19/03/2019
VNTB
- Đà Lạt sẽ trở thành một thành phố vô hồn, thực ra nên thế, không những rạp
hát Hòa Bình, Dinh tỉnh trưởng, mà nên xóa bỏ nhà ga, dinh Bảo Đại,… Tất cả vì
một Đà Lạt với những trung tâm thương mại hoành tráng, những tòa nhà chung cư với
tên mang mác nước ngoài.
Hình : Phối cảnh khu Hoà Bình Đà Lạt
Đà Lạt không phải là mẫu đầu tiên trong tiến trình
công nghiệp hóa, đô thị hóa,… trước đó Sapa, một mẫu đã được xử lý rất thành
công.
Gs. Trần Hữu Dũng trong một chia sẻ trên trang điểm
tin của mình đã phẫn nộ bày tỏ: Khi lãnh đạo là những người ngu dốt.
Lãnh đạo Lâm Đồng thực ra không hề ngu dốt, họ rất
khôn ngoan khi lựa chọn Cty cổ phần Đại Quang Minh, một doanh nghiệp từng trấn
giữ những khoản đất vàng tại Thủ Thiêm, nơi phát sinh dân oan và một loạt lãnh
đạo phải ra hầu tòa vì bắt tay với doanh nghiệp trong “quy hoạch Thủ Thiêm”. Tức
là khi chọn Đại Quang Minh, lãnh đạo Lâm Đồng đã lựa chọn một doanh nghiệp cáo
già, thừa thãi kinh nghiệm trong xử lý bất động sản và ổn định chính sách bằng
dòng tiền dồi dào của mình.
Lãnh đạo Lâm Đồng, với sự “tài tình” và quyết tâm
chính trị lớn lao của mình, không chấp nhận sự rách nát của rạp hòa bình, không
cần tính biểu tượng, cũng như việc trước đó, giới lãnh đạo tỉnh này từng bán đường
sắt răng cưa Thụy Sĩ với giá phế liệu, để rồi về sau, phải vẽ ra một dự án phục
hồi với mức hàng ngàn tỷ đồng.
Giới “tinh hoa” của tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện
trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về một “tiểu Paris của
châu Á”. Nhưng rõ ràng, đó là một cách hiểu đầy nông cạn, bởi với đề án lần
này, thì “tiểu Paris của châu Á” chỉ đơn thuần “điền vào chỗ trống” bằng cách gỡ
bỏ những cái cũ kỹ đi (thay vì tôn tạo nó trở thành biểu tượng) trên mảnh đất
vàng và đặt vào đó những “kế hoạch lợi nhuận” của doanh nghiệp. Ở Việt Nam
không thiếu những thứ lố lăng và rác rưởi như vậy, tại Hà Nội, cạnh Hồ Gươm là tòa
nhà Hàm Cá Mập, kiến trúc một thời của những chắp vá về tư duy đầy định hướng
xã hội chủ nghĩa.
Chính vì vậy, nên “Một phần của lịch sử Đà Lạt” chẳng
là thứ gì đáng giá trong mắt lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, bởi họ bị choáng ngợp hoặc
buộc phải choáng ngợp về “quyết định có ý nghĩa rất lớn trong việc quy hoạch,
chỉnh trang, thiết kế, đầu tư phát triển khu vực trung tâm của Tp. Đà Lạt” như
cách ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh trong lễ công bố
quyết định trong ngày 15.03.
Quyết định này mang tính “vĩ đại’ trong việc đe dọa
xóa sổ cả ý nghĩa của tên gọi Đà Lạt mà ông Yersin từng đặt: “DAT ALLIS
LAETITUM ALLIIS TEMPERRIEM”, có nghĩa là, “cho người này niềm vui, cho người
kia sự mát lành”. Nói cách khác, dàn lãnh đạo tỉnh (Lâm Đồng) đã và đang tích cực
trong xóa bỏ các tàn tích của thực dân và phong kiến trên thành phố mộng mơ
này, để hình thành những công trình mang đậm chất đặc trưng của những người cộng
sản thời đại mới.
Nhiều người khẳng khái chỉ thẳng ra rằng, cái “quyết
định” nêu trên chỉ là một trong nhiều mục tiêu mà tiến trình xóa sổ Đà Lạt, được
tạo lập từ thời điểm mà những người Cộng sản dựng lá cờ chiến thắng trên mảnh đất
cao nguyên này. Họ, bằng sự kiêu ngạo của mình, bằng sức mạnh “vật chất chi phối
ý thức”, bằng ý chí chính trị chinh phục và cải tạo thiên nhiên, cải tạo tư sản
đã “san núi, lấp biển, hạ cây” để biến những thứ “mộng mơ và sương mù” trở nên
quang đãng với ít đèn điện, dàn nhà cao tầng,…
Nhà báo Mai Quốc Ấn than thở trong Facebook cá nhân:
Một thời đại rực rỡ u buồn... Và những người như ông Ấn là không hiếm sau sự kiện
ngày 15.03. Nhưng tiếng nói hay sự than thở, giận dữ hay cay đắng về sự kiện
15.03 lại là những người không có quyền lực, những người không được tham gia
vào quy hoạch, những người chỉ có thể “kêu gào bảo tồn” trước sức mạnh của “đổi
đất lấy hạ tầng”, hoặc trước sự ngu dốt vô biên của những con người “đổi nhiệm
kỳ lấy quyền lợi”.
Khi Đà Lạt sương mù mất đi, những người con Đà Lạt
căm phẫn, vì họ cho đó là tư duy hợm hĩnh, trọc phú của lãnh đạo. Họ cho rằng,
những lãnh đạo của Đà Lạt hay tỉnh Lâm Đồng nói chung không phải là những người
lớn lên và sống trên mảnh đất mộng mơ này, vì thế họ có thể thản nhiên tàn phá
Đà Lạt như thế. Nhưng Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng lại là người gắn
bó chặt chẽ với Đà Lạt, điều khiến “cảm xúc về Đà Lạt” hay cách nhìn Đà Lạt
khác so với những người Đà Lạt khác là ông là một người Đà Lạt thuộc về chính
trị. Và chính trị trong cơ chế hiện nay là bắt mọi thứ phải phục vụ lợi quyền của
mình. Và Đà Lạt, một mô hình tòa nhà bê-tông có gắn điều hòa thiên nhiên đang
trở thành hiện thực dưới cái tâm và tầm của những con người chính trị như thế.
Có lẽ chưa bao giờ, giới lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng thực
tâm hiểu rằng, họ không có quyền xóa bỏ văn hóa và lịch sử nhân danh sự hiện đại
hóa. Trong khi chờ sự suy xét dựa trên áp lực của dư luận, nhiều người truyền
tin đầy bi quan trong sự tuyệt vọng. Rằng, Đà Lạt đã và sẽ biến mất, nó sẽ
không cưỡng lại được quy luật “bán đất hóa”, do vậy, họ kêu gọi nhau sắm sửa
cho mình một máy ảnh thật tốt, gắn với 1 thẻ nhớ dung lượng thật lớn để đi từng
góc phố, từng con dốc, mái nhà, và đồi,… ghi lại những hình ảnh mà chỉ nay mai
thôi, tất cả sẽ trở thành ký ức.
----------------------
LIÊN QUAN
18/03/2019
.
18/03/2019
No comments:
Post a Comment