Friday, March 8, 2019

THƯ GỬI CÔ GIÁO NGÂN NHÂN NGÀY 8 THÁNG 3 (Nguyễn Quang Thạch)





Gặp cô nhiều lần trên chuyến xe khách Hà Nội-Thái Bình và ngược lại từ 2013-2018, tôi vẫn không biết tên thật của cô, bởi cô đã xưng 3 tên khác nhau trong những lần gặp. Trong thư này, tôi lấy tên Ngân theo như ý nghĩa cô nói “em luôn khát tiền”. Trong những lần ngồi cạnh đó, tôi đã nghe qua điện thoại chuyện cô quát mắng con, tranh cãi với chồng hay bàn tán chuyện đời tư của đồng nghiệp. Rồi từ chuyện cô phàn nàn với tôi về anh em trai không cho cô vay tiền làm nhà, và vụn vặt những điều linh tinh khác rất đáng để tôi dùng làm dẫn chứng để đưa ra bài học cho các nữ sinh trong những buổi toạ đàm và bài viết trong tương lai.

Nhân ngày 8/3, tôi có một số điều muốn chia sẻ cùng cô, nếu cô vẫn theo dõi facebook của tôi, hy vọng những lời chân thành này sẽ có ích cho cô cùng 3 con gái.

Trước hết, tôi xin nói tới những phàn nàn của cô về 3 cô con gái. “Các cháu chỉ thích xem TV mà không đọc cuốn sách nào. Các cháu nhút nhát và không tham gia hoạt động của lớp. Chị em chúng nó chỉ thích ăn diện và tranh dành nhau suốt ngày”.

Cô Ngân à, theo tôi, cô không thể trách các cháu. Bởi chồng cô bận rộn với việc sửa xe máy kiếm tiền. Anh ấy, như cô kể là người chỉ học hết lớp 12, thường thích uống rượu với bạn bè và không quan tâm đến việc học của con. Có khi nào cô nghĩ đến việc mình đã lấy người không phù hợp? Chắc hẳn là có, nhưng vào thời điểm cô chọn chồng, cô đã không lường trước những sự khác biệt về nghề nghiệp và môi trường làm việc cũng như mối quan tâm của hai người, cô chỉ quan tâm “anh biết làm ăn”. Môi trường làm việc của anh ấy là máy móc, là những chai nhớt, là những con ốc... Bạn bè của anh ấy ngồi với nhau, theo lẽ thường, sẽ ít bàn về sách vở, mà là chuyện về giá xe, giá phụ tùng, và đương nhiên hút thuốc, uống rượu là sở thích chung của họ. Anh ấy không thể quan tâm việc học và việc đọc sách của các con như cô.

Cô Ngân à, thật đáng tiếc, theo những gì cô trả lời tôi thì cô chưa hề mua cho con bất cứ cuốn sách nào ngoài sách giáo khoa và bài tập nâng cao. Cô không đọc sách cho các cháu nghe khi còn bé. Cô không để ý đến việc đọc sách của con mà chỉ quan tâm đến điểm số và quát nạt con khi không có thành tích học tập cao. Mỗi lần lên Hà Nội, tham gia đào tạo bán hàng đa cấp và buôn bán, thay vì mua sách cho các cháu, quà mang về của cô luôn là quần áo và thức ăn đóng hộp. Cô mua giúp đồng nghiệp cá Hồi, xúc xích ngoại... Là giáo viên dạy văn mà cô chưa đọc các tác phẩm kinh điển Âu Mỹ nào. Thậm chí, những tác phẩm trong nước rất nổi tiếng như Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng, Tướng về hưu, Sang sông…của Nguyễn Huy Thiệp cô cũng không hề biết tới. Cô lại khen Mao Trạch Đông và đồng loài của hắn là vĩ đại. 

Về mặt nghề nghiệp, cô không yêu nó, cô chỉ xem trường học là nơi biên chế để có lương bền vững nhưng không nghĩ về học trò. Tôi xót xa khi cô bảo “cho chúng đọc văn mẫu là xong”. Cô nghèo nàn tri thức mà ưa chụp giật kiếm tiền để mua xe SH rồi xây nhà to để ganh đua với bạn bè.

Về mặt làm mẹ, cô không yêu tri thức thì con cô khó có thể yêu. Con trẻ, đặc biệt là con gái, hay gần gũi và chịu nhiều ảnh hưởng mẹ, nhưng từ những chia sẻ của cô thì dễ nhận ra rằng các con cô không nhận được những ảnh hưởng tích cực từ mẹ như một người hiểu biết và có tầm nhìn dài.

Người anh trai khuyết tật của cô chắc buồn lắm nếu biết chuyện cô trách anh ấy với người bạn trong điện thoại mà tôi nghe được “giàu thế mà không cho em vay trăm triệu làm nhà thì giàu làm dell gì!”. Cô thật vô cảm, anh trai cô bị khuyết tật bẩm sinh, đi lại khó khăn, làm mộc và buôn bán để sống tự lập, không nhờ vả anh em và cha mẹ đã là một nỗ lực lớn đáng khâm phục. Đáng lẽ, ngay cả nếu anh ấy cho tiền, cô cũng nên từ chối mới. Đằng này, để thỏa mãn tính sĩ diện và tham lam, cô lại trách cứ và chỉ trích anh mình. Phận làm em, tôi nghĩ cô là người quá tệ.

Cô Ngân, có thể đọc xong bức thư này, cô sẽ giận tôi lắm, nhưng tôi vẫn nói rằng ở vị trí nào cô cũng kém.

Nếu cô giỏi làm vợ, biết hướng chồng cùng dạy con, biết đâu anh ấy đọc sách cho con từ nhỏ, như một số anh nông dân tôi gặp, thì anh ấy đã không lấy rượu làm thú vui.

Nếu cô giỏi làm mẹ, cô đã tìm đọc sách của Montessori, đọc sách của người Do Thái…để dạy con, cô chăm lo sự học, sự đọc cho con từ nhỏ, dạy cho cháu lao động từ nhỏ, dạy cho các cháu ăn mặc giản dị từ sự giản dị và tiết kiệm của cô, mỗi lần từ trở về từ Hà Nội, qua cho con là những cuốn sách về danh nhân khoa học danh nhân văn chương, danh nhân lịch sử chống giặc Tàu, những cuốn sách song ngữ Anh Việt…

Nếu cô giỏi làm cô giáo, cô đã đọc vài trăm tác phẩm văn học của Tây Âu, Mỹ, Nhật Bản, cô cho học trò thảo luận trong các giờ học để hình thành năng lực phản biện, cô vận động nhà trường lập câu lạc bộ văn học để học sinh tự do tìm kiếm tri thức rộng lớn để hình thành tự do tư tưởng, cũng như thúc đẩy cá câu lạc bộ khác ra đời trong trường học của cô.

Cô Ngân à, chỉ ra những điểm dở của cô để cô thấy, nhưng tôi vẫn tin rằng ở tuổi dưới 40, cô vẫn có thể thay đổi bản thân để từ đó thay đổi chồng và số phận của 3 con gái của mình. Tôi chia sẻ một số câu chuyện và đưa ra một số lời khuyên để cô tham khảo. Tôi rất quan tâm đến tương lai 3 bé gái con cô vì các cháu là tương lai của xã hội này.

Tôi đang ở cùng một gia đình nông dân. Vợ và chồng học hết lớp 10 theo hệ giáo dục cũ. Nhưng họ rất quan tâm đến việc học của các con. Người cha dù bận, nhưng đã tự dạy chữ cho con trước khi cháu đi học. Hai vợ chồng đều khuyến khích các con đọc sách ngoài sách giáo khoa. Trong nhà anh chị ấy, vẫn còn những cuốn sách mượn về từ Tủ sách Dòng họ. Họ đã nuôi 2 con học xong đại học và có việc làm. Một cháu đang học đại học năm cuối. Một cháu đang học lớp 7. Do được quan tâm đọc sách từ nhỏ, cháu út luôn đề nghị mua sách cho dịp sinh nhật. Hai vợ chồng luôn cần cù lao động nhưng dạy con rằng TIỀN BẠC LÀ PHÙ DU. Họ dạy con lương thiện bằng sự lương thiện và cần cù của mình và họ biết giúp con cái tiết chế lòng tham, tránh cám dỗ của dòng đời đầy biến động bằng gieo vào đầu con TIỀN BẠC KHÔNG LÀ TẤT CẢ.

Một số gia đình ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh, người ta không xây nhà to, không mua ô tô, mà dùng tài sản có được và vay thêm ngân hàng để cho du học Anh. Nay, con họ có việc làm với mức lương trên 50 triệu đồng/tháng. Các cháu của họ tiếp tục được hưởng lợi từ tầm nhìn dài hạn của ông bà là đầu tư cho giáo dục. 

Chị Hương ở Ninh Bình, một nông dân thu nhập thấp cũng là bà mẹ đơn thân đã dành thời gian giúp con học tiếng Anh từ lớp hai. Nay cháu rất giỏi tiếng Anh và dành được học bổng cao ở một trường danh tiếng trên Hà Nội.

Gia đình cô giáo Tuyết ở Hà Tĩnh, nhà có 4 con gái, dù nuôi dạy con trong những năm tháng “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” nhưng họ đã lấy việc học của con làm trọng. Bố mẹ luôn gần gũi con để biết sở trường của mỗi đứa, lại tiên tính được nhu cầu xã hội, đã định hướng con học các ngành phù hợp với năng lực, nay 2 con là tiến sĩ và 2 là thạc sĩ. Nay các con con cô có công việc tốt và thiện lương.

Cô Ngân này, nay các con của cô đang học cấp 1 và cấp 2, dù các cháu chưa có thói quen đọc sách, học kém tiếng Anh, nhưng tôi tin rằng các cháu sẽ khá lên nếu cô thay đổi ngay và kiên trì các việc sau:

1. Cô từ bỏ bệnh “khát tiền” để tập trung cho việc dạy trò và giúp con học. Buông được sự khát tiền chỉ với mục đích làm nhà to, mua xe để dành thời gian cho 3 con gái học hành là biết lấy ngắn hạn nuôi dài hạn. Nhà to, xe đẹp, nhưng con gái kém hiểu biết, bỏ học sớm, sẽ rước những thằng rể nghiện, những thằng rể rượu về nhà, cô khổ suốt đời mà con cháu cô cũng tiếp tục vết xe đổ tồi tệ ấy. Con chịu khó học, hiểu biết, làm việc môi trường tốt thì con rể là con ngoan trò giỏi, cháu của cô sẽ tiến xa trên nền tốt của cha mẹ.

2. Cô hãy dành một tháng lương mua sách cho cô, cho các con, hàng ngày cô đọc sách, vận động các cháu đọc, vận động chồng đọc sách. Cô khuyến khích các con rủ bạn bè đến nhà cùng đọc sách và thảo luận. Cô mời những người vợ của bạn chồng đến nhà mượn sách cho con cái họ. Cô cứ kiên trì 1-3 năm, bản thân cô sẽ thấy những thay đổi lớn trong chính mình, các con cô sẽ đọc nhiều sách, chăm việc nhà, biết giới thiệu sách trước lớp và trước trường, các cháu sẽ tự tin. Trong nhà cô sẽ tràn ngập ánh sáng tri thức, xóm làng cô được ảnh hưởng, bạn bè cô thay đổi theo.

3. Chắc chắn nhà cô đã có máy tính và internet. Cô hãy vận động các cháu nghe tiếng Anh hàng ngày. Cô mua Tieng-Anh-123 cho các cháu học. Cô hãy liên lạc với tôi để có các phương pháp học hiệu quả cho trẻ mất gốc tiếng Anh.

Cô Ngân thân mến. Sự thay đổi của cô dù ở quy mô gia đình nhưng rất quan trọng với xã hội này. Bởi 3 cô con gái của cô sẽ tạo ra hàng chục hộ gia đình trong tương lai. Các cháu học giỏi, lương thiện, có trách nhiệm xã hội là nền tảng xây dựng những gia đình tốt đẹp, các thế hệ kế tiếp sẽ phát triển và tiến xa hơn gốc của mình, là nền tảng cho một xã hội Việt Nam nhân văn và sáng tạo. Người ta nói rằng “đứa con sẽ là phần thưởng hay hình phạt của cha mẹ tùy thuộc vào sự chăm lo giáo dục của cha mẹ”.

Chúc cô Ngân thành công!

PS: Qua facebook, dễ dàng để cô Ngân thấy rất nhiều bà mẹ, ông bố đã và đang đưa sách về nông thôn để hàng triệu bé gái trên Đất nước này được đọc sách.






No comments: