Tuesday, March 19, 2019

TẠI SAO VỤ ÁN PVN ĐẦU TƯ KHAI THÁC DẦU TẠI VENEZUELA LẠI NÓNG LÊN VÀO LÚC NÀY? (Kami)




Chủ Nhật, 03/17/2019 - 19:01 — Kami

Truyền thông nhà nước ngày 13/3/2019 đưa tin, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an (C03) đã có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) về việc xác minh, thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan tới dự án khai thác dầu khí tỉ USD tại Venezuela.

Đây là một động thái tương đối bất ngờ, vì kể từ khi đại án PVN và Đinh La Thăng bị khởi tố và truy cứu trách nhiệm trong việc làm thất thoát số tiền được cho là 800 tỷ tại PVN. Khi đó, dư luận đã đặt câu hỏi: "Tại sao việc thất thoát số tiền đầu tư khai thác dầu mỏ tại Venezuela 1,241 tỉ USD lại không được đề cập đến và trách nhiệm này thuộc về ai?"

Khi ấy câu trả lời từ dư luận xầm xì rằng, do đây là chủ trương mang tính chính trị liên quan đến đường lối của đảng, được sự đồng thuận cao trong bộ Chính trị nên không ai dám động chạm đến. Điều này hoàn toàn phù hợp với nhận định của PGS-TS. Phạm Quý Thọ, một nhà phân tích chính sách từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư, khi cho rằng đó là hậu quả của thời kỳ “quản lý kinh tế yếu kém” của Việt Nam, với sự tác động của “tính chất chính trị”. Theo đó,“Việt Nam quan hệ với Venezuela rất nhiều theo ý thức hệ XHCN, tức là mang tính chất chính trị rất nhiều. Lúc đó, giá dầu khá cao nên người ta tính toán là nếu đầu tư vào Venezuela thì sẽ đạt được hai mục tiêu: một là chính trị, hai là yếu tố kinh tế”.

Dưới tựa đề "PVN 'ném' nghìn tỉ tại Venezuela: Ép bộ trưởng ký, 'phớt lờ' báo cáo Quốc hội" báo Thanh Niên (bit.ly/2HxROV3) cho hay, PVN không xin phép chủ trương đầu tư từ Quốc hội, phớt lờ ý kiến phản đối của các bộ, ngành; ném hàng trăm triệu USD qua cửa sổ, dù dự án chưa có một giọt dầu... Cụ thể, vào năm 2007, Chính phủ do ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng cho phép Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) do ông Đinh La Thăng đứng đầu, đầu tư vào Tổng công ty dầu khí Venezuela (thành viên của Công ty dầu khí quốc gia Venezuela). Một liên doanh sau đó được ra đời giữa PVN và Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela, gọi là “Dự án khai thác và nâng cấp dầu nặng lô Junin 2”, với tổng vốn đầu tư 12,4 tỷ USD. Trong đó liên doanh vay 60%, tương ứng 5,8 tỉ USD; 40% còn lại do các bên đóng góp, tương ứng 3,1 tỉ USD. Phía Việt Nam tham gia 40% với số vốn góp là 1,241 tỉ USD. Cộng với một khoản chi kỳ quái đáng ngờ gọi là “phí tham gia hợp đồng” (bonus) 584 triệu USD. Như vậy tổng số vốn của phía VN phải bỏ ra là 1,825 tỉ USD, tuy nhiên dự án này nửa đường đã bị đứt gánh.

Báo Tiền Phong ngày 22/11/2008 (bit.ly/2Ji9tTh) cho biết, trong chuyến thăm Venezuela tháng 11/2008 của Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, hai bên Việt Nam và Venezuela đã ký 15 Hiệp định, thoả thuận hợp tác. Trong đó có Hợp đồng giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc thiết lập liên doanh khai thác dầu khí công suất 200.000 thùng/ngày tại vành đai Orinoco thuộc Venezuela, nơi được coi là khu vực có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Điều đó cho thấy Dự án giữa 2 nhà nước được triển khai trước khi có Hiệp Định được ký.

Vẫn theo báo Thanh Niên, theo Nghị quyết số 49/2010/NQ-QH12 của Quốc hội (QH) khóa 12, dự án này phải được trình ra Quốc hội để cho chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, những người có trách nhiệm khi đó đã bất chấp ý kiến tham mưu của các bộ, ngành, không thực hiện đúng quy trình này. Và Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu tư khi đó là ông Võ Hồng Phúc, còn cho biết, lúc đó bản thân ông phải chịu những sức ép ghê gớm từ một số người, ép buộc ông phải ký Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án. Trong tình thế lưỡng nan ký thì sai luật, không ký thì đi ngược lại ý kiến chỉ đạo, ông buộc phải có văn bản báo cáo Bộ Chính trị.
Một câu hỏi được đặt ra là, PVN đầu tư vào Venezuela thua lỗ hàng chục nghìn tỷ trách nhiệm thuộc về ai?

Khi vụ việc PVN khai thác dầu khí tại Venezuela gây thất thoát lớn nóng lên, thì Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn đã xin từ chức. Được biết ông Sơn chính là người được Chủ tịch PVN Đinh La Thăng (giai đoạn 2008 - 2011) đưa về làm Tổng giám đốc PVEP (Tổng công ty khai thác thăm dò dầu khí). Việc ông Nguyễn Vũ Trường Sơn lại thoát tội trong đợt sóng gió tại PVN cũng như PVEP vừa qua, có thể cho thấy, việc C03 của Bộ Công An khởi động lại vụ án này phải chăng là muốn sờ tới những nhân vật cao cấp trong Bộ Chính trị thời đó vẫn chưa bị bại lộ? Chẳng hạn như: Nguyễn Minh Triết, Nông Đức Mạnh và Nguyễn Tấn Dũng...?

Điều này có vẻ phù hợp vời nhận định của tác giả Lưu Trọng Văn trong bài viết có tựa đề "Đột phá khẩu" khi cho rằng, "Có người cam đoan với gã vụ thất thoát cả tỷ đola tại Venezuela sẽ bị chìm xuồng. Gã thực sự cũng nghiêng ngả chả biết gửi thưa thế nào. Đã từ lâu giới thạo tin đều cho rằng vụ thất thoát khi đầu tư khai thác dầu khí ở Venezuela mới là thách thức lớn nhất cho những ai muốn tống cổ bọn tham nhũng ra đoạn đầu đài".

Có lẽ đây cũng là lý do báo Thanh Niên xoáy chặt vào lý do dự án này đã không được thông qua Quốc hội theo Nghị quyết số 49/2010/NQ-QH12 của Quốc hội khóa 12, và đổ lỗi cho Chính phủ tự ý mang tiền sang Venezuela đầu tư trái luật.

Nhìn lại cơ cấu Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X (2006-2011) thời kỳ đó, có 15 ủy viên chính thức gồm các ông: Nông Đức Mạnh (Tổng Bí thư), Lê Hồng Anh, Nguyễn Tấn Dũng (Thủ tướng), Nguyễn Minh Triết (Chủ tịch Nước), Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng (Chủ tịch Quốc Hội), Phạm Gia Khiêm, Phùng Quang Thanh, Trương Vĩnh Trọng, Lê Thanh Hải, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Văn Chi, Hồ Đức Việt, Phạm Quang Nghị, Tô Huy Rứa. Đó là giàn lãnh đạo được đánh giá là yếu kém về năng lực và có các chủ trương lớn mang tính chính trị bê bối nhất, mà Dự Án Bauxite Tây Nguyên là một ví dụ điển hình.

Nguyên tắc lãnh đạo của đảng CSVN là, tập thể lãnh đạo - cá nhân phụ trách. Điều đó cho thấy, khó có thể truy cứu trách nhiệm tập thể Bộ Chính trị - một cơ quan được cho là siêu quyền lực, vì nó sẽ động chạm đến nhiều lãnh đạo cao cấp đã nghỉ hưu. Hơn nữa, Dự án này được Bộ Chính trị giai đoạn đó bỏ phiếu thông qua, vì thế dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có quyết tâm chống tham nhũng cao đến đâu, cũng không dám công phá thành trì bất khả xâm phạm này. Và càng không thể truy cứu trách nhiệm của mỗi cá nhân, ngoại trừ có các bằng chứng rành rành họ nhận hối lộ. Đó là một điều không tưởng.

Do vậy việc một số cây bút vội vã đổ tội cho một số cá nhân, như ông Nguyễn Tấn Dũng, Nông Đức Mạnh, Hoàng Trung Hải, Đinh La Thăng... phải chịu trách nhiệm là hoàn toàn không có cơ sở. Vì trong dự án tại Venezuela, PVN chỉ thay mặt cho đảng và Nhà Nước làm nhiệm vụ chính trị chứ không phải dự án đơn thuần chỉ về kinh tế. Mà người có công chính thúc đẩy dự án mang tính chính trị này là nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, chứ không phải ai khác.

Điều này hoàn toàn đúng với nhận định của báo Tuổi trẻ khi cho rằng, "Ngay cả khi gọi là canh bạc, năng lực người chơi PVN còn thua xa các đối thủ dầu khí sừng sỏ từ Mỹ và các tay chơi khác. Và còn tệ hơn cả một canh bạc với xác suất thắng thua 50-50, cú đầu tư của PVN giống như một cuộc lao đầu tập thể vào lửa."

Nói tóm lại, cuộc lao đầu tập thể vào lửa của Bộ Chính trị đã gây thất thoát hơn hai chục nghìn tỷ VND, sẽ rất khó truy cứu trách nhiệm cho các cá nhân lãnh đạo cao cấp và sẽ không có ai phải chịu trách nhiệm. Có chăng là mấy con tép riu cỡ Đinh La Thăng trở xuống.
Vậy tại sao vụ việc PVN đầu tư khai thác dầu tại Venezuela lại được làm lớn chuyện um xùm như vậy vào lúc này?

Nếu biết rằng, việc xem xét nhân sự chủ chốt cho Đại hội 13 đang vào giai đoạn quyết liệt. Sức ép của tập thể cách mạng lão thành trong đảng hết sức bất bình, vì sự chỉ đạo chống tham nhũng không công bằng, thiếu triệt để của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cụ thể là chống tham nhũng mang tính chất phe nhóm, chỉ chống tham nhũng một bên và bỏ qua cho phe của mình.

Nhìn lại tỷ lệ bỏ phiếu kỷ luật Bí thư thường trực Thành Ủy TP. HCM Tất Thành Cang, có số phiếu không đồng tình tới 35% để thấy, không phải ông Trọng đang nắm thế thượng phong, muốn làm gì thì làm. Khuấy đảo lại "cuộc lao đầu tập thể vào lửa." khi đầu tư vào Venezuela làm thất thoát hàng chục nghìn tỷ là kế sách đổ dầu vào lửa và một mũi tên trúng hai đích.

Đích thứ nhất, ông Nguyễn Phú Trọng khi đó đang giữ chức Chủ tịch Quốc Hội, là người có thẩm quyền quyết định sự sống còn của những thương vụ mờ ám này thì không thể vô can. Vì với cương vị Chủ tịch Quốc Hội tại sao ông Trọng không kiên quyết yêu cầu phải thông qua Quốc hội?

Đích thứ 2, kích động lực lượng lãnh đạo cao cấp đã nghỉ hưu để chặn đường ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tái cử hai chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch Nước tại Đại hội đảng CSVN khóa XIII sẽ diễn ra vào đầu năm 2021.

Nguồn tin khả tín từ cán bộ cao cấp từ Hà Nội cho biết, sắp tới vụ án Ciputra (bit.ly/2Jj8tyg) liên quan đến sai phạm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thời còn là Bí thư Thành Ủy Hà Nội, gây thất thu thuế ba nghìn tỉ VND ở dự án này, rất có thể được tập thể lãnh đạo cao cấp đã nghỉ hưu yêu cầu Bộ Chính trị cho tái khởi động.

Ngày 17 tháng 3 năm 2019
© Kami

-------------------
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA




No comments: