Hòa
Ái, phóng viên RFA
2019-03-07
2019-03-07
Nhân ngày phụ nữ trên toàn cầu được vinh danh-Ngày
Quốc tế Phụ nữ 8/3, Đài RFA gửi đến tâm tình chia sẻ của các nữ tù nhân lương
tâm tại Việt Nam trong phần sau.
Bị đối xử “vô nhân đạo”
Trong thông cáo báo chí phát đi vào ngày 7 tháng 3,
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) lên tiếng về tình trạng các nữ tù nhân
trên khắp thế giới đang bị giam giữ trong những điều kiện được mô tả là khủng
khiếp. Hai nữ tù nhân được RSF nhắc tên là Nguyễn Đặng Minh Mẫn và Trần Thị Nga.
Blogger
Nguyễn Đặng Minh Mẫn bị bắt giữ vào cuối tháng 7 năm 2011 với cáo buộc lật
đổ chính quyền và bị kết án 8 năm tù giam cùng 5 năm quản chế,vì cô đã chụp ảnh
biểu tình và các biểu ngữ Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam.
RSF chỉ trích Chính quyền Việt Nam đối xử một cách tệ
hại đối với nữ tù nhân chính trị Nguyễn Đặng Minh Mẫn trong suốt thời gian cầm
tù cô.
Gia đình của cô Minh Mẫn ở tỉnh Trà Vinh, miền Tây
Nam Bộ, nhưng cô bị buộc phải thụ án tại trại giam ở Thanh Hóa, thuộc Bắc Trung
Bộ, Việt Nam. Hồi tháng 11 năm 2014, cô Minh Mẫn chỉ còn 35 kg sau những lần
tuyệt thực để phản đối những bạo lực xảy ra đối với cô.
Thân mẫu của Nguyễn Đặng Minh Mẫn, bà Đặng Thị Ngọc
Minh, một cựu tù nhân lương tâm nhắc lại một trong các lần con gái của bà bị
đưa đi biệt giam trong 10 ngày:
“Có lần Minh Mẫn uống nước và tạt nước còn thừa
qua cửa sổ mà nhỡ trúng vào người cán bộ, vì cán bộ đi tới mà Mẫn không biết.
Cán bộ bảo Mẫn tạt nước tiểu ra ngoài và đưa Minh Mẫn đi kỷ luật 10 ngày. 10
ngày giam kỷ luật như vậy thì mình không được tắm rửa. Họ không cho mình ăn cơm
với thức ăn của mình được đem vô. Hằng ngày họ chỉ cho ăn cơm trắng với muối.”
Nữ tù nhân chính trị Nguyễn Đặng Minh Mẫn trong gần
8 năm qua thường xuyên bị các nữ tù nhân ở chung, được trại giam chỉ định làm nữ
trực sinh sách nhiễu, gây xung đột và dẫn đến hậu quả là cô bị đưa đi kỷ luật
nhiều ngày. Tuy nhiên, một nữ blogger bị đi tù lúc cô tròn 26 tuổi vẫn luôn mạnh
mẽ đấu tranh không chỉ cho bản thân mình.
Cựu
tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu, một phụ nữ nông
thôn đấu tranh giữ đất tại Dương Nội, từng có thời gian bị giam chung với cô
Nguyễn Đặng Minh Mẫn ở Trại 5 Yên Định, Thanh Hóa nói với RFA về ký ức của bà
khi nhớ đến nữ tù nhân Nguyễn Đặng Minh Mẫn:
“Khi ở cùng với Minh Mẫn thì tôi thấy Minh Mẫn tuy
là một người trẻ tuổi nhưng rất có tinh thần đấu tranh quyết liệt. Mặc dù bị
giam giữ trong 4 bức tường, nhưng Minh Mẫn tìm mọi cách đấu tranh để cải thiện
mức sống trong nhà tù, đấu tranh để đem lại quyền lợi cho những người cùng
chung chỗ với Minh Mẫn.”
Trong thông cáo báo chí của RSF vừa phổ biến, tổ chức
này còn nhắc đến trường hợp của nữ tù nhân chính trị Trần Thị Nga, mà RSF bố
cáo là bà Trần thị Nga được xếp vào nhóm những nữ tù nhân trên thế giới bị giam
giữ trong những điều kiện “vô nhân đạo”.
Nữ
Blogger Trần Thị Nga, còn được biết đến với tên Thúy Nga là một nhà hoạt
động bảo vệ cho quyền công nhân. Bà Trần Thị Nga bị bắt vào hạ tuần tháng 1 năm
2017, ngay trước tết cổ truyền và bị biệt giam cho đến ngày ra tòa sơ thẩm vào
ngày 25/07/17. Trước phiên xét xử diễn ra, bà Trần Thị Nga chỉ được gặp gỡ với
luật sư một lần duy nhất và bà cũng không được gọi điện thoại về cho gia đình
cũng như không được thân nhân thăm nuôi gần 1 năm chỉ vì bà “không nhận tội”.
Cả hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm đều y án 9 năm tù
giam đối với nhà hoạt động Trần Thị Nga. Hiện tại, bà Nga đang bị giam giữ ở trại
tù Gia Trung, tỉnh Gia Lai.
Cựu tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu cho rằng một
trong những hành động vô nhân đạo mà Chính quyền Việt Nam đối xử với tù nhân
lương tâm là di chuyển họ đến các nhà giam xa gia đình:
“Cuộc sống của những người từ vùng miền như chúng
tôi từ miền Bắc bị chuyển vào nhà tù trong miền Nam thì xa xôi, cách trở và gia
đình thăm nuôi không được thường xuyên khiến cho người tù bị rất thiệt thòi, tổn
thất lớn khi phải ở xa quê nhà của mình.”
Bà Cấn thị Thêu cũng từng ở qua trại giam Gia Trung,
từng phải gánh chịu tình trạng bị đối xử khắc nghiệt nên bà khẳng định nữ tù
nhân Trần Thị Nga còn có thể bị biệt đãi càng tồi tệ hơn. Bà Cấn Thị Thêu nói:
‘Vừa rồi mới đây nhất có một người ở cùng với Thúy
Nga ra tù. Cô đấy nói rằng Thúy Nga ở trong đó phải chịu rất nhiều áp lực từ
phía trại giam. Bởi vì Thúy Nga cũng là một người luôn luôn tranh đấu mặc dù
trong môi trường tù tội.”
Tổ chức phi chính phủ-Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam
công bố nữ tù nhân chính trị Trần Thị Nga là một trong 3 nhân vật được chọn nhận
Giải thưởng Nhân quyền năm 2018 của tổ chức này. Từ trong tù, bà Trần Thị Nga
quyết định đem tặng 2/3 số tiền thưởng 3000 đô la Mỹ dành cho dân oan và các tù
nhân lương tâm cùng với những cựu tù nhân lương tâm tại Việt Nam.
Bên cạnh là một nhà hoạt động nữ vì dân chủ, nhân
quyền Việt Nam được tổ chức nhân quyền vinh danh và được nhiều người cảm kích,
bà Trần Thị Nga còn là một bà mẹ của hai đứa con trai thơ dại. Hình ảnh vạ vật
của chúng cùng với cha mình trải qua hành trình dài từ Hà Nam vào Gia Lai thăm
gặp mẹ khiến cho công luận phải chạnh lòng. Không ít người quan tâm tự hỏi phải
chăng các nữ tù nhân lương tâm ở Việt Nam phải trả một cái giá quá đắt cho các
việc làm của họ?
Không bỏ cuộc
Nhà
hoạt động Huỳnh Thục Vy, thành viên của tổ chức xã hội
dân sự độc lập-Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam chia sẻ trên trang Facebook cá
nhân rằng cô rất yêu quý nữ tù nhân Trần Thị Nga và đó cũng là một tấm gương
khích lệ tinh thần đấu tranh cho dân chủ nhân quyền tại Việt Nam, mà bản thân
cô sẽ không bỏ cuộc.
Cô Huỳnh Thục Vy vào ngày 30/11/18 bị tòa án tại
Buôn Hồ, tỉnh Đăk Lăk tuyên án 2 năm 9 tháng tù giam với cáo buộc “xúc phạm quốc
kỳ” theo điều 276 Bộ Luật Hình Sự và bản án sẽ có hiệu lực khi con của cô tròn
3 tuổi; tuy nhiên hiện nay cô không được phép rời khỏi nơi cư trú. Cô Huỳnh Thục
Vy bộc bạch với RFA nhân ngày Phụ nữ Quốc tế, 08/03/19:
“Tất nhiên có con thì không ai muốn rời xa con để
vào tù ngồi hết. Thời gian ở tù bao nhiêu thì mất thời gian bấy nhiêu ở bên con
và chăm sóc cho con lớn lên. Đó là thời gian rất hoang phí. Nhưng mình không
kháng án vì mình biết bản án vẫn như cũ do Chính quyền tỉnh Đăk Lăk cố tâm đưa
một bản án tù giam cho mình, để ép mình rời khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, vợ chồng
mình đang làm ăn và sinh sống tốt ở Việt Nam và có nhiều công việc liên quan đến
việc bảo vệ nhân quyền nữa nên mình không muốn rời khỏi Việt Nam lúc này. Nhưng
mà mình cũng không muốn ở tù. Cho nên mình có một vài dự tính. Nếu dự tính đó
thành công thì mình sẽ không phải ở tù và cũng sẽ không phải đi đâu cả.”
Trong khi đó, trả lời câu hỏi của Đài Á Châu Tự Do rằng
qua những lần thăm gặp con gái là nữ tù nhân Nguyễn Đặng Minh Mẫn, có bao giờ cô
chia sẻ là cảm thấy hối tiếc điều gì không khi phải trải qua bản án tù 8 năm
dài như vậy, thân mẫu Đặng Thị Ngọc Minh khẳng định:
“Chưa bao giờ Minh Mẫn nói với tôi là ‘Mẹ ơi, con ở
tù, con khổ quá!’, hay là ‘Mẹ ơi, con nhớ nhà quá. Tới 8 năm dài đăng đẳng, con
buồn quá!’…Không bao giờ có. Tinh thần của Minh Mẫn rất mạnh mẽ. Không bao giờ
Minh Mẫn yếu đuối. Minh Mẫn còn nói ‘Nếu được làm lại từ đầu, tôi cũng vẫn nói
‘Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam’. Mẹ con chúng tôi không bao giờ hối tiếc.
Mình chấp nhận con đường mình đã chọn và mình rất hãnh diện là mình được góp một
phần nhỏ bé của mình để thay đổi đất nước.”
Còn nhà hoạt động nữ Huỳnh Thục Vy thì cho rằng một
khi đã chọn con đường đấu tranh cho quốc gia Việt Nam được dân chủ và tiến bộ
thì chuyện bị tù đày cũng là lẽ đương nhiên:
“Mình không phân biệt đàn ông hay phụ nữ trong cuộc
đấu tranh này. Trong cuộc đấu tranh cho dân chủ Việt Nam thì ai có chút sức lực
nào thì góp sức bấy nhiêu đó thôi. Mình thấy điều này là bình thường. Ai đã lên
tiếng chống lại chính quyền thì chính quyền ghét và bỏ tù thì cũng là điều bình
thường luôn. Nếu họ không ghét, họ không bỏ tù thì chính quyền đó không phải là
độc tài. Và nếu đó không phải là chính quyền độc tài thì mình cũng không phải đấu
tranh cho nhân quyền gì cả.”
Trong bài ghi nhận ngắn gọn của RFA về các nữ tù
nhân lương tâm tại Việt Nam, chúng tôi không thể liệt kê được hết tất cả các
hoàn cảnh của họ. Tuy nhiên, điều cốt lõi mà Đài Á Châu Tự Do nhận thấy là tinh
thần vững vàng của các nữ tù nhân lương tâm quyết theo đuổi con đường dấn thân
mà họ đã chọn với mong cầu người dân Việt Nam trong tương lai, ít ra có họ và
con cái của họ không còn bị rơi vào tình cảnh chia lìa do tù tội, chỉ vì họ cất
lên tiếng nói lẽ phải cho quyền của công dân được bảo vệ và cho một xã hội công
bằng, văn minh.
No comments:
Post a Comment