Thursday, March 21, 2019

KHỦNG BỐ NGẪU NHIÊN & BẠO LỰC KỊCH BẢN (Trần Minh Ấn)




Trần Minh Ẩn
21/03/2019

Từ “stochastic” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp “stochastikos”, có nghĩa “đoán là sẽ hành động” và “khéo léo nhắm mục tiêu”. Nó diễn tả những kẻ cực đoan ra tay bạo lực một cách ngẫu nhiên, được kích hoạt bởi ai đó muốn khai thác mặt tối trong con nguời cho mục đích chính trị.

Nếu ai đó khuyến khích bạo lực rồi gieo rắc nghi ngờ (gaslighting) thì họ là mối đe dọa cho an toàn thế giới.

Theo định nghĩa của Dictionary.com, nó có nghĩa là việc (ai đó) công khai lên án để ác quỷ hoá (demonization) một người hay một nhóm người, dẫn đến việc kích động (những người hưởng ứng) ra tay bạo lực, theo khoa học thống kê (statistic) thì nó sẽ xảy ra, nhưng không thể chính xác dự đoán được là sẽ phát xuất ở đâu và khi nào (http://bit.ly/2HJUPlh).

Khủng bố ngẫu nhiên là thuật ngữ khá mới để mô tả những phát ngôn hàm ý kích động bạo lực, dẫn đến hành động khủng bố ngẫu nhiên, “stochastic” nhằm mô tả tính chất ngẫu nhiên của các mục tiêu. Kẻ gieo rắc khủng bố ngẫu nhiên không ra lệnh hành động cho các thành viên của nhóm người ngưỡng mộ họ, thay vào đó, họ gieo rắc tư tưởng qua các phương tiện thông tin đại chúng cho những cá nhân mà trên danh nghĩa họ không có mối liên kết để bị coi là một phần trong bất kỳ hình thức tổ chức nào.

Người phát ngôn, dù cố ý hay không, kích động những kẻ có cá tính được kết tụ các đặc điểm dễ dẫn họ đến bạo lực. Vì người phát ngôn chỉ tập trung lòng thù hận của họ về phía nạn nhân, thay vì trực tiếp tham gia, nên họ có thể thoát tội và hung thủ có thể bị cơ quan thực thi pháp luật coi là hành động đơn lẽ một mình (lone wolf).

Trong cuốn sách năm 2017 “Age of Lone Wolf Terrorism”, hai tác giả là nhà khoa học về tội phạm (criminologist) Mark S. Hamm và nhà xã hội học Ramón Spaaij đã thảo luận về chủ nghĩa khủng bố ngẫu nhiên như một hình thức “gián tiếp khởi động” của những kẻ chủ trương khủng bố (http://bit.ly/2HGrGHB).

Mô hình của khủng bố ngẫu nhiên là một quá trình có tính cách ngẫu nhiên, bất chợt, mô hình này của những cuộc tấn công khủng bố nhằm vào tính chất ngẫu nhiên của thời gian và của các mục tiêu để khơi dậy nỗi sợ hãi chung. Vả lại, các hành động khủng bố ngẫu nhiên được gián tiếp kích hoạt bởi các thuyết âm mưu lưu hành trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là bởi các nhà lãnh đạo chính trị hay tôn giáo có địa vị cao (http://bit.ly/2FmVFmp).

Bạo lực kịch bản (Scripted violence)

Cụm từ “bạo lực kịch bản” đã được dùng trong khoa xã hội học ít nhất từ năm 2002.
Tác giả David Neiwert là nguời đã viết cuốn sách “Alt-America”, trả lời phỏng vấn của Chauncey Devega trên báo Salon như sau:

Bạo lực theo kịch bản là khi một người có tầm vóc quốc gia mô tả loại bạo lực mà họ muốn được thực hiện. Ông ta xác định các mục tiêu và để nó cho những người nghe thực hiện việc bạo lực này. Nó là một hình thức khủng bố. Đó là hành động và là hiện tượng xã hội mà trong đó có một thỏa thuận để gây tổn thương bạo lực lớn trên diện rộng lên một bộ phận xã hội. Nhắc lại, bạo lực này được dẫn dắt bởi những người ở địa vị cao trong giới truyền thông và chính quyền. Họ là những người viết kịch bản, và để cho những người bình thường thực hiện nó.

Hãy nghĩ nó giống như truờng hợp của Charles Manson (lãnh tụ tà giáo ở California những năm 1960s) và những người theo ông ta. Manson viết kịch bản; ông ta đã không thực hiện bất kỳ một vụ giết người nào. Ông ta chỉ để cho những người theo ông ta thực hiện (http://bit.ly/2FrFdRV).






No comments: