Thanh Phương – RFI
Đăng ngày 08-03-2019
Trong
một thông cáo đăng trên mạng hôm qua, 07/03/2019, tổ chức Phóng viên không biên giới, trụ sở tại
Paris, nêu lên trường hợp của nhà báo Nguyễn Văn Hóa, bị giam từ hơn 2 năm nay
và gần đây đã tuyệt thực để phản đối những hành vi bạo lực đối với anh. Phóng
viên không biên giới thông báo là trước tình trạng ngược đãi các nhà báo bị cầm
tù ở Việt Nam, họ sẽ đưa vấn đề lên Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về
tra tấn, để tình trạng này chấm dứt.
Nhà báo Nguyễn Văn Hóa bị xét xử tại tòa án ở tỉnh Hà
Tĩnh, tháng 11/2017.Vietnam News Agency / AFP
Nguyễn Văn Hóa đã bị kết án 7 năm tù trong phiên xử
vào tháng 11/2017 với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước”. Ngày
22/02 vừa qua, anh đã bắt đầu tuyệt thực để phản đối điều kiện giam cầm và những
hành vi ngược đãi.
Trong thông cáo, ông Daniel Bastard, đặc trách khu vực
châu Á-Thái Bình Dương của Phóng viên không biên giới, viết : “Tuyệt đối
không thể chấp nhận việc một nhà báo, đã bị bỏ tù chỉ vì muốn mang thông tin đến
cho dân mình, lại phải tuyệt thực để đòi được tôn trọng các quyền cơ bản nhất,
mà đầu tiên là quyền được bảo vệ thân thể.”.
Ông Bastard kêu gọi Báo cáo viên đặc biệt của Liên
Hiệp Quốc về nạn tra tấn giải quyết vụ này, để chấm dứt các vụ vi phạm tương tự.
Trong bản thông cáo nói trên, Phóng viên không biên
giới còn nhắc lại vụ tuyệt thực của blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) vào
tháng 07/2018 để phản đối cách đối xử vô nhân đạo đối với cô. Blogger này đã được
trả tự do vào tháng 10/2018 với điều kiện phải rời khỏi Việt Nam.
Theo Phóng viên không biên giới, những trường hợp
nói trên chỉ phản ánh một phần những điều kiệm giam cầm kinh khủng đối với 29
nhà báo-công dân đang bị giam ở Việt Nam. Tổ chức này nêu tên nhà báo Trương
Minh Đức, bị giam xa nhà gần 2.000 km dù đang bị bệnh nặng về tim mạch, hay
blogger Nguyễn Đặng Minh Mẫn, người cũng đã từng tuyệt thực vào tháng 03/2017 để
phản đối các hành vi bạo lực đối với cô.
*
*
Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới-RSF, lên tiếng về
tình trạng đối xử tệ hại ngày càng tăng đối với những nhà báo bị tù ở Việt Nam.
RFA 07/03/2019
--------------------------------
RFA
2019-03-08
2019-03-08
Tổ chức Bảo vệ Ký giả (CPJ) cho biết tổ chức này ghi
nhận hiện có 32 nữ nhà báo đang bị cầm tù trên thế giới, trong đó có 26 người
đưa tin tức liên quan đến lãnh vực chính trị tại quốc gia của họ.
Trong báo cáo phổ biến nhân ngày Phụ nữ Quốc tế,
08/03/19, CPJ xếp Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đứng đầu trong danh sách giam giữ đến
14 nữ nhà báo trong tổng số 68 nhà báo bị buộc tội chống chính quyền.
Trung Quốc xếp thứ nhì với 6 trong 7 nữ nhà báo bị
tuyên án tù với tội danh “chống nhà nước”.
Việt Nam đứng
thứ 4 với hai nhà báo được nêu tên, bao gồm Trần Thị Nga và Huỳnh Thục
Vy bị tuyên án tù do những công việc đăng tải thông tin về vi phạm nhân quyền
và tham nhũng.
Bà Trần Thị Nga bị bắt giữ vào hạ tuần tháng 1 năm
2017 và bị tuyên án 9 năm tù giam. Hiện tại, bà Nga đang bị giam giữ ở trại tù
Gia Trung, tỉnh Gia Lai. Vào tối ngày 8 tháng 3, thân nhân của bà Trần Thị Nga,
ông Lương Dân Lý cho biết về tình hình của bà Nga:
“Nga bị áp lực là bị giam riêng. Tuy không bị cùm
chân tay, không bị nhốt trong tối nhưng bị ở phòng riêng, không được tiếp xúc
chuyện trò với ai cả. Tôi nghĩ thì cũng giống như một hình thức biệt giam. Nga
bảo rất bị áp lực về chuyện này vì giống như mình bị đày ra ngoài hoang đảo. Sức
khỏe thì Nga mới bị thoái hóa đốt sống lưng nên cũng bị đau nhức. Vì bị giam
riêng nên lúc trước họ không cho chữa bệnh gì đâu. Nhưng vừa rồi, Nga gọi điện
về bảo là đột xuất cách đây khoảng độ 1 tuần thì họ cho đi khám bệnh. Thấy hơi
lạ!”
Blogger Huỳnh Thục Vy, thành viên của tổ chức xã hội
dân sự độc lập-Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, vào ngày 30/11/18 bị tòa án tại
Buôn Hồ, tỉnh Đăk Lăk tuyên án 2 năm 9 tháng tù giam với cáo buộc “xúc phạm quốc
kỳ” theo điều 276 Bộ Luật Hình Sự và bản án sẽ có hiệu lực khi con của cô tròn
3 tuổi. Nhân ngày Phụ nữ Quốc tế, cô Huỳnh Thục Vy chia sẻ với RFA:
Mình không phân biệt đàn ông hay phụ nữ trong cuộc đấu
tranh này. Trong cuộc đấu tranh cho dân chủ Việt Nam thì ai có chút sức lực nào
thì góp sức bấy nhiêu đó thôi. Mình thấy điều này là bình thường. Ai đã lên tiếng
chống lại chính quyền thì chính quyền ghét và bỏ tù thì cũng là điều bình thường
luôn. Nếu họ không ghét, họ không bỏ tù thì chính quyền đó không phải là độc
tài. Và nếu đó không phải là chính quyền độc tài thì mình cũng không phải đấu
tranh cho nhân quyền gì cả.”
Vào ngày 7 tháng 3 Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới
(RSF) cũng ra thông cáo báo chí nêu trường hợp những nữ tù chính trị đang bị
giam giữ trên khắp thế giới. Trường hợp của bà Trần Thị Nga của Việt Nam được
nêu ra.
Ngoài ra trường hợp nữ tù chính trị Nguyễn Đặng Minh
Mẫn được nêu trong thông cáo báo chí về nhóm bị ngược đãi.
--------------------
Tin,
bài liên quan
---------------------------------------
RFA
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế vào ngày 8 tháng 3 kêu gọi cộng
đồng viết thư cho Ông Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc về trường hợp tù
nhân lương tâm Huỳnh Trương Ca. Ân Xá Quốc Tế kêu gọi chính phủ Hà Nội và Bộ
Công An trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tù nhân chính trị Huỳnh
Trương Ca.
Theo Ân Xá Quốc Tế, tù nhân lương tâm Huỳnh Trương
Ca đang bị giam giữ trong những điều kiện được nói vi phạm thêm nữa các quyền của
người này.
Cụ thể Ông Huỳnh Trương Ca bị giam chung với 4 tù
nhân khác trong một phòng nhỏ thiếu ánh sáng, và ông Ca không được phép rời khỏi
phòng giam kể cả trong giờ ăn.
Ông này chỉ được phép rời phòng giam mỗi tháng một lần
để đi gặp thân nhân theo tiêu chuẩn.
Bản thân Ông Huỳnh Trương Ca có một số bệnh; tuy
nhiên không được chữa trị theo yêu cầu của ông. Gia đình cho biết ông này bị bệnh
phổi, vấn đề bao tử, cao huyết áp và tiểu đường. Gia đình nhiều lần gửi thuốc
vào tù cho ông nhưng bị từ chối.
Ân Xá Quốc Tế còng cho biết thêm là Bộ Công An sẽ
chuyển Ông Huỳnh Trương Ca đến một nhà tù xa địa phương nơi gia đình ông sinh sống.
Nội dung thư mà Ân Xá Quốc Tế đế nghị cộng đồng viết
gửi đến Ông Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ quan ngại về trường hợp
tù chính trị Huỳnh Trương Ca.
Theo đó thì ông Ca bị bắt tù chỉ vì thực thi một
cách ôn hòa quyền tự do lập hội và hội họp.
Ông Huỳnh Trương Ca, 51 tuổi, là thành viên của nhóm
có tên Hiến Pháp. Mục tiêu của nhóm này là giúp bảo đảm quyền người dân được
qui định trong Hiến Pháp năm 2013 của Việt Nam.
Ông Ca bị bắt vào ngày 4 tháng 9 năm ngoái khi đang
trên đường đến Thành phố Hồ Chí Minh để tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa.
Cùng ngày, có 8 thành viên khác của nhóm cũng bị bắt giữ.
Ông bị đưa ra tòa vào ngày 28 tháng 12 năm 2018 và bị
kết án 5 năm 6 tháng tù với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều
117 Bộ Luật Hình Sự năm 2015.
Trước khi bị bắt, an ninh địa phương từng nhiều lần
sách nhiễu và đe dọa yêu cầu Ông Huỳnh Trương Ca phải ngưng dùng Facebook để
nói về vấn đề nhân quyền và chỉ trích chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, Ông Huỳnh
Trương Ca từ chối yêu cầu của an ninh tỉnh Đồng Tháp, nơi ông cư ngụ.
No comments:
Post a Comment