Nguyễn Minh Hoà - TheLEADER
09:49, 17/03/2019
Trong xã hội hiện đại, bất cứ quốc gia nào cũng cần
xây dựng những bộ tiêu chuẩn để chuẩn hoá những loại hàng hoá lưu thông trên thị
trường, để các sản phẩm con người tạo ra đảm bảo những yêu cầu cần và đủ cho xã
hội. Trong bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống cũng cần những bộ tiêu chuẩn từ
giáo dục, y tế, xây dựng đến giáo thông. Nhỏ như một cây kim, lớn như máy bay
Boeing cũng phải được tiêu chuẩn hoá.
Chính nhờ những tiêu chí định lượng và qui phạm định
tính trong bộ tiêu chuẩn mà người sản xuất biết đường để thực hiện, người tiêu
dùng biết thông tin để lựa chọn, và ngay cả khi cần kiện cáo, bồi thường
cũng có cơ sở khoa học và pháp lý. Chính vì tính chất quan trọng của các bộ
tiêu chuẩn mà tất cả các quốc gia đều rất thận trọng khi đưa ra công bố công
khai cho bàn dân thiên hạ.
Để đảm bảo bộ
tiêu chuẩn đó khoa học, thì một trong số các yêu cầu bắt buộc là những người
tham gia xây dựng bộ tiêu chuẩn này trước hết phải là những người giỏi, am hiểu
về lĩnh lực đó không chỉ về kinh tế, tài chính, luật pháp, kỹ thuật mà cả văn
hoá nữa. Sau đó nữa họ không thuộc tổ chức sản xuất ra loại sản phẩm đó, cũng
như kinh phí thực hiện từ xây dựng, thẩm định, đến thử nghiệm không lấy từ bất
cứ đơn vị nào liên quan, như thế mới đảm bảo được sự khách quan, công bằng.
Bộ tiêu chuẩn nếu được xây dựng tốt sẽ kích thích sản
xuất, khích lệ tiêu dùng còn nếu nó là sản phẩm kém chất lượng, làm ẩu hay gian
dối sẽ là một thảm hoạ cho rất nhiều bên.
Những kẻ trục lợi hoàn toàn dựa trên các tiêu chuẩn
được cố tình bẻ cong nhưng bằng cách nào đó được cơ quan có thẩm quyền của nhà
nước thông qua để loại bỏ những sản phẩm cùng loại hay tương tự. Điều đó đồng
nghĩa với việc tất cả những cơ sở sản xuất mặt hàng đó sẽ bị loại bỏ vì có qui
trình, cách thức sản xuất và thành phần cấu tạo nên sản phẩm khác với những
tiêu chuẩn được chuẩn hoá.
Ở các nước có trình độ phát triển cao rất ít khi xảy
ra tình trạng “chơi bẩn” này, mà chủ yếu là nước đang phát triển, ở đó kinh tế
thị trường chưa hoàn chỉnh, còn méo mó và lộn xộn, luật pháp còn sơ khai, và
còn dư địa cho người thực thi với toan tính lươn lẹo.
Ở Việt Nam, từ những năm 90 của thế kỷ trước trở lại
đây, việc xây dựng các văn bản dưới luật như nghị định, quyết định, trong đó có
các qui định về tiêu chuẩn được giao cho các bộ, tổng cục, mà các cơ quan chức
năng nhà nước này không đủ người nên hợp tác với các hiệp hội, các chuyên gia
cùng cánh hẩu cho nên tình trạng “lợi ích cục bộ” “lợi ích nhóm đã xuất hiện”.
Về hiện tượng
này nhà kinh tế Pham Chị Lan gọi là “tham nhũng chính sách”, một số người khác
gọi là “trục lợi chính sách”. Hiểu một cách đơn giản nhất là họ xây dựng các
chính sách, các qui định có lợi cho ai đó và làm thiệt hại cho ai đó một cách
có tính toán.
Dự thảo tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) về quy phạm thực
hành sản xuất nước mắm (TCVN 12607:2019), do Cục Chế biến và Phát triển thị trường
nông sản (Bộ NN&PTNT) chủ trì xây dựng đã gặp phải những phản ứng trái chiều
từ người làm nước
mắm, đến các chuyên gia trong ngành và dư luận xã hội là một ví dụ gần đây
nhất cho trường hợp này.
Cần phải khẳng định như đinh đóng cột một điều hệ trọng
là, khi xã hội phát triển thì nhu cầu con người đa dạng hơn và các phương thức
đáp ứng lại nhu cầu cũng nhiều hơn, phong phú hơn. Nước mắm mà người Việt Nam
đã được tin dùng đã có hàng trăm năm nay, tuy nhiên khi xã hội mở cửa, con người
từ bên ngoài đến muốn dùng thử nó và con người từ bên trong đi ra khắp thế giới
muốn nó được cải tiến, những người trẻ hơn sẽ có nhu cầu khác hơn đối với loại
nước mắm làm từ cá và muối nguyên chất này.
Không phải ai cũng thích loại nước có vị khá mặn và
mùi cũng rất nặng, vì vậy một số hãng chế biến thực phẩm như Unilever sáng chế
ra sản phẩm Knorr, còn Masan đã sáng chế ra Chin Su, Nam Ngư. Đó là một loại nước
thay thế có mầu sắc tương tự như nước mắm truyền thống với một phương pháp hoàn
toàn khác không giống gì với phương pháp thủ công truyền thống.
Có thể tóm tắt ngắn gọn là các hãng này sử dụng một
lượng rất nhỏ nước mắm truyền thống sau đó pha loãng ra để giảm lượng đạm, bớt
độ mặn và giảm bớt mùi nguyên thuỷ, sau đó thêm vào các loại phụ gia như chất tạo
màu, tạo mùi, chất điều vị và chất chống nấm mốc, thậm chí có thể không dùng đến
một chút nước mắm gốc nào mà chỉ cần sử dụng chất tạo mùi là đủ.
Toàn bộ quá trình điều chế này được làm trên hệ thống
dây chuyền công nghiệp, và tạo ra thành phẩm trong thời gian rất nhanh, có thể
trong vài phút tạo ra được hàng chục tấn, trong khi nước mắm truyền thống chỉ
sử dụng có cá và muối mà phải mất tới 12-15 tháng ủ trong các thùng bằng gỗ với
kỹ thuật rất thủ công, sự thành bại dựa vào kinh nghiệm cá nhân để cho ra thành
phẩm.
Có thể các sản phẩm của Uniliver, Masan là một sáng
tạo hoàn toàn mới về mặt qui trình kỹ thuật, công nghệ, và sản phẩm đầu ra là
loại mới toanh chưa từng có trong tiền lệ. Loại sản phẩm này được xã hội đón nhận,
thậm chí là nó đang chiếm tới 70% thị phần loại nước chấm sử dụng trong bữa ăn
của người Việt Nam.
Vậy tại sao các nhà sáng chế ra loại nước này không
tự hào về sản phẩm độc đáo và hiện đại của mình mà phải “dựa hơi” vào một sản
phẩm cổ điển và cũ kỹ.
Các hãng này phải đặt cho đứa con của
mình với các loại tên riêng, chẳng hạn như là nước chấm công nghiệp, nước chấm
hoá chất, nước mặn gia vị tổng hợp…. Họ không cần phải ăn theo chữ “mắm”, và
hoàn toàn không nên sử dụng hình ảnh con cá cơm, thậm chí tạo ra một mầu sắc
khác biệt có thể là mầu tím, hồng, vàng chanh mà không cần phải là hổ phách hay
cánh gián. Trên chai nước cũng cần ghi rõ các thành phần, chất liệu tạo ra loại
nước này một cách công khai, minh bạch.
Như thế cho thấy những hãng sản xuất có thể tự hào
và tự tin về sản phẩm độc đáo riêng có của mình.
Việc lập lờ như hiện nay là rất không sòng phẳng với
người tiêu dùng. Ở các nước phát triển họ ghi rõ trên bao bì sản phẩm, chẳng hạn
“đây là sản phẩm biến đổi gene”, “thuốc lá có hại cho sức khoẻ” để cho người sử
dụng biết khi đưa ra lựa chọn, kể cả nếu anh bị ung thư thì cũng ráng mà chịu
vì tôi đã cảnh báo anh rồi.
Ông K. Marx có nói một câu đại ý “thực tiễn là tiêu
chuẩn duy nhất của chân lý” hay “thực tiễn là thước đó chân lý”, có nghĩa là
cái gì đúng sai, tốt xấu do thực tiễn trả lời.
Nước mắm mà cha ông ta sáng tạo ra từ ngày xửa ngày
xưa, trải qua hàng trăm năm kiểm nghiệm bằng chính sự sống của nhiều đời người
cho thấy nó là một loại thực phẩm rất tốt, bổ dưỡng và vô hại. Hàng triệu người
lớn lên nhờ những giọt sữa mẹ và giọt nước mắm.
Trên thế giới, nước nào cũng có những loại thực phẩm
cổ xưa được coi là “quốc hồn quốc tuý”, như “đậu phụ thối” của Trung Quốc, cá
hun khói của Nga, mắm Bồ hóc của Campuchia, Phomai thối cực nặng mùi của Pháp…
Tất cả những loại thực phẩm này nếu các nhà “Tiêu chuẩn hoá” muốn loại trừ nó rất
dễ, họ chỉ việc cho vào phòng thí nghiệm phân tích ra thành các loại hoá chất
và thế nào cũng tìm ra một cái gì đó được coi là nguy hại cho sức khoẻ trong điều
kiện sử dụng số lượng cực lớn (có thể hàng chục tấn trong một thời gian cực ngắn),
sau đó nó được thổi phồng lên và sử dụng truyền thông đa phương tiện “dội bom”
vào người dân thế là hoàn thành sứ mệnh kết liễu một sản phẩm.
Nhưng từ trước
tới nay, hình như không có nước nào làm cái chuyện “bới bèo ra bọ” như ở nước
ta, cho nên các sản phẩm đó vẫn có chỗ đứng khoẻ trong đời sống xã hội.
Ở Việt Nam, có rất nhiều sản phẩm truyền thống tồn tại
rất lâu trong xã hội, từng bị các nhà “tiêu chuẩn hoá” làm cho lao đao suý phá
sản như asen hữu cơ vô hại trong nước nắm, khuẩn dịch tả trong mắm tôm, chất
MCPD trong nước tương, xì dầu…
Một ngày nào đó, nếu các nhà tiêu chuẩn hoá “rỗi
hơi” tiến hành kiểm nghiệm các sản phẩm đã nuôi cả dân tộc này khôn lớn, thì
người viết bài này cam đoan là tất tần tật từ dưa cải muối, cà pháo, mắm tôm,
tương bần, ba khía, mắm cá lóc, tôm chua, ..bị cho vào danh sách cấm hết.
Vẫn biết có những tổ chức chức năng sinh ra để xây dựng
văn bản, đưa ra những đánh giá, nhưng nếu những “tối kiến” làm cho dân lao đao
thì xin đừng “sáng tạo”, “đề xuất” gì cả.
*
*
TIN
LIÊN QUAN
No comments:
Post a Comment