22/03/2019
Sau Hải quân, Không quân,
tới lượt Lục quân Mỹ gia tăng chuẩn bị cho việc đối phó với các tình huống có
thể xảy ra ở biển Đông.
Tại một cuộc họp báo được
tổ chức vào ngày 19 tháng 3 ở Hawaii, Đại tướng Robert Brown, Tư lệnh Lục quân
tại khu vực Thái Bình Dương, khẳng định: Toàn bộ quân đội Mỹ, kể cả Lục quân phải
chuẩn bị để cùng ứng phó với tất cả các diễn biến ở biển Đông. Cho dù không hề
muốn xung đột nhưng vẫn phải tăng tập luyện, nâng cao khả năng phối hợp để đối
phó với tất cả các tình huống có thể xảy ra ở khu vực Thái Bình Dương (1).
Lục quân Mỹ hiện có
85.000 quân nhân đồn trú ở khu vực Thái Bình Dương (Alaska, Washington, Hawaii,
Nam Hàn). Để có thể ứng phó tức thời với những diễn biến không mong muốn ở Thái
Bình Dương, Lục quân Mỹ dự trù sẽ điều động cả những đơn vị đồn trú tại những
nơi khác ở Mỹ đến khu vực Thái Bình Dương, tham gia vào những cuộc tập trận với
đồng minh, làm quen với khu vực này.
Đại tướng James
McConville, Phó Tham mưu trưởng Lục quân, nói với báo giới rằng, chưa thể xác
nhận số lượng quân nhân sẽ được luân chuyển theo dạng ngắn hạn đến khu vực Thái
Bình Dương, có thể là 5.000, cũng có thể là 10.000. Con số đó sẽ phụ thuộc vào
hoàn cảnh, qui mô các cuộc tập trận nhưng chắc chắn là Lục quân sẽ chuẩn bị để
có thể ứng phó với các diễn biến ở khu vực Thái Bình Dương. Pacific Pathways
năm nay là một phần của kế hoạch phát triển năng lực cơ động, viễn chinh đa khu
vực.
***
Từ 2014 đến nay, Pacific
Pathways – “Những con đường ở Thái Bình Dương” đã trở thành hoạt động thường
niên của Lục quân Mỹ.
Thông qua các Pacific
Pathways, Lục quân Mỹ điều động binh sĩ đến Úc, Nhật, Nam Hàn, Philippines,
Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Mông Cổ để tập trận với quân đội của những quốc
gia này.
Đến 2016, Pacific
Pathways bắt đầu có thêm hướng ngược lại. Quân đội Canada, Nhật, Singapore gửi
các đơn vị của họ tới Mỹ, tập trân chung với các đơn vị của Mỹ tại Alaska,
Washington và Hawaii.
Mục tiêu của các Pacific
Pathways là phương thức thắt chặt quan hệ giữa Lục quân Mỹ với quân đội các quốc
gia đồng minh và các quốc gia hiện là đối tác của Mỹ tại châu Á. Pacific
Pathways chính là một phần trong kế hoạch chuyển trục sang châu Á của Mỹ.
Quân đội Mỹ không giấu diếm
mục tiêu của Pacific Pathways: Giúp quân đội Mỹ hiện diện ở nhiều nơi mà không
cần xây dựng thêm các căn cứ mới. Nhờ các Pacific Pathways Lục quân Mỹ có thể
luyện tập khả năng triển khai ở bên ngoài lãnh thổ Mỹ.
Chẳng riêng Mỹ, nhiều quốc
gia châu Á hoan nghênh Pacific Pathways vì lợi ích của chính họ. Các Pacific
Pathways giúp Hoa Kỳ có thể điều động các đơn vị tới hỗ trợ những quốc gia này
khi cần.
Tướng Brown trở thành Tư
lệnh Lục quân tại khu vực Thái Bình Dương hồi tháng 5 năm 2016. Tháng 8 năm
2016, tướng Brown cho biết, ông đã gặp gỡ giới chỉ huy quân đội của khoảng 20
quốc gia châu Á để thảo luận về Pacific Pathways.
Vào thời điểm đó, ông tướng
này bảo rằng, một số quốc gia muốn quân đội của họ có cơ hội tham gia nhiều đợt
Pacific Pathways hơn, một số quốc gia khác muốn quân đội của họ tham gia vào hướng
ngược lại của các Pacific Pathways.
Tướng Brown từng bày tỏ
hy vọng Lục quân Mỹ có thể luyện tập ở nhiều địa điểm mới, gia tăng sự lựa chọn
trong việc thực hiện các Pacific Pathways. Việt Nam và Nepal hiện là hai trong
số những địa điểm mới mà Lục quân Hoa Kỳ nhắm tới (2).
***
Giống như Trung Quốc tại
châu Á, trong mắt nhiều dân tộc ở châu Âu, Nga không chỉ đắc tội với tiền nhân
của họ trong quá khứ mà còn là một ẩn họa ở hiện tại và tương lai.
Ba Lan là một trong những
quốc gia ở châu Âu luôn phải dè chừng Nga. Nga bắt đầu xâm chiếm lãnh thổ Ba
Lan từ năm… 981. Các cuộc chiến giành – giữ lãnh thổ, chủ quyền diễn ra liên tục.
Ba Lan nhiều lần bị đặt dưới ách thống trị của Nga, thậm chí xứ sở này từng bị
xóa tên trên bản đồ châu Âu vào cuối thế kỷ thứ 18. Nhiều thế hệ Ba Lan dùng
máu để giữ chủ quyền, giành độc lập từ Nga nhưng “ác mộng Nga” cho quốc gia,
dân tộc chưa dừng.
Đầu thế kỷ 20, chỉ một thời
gian rất ngắn sau khi giành được độc lập, Ba Lan đối diện với một thảm họa mới:
Cộng sản Liên Xô. Máu người Ba Lan lại đổ. Với sự hỗ trợ của Đảng Cộng sản Ba
Lan, trong 20 năm từ 1918 đến 1938, Hồng quân Liên Xô tràn vào Ba Lan, chà đi,
xát lại xứ sở này nhiều lần. Hơn 100.000 người bị giết. Nhiều gia đình bị cưỡng
bức rời khỏi Ba Lan và đưa đến Kazackstan.
Năm 1939, Liên Xô và phát
xít Đức đạt được một thỏa thuận bí mật (Hiệp ước Molotov – Ribbentrop): Phát
xít Đức sẽ làm ngơ để Liên Xô xâm chiếm Ba Lan và Liên Xô sẽ làm ngơ để phát
xít Đức vẽ lại bản đồ châu Âu. Hồng quân Liên Xô tràn vào Ba Lan, bắt 22.000
người (bao gồm các tu sĩ, khoa học gia, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, sĩ quan quân đội,
cảnh sát, doanh nhân,…), vốn được xem như tinh hoa của dân tộc Ba Lan, đưa hết
về Liên Xô.
Trong tháng 4 và tháng 5
năm 1940, toàn bộ 22.000 người bị giết và chôn trong các khu rừng ở Katyn (tỉnh
Slomensk, Nga). Tháng 4 năm 1943, sau khi đuổi Liên Xô ra khỏi Ba Lan và tràn
vào Liên Xô, phát xít Đức khám phá, tố cáo tội ác này của Liên Xô với cộng đồng
quốc tế nhằm cô lập Liên Xô… Song phải đến năm 2004, Liên bang Nga – kế thừa
Liên Xô – mới thừa nhận và năm 2010, Quốc hội Nga mới lên án Stalin và các viên
chức Liên Xô dính líu đến vụ thảm sát (3).
Không may cho dân tộc Ba
Lan là đến đó, “ác mộng Nga” vẫn chưa tan. Trên con đường “giải phóng nhân loại
khỏi chủ nghĩa phát xít”, Liên Xô đi qua và dựng lên hàng loạt chính quyền cộng
sản tại các quốc gia Đông Âu, trong đó có Ba Lan. Chính quyền cộng sản ở Ba Lan
sụp đổ năm 1989 nhưng đến 1993, Liên Xô mới chịu rút hết quân đội khỏi Ba Lan.
Năm 2013, BBC thực hiện một
cuộc khảo sát tại Ba Lan xem dân chúng Ba Lan nghĩ gì về Nga, 49% xem Nga là ẩn
họa phải dè chừng. Năm 2014, sau khi Liên Xô “thu hồi” bán đảo Crimea vốn là
lãnh thổ của Ukraine, tỉ lệ dân Ba Lan xem Nga là ẩn họa đối với xứ sở của họ
tăng lên 80% (4). Không phải tự nhiên mà chính phủ Ba Lan liên tục đề nghị NATO
điều động quân đội của khối này đến đồn trú tại Ba Lan. Cũng không phải tự
nhiên mà Nga liên tục răn đe cả Ba Lan lẫn NATO.
Nga càng hung hãn, chính
phủ và dân chúng Ba Lan càng thêm lo âu vì tương quan lực lượng giữa hai bên
quá chênh lệch. Để cân bằng, Ba Lan ráo riết vận động chính phủ Mỹ xây dựng một
căn cứ cho quân đội Mỹ trú đóng như đang trú đóng tại nhiều quốc gia khu vực Tây
Âu. Không chỉ vận động, Ba Lan còn cam kết chi hai tỉ Mỹ kim để xây dựng một
căn cứ như thế cho Mỹ trên đất Ba Lan (5).
***
Cho đến giờ vẫn chưa thấy
thông tin nào liên quan đến chuyện Việt Nam tham gia các Pacific Pathways. Đề
nghị của Mỹ với Việt Nam: Hợp tác thành lập một hệ thống kho dự trữ quân nhu,
quân cụ tại Việt Nam để quân đội Mỹ có thể có đủ vật dụng thực hiện ngay các
chiến dịch hỗ trợ nhân đạo, ứng phó với thiên tai trong khu vực dường như chưa
có tiến triển nào mới.
Dẫu nỗ lực đẩy mạnh hợp
tác về an ninh – quốc phòng với nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, song hệ thống
chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn khăng khăng khẳng định sẽ tiếp
tục duy trì “chính sách ba không”: Không liên minh quân sự. Không cho bất kỳ quốc
gia nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam. Không sử dụng quan hệ song phương nhắm
vào một quốc gia khác.
Tự thân “chính sách ba
không” không sai, cũng chẳng xấu, thậm chí là nhất thiết phải như thế nếu có thể
bảo đảm được sự tự chủ, bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ.
Vấn đề nằm ở chỗ, “chính
sách ba không” lại do những cá nhân nhất mực khẳng định: Việt Nam và Trung Quốc
có một “di sản quý báu là sự tương đồng ý thức hệ” với “đặc trưng cùng do đảng
Cộng sản lãnh đạo” nên “tạo ra mối quan hệ đặc biệt”, “chi phối cách ứng xử của
cả hai”, thành ra “nếu có được một người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng
hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ
nghĩa xã hội ở Việt Nam” (6) - soạn thảo.
Cứ so sánh việc thực thi
“chính sách ba không” với thực tế ắt sẽ thấy hệ thống chính trị, hệ thống công
quyền Việt Nam có bảo đảm được sự tự chủ, bảo vệ được chủ quyền hay không.
Do cách chuyển ngữ, không
nhiều người Việt biết rằng, nền tảng của chủ nghĩa phát xít (Nazism – National
Socialism) là chủ nghĩa xã hội nhưng đề cao vai trò quốc gia, không chú trọng tới
“tinh thần quốc tế vô sản”. Tên đầy đủ của đảng Quốc xã, lãnh đạo toàn diện,
tuyệt đối nhà nước phát xít Đức là Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Quốc gia Đức
(National Socialist German Workers' Party). Cho dù Đảng Quốc xã và đảng Cộng sản
Liên Xô có “sự tương đồng ý thức hệ” nhưng di sản rõ ràng không… quý báu chút
nào.
Tương tự, nếu đọc lịch sử
Ba Lan chắc chắn sẽ nhận ra ngay lập tức, từ thập niên đầu tiên của thế kỷ 20
cho đến cuối thập niên 1980, Liên Xô là “một người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn
luôn ở bên cạnh Ba Lan để ủng hộ và hợp tác cùng có lợi” nhưng “sự nghiệp xây dựng
chủ nghĩa xã hội” ở Ba Lan luôn luôn đẫm máu và nước mắt. Dân Ba Lan đã từng hết
sức tuyệt vọng khi những người cộng sản Ba Lan là tác nhân khiến 80% sĩ quan
quân đội Ba Lan là… công dân Liên Xô.
-----------
Chú thích
No comments:
Post a Comment