Saturday, March 23, 2019

BẢN TIN NGÀY 23-3-2019 (Báo Tiếng Dân)




23/03/2019

Tin Biển Đông

Trung tâm cấp cứu 115 TP Đà Nẵng cho biết, vừa vượt biển thâu đêm cứu thuyền viên nước ngoài bị nạn ở Hoàng Sa, theo báo Người Đưa Tin. Người bị nạn là “Michael Samorin (42 tuổi). Ông là thuyền viên trên tàu Maran Taurus, đến từ Hy Lạp. Chiều 21/3, khi tàu này di chuyển đến phía nam đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ông bị đau bụng nên chủ thuyền gửi tín hiệu cầu cứu”.

Cần nhắc lại: Trong vụ tàu cá Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, phun vòi rồng đến mức va vào đá ngầm vừa xảy ra hồi đầu tháng 3/2019, năm ngư dân phải bám vào mũi tàu, lênh đênh trên biển suốt nhiều tiếng trước khi được một tàu cá VN khác giải cứu, chứ không hề thấy mặt tàu của lực lượng chức năng Việt Nam nào tới cứu giúp họ cả. Qua đó có thể nói: Mấy giọt máu đào không bằng một giọt nước lã!

Biển Đông nóng lên, thủy quân lục chiến Mỹ diễn tập đánh chiếm đảo, VOV đưa tin. Trong tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng, thủy quân lục chiến Mỹ vừa “diễn tập tấn công đảo Iejima trong tuần vừa rồi, thiết lập một đầu cầu, đánh chiếm sân bay trên đảo và triển khai các vũ khí, khí tài hạng nặng để tấn công thêm các mục tiêu của địch”. Hoạt động diễn tập này tái hiện chiến thuật mà người Mỹ từng sử dụng để lấy lại các đảo bị Đế quốc Nhật chiếm trong Thế chiến thứ 2.

Anh có thể điều cùng lúc hai tàu sân bay đến Biển Đông, theo VnExpress. Hải quân Hoàng gia Anh có thể triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth “dẫn đầu nhóm tác chiến có sự góp mặt của tàu sân bay HMS Prince of Wales, một số tàu khu trục Type 45 và tàu hộ vệ Type 26 thế hệ mới để tiến hành các hoạt động ở Biển Đông trong năm 2021”.


“Củi” ở Vietsovpetro

Trong phiên xử ngày 22/3/2019, hai cựu sếp Vietsovpetro nhận án hơn 10 năm tù, VietNamNet đưa tin. HĐXX đã tuyên bị cáo Võ Quang Huy, cựu kế toán trưởng VSP lãnh án 7 năm tù và bị cáo Từ Thành Nghĩa, cựu Tổng GĐ VSP mức án 3 năm 6 tháng tù, về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, “trong lời nói sau cùng, bị cáo Nghĩa xin lỗi ban lãnh đạo, tập thể người lao động VPS… Bị cáo Huy mong được tòa xem xét đến hoàn cảnh gia đình và cho rằng, đã phạm tội trong hoàn cảnh bị động, không bàn bạc thỏa thuận”.



“Củi” ở Vinashin

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi về sai phạm tại Vinashin: 105 tỷ đồng lãi ngoài được chia chác như thế nào? Theo đó, VKSND tối cao đã ban hành cáo trạng, chuyển TAND TP Hà Nội để mở phiên tòa xét xử vụ sai phạm xảy ra tại Vinashin. Theo cáo trạng, các bị can Nguyễn Ngọc Sự, cựu Chủ tịch HĐTV Vinashin; Trương Văn Tuyến, cựu Tổng GĐ; Phạm Thanh Sơn, Phó tổng GĐ phụ trách tài chính và Trần Đức Chính, cựu Kế toán trưởng, đều phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Bài báo cho biết: Năm 2010, Vinashin được nhận 2.200 tỷ đồng từ PVN để tái cơ cấu và 4.190 tỷ đồng của Chính phủ cấp tạm ứng vốn cho sản xuất. “Mặc dù không được Thủ tướng Chính phủ cho phép” nhưng nhóm lãnh đạo nói trên đã “thống nhất chủ trương quyết định việc gửi tiền có kỳ hạn vào Oceanbank nhằm chiếm đoạt số tiền”.


Cán bộ bắt tay lâm tặc phá rừng

VOV đưa tin: Công an vào cuộc vụ phá rừng có sự tham gia của Phó Chủ tịch xã. Ngày 22/3, một lãnh đạo Công an huyện Quỳ Châu, Nghệ An xác nhận, đơn vị đang “vào cuộc làm rõ sự việc. Hiện tại đang trong quá trình điều tra nên công an chưa thể cung cấp các thông tin liên quan đến sự việc”. Trước đó, kiểm lâm xã Châu Phong cho biết, ông Vi Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã và một người dân đã phá hơn 37.000m2 rừng.

Báo Dân Việt có bài: Chặt hạ nhiều cây rừng trăm năm tuổi để… làm đũa (!?). Vụ 20 cây gỗ, đường kính khoảng 40cm bị chặt hạ trong rừng phòng hộ Sông Tranh, ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch huyện Bắc Trà My cho biết, “vụ phá rừng này khả năng các cơ sở sản xuất đũa trên địa bàn thực hiện, vì hiện trên địa bàn huyện có 4 cơ sở sản xuất đũa”.


Công an “nhân dân” xâm hại nữ sinh lớp 9

TAND TP Thái Bình vừa hoãn xử vụ cựu thượng tá công an cùng 3 doanh nhân xâm hại nữ sinh lớp 9, báo Người Lao Động đưa tin. Theo đó, giữa tháng 8/2018, nạn nhân vụ hãm hiếp “mất liên lạc nhiều ngày với gia đình, khi trở về nhà đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng sức khỏe bị ảnh hưởng”. Gia đình nữ sinh tố cáo vụ việc với công an. Ngày 4/10/2018, công an quyết định khởi tố, tạm giam bị can Phạm Văn Lam. “Thời điểm bị bắt, Lam mang cấp bậc thượng tá, giữ chức vụ phó phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thái Bình”.

Báo Người Đưa Tin có bài: Lý do hoãn phiên xử cựu Phó phòng Cảnh sát Kinh tế Thái Bình xâm hại nữ sinh lớp 9. Theo đó, “phía TAND TP.Thái Bình đã từ chối cho PV tham gia tác nghiệp. Đến khoảng 8h20 cùng ngày, TAND TP.Thái Bình tuyên bố hoãn phiên xử, xe chở các bị cáo rời khỏi tòa trở về nơi tạm giam… lý do hoãn tòa được cho là yêu cầu từ phía luật sư 1 trong 4 bị cáo”.

Cảnh sát Hỗ trợ tư pháp áp giải Phạm Văn Lam vào phòng xét xử. Nguồn: NĐT


Tài xế không lùi bước trước BOT

Nóng trạm BOT Mỹ Lộc: Tài xế húc gãy barie, liên tiếp phải thay mới, VietNamNet đưa tin. Theo đó, “sau 2 ngày trạm BOT Mỹ Lộc (Nam Định) thu phí trở lại đã có nhiều nhà xe không trả phí, cố tình tông hỏng cần chắn barie”. Chỉ trong ngày 20/3/2019, đã có 3 xe chở khách đâm hỏng barie để phản đối trạm BOT này, biển kiểm sát lần lượt là 17B-014.30, 97H-4646, 17B-017.16 (xe này đâm gãy barie 2 lần). Đến ngày 21/3, lại có thêm 2 xe chở khách nữa xô gãy barie của BOT Mỹ Lộc.

Công an huyện Mỹ Lộc, Nam Định khẳng định sẽ xử lý các trường hợp chống đối thu phí tại Trạm BOT Mỹ Lộc, theo Thông Tấn Xã VN. Bài báo cho biết: Công an huyện tạm giữ giấy tờ xe của các tài xế nói trên “để hoàn thiện hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật. Hiện, tại Công an huyện Mỹ Lộc và các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định vẫn cắt cử lực lượng làm nhiệm vụ tại hiện trường nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại khu vực Trạm BOT Mỹ Lộc”, để trạm BOT này có thể tiếp tục “móc túi” dân.

Trước sự phản đối của các tài xế chống lại BOT bẩn, BOT Cai Lậy bất ngờ tiếp tục lùi ngày thu phí trở lại, VOV đưa tin. Bộ GTVT thông báo: “Đang tích cực khẩn trương phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan rà soát để thống nhất các phương tiện miễn giảm nhằm sớm tổ chức việc thu tiền dịch vụ trở lại hoàn vốn cho dự án và sẽ thông báo chính thức đến các phương tiện thông tin đại chúng”. Không muốn dẹp BOT Cai Lậy, nhưng cũng ngại các tài xế, nên họ tìm cách miễn giảm được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

BBC có bài của LS Ngô Ngọc Trai: Ý kiến luật sư nói vụ Hà Văn Nam ‘cần lãnh đạo cấp cao cứu xét’. Trong đơn gửi các lãnh đạo nhà nước xem xét trường hợp tài xế Nam, LS Trai chỉ ra, “việc làm của Hà Văn Nam cũng gián tiếp biểu đạt ý nguyện của một số lượng đông đảo người dân và doanh nghiệp đang chịu đựng gánh nặng về những khoản phí BOT… bản chất đằng sau một vụ án là những vấn đề thuộc về bất cập chính sách lớn, có ảnh hưởng sâu rộng”.

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh viết: “Bảo vệ BOT An Sương, Bí thư Bình Tân Võ Ngọc Quốc Thuận ngày đêm lao tâm khổ tứ, xông pha hiện trường. Một thằng dân chỉ thiếu 15k thôi thì lực lượng khẩu trang ngành ra tay tàn bạo, lấy cho bằng được tiền… Có những thời điểm, gần cả ngàn quân cùng chung tay bảo vệ BOT An Sương. Tôi tiếp xúc nhiều cán bộ, biết họ rất mỏi mệt vì phải ngày đêm chăm lo cho giấc ngủ của nhà đầu tư”.

Nhà báo Hữu Danh có clip, ghi lại lực lượng an ninh hỗn hợp hùng hậu bảo vệ BOT An Sương: https://www.facebook.com/huudanh.truong.5/videos/1817641325002933/


Vụ nữ sinh giao gà bị giết ở Điện Biên: Vẫn chưa giải quyết xong

Công an vừa bắt giữ thêm 3 người liên quan cái chết của nữ sinh Điện Biên, báo Tiền Phong đưa tin. Nhóm 3 người vừa bị bắt gồm có Phạm Văn Dũng, anh trai bị can Phạm Văn Nhiệm, Bùi Kim Thu, vợ bị can Bùi Văn Công và Cầm Văn Chương, người cùng xã. Dũng và Chương bị bắt về tội “Hiếp dâm”, Thu bị bắt về tội “Không tố giác tội phạm”.

Trước đó, đã có 5 bị can bị bắt giữ, gồm Vương Văn Hùng, Bùi Văn Công, Lường Văn Hùng, Phạm Văn Nhiệm và Lường Văn Lả. Đến nay, “công an đã bắt giữ tổng cộng 8 người liên quan cái chết của nữ sinh Cao Thị Mỹ Duyên. Trong đó, nữ bị can duy nhất được xác định bao che cho chồng và đồng phạm đồng thời giả vờ là người phát hiện thi thể”.

Trang Gia Đình và Xã Hội dẫn lời mẹ nữ sinh giao gà bị giam giữ, hãm hiếp rồi sát hại: “Tôi căm hận người đàn bà diễn kịch”. Bài báo cho biết: “Khi Công còn chưa bị bắt, hôm 11/2, chính Thu là người đã dẫn phóng viên quay lại hiện trường vụ án với một thái độ vô cùng bình tĩnh”, để diễn tròn vai một nhân chứng “vô tội”.

Bà Hiền, mẹ của cô Duyên nói: “Tôi biết trong số này có đối tượng Thu là vợ của Công. Ngay từ những ngày đầu người dân đã xôn xao rằng chính Thu là người biết sự việc mà không báo, không ngăn chặn. Tôi căm hận Thu gấp nghìn lần, còn hơn những kẻ thú tính kia. Nếu có tính người thì con tôi đã cứu được”.

Báo Dân Sinh có bài tổng hợp về những tình tiết mới nhất trong vụ nữ sinh ở Điện Biên bị sát hại: 7 nghi phạm thay nhau hiếp dâm nạn nhân nhiều lần. Bài báo cho biết: “Dũng và Chương đã khai nhận hành vi phạm tội của mình, đáng nói, các đối tượng này còn thực hiện hành vi hiếp dâm nạn nhân nhiều lần”. Trừ bị can Thu, các bị can còn lại đều thừa nhận đã nhiều lần hãm hiếp nạn nhân.



Vụ nữ sinh bị cưỡng dâm trong thang máy

Chiều 22/3/2019, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các cơ quan hữu trách xử nghiêm vụ người đàn ông sàm sỡ nữ sinh trong thang máy tại chung cư Golden Palm ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, mà chỉ bị xử phạt hành chính 200.000 đồng. Ngay lập tức, các báo “lề đảng” không dùng từ “cưỡng hôn” nữa mà chuyển sang dùng cụm từ “sàm sỡ”.

VTC đưa tin: Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra việc xử lý kẻ sàm sỡ nữ sinh trong thang máy. Trong văn bản của ông Hòa Bình có đoạn: “Trường hợp quy định pháp luật chưa đủ nghiêm khắc để răn đe, ngăn chặn các hành vi tương tự, Bộ Công an khẩn trương đề xuất, bổ sung cho phù hợp và báo cáo kết quả lên Thủ tướng trước ngày 15/4”.


Ô nhiễm môi trường

Báo Dân Trí bàn về ô nhiễm ở “làng chì” Đông Mai: Bộ TN-MT chỉ đạo việc cần làm ngay. Do hoạt động tái chế chì từ ắc quy cũ, “nguồn không khí, đất và nước ngầm của thôn Đông Mai bị ô nhiễm nặng gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của người dân”. Bài viết cảnh báo: Khu vực ô nhiễm “tại các hộ dân là gần 4.000m2; có điểm hàm lượng chì vượt QCVN đến hơn 1.000 lần”.

Chuyện ở huyện Yên Khánh, Ninh Bình: Bụi than bủa vây KCN Khánh Phú, theo trang Tài Nguyên và Môi Trường. Trong nhiều năm qua, người lao động trong KCN Khánh Phú và người dân xã Khánh Phú “đang phải ngày đêm sống chung với ô nhiễm từ bụi than tại các cảng than ngoài đê sông Đáy và các xe vận chuyển than chạy trong KCN, đặc biệt là cảng than của Công ty TNHH Long Sơn”.

VTV có bài: Đà Nẵng: Bãi chứa than gây ô nhiễm, người dân kêu trời. Tình hình ô nhiễm tại bãi tập kết than xã Hòa Nhơn: “Than cháy âm ỉ bốc mùi hôi khét lẹt, mặt đường đen kịt bởi hàng chục xe vận chuyển than, ra vào bãi chứa. Tình trạng ô nhiễm không khí do bụi than, mùi than gây nên đã nhiều năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân sống xung quanh, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ”.


***






No comments: