Monday, December 17, 2018

PHÚC TRÌNH CHO THẤY NGA CAN THIỆP SÂU RỘNG VÀO BẦU CỬ MỸ (VOA Tiếng Việt)




VOA Tiếng Việt
18/12/2018

Sự can thiệp của Nga trên mạng xã hội vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016 diễn ra ở quy mô rộng hơn những gì mọi người nghĩ trước đây và bao gồm các nỗ lực chia rẽ người Mỹ về sắc tộc và lý tưởng cực đoan, hai phúc trình của các chuyên gia độc lập được các thượng nghị sỹ lưỡng đảng Mỹ công bố hôm 17/12 cho biết.

Cơ quan Nghiên cứu Internet của Chính phủ Nga có trụ sở ở St. Petersburg đã cố gắng tìm cách thao túng chính trị Mỹ, các phúc trình cho biết. Một phúc trình trong số này do các phân tích gia mạng xã hội New Knowledge thực hiệnmột phúc trình khác do một nhóm các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford làm việc với công ty phân tích Graphika.

Hai bản phúc trình này phần lớn đã xác nhận những phát hiện trước đó của cơ quan tình báo Mỹ nhưng cung cấp nhiều chi tiết hơn về các hoạt động của Nga đã diễn ra trong nhiều năm trước và vẫn tiếp diễn cho đến nay, bản phúc trình và các thượng nghị sỹ cho biết.

Chẳng hạn, một tổ chức dư luận viên tìm cách khuyến khích các ‘phong trào ly khai’ ở tiểu bang California và Texas, bản phúc trình của New Knowledge cho biết.

“Dữ liệu mới được công bố này đã chứng tỏ Nga đã quyết liệt tìm cách chia rẽ người Mỹ về sắc tộc, tôn giáo và lý tưởng,” ông Richard Burr, chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện và là người Đảng Cộng hòa, cho biết trong một thông cáo.

Nga đã tìm cách làm xói mòn lòng tin vào các thể chế dân chủ Mỹ và các hoạt động của họ vẫn chưa dừng lại. Ủy ban này đã thu thập dữ liệu từ các công ty mạng xã hội để cho các nhà phân tích độc lập sử dụng trong các nghiên cứu của họ.

Thượng nghị sỹ Mark Warner, thành viên cao cấp của Đảng Dân chủ trong ủy ban, nói rằng: “Những phúc trình này chứng tỏ phạm vi mà người Nga lợi dụng những sự chia rẽ trong xã hội để chia rẽ người Mỹ trong nỗ lực phá hoại và thao túng nền dân chủ của chúng ta.”

“Những hành vi tấn công này… là toàn diện, có tính toán và lan rộng hơn nhiều người suy nghĩ trước đây,” ông nói.

Phúc trình của Oxford/Graphika nói rằng người Nga đã lan truyền những ‘thông tin sai lệch, những giả thiết âm mưu, những thông tin rẻ tiền và những dạng tin tức chính trị rác rưởi đến với các cử tri thuộc các khuynh hướng chính trị khác nhau’.

Phúc trình của New Knowledge cho biết người Nga ‘đã thực hiện những chiến dịch chống Hillary Clinton toàn diện’ chẳng hạn như nỗ lực tổ chức người Hồi giáo tuần hành phản đối bà Clinton.

Theo bản phúc trình này cho biết các tin tặc Nga cũng nhắm vào các thượng nghị sỹ Cộng hòa như Ted Cruz, Marco Rubio, Lindsey Graham và cố thượng nghị sỹ John McCain, và cựu giám đốc FBI James Comey và công tố viên đặc biệt Robert Mueller và nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange.

Một bản phúc trình tình báo hồi tháng Giêng năm 2017 cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị một chiến dịch gây ảnh hưởng tinh vi để phỉ báng ứng viên Tổng thống bên đảng Dân chủ Hillary Clinton và ủng hộ cho ông Donald Trump.

------------------------------

SOHA
18/12/2018

Hai báo cáo mới được Thượng viện Mỹ công bố nói các nỗ lực gây ảnh hưởng của Nga "toàn diện hơn, có tính toán hơn và lan rộng hơn rất nhiều so với những gì từng được tiết lộ".

Sự can thiệp của Nga đối với cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 tại Mỹ trên mạng xã hội diễn ra với quy mô lớn hơn suy nghĩ trước đây, bao gồm các nỗ lực chia rẽ người Mỹ bằng chủng tộc và lý luận cực đoan, theo hai báo cáo được Thượng viện Mỹ công bố hôm 17/12.

Reuters đưa tin các báo cáo nói rằng công ty Internet Research Agency (IRA), có trụ sở tại St. Petersburg và liên quan đến chính phủ Nga, đã cố thao túng nền chính trị Mỹ. Chủ sở hữu của IRA là Yevgeny V. Prigozhin, doanh nhân có quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin và đã bị Mỹ truy tố với cáo buộc can thiệp bầu cử.

Các nỗ lực gây ảnh hưởng của Nga thậm chí đến nay vẫn đang diễn ra, theo nội dung báo cáo và các nhà lập pháp Mỹ.

"Các hoạt động can thiệp tích cực vẫn đang tiếp tục diễn ra trên một số nền tảng", một báo cáo cho hay. Báo cáo này là kết quả nghiên cứu của New Knowledge, một công ty an ninh mạng tại Texas, phối hợp với Đại học Columbia và công ty Canfield Research LLC. Báo cáo còn lại được đưa ra bởi Đại học Oxford vã hãng phân tích Graphika.

Doanh nhân Yevgeny V. Prigozhin (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một bữa tiệc tối vào năm 2011. Ảnh: Pool/New York Times.

Chẳng hạn, một "troll farm" (thuật ngữ chỉ tổ chức chuyên gây mâu thuẫn trên mạng bằng cách cố ý bình luận khiêu khích) của Nga đã cố thúc đẩy "phong trào ly khai" tại California và Texas, theo New Knowledge.

"Những dữ liệu mới được công bố này cho thấy Nga muốn chia rẽ người Mỹ bằng chủng tộc, tôn giáo và lý tưởng một cách quyết liệt ra sao", ông Richard Burr, chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, nói.

Ông cho rằng IRA đã nỗ lực làm xói mòn lòng tin vào các thể chế dân chủ Mỹ và các hoạt động của công ty này vẫn chưa dừng lại. 

Thượng nghị sĩ Mark Warner, thành viên hàng đầu của đảng Dân chủ trong ủy ban, nói: "Những báo cáo này cho thấy mức độ người Nga lợi dụng những rạn nứt trong xã hội chúng ta để gây chia rẽ người Mỹ, âm mưu phá hoại và thao túng nền dân chủ Mỹ".

"Những cuộc tấn công này... toàn diện hơn, có tính toán hơn và lan rộng hơn rất nhiều so với những gì từng được tiết lộ", ông nói.

Báo cáo của Oxford và Graphika nói Nga đã lan truyền "thuyết duy cảm, thuyết âm mưu và những loại tin tức chính trị lá cải và thông tin sai lệch khác đến các cử tri". Các "troll farm" của Nga đã kêu gọi người Mỹ gốc Phi tẩy chay cuộc bầu cử hoặc làm theo quy trình bỏ phiếu không đúng, đồng thời cũng cổ vũ các cử tri cánh hữu trở nên "hăng máu" hơn.

Báo cáo nói kể từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống năm 2016, các nhóm người Nga đã tung ra nhiều thông điệp kêu gọi người Mỹ gốc Mexico cũng như các nhóm cử tri gốc Latin khác nghi ngờ các thiết chế của Mỹ.

Trụ sở IRA tại thành phố St. Petersburg của Nga vào năm 2016. Ảnh: AP.

Trong khi đó, báo cáo của New Knowledge nói Nga đã tiến hành "các chiến dịch chống Hillary Clinton toàn diện", chẳng hạn như nỗ lực tổ chức cho người theo đạo Hồi biểu tình ủng hộ bà Clinton.

Báo cáo cũng nói tin tặc Nga đã tấn công các thượng nghị sĩ Cộng hòa như Ted Cruz, Marco Rubio, Lindsey Graham và John McCain, cũng như cựu giám đốc FBI James Comey, công tố viên đặc biệt Robert Mueller và nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange.

Hồi tháng 1/2017, tình báo Mỹ từng công bố báo cáo nói Tổng thống Nga Putin chỉ đạo một chiến dịch can thiệp tinh vi, bao gồm các cuộc tấn công mạng, để hạ bệ bà Clinton và ủng hộ ông Trump. Vấn đề này đang được điều tra bởi công tố viên đặc biệt Robert Mueller.
Điện Kremlin đã phủ nhận mọi cáo buộc về hành động can thiệp, trong khi Tổng thống Trump phủ nhận bất kỳ liên hệ nào giữa ban vận động tranh cử của ông và Nga.

------------------------

ZING
13:05 17/02/2018   *  ẢNH & VIDEO

Cáo trạng cho biết từ một văn phòng ở St. Petersburg, nhóm người Nga đưa lên mạng xã hội thông tin tác động đến cuộc bầu cử 2016 tại Mỹ theo hướng có lợi cho ông Donald Trump.

AFP cho hay Bộ Tư pháp Mỹ hôm 16/12 đã truy tố 13 người Nga và 3 công ty theo cáo trạng của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người phụ trách điều tra mối quan hệ giữa đội ngũ tranh cử của Tổng thống Donald Trump và Moscow trong cuộc bầu cử 2016.

Cáo trạng 37 trang hé lộ chi tiết về một chiến dịch lớn được tung ra vào năm 2014 nhằm gây chia rẽ xã hội Mỹ và ảnh hưởng đến chính trị Mỹ, "bao gồm cuộc bầu cử tổng thống 2016".

Công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Ảnh: New York Times.

Ông Mueller nói rằng cho đến giữa năm 2016, chiến dịch dưới dự chỉ đạo của Yevgeny Prigozhin, được cho là đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, tập trung vào việc đẩy mạnh hình ảnh ông Donald Trump đồng thời hạ bệ những đối thủ của ông bao gồm bà Hillary Clinton.

Theo cáo trạng, chiến dịch này có sự tham gia của hàng trăm người làm việc theo ca tại một văn phòng ở thành phố St. Petersburg, Nga, với ngân sách hàng triệu USD. Thành viên của nhóm này giả danh công dân Mỹ trên Facebook, Twitter, YouTube và Instagram, đăng tải nội dung "tiếp cận được những số lượng lớn người Mỹ".

Những nội dung này được chia sẻ bởi hai con trai lớn của tổng thống Mỹ, Donald Jr và Eric, cũng như các nhân sự cao cấp trong chiến dịch tranh cử và những người thân cận của ông Trump.

Ngoài ra, một vài người trong số 13 người bị truy tố được cho đã đến Mỹ để thu thập thông tin tình báo. Họ được chỉ đạo đi đến những "bang tím", tức những bang còn chưa phân định nghiêng về phe Dân chủ hay Cộng hòa trong cuộc bầu cử tại Mỹ.

Theo cáo trạng, nhóm người Nga đã tổ chức các cuộc tụ tập ủng hộ ông Trump tại Florida, New York và North Carolina. Tuy nhiên, phần lớn thời gian, nhóm tập trung vào việc sản xuất thông tin nhằm gây tổn hại cho Clinton và các đối thủ của ông Trump trong đảng Cộng hòa như Ted Cruz và Marco Rubio.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết cuộc điều tra của ông Mueller chưa kết thúc. Cáo trạng không đề cập đến việc hệ thống email của đảng Dân chủ bị tấn công cũng như việc liệu Tổng thống Trump có cố gắng ngăn cản quá trình điều tra của FBI hay không.

"Nga bắt đầu chiến dịch chống Mỹ từ năm 2014, rất lâu trước khi tôi tuyên bố tranh cử tổng thống", ông Trump viết trên Twitter sau thông tin từ Bộ Tư pháp. "Kết quả bầu cử không bị tác động. Chiến dịch Trump không làm gì sai - không có bất cứ sự cấu kết nào!".

Dù phủ nhận thông đồng với Moscow, tuyên bố của ông Trump mâu thuẫn với những phát ngôn trước đó của vị tổng thống, người nhiều lần bác bỏ việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Ông Prigozhin, vốn được biết đến là "đầu bếp" của Tổng thống Putin, điều hành công ty chuyên cung cấp thức ăn cho Điện Kremlin trong các buổi tiếp tân. Nhóm của ông bị báo cuộc mua các số an sinh xã hội và tài khoản ngân hàng Mỹ để tiến hành chiến dịch.

"Người Mỹ là những người dễ bị chi phối bởi cảm xúc. Họ nhìn thấy điều họ muốn thấy", hãng thông tấn RIA dẫn lời ông Prigozhin về vụ việc. "Tôi chả thấy buồn khi nằm trong danh sách. Nếu họ muốn thấy một con quỷ, cứ mặc họ".

---------------

ZING
10:44 14/02/2018 

Ba quan chức tình báo Mỹ cao cấp nhất ngày 13/2 xác nhận có bằng chứng việc Nga đang can thiệp kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ sẽ diễn ra trong năm nay.

“Chúng tôi phát hiện những hành động và ý đồ của Nga để gây tác động đối với kỳ bầu cử tới”, Giám đốc CIA Mike Pompeo phát biểu trước Uỷ ban Tình báo Thượng viện.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (DNI) Dan Coats cùng Đô đốc Mike Rogers, lãnh đạo Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), cũng thống nhất rằng việc can thiệp của Nga đang diễn ra. “Điều này sẽ không sớm thay đổi hay dừng lại”, ông Rogers nói.

Tuy nhiên, ba vị này không nêu rõ cụ thể là hoạt động gì, chỉ nói nó liên quan đến mặt trận thông tin.

Hồi tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khi trả lời Fox News cũng nói Mỹ đã phát hiện “một số hành vi nhất định” của Nga nhằm can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Bắc bán cầu, “bao gồm Mỹ trong năm nay”. 

Trước đó, cả ba cơ quan tình báo Mỹ đều khẳng định Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, dẫn tới cuộc điều tra của FBI về khả năng liên quan đến chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump. Cả Moscow và phía ông Trump đều phủ nhận những cáo buộc.

Thượng nghị sĩ Mark Warner của đảng Dân chủ, thành viên cấp cao của Uỷ ban Tình báo, nói dù đã hơn một năm nhưng Mỹ vẫn chưa có kế hoạch hoàn chỉnh để đối phó với những cuộc can thiệp từ nước ngoài. 

Ông cũng chỉ trích Tổng thống Trump vì không áp đặt thêm cấm vận với Nga. “Ông ấy cũng chẳng đăng bài nào trên Twitter thể hiện sự lo ngại”, Warner nói.






No comments: