15/03/2019
Nhật
Ký Biển Đông hai tuần đầu Tháng Ba ghi nhận những biến chuyển quan trọng như
sau:
Tình hình Hoa Kỳ:
-ABC News ngày 6/3/2019: “Cảnh Sát Pinellas County, Florida nói rằng,
hai chị em gái bị cáo buộc giết người cha 85 tuổi trong một âm mưu hoàn hảo lạnh
người, chỉ bị khám phá bốn năm sau, nhờ một người đàn ông ngủ cả với hai chị
em khai ra. Linda Roberts 61 tuổi và Mary Beth Tomaselli 63 bị bắt và buộc
tội sát nhân vì giết cha mình là Anthony Tomaselli năm 2015.”
Thật lạ kỳ. Người ta thường nói rằng “Con gái thường hay thương cha. Còn con
trai thì hay thương mẹ.” Nhưng cả hai chị em này lại âm mưu giết cha mình. Thế
mới hay trong chuyện kỳ quái lại có chuyện kỳ quái. Phải chăng đây là “tiền oan
nghiệp chướng” hay bị quỷ ám, giết cha mình để sớm hưởng gia tài? Thật tình
không sao hiểu nổi.
-Yahoo News ngày 12/3/2019: “Một cảnh sát viên Florida 12 năm trong nghề
đã bị ngưng chức sau khi bị cáo buộc đã dùng những dữ kiện mật của sở cảnh sát
để dùng làm “bửu bối” hò hẹn với 150 phụ nữ. Bà Melanie Bevan – trưởng ty cảnh
sát Bradenton đã tổ chức cuộc họp báo để thảo luận về trường hợp của Trung Sĩ
Leonel Marines mà bà cho rằng đã phủ lên lực lượng thi hành luật pháp quốc gia
một màu đen tối. Cuộc điều tra viên trung sĩ cảnh sát này tiến hành từ Tháng
Sáu 2018 khi ty cảnh sát nhận được đơn thưa của một phụ nữ đã trưởng thành cùng
phụ huynh của cô này.”
Tình hình thế giới:
-AP ngày 1/3/2019: “Trong cuộc họp báo chung với Bà Rodriguez vào ngày
hôm nay, Ngoại Trưởng Nga Lavrov cam kết duy trì hỗ trợ cho Tổng Thống Maduro của
Venezuela đang bị tấn công tứ phía trong đó có viện trợ nhân đạo và đồ tiếp tế.
Trong cuộc hội kiến với Bà Phó Tổng Thống Delcy Rodriguez tại Mạc Tư Khoa, Ngoại
Trưởng Lavrov nói rằng Tổng Thống Putin bày tỏ sự hỗ trợ và đoàn kết với người
bạn đồng minh Maduro trong cuộc đối đầu với lãnh tụ đối lập. Nga tiếp tục hỗ trợ
cho chính quyền Venezuela giải quyết những khó khăn về xã hội và kinh tế qua việc
cung cấp trợ giúp nhân đạo hợp pháp.” Theo ABC News, Nga đã cung cấp số lượng
lúa mì khổng lồ cho Venezuela để đối phó với nạn khan hiếm thực phẩm.”
Số phận của Ô. Maduro ngày hôm nay cũng giống như số phận của Ô. Assad của
Syria. Không có sự hỗ trợ của Nga thì Ô. Assad đã chết từ năm 2014 rồi. Lịch sử
chứng tỏ rằng nước nhỏ muốn tồn tại cũng phải có một “đại ca” đỡ đầu. Không có
một “ông kẹ” đỡ đầu thì “ông kẹ” khác sẽ bóp mũi chết. Tuy nhiên “thượng sách”vẫn
là chơi với tất cả các “ông kẹ”. Ông kẹ nào mình cũng mời tới nhà và cung kính
nhưng trong bụng lúc nào cũng phải cảnh giác. Chẳng có “ông kẹ” nào nhân đức cả.
Con sư tử đến nhà con bò chơi sẽ ăn thịt con bò. Nhưng nếu có con cọp cùng đến
thì hai con sẽ cắn nhau để tranh mồi. Lúc đó may ra con bò mới thoát hiểm. Các
chiến lược gia cho rằng Nga quyết tâm bảo vệ Ô. Maduro cũng giống như bảo vệ Ô.
Assad để duy trì một đầu cầu chiến lược vào Nam Mỹ hầu có “con bài tẩy” để “nói
chuyện” với Hoa Kỳ đang muốn triển khai vũ khí nguyên tử tại Âu Châu. Ô. Juan
Guaido- một con người xa lạ đối với Hoa Kỳ, làm sao Hoa Kỳ có thể “thương” được?
Thế nhưng Hoa Kỳ “thương” Ô. Guaido nhằm trục xuất Nga và Trung Quốc ra khỏi quốc
gia này. Ô. Juan Guaido đang là “con bài cưng” của Mỹ. Nếu Mỹ xử dụng lá bài
quân sự thì Venezuela sẽ biến thành một Syria thứ hai. Máy bay, tàu chiến và hệ
thống hỏa tiễn S-300 của Nga sẽ đổ vào Venezuela giống như Syria. Theo Reuters
ngày 3/3/2019, Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Mỹ về vấn đề Venezuela.
Như thế cuộc chiến Venezuela không còn là cuộc chiến giữa hai Ô. Maduro và
Guaido mà là cuộc chiến giữa Mạc Tư Khoa và Hoa Thịnh Đốn. Vào ngày 6/3/2019,
chính quyền Venezuela đã yêu cầu đại sứ Đức rời khỏi đất nước này sau khi ông đại
sứ bày tỏ sự hỗ trợ cho nhà đối kháng Juan Guaido khiến leo thang căng thẳng với
nhóm 50 quốc gia công nhận Ô. Guaido là tổng thống lâm thời của Venezuela.
Theo Bloomberg News ngày 11/3/2019, “Bộ Tài Chính Hoa Kỳ ban hành lệnh
trừng phạt một ngân hàng có trụ sở tại Mạc Tư Khoa có cổ phần chung giữa Nga và
Venezuela đã lẩn tránh những trừng phạt của Hoa Kỳ đang tạo áp lực nặng nề lên
chính quyền của Tổng Thống Maduro.”
-The Telegraph ngày 73/2019: “Tòa án hiến pháp
Thái Lan (Tối Cao Pháp Viện) đã ra lệnh giải tán đảng đối lập chính của đất nước
này như một cuộc đàn áp chống lại phong trào dân chủ đang chạy đua trong cuộc bầu
cử ngày 24/3/2019. Án lệnh giải tán Đảng Thai Raksa Chart có nghĩa là các viên
chức điều hành của đảng này bị cấm trong vòng 10 năm và 251 ứng cử viên của họ
sẽ bị loại bỏ trong chiến dịch tranh cử sắp tới. Chín thẩm phán đã biểu quyết
chấp thuận việc giải tán Đảng Thai Raksa Chart, nhưng chỉ có sáu thẩm phán đồng
ý, còn ba thẩm phán không đồng ý về phán quyết cấm thành viên của đảng này ra
tranh cử.”
Đây là hành vi phản dân chủ một cách tệ hại nhằm mục đích loại tất cả các đối
thủ để Ô. Prayuth Chan-o-Cha “độc diễn”. Việc đề cử Công Chúa Ubolratana
Rajakanya không phải là yếu tố pháp lý để giải tán Đàng Thai Raksa Chart. Chính
quyền chỉ có thể giải tán một đảng khi đảng đó chủ trương kỳ thị, chia rẽ dân tộc,
cấu kết với ngoại bang, bạo động và lật đổ. Thái Lan đang chơi Luật Rừng.
-AFP ngày 9/3/2019: “Ân Độ vừa ký thỏa thuận trị giá 3 tỉ Mỹ Kim để
“thuê” một tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử thứ ba trong vòng 10
năm, khiến New Delhi gia tăng sức mạnh tại Ấn Độ Dương để đối phó với hai đối
thủ truyền kiếp là Hồi Quốc và Hoa Lục. Tháng Tám năm rồi, Tổng Thống Putin và
Thủ Tướng Modi đã ký thỏa thuận mua hệ thống hỏa tiễn chống hỏa tiễn S-400 trị
giá 5.2 tỷ Mỹ Kim. Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhất định mua loại hỏa tiễn này khiến gây
căng thẳng ngoại giao với Hoa Kỳ.”
Sân khấu chính trị thế giới ngày nay đẻ ra một “mánh lới” mới “cho thuê” vũ
khí. Nó không phải cho cũng không phải mua mà là cho thuê. Nói khác đi đây là
cách để che mắt thế gian và giảm nhẹ tầm mức quan trọng của việc mua bán vũ
khí. Rồi thậm chí lại có chuyện chuyển giao vũ khí “đã qua sử dụng”. Tất cả chỉ
là “Lấy vải thưa che mắt thánh”.
-Reuters ngày 10/3/2019: “Cố vấn An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ trong buổi phỏng vấn
trên truyền hình ABC News nói rằng Tổng Thống Donald Trump bỏ ngỏ việc tổ chức
một hội nghị thượng đỉnh thứ ba với Ô. Kim Jong Un nhưng cũng phải có một thời
gian (tức không phải tức thì) để cho một hội nghị như vậy có thể hình
thành. Ô. John Bolton nói rằng Hoa Kỳ không ảo tưởng về sức mạnh của Bắc Triều
Tiên nhưng Tổng Thống Donald Trump tin tưởng vào tình bạn với nhà lãnh đạo Bắc
Triều Tiên.”
Ngay sau hội nghị, Ô. John Bolton phang một câu nghe lạnh tóc gáy, “Hoa Kỳ sẽ
gia tăng cấm vận nếu Bắc Triều Tiên không vĩnh viễn từ bỏ vũ khí nguyên tử.” Rồi
sau đó có tin Bắc Triều Tiên cho dựng lại các giàn phóng hỏa tiễn liên lục
địa, giống như một canh xì -phé hai bên lùa tiền ra để “tố” nhau. Nay lại có
tin Ô. Trump “bỏ ngỏ” một kỳ họp thượng đình thứ ba, tức có thể có, có thể
không. Theo dõi những tin tức như vậy nhức đầu quá. Thôi thì hãy cứ chờ xem hai
bên có muốn gặp nhau không và gặp nhau ở đâu? Tân Gia Ba, Bàn Môn Điếm hay trở
lại Việt Nam một lẫn nữa? Căng thẳng, tốn kém, an ninh xiết chặt gây phiền hà
cho cuộc sống của người dân…cuối cùng nước chủ nhà cũng chẳng được gì cả. Thôi
thì nếu đã tin nhau thì tổ chức tại Bình Nhưỡng, Bàn
Môn Điếm hay Hoa Thịnh Đốn cho tiện lợi cả hai bên. Vào ngày 4/3/2019 AP đưa
tin, “Nam Triều Tiên đề nghị đàm phán bán chính thức ba bên giữa Hoa Kỳ, Nam-Bắc
Triều Tiên giữa lúc khó khăn để đẩy nỗ ngoại giao đi đúng hướng hầu giải quyết
vấn đề nguyên tử của Bắc Triều Tiên sau khi thượng đỉnh Trump-Kim tan vỡ.”
Đề nghị này sẽ chẳng đi tới đâu. Trong những cuộc đàm phán để giải quyết những
vấn đề liên quan đến quyền lợi và an ninh, Hoa Kỳ luôn luôn chủ động làm một
mình và có khi cũng chẳng cần lắng nghe tiếng nói của đồng minh. Một hội nghị
tay ba như thế này khiến tiếng nói của Hoa Kỳ yếu đi cho nên chẳng bao giờ Hoa
Kỳ chấp nhận.
-Reuters ngày 11/3/2019: “Cơ quan điều hành hàng không
Trung Hoa đã ra lệnh cho gần 100 Boeing 737 MAX- tức hơn ¼ số lượng toàn cầu,
không được phép bay sau khi chiếc phi cơ này rớt tại Ethiopia khiến 157
hành khách thiệt mạng, trong đó có 19 nhân viên Liên Hiệp Quốc. Vào Tháng 10,
2018, một chiếc Boeing 737 MAX của Nam Dương cũng đã rớt sau 13 phút cất cánh
khiến 189 hành khách trên tàu bỏ mạng. Loại Boeing 737 MAX được đưa vào sử dụng
từ năm 2017.”
Một số quốc gia khác cũng đã cấm loại máy bay này
bay vào nước họ để phòng ngừa tai nạn. Còn Nam Triều Tiên, Nam Dương, Tân Gia
Ba, Úc Đại Lợi đã ra lệnh cấm bay đối với Boeing 737 MAX. Nhưng Bộ Giáo Thông Vận
Tải Hoa Kỳ nói rằng Boeing cần chỉnh lại thiết kế nhưng không nhất thiết bị cấm
bay. Một số cho rằng máy móc quá tinh xảo và rắc rối lại là điều không tốt,
cũng như người quá thông minh có khi trở thành khùng khùng, điên điên. Cuối
cùng, theo Reuters ngày 13/2/2019, Hoa Kỳ đã cùng Âu Châu và Trung Quốc cấm
không cho loại Boeing 737 MAX cất cánh.
-Tổng Hợp ngày 10/3/2019: Sau hai năm bị giam giữ để điều tra, cô Siti
Aisyah- công dân Nam Dương - một trong hai “sát thủ” đã dùng hóa chất bị Liên
Hiệp Quốc cấm giết Ô. Kim Jong Nam- cùng cha khác mẹ với Ô. Kim Jong Un tại Phi
Cảng Kuala Lumpur -được tòa án phóng thích. Đây là kết quả của những cuộc vận động
liên tục của Nam Dương. Tổng Thống Joko Widodo đã hai lần gặp thủ tướng Mã
Lai để xin cho cô Siti Aisyah vì Ô. Joko Widodo đang vận động tái tranh cử.
Còn cô Đoàn Thị Hương thì sao? Việc thả tự do cho cô Siti Aisyah khiến luật sư
biện hộ cho cô Hương có nhiều lý lẽ để chứng minh cô Hương và cô Siti chỉ “ngây
thơ” tham gia vào trò giỡn chơi để quay phim mà thôi. Và điểu này cũng cho thấy
tòa án không phải luôn luôn là cơ quan nghiêm minh thi hành luật pháp mà rất
nhiều trường hợp nó là công cụ của chính trị. Còn cô Siti, dù được thả tự do
nhưng phải sống ẩn dật, hoặc vào tu viện, tránh tiếp xúc với báo chí để phòng
ngừa điệp viên Bắc Triều Tiên có thể thủ tiêu để phi tang. Đời sống của cô này
vô cùng khó khăn, ai mà dám tiếp xúc, thuê mướn, làm ăn với một cô gái đã từng
tham gia vào một vụ giết người ghê gớm như vậy?
Ngày nay do sự bùng nổ của kỹ nghệ du lịch, các quốc
gia thường miễn nhập cảnh/chiếu khán (visa) cho du khách cho nên một cô gái ở
làng quê nghèo khổ có thể tới Đài Loan, Bangkok, Nam Triều Tiên, Kuala Lumpur,
Jakarta, Nam Vang…để “du lịch” sau đó lén ở lại để tìm việc, thường là các nghề
liên hệ tới “xác thịt” và từ đó sa ngã. Đó là thảm cảnh của thời đại. Tin tức mới
nhất cho biết Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh đã gọi điện thoại cho ngoại trưởng Mã
Lai đề nghị trả tự do cho cô Đoàn Thị Hương. Thế nhưng trong phiên tòa ngày
13/3/2019, công tố viên đã bác bỏ thỉnh cầu của luật sư xin thả tự do cho cô
Đoàn Thị Hương.
-ABC News ngày 15/3/2019: “Một cuộc tấn công khủng bố bằng súng đã xảy
ra cùng lúc tại hai nhà thờ Hồi Giáo của Thành Phố Christchurch- nam Tân Tây
Lan khiến 49 người chết, 48 bị thương. Trong một cuộc họp báo, Bà Thủ Tướng Jacinda
Ardern nói rằng nạn nhân đều là những người di cư hoặc những người tỵ
nạn. Và đây là một ngày đen tối nhất của Tân Tây Lan. Bốn nghi can trong đó có
một phụ nữ đã bị bắt và họ thuộc nhóm khủng bố Da Trắng quá khích. Một tay súng
đã trực tiếp đưa hình ảnh (live-stream) cuộc nổ súng lên Facebook suốt 17 phút.
” Theo Yahoo News UK, nghi can này nói rằng anh ta đã được gợi hứng bởi chủ
nghĩa cực-đoan cực-hữu hiện đang thấy tại Hoa Kỳ. (The man, who
identified himself in a livestream of the massacre as Brenton Tarrant, said he
was motivated by far-right extremism he saw in the United States to carry out
the attack at Al Noor Mosque.)
Nhà thờ Ky-tô Giáo ở Ai Cập, Hồi Quốc bị đánh bom.
Nhà thờ Hồi Giáo lần đầu tiên bị tàn sát ở Tân Tây Lan. Tư tưởng, hành động của
các chính trị gia, của các giáo sĩ và nhất là báo chí đã ảnh hưởng rất lớn những
tư tưởng thù ghét, kỳ thị và hành động khủng bố. Quan niệm Da Trắng Là Ưu Việt
(White Supremacy) có từ thời Đức Quốc Xã đang là thảm họa trong các quốc
gia mà Da Trắng là đa số. Thật là quái đản nếu cho rằng chủng tộc Da Trắng là
ưu việt, là hơn hẳn các chủng tộc khác. Thế nhưng một số đông người Da Trắng vẫn
còn tin và khẳng quyết như vậy. Họ quên mất, những nhân vật vĩ đại của nhân loại
phần lớn lại không phải là những người Da Trắng - chẳng hạn như Đức Phật, Khổng
Tử, Lão Tử, Phật Hoàng Trần Nhân Tông một vị vua mà dám vứt ngai vàng khoác áo
cà-sa, Thánh Gandhi, thi hào Tagore, Đức Đạt Lai Lạt Ma…
Quan niệm mọi chủng tộc đều bình đẳng là
quan niệm đúng đắn nhất. Còn anh thông minh hơn người ta nhưng chưa chắc anh đã
là người đạo đức hay tốt lành.
Chiến Tranh Lạnh Mới:
-Reuters ngày 4/3/2019: “Hôm nay Hoa Lục cáo buộc công
dân Gia Nã Đại Michael Kovrig đang bị giam giữ là đã đánh cắp những bí mật quốc
gia do một người bị giam giữ khác - Michael Spavor cũng là công dân Gia Nã Đại
chuyển giao- chắc chắn làm gia tăng căng thẳng giữa Ottawa và Bắc Kinh. Nhà
kinh doanh Spavor làm việc với Bắc Triều Tiên và cựu nhân viên ngoại giao
Kovrig đã bị bắt vào đầu Tháng 12, 2018 ngay sau khi Bà Mạnh Vãn Chu- giám đốc
tài chính công ty viễn thông Huawei đối diện với việc trục xuất về Hoa Kỳ.
Trung Quốc lập đi lập lại yêu cầu thả Bà Mạnh Vãn Chu và phản ứng dữ dội tuần rồi
khi Gia Nã Đại chấp thuận tiến hành thủ tục xem xét trước tòa về việc trục xuất
Bà Mạnh Vãn Chu.”
-Reuters ngày 4/3/2019: “Hoa Lục vừa hủy bỏ việc chuyển
vận dầu ăn thực vật canola tới Trung Hoa của công ty nông nghiệp Richardson
International và đây là sự căng thẳng mới nhất giữa Ottawa và Bắc Kinh. Người
ta không rõ lý do tại sao việc xuất cảng của Công Ty Richards sang Hoa Lục
- là nước nhập cảng lớn nhất thế giới lại bị đình chỉ.”
Sau cuộc chiến bắt giữ con tin, nay tới cuộc chiến
đánh vào “túi tiền”. Để rồi chúng ta xem tình đồng minh Gia Nã Đại-Mỹ thắng hay
“cơm áo gạo tiền” thắng?
-Reuters ngày 5/3/2019: “Theo thông báo về ngân sách
đưa ra trong trong phiên họp đầu tiên hằng năm của quốc hội, chi tiêu quốc
phòng năm 2019 của Hoa Lục tăng 7.5%, nhỏ hơn năm ngoái nhưng vượt quá chỉ tiêu
phát triển kinh tế. Ngân sách quốc phòng lên tới con số 177.49 tỷ Mỹ Kim được
thế giới chặt chẽ theo dõi vì đây là chỉ dấu cho thấy mục tiêu chiến lược của
Hoa Lục khi phát triển khả năng quân sự mới như phi cơ chiến đấu tàng hình,
hàng không mẫu hạm và hỏa tiễn diệt vệ tinh.” (Ngân sách quốc phòng Mỹ khoảng
700 tỷ Mỹ Kim)
Tình hình Trung Đông:
-AP ngày 10/3/2019: “Tổng thống Ba Tư đang thực hiện một cuộc viếng thăm
chính thức Iraq có tính lịch sử vào tuần này trong lúc ông đang phải đối phó với
áp lực gia tăng từ những người bảo thủ tại quê nhà khi mà Hoa Kỳ hủy bỏ thỏa hiệp
hạt nhân. Chuyến đi của Ô. Rouhani được bộ trưởng ngoại giao của ông gọi là “lịch
sử và cao thượng” nhằm tăng cường đoàn kết giữa hai hệ phái Shiite đang nắm quyền
tại Ba Tư và Iraq- một đồng minh của Ba Tư và cũng nhằm đáp trả chuyến viếng
thăm Iraq không báo trước của Tổng Thống Donald Trump và lời tuyên bố của
tổng thống Hoa Kỳ là lính Mỹ sẽ ở lại Iraq để canh chừng Ba Tư là nước vốn có
chung 1400 cây số biên giới với Ba Tư.”
Tình hình Biển Đông:
-Reuters ngày 9/3/2019: “Việt Nam đang xác minh xem tại sao một tàu cá bị
chìm tuần này tại khu vực tranh chấp tại Biển Đông sau khi một hãng tin địa
phương nói rằng tàu Hoa Lục đã đâm chìm tàu cá này.” Cuối cùng, theo phát ngôn
viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, năm ngư dân của tàu QNg. 90819-TS gặp nạn đã
được tàu Việt Nam cứu hộ an toàn, chứ không phải tàu của Trung Quốc như Trung
Quốc loan báo.
-Tin Tổng Hợp ngày 14/3/2019: Phát ngôn viên Bộ
Ngoại Giao Việt Nam cho biết Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã
nhận lời mời của Tổng Thống Donald Trump nhân dịp Ô. Trump họp với Ô. Kim Jong
Un tại Hà Nội hai ngày 27 và 28 Tháng Hai, 2019. Ô. Trọng sẽ thăm Hoa Kỳ vào thời
điểm thích hợp trong năm nay. Bang giao Việt-Mỹ hiện đang tiến triển tốt đẹp
cho nên không biết mục đích của chuyến đi này là gì? Ô. Trọng sẽ mua vũ khí của
Mỹ và Ô. Trump OK? Hoặc Việt Nam sẽ liên kết mạnh hơn nữa về quân sự với Hoa Kỳ?
Nhưng liên kết như thế nào? Chúng ta chờ xem và chắc chắn sẽ có những điều rất
lạ kỳ.
Nhận Định:
Theo tờ Washington Examiner ngày 2/3/2019, “Trong cuộc họp báo
chung với Ngoại Trưởng Phi Luật Tân Teodoro Locsin Jr. , Ngoại Trưởng Hoa Kỳ
Mike Pompeo nói rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Phi Luật Tân trong trường hợp có cuộc tấn
công vào lực lượng quân sự hay lợi ích của Phi Luật Tân tại khu vực tranh chấp
Biển Đông theo đúng cam kết của Hoa Kỳ ở Thỏa Hiệp Phòng Thủ Hỗ Tương
1951 (Mutual Defense Treaty) giữa hai quốc gia. Vì Biển Đông
là một phần của Thái Bình Dương, bất cứ cuộc tấn công nào vào quân đội, không
quân hay tàu của chính phủ Phi Luật Tân tại Biển Đông sẽ đưa tới nghĩa vụ bảo vệ
hỗ tương theo Điều 4 của thỏa hiệp nói trên.”
Khác với Tổng Thống Obama tuyên bố Hoa Kỳ chỉ có nghĩa vụ bảo vệ khi nào lãnh
thổ của Phi Luật Tân bị tấn công và Hoa Kỳ không có trách nhiệm khi biển đảo bị
xâm phạm, tàu chiến, máy bay của Phi Luật Tân bị tấn công. Lời tuyên bố mạnh mẽ
này nhằm lôi kéo Phi Luật Tân trở lại giữa lúc Manila đang muốn nương tựa vào Bắc
Kinh để phát triển kinh tế.
Thế nhưng theo Sputnik News ngày 5/3/2019, “ Phát ngôn viên của Tổng thống
Philippines Rodrigo
Duterte, hôm nay cho biết Bộ Quốc Phòng nước này đang kiểm chứng lại tin
tàu Trung Quốc ngăn chặn người dân Phi Luật Tân tiến vào Đảo Thị Tứ, theo
báo Japantimes. Dù Việt Nam có đủ bằng chứng để tuyên bố chủ quyền đầy đủ
với đào này, nhưng thời gian qua, nơi đây do Phi Luật Tân chiếm đóng trái phép.
Ngư dân Phi Luật Tân nói rằng họ đang bị Trung Quốc đuổi khỏi ngư trường truyền
thống của họ. Hành động phi pháp này của Trung Quốc diễn ra chỉ vài ngày sau
khi Ngoại Trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ cam kết đảm bảo Biển
Đông vẫn mở cho tất cả tàu bè được tự do lưu thông và Trung Quốc không
thể tạo ra mối đe dọa. “
Rồi vào ngày 5/3/2019, theo New York Times, Bộ
Trưởng Quốc Phòng Phi Luật Tân Delfin Lorenzana nói rằng chính phủ Phi cần phải
duyệt lại thỏa ước phòng thủ chung với Hoa Kỳ- một đồng minh chí cốt có từ năm
1951 (68 năm) để tránh nổ ra một cuộc chiến tiềm tàng với Hoa Lục ở Biển Đông.
Theo Ô. Delfin Lorenza, tình hình ở khu vực đã trở nên phức tạp hơn. Và rằng
Phi Luật Tân không muốn xung đột với bất cứ ai và sẽ không gây chiến với bất cứ
ai trong tương lai.”
Lời tuyên bố này gây nhức đầu cho Ngoại Trưởng Mike Pompeo. Dù chưa được bộ trưởng
ngoại giao Phi Luật Tân nói ra, nhưng lời tuyên bố của ông bộ trưởng quốc phòng
cho thấy Phi Luật Tân đang ngả theo khuynh hướng trung lập để tránh một cuộc
chiến lớn trong tương lai giữa Mỹ và Trung Hoa. Thế nhưng câu hỏi đặt ra ở đây
là Phi Luật Tân làm thế nào để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc bành trướng
lãnh thổ và xâm lấn biển đảo của Phi Luật Tân? Liệu có một thỏa thuận phân chia
quyền lợi tại những vùng đang tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila không?
Rõ ràng như ban ngày. Đông Nam Á cần làm ăn buôn bán và đầu tư từ Bắc Kinh để
phát triển kinh tế. Thế nhưng họ cũng cần sự hiện diện của Mỹ để cân bằng ảnh
hưởng với Hoa Lục, nhưng lại không muốn liên kết với Mỹ để tránh thảm họa chiến
tranh. Thế lúng túng và khó khăn của Đông Nam Á là ở chỗ đó.
Ngày xưa Clark là phi trường xuất phát B-52 oanh tạc
Bắc Việt và yểm trợ cho chiến trường Miền Nam. Còn Subic Bay là nơi neo đậu, tiếp
liệu và sửa chữa tàu chiến và HKMH của Hoa Kỳ tại đây. Mỹ đánh Việt Nam thì dễ
vì Việt Nam là nước nhỏ. Nhưng nếu ngày nay, Subic và Clark trở thành căn cứ
quân sự của Mỹ để chống lại Hoa Lục thì chắc chắn nó phải hứng chịu hỏa tiễn
Đông Phong phóng đi từ Đảo Hải Nam. Chính vì thế mà các chiến lược gia Phi Luật
Tân lo ngại, không muốn liên kết quân sự với Mỹ để tránh cảnh “Trâu bò húc
nhau, ruồi muỗi chết”. Thế nhưng ngả theo chính sách trung lập lại muôn vàn khó
khăn chứ không phải chuyện chơi, nhất là Phi đang nằm trong trọng điểm chiến lược
của Hoa Kỳ. Theo Mỹ thì “ăn đạn” của Bắc Kinh và đất nước vẫn nghèo đói như Ô.
Duterte có lần nói thế. Không theo Mỹ thì có thể bị cấm vận, lật đổ.
Vào ngày 7/3/2019, tin tức cho biết Ngoại Trưởng Phạm
Bình Minh đã chính thức mời Tổng Thống Duterte thăm Việt Nam vào năm nay hay
sang năm, trong một chuyển động ngoại giao của Việt Nam nhằm liên kết với Phi
Luật Tân, chống lại Bắc Kinh. Tiếp theo đó, vào ngày 11/3/2019, bộ trưởng quốc
phòng của Phi Luật Tân Delfin Lorenzana đã thăm Việt Nam. Các
nhà bình luận cho rằng, nếu Ô. Duterte thăm Việt Nam thì vị thế của Phi Luật
Tân được nâng cao. Còn nếu ông không đi thì Phi Luật Tân sẽ ở vào thế cô lập.
Tôi dự đoán Ô. Duterte sẽ đi vì liên kết với Việt Nam chỉ có lợi cho Phi Luật
Tân.
Đào
Văn Bình
(California ngày 15/3/2019
No comments:
Post a Comment