê Văn Cương bình luận vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình: “Thí sinh gian lận ngồi nhầm chỗ đã cướp đi cơ hội của người khác”. Ông Cương cho rằng, “điều này không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội. Do vậy, những phụ huynh chạy điểm cũng cần phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật, xử lý hình sự hoặc hành chính”.

Đến nay, các Sở GD&ĐT ở tỉnh Hòa Bình và Sơn La “đều chưa công bố danh sách thí sinh liên quan gian lận. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hòa Bình khẳng định sở này không công bố danh sách thí sinh được nâng điểm vì sợ làm ảnh hưởng tâm lý thí sinh”. Dĩ nhiên, mọi người đều hiểu mấy quan chức giáo dục này sợ đụng chạm đến các quan lớn, chứ chẳng ngại gì thí sinh cả.


***







No comments: