Wednesday, March 20, 2019

HỌC THUYẾT CỨ ĂN ĐI RỒI UỐNG THUỐC (Chu Mộng Long)





Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới trung ương rồi đến lượt Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh tuyên bố:

1) Sán lợn không có gì nguy hiểm. Đã có phác đồ và thuốc điều trị sán lợn.

2) Không phải ai ăn lợn gạo đều nhiễm sán lợn. Số người ăn lợn gạo bị nhiễm sán lợn luôn ở “tỉ lệ cho phép”.

3) Suy ra, mọi người cứ ăn lợn gạo đi rồi đến bệnh viện xét nghiệm và điều trị.

Với tam đoạn luận trên, tôi khẳng định đó là một học thuyết, học thuyết “cứ ăn đi rồi uống thuốc”. Bởi vì với cách suy luận đó, một là nó có cơ sở lý luận vững chắc, hai là có tính hệ thống nhất quán rút ra từ kinh nghiệm thực tiễn.

Nhưng ai sẽ là người giữ bản quyền cái học thuyết này?

Tôi khẳng định, không phải ông Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới trung ương, cũng không phải ông Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh.

Thời tôi còn trẻ con, những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội với mô hình hợp tác xã bất hủ, học thuyết này đã thịnh hành. Đói khát triền miên, đám trẻ con chúng tôi chỉ được ăn một bữa thịt no vào ngày 30 Tết cúng tất niên hoặc trong ngày làng cúng Thanh minh.

Thời ấy, hợp tác xã chỉ cho phép mỗi gia đình nuôi một con heo để ăn Tết. Nuôi từ con thứ hai trở lên là hợp tác xã mậu dịch thu mua để bán lại cho dân. Hợp tác xã ưu tiên bán thịt ngon cho cán bộ, gia đình có công, các gia đình bình thường thì phải xếp hàng và may mắn thì chỉ mua được thứ thịt bầy nhầy thải ra.

Một lần mẹ tôi mua được vài lạng thịt bầy nhầy, về nhà phát hiện đó là lợn gạo, mẹ tôi định vứt. Bác tôi, cán bộ tập kết, cản lại, bảo đừng tư duy theo lối tư sản, cứ ăn đi rồi uống thuốc. Vậy là bác mang về nhà bác mà ăn. Sau đó cả nhà bác mặt ai cũng nổi u trắng vằn vện trông gớm chết…

Nói thêm, thời ấy, các loại bò dịch, heo dịch, gà dịch đều không có chuyện tiêu hủy như sau này. Cứ ăn rồi uống thuốc. Học thuyết này ăn sâu vào trong từng gia đình, từng người, kể cả những gia đình sang chảnh bị quy là đầu óc tư sản. Đói thì tư sản cũng phải bò ra ăn bẩn mà không cần mất công nhà nước cải tạo.

Tôi vẫn còn ám ảnh mỗi năm vào dịp Tết, nhà làm con heo. Chiều ba mươi lấy cái đầu và nọng heo, một ít máu heo làm tiết canh. Cúng tất niên xong, lũ trẻ chúng tôi ngồi bóc thịt, da và xương ra gặm. Cả năm đói và thèm thịt, cứ thế ăn tộ vào đến cứng bụng.

Mẹ bảo coi chừng bội thực rồi ỉa chảy đấy. Nhưng bố bảo “cứ ăn đi rồi uống thuốc”. Bố tôi ảnh hưởng bác tôi lúc nào không biết. Mà không ảnh hưởng không được, vì đói quá. Thế là rạng sáng mồng một cả nhà vác đít chạy ra đồng. Chạy không kịp thì bắn ra quần hoặc bắn ngay trong vườn. Một ngày chạy đến vài ba lượt.

Mà không chỉ nhà tôi. Cả làng chạy như chạy giặc. Quanh nhà, quanh làng bấy giờ bốc mùi chua chua thủm thủm… trong tỉ lệ cho phép. Uống thuốc gì nhỉ? Đơn giản là mấy cây ổi bị vặt trụi lá. Cứ vơ lá ổi non lẫn ổi già nhai ngấu nghiến và nuốt. Sau một ngày, không biết nhờ lá ổi hay nhờ chạy nhiều lần đến rỗng ruột mà hết chảy.

Làng tôi có tục lệ cúng Thanh minh vào tháng ba. Làng có con bò già hay đau bệnh gì đó là bán cho đội xẻ thịt để cúng cô hồn. Sáng người lớn đi tảo mấy cái mộ vô chủ, trưa thì dọn mâm ra cúng và tụ tập cả làng ở sân kho đội để ăn. Bọn trẻ chúng tôi tờ mờ sáng đã đến sân kho để xem mấy ông chọc tiết bò và xẻ thịt. Hãi nhất là khi chọc tiết bò, khi con bò bị dao đâm vào cổ, nó rống lên, máu nó phụt ra tung tóe, có mấy ông thi nhau hứng và uống máu sống. Khung cảnh không khác thổ dân làm hội ăn thề chiến tranh. Họ bảo cách uống máu tươi sống này rất bổ.

Bây giờ hình dung lại, nếu là bò bệnh thì sao? Thì có lẽ vẫn theo học thuyết “cứ ăn đi rồi uống thuốc”! Thiên đường xã hội chủ nghĩa thuốc gì chẳng có? Cứ bước ra vườn hay ra bãi là có thuốc. Từ cỏ cây cho đến đất cát đều thành thuốc. Đến mức bị ghẻ lở và ủ dòi (quê tôi gọi là chùm bao) bọn Tây từng bó tay, dân ta cũng có thuốc đặc trị. Cứ cho chó liếm hay rịt đất vào đó lâu dần đến lúc nếu không chết thì cũng khỏi!

Bây giờ thì nói chuyện trẻ con chúng tôi ăn Thanh minh. Không có mâm bát gì cả, trừ mâm dành cho các quan đội và hợp tác xã được dọn riêng. Cả làng ngồi bệt xuống đất. Trước mặt là một dãy dài lót toàn lá chuối. Thịt bò nấu với chuối cây thái nhỏ. Độn thật nhiều chuối cây vào mới đủ cho cả làng ăn. Sau khi gõ kẻng ba hồi chín tiếng, cả làng già trẻ gái trai ngồi xổm vào “mâm”, nhiều đứa trẻ quần rách đáy chim lòng thòng, bướm tô hô. Cứ thế thi nhau bốc ăn.

Lựa thịt bốc ăn trước. Thường cuối cùng chỉ còn lại toàn chuối, ngốn thịt hết rồi mới thi nhau ngốn đến chuối. Thịt bò già, toàn gân, nhai trệu trạo rồi lo nuốt nhanh vì sợ hết phần. Nhiều đứa nuốt vội quá, miếng thịt nhùng nhoằng nuốt lỡ nửa trong nửa ngoài cuống họng buộc phải kéo ra rồi nhai lại. Bây giờ nghĩ lại thấy gớm chết chứ hồi đó là bình thường. Những miếng thịt nuốt vào rồi kéo ra nhùng nhoằng, nhễ nhại rớt dãi mà vẫn bỏ vào mồm nhai lại ngon ơ. Có khi miếng thịt do rớt dãi nhơn nhớt mà bị tuột tay rơi xuống đất vẫn phải bốc lên phủi phủi đất cát rồi ăn vì tiếc.

Chết sao sống vậy. Cô hồn cả năm làm ma đói nay được bữa no thì dân cũng được bữa no.

Hiển nhiên, cuộc cúng cô hồn nào cũng để lại hậu quả là cả làng làm quân Tào Tháo… trong tỉ lệ cho phép. Nhưng không sao, “cứ ăn rồi uống thuốc”. Đất Bình Định nhờ những cuộc ra quân theo binh pháp Tào Tháo mà đẻ ra thứ thuốc đặc hiệu Berberin làm vang danh xứ nẫu.

Thời đó, dân chết đói thì ít, nhưng chết vì dịch bệnh thì nhiều, nhưng vẫn nằm trong tỉ lệ cho phép.

Tóm lại, học thuyết “cứ ăn rồi uống thuốc” là sáng tạo vĩ đại của người bình dân vô học trong hoàn cảnh đói khát. Bây giờ khi lên làm giám đốc một bệnh viện lớn trung ương như Bệnh viện Nhiệt đới và làm bí thư một tỉnh có truyền thống văn hóa lâu đời như tỉnh Bắc Ninh, mấy ông này quyết tâm bảo tồn và phát triển học thuyết này để đảm bảo tính truyền thống và tính hiện đại của nó. Đó là học thuyết rất ích nước lợi dân, ít ra là có lợi cho thị trường ẩm thực và có lợi cho ngành y tế, kể cả ngành bán quan tài và dịch vụ tang lễ.

Chuyện tôi kể là sự thật 100%. Không phải huyền thoại. Nhưng là một đại tự sự, một học thuyết đang thống trị, bắt đầu từ sáng tạo của người bình dân vô học rồi lây nhiễm sang não của những kẻ tai to mặt lớn.





No comments: