Thursday, March 21, 2019

NGUỒN KÍCH ĐỘNG TÊN KHỦNG BỐ TẠI NEW ZEALAND (Lê Mạnh Hùng)





Lê Mạnh Hùng
March 20, 2019

Khi những tên da trắng độc tôn Mỹ tụ họp tại Charlottesville, Virginia, vào Tháng Tám, 2017, hò reo “chúng sẽ không thay thế chúng ta” hoặc là “đám Do Thái sẽ không thay thế chúng ta” thì không có bao nhiêu người trong bọn họ biết những khẩu hiệu này đến từ đâu. Ngược lại, Brenton Tarrant, tên khủng bố người Úc bị tố cáo là đã bắn chết 50 người và làm bị thương hàng chục người khác tại một đền thờ Hồi Giáo tại Christchurch, New Zealand, thì đã nói rõ những ý tưởng cực đoan của y đến từ đâu.

Người dân mang hoa đến tưởng niệm những nạn nhân bị sát hại gần đền thờ Hồi Giáo Al Noor ở thành phố Christchurch, New Zealand. Cuộc thảm sát của một tay súng đã cướp đi sinh mạng của 50 người và hàng chục người khác bị thương vào Thứ Sáu, 15 Tháng Ba. (Hình: AP Photo/Vincent Thian)

Trong một bản tuyên ngôn dài 74 trang, y đã ca tụng tên giết người hàng loạt người Na Uy Anders Breivik cũng như tỏ lòng thán phục tên lãnh tụ đảng phát xít Anh trong Thế Chiến Thứ Hai, Oswald Mosley.

Nhưng những tư tưởng của một người Pháp mới đóng vai trò chính trong đầu óc của hắn.
Bản tuyên ngôn của hắn có vẻ đã lấy từ cuốn sách của một tác giả chống di dân người Pháp có tên là Renaud Camus, và đi đến mức đã đạo luôn cả cái tên cuốn sách của Camus “Le Grand Remplacement” (Cuộc Thay Thế Lớn) làm chủ đề của mình. Chủ đề “thay thế” đã trở thành thông dụng trong các chính trị gia cực hữu của Châu Âu và thường được đưa ra trong các cuộc tranh luận về di dân.

Mặc dầu Camus, đối diện trước một loạt các chỉ trích trên Twitter, đã lên án vụ thảm sát tại New Zealand này nói rằng: “Tôi thấy hành động này là phạm tội, ngu xuẩn và đáng kinh tởm” cũng như tố cáo Tarrant là “sử dụng vô lý một câu không phải của mình mà rõ ràng là anh ta cũng  không hiểu.”

Nhưng nghi can giết người này trong bản tuyên ngôn của mình rõ ràng là đã lấy lại của Camus nhiều đề tài, quan trọng nhất là trong nỗi lo sợ bị xóa sổ về dân số qua việc một tập thể dân mới thay thế tập thể dân cũ trong một tiến trình mà Camus nhấn mạnh là giống như một chính sách thực dân.

Trong bài tiểu luận “Pegida, Mon Amour” Camus ca tụng tổ chức công khai chống Hồi Giáo Pegida của Đức như là “hy vọng lớn nổi lên tại phương Đông” và là một “mặt trận giải phóng” vốn đang “đấu tranh chống lại chủ nghĩa thực dân.” Đối với Camus, Châu Âu đang rơi vào “trong một tiến trình bị chinh phục, trong đó chúng ta là những dân thuộc địa bản xứ” và vũ khí sử dụng là “con số khổng lồ những di dân mới được dùng để đè bẹp những người bản xứ cũ.”

Tarrant đã lập lại những ý tưởng này qua bản tuyên ngôn: “Hàng triệu người đang đổ qua biên giới chúng ta… được mời bởi nhà nước và các công ty để thay thế dân tộc Da Trắng vốn đã không sinh đẻ đủ, không cung cấp được lao động rẻ tiền, những người tiêu thụ mới và cơ sở đóng thuế mà các nhà nước và doanh nghiệp cần có để phát triển.”

Và kết luận: “Cuộc khủng hoảng di dân ào ạt và sinh đẻ không đủ để thay thế là một cuộc tấn công vào những dân tộc Châu Âu mà nếu không chống lại sẽ dẫn đến việc các dân tộc Châu Âu bị hoàn toàn thay thế về phương diện chủng tộc và văn hóa.”

Những e sợ về sự giảm sút số dân da trắng và gia tăng mau chóng những di dân không phải da trắng, đặc biệt là những người Hồi Giáo đã trở thành điểm chính trong nghị trình của các đảng dân tộc của người da trắng trên toàn thế giới. Trong thế kỷ thứ 20, nguồn gốc của nỗi lo sợ này có thể tìm thấy phát xuất đầu tiên qua viễn tượng “tận thế” của Encoh Powell, chính trị gia chống di dân của Anh, mà bài diễn văn nổi tiếng chống di dân trong thập niên 1960 nói đến một nước Anh chìm đắm trong biển máu vì di dân và một tác giả người Pháp Jean Raspail. Cả hai người đều đã được Camus ca tụng như là những “nhà tiên tri” trong cuốn “Le Grand Remplacement.”

Raspail mô tả một Châu Âu trong đó những người tị nạn đến “sẽ chiếm hết tất cả những giường bệnh viện của chúng ta để cho những kẻ khốn nạn đầy ghẻ lở, dịch tả có thể chui vào nằm giữa hai tấm trải giường trắng phau sạch sẽ của chúng ta. Những kẻ khác sẽ làm tràn ngập những lớp mẫu giáo sáng sủa nhất, vui vẻ nhất của chúng ta với những trẻ em quái vật của chúng.” Và Raspail đặc biệt lo sợ tình trạng giao phối hỗn chủng: “Một kẻ khác sẽ giảng dạy làm tình không giới hạn nhân danh một chủng tộc duy nhất trong tương lai.”

Cuốn tiểu thuyết “Le Camp des Saints” của Raspaol xuất bản năm 1973 đã trở thành sách gối đầu giường của một loạt các nhân vật cực hữu từ Marine Le Pen của Pháp cho đến Steve Bannon, cựu cố vấn cho Tổng Thống Donald Trump của Mỹ, và dân biểu da trắng độc tôn Steve King của tiểu bang Iowa. Năm 2015, trong cuộc khủng hoảng những người tị nạn Syria tại Châu Âu, Marine Le Pen đã kêu gọi các ủng hộ viên của bà hãy đọc Raspail để ngăn chặn nuớc Pháp khỏi bị tràn ngập.

Như nhà báo Thomas Chatterton Williams viết trên tờ New Yorker một ít lâu sau vụ Chatlottesville, Camus thông thường đóng vai trò “một kẻ phản động đứng đắn bởi vì sự chống đối của y đối với đa văn hóa toàn cầu thì có thể đáng tin cậy là khách quan, chủ yếu là có tính thẩm mỹ, ngay cả lịch sự, khác hẳn với cái thô tục của đám đầu trọc và những kẻ xâm mình da trắng độc tôn vốn là những tên đưa vào hành động những ý tưởng bài ngoại diễn tả trong ‘Le Grand Remplacement.’”

Trong những ngày giờ sau vụ thảm sát tại New Zealand, Camus đã “tweet” lại một câu học được của tổ chức National Rifle Association của Mỹ: “Súng bắn chết người, không phải tư tưởng.”

Nhưng nếu vì chịu ảnh hưởng của mình mà có những kẻ làm những chuyện khủng bố như Tarrant thì dù có lên án bạo động đến đâu chăng nữa, Camus cũng không thể trốn tránh được trách nhiệm. (Lê Mạnh Hùng)





No comments: